Chia Sẻ Kinh Nghiệm Học & Thi ACCA Từ Anh Nguyễn Đức Thái

Là 1 trong 10 sinh viên xuất sắc nhất của ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2012, hiện đang công tác tại EY Việt Nam một trong bốn Big4 Làng Kiểm Toán Thế Giới. Vừa đi học vừa đi làm, vậy …

Là 1 trong 10 sinh viên xuất sắc nhất của ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2012, hiện đang công tác tại EY Việt Nam một trong bốn Big4 Làng Kiểm Toán Thế Giới. Vừa đi học vừa đi làm, vậy bí quyết nào để anh Nguyễn Đức Thái có thể hoàn thành xuất sắc công việc đồng thời theo đuổi thành công chương trình ACCA. Hãy cùng tìm hiểu nào…

Xin chào mọi người,

Tình cờ hôm nay mình được hỏi một số thắc mắc của các bạn học viên về việc học và thi ACCA giống như những gì mình đã trải qua nên mình xin viết bài chia sẻ một vài kinh nghiệm nhỏ về việc học và thi ACCA. Hi vọng bài viết sẽ cung cấp cho các bạn nhiều thông tin hữu ích và giúp các bạn phần nào trong việc thi ACCA cho các kỳ sắp tới.

Đầu tiên, việc học và thi các môn của ACCA với mình, văn hoa mà nói, cũng giống như một cuộc hành trình gian nan nhưng cũng rất vui và ý nghĩa. Nó đi từ sự hứng thú khi bắt đầu, sự vất vả khi đi học và ôn thi, sự thất vọng khi làm bài không theo ý muốn, nhưng rất may lại là một cái kết có hậu khi xem kết quả. Nhưng hơn thế, mỗi môn ACCA lại cho mình một cảm giác, kiến thức và kinh nghiệm khác nhau. Và mình xin khẳng định rằng, ACCA là một trong những khóa học giúp đỡ mình rất nhiều trong quá trình làm việc và tư duy thực tế. Một chương trình học mà bạn rất rất nên học trên con đường nghề nghiệp kế toán, kiểm toán và tài chính.

Mình cũng đã từng có thới gian suy nghĩ rằng ACCA là một bằng cấp rất khó để đạt được, hoặc là một chuẩn đầu ra Quốc tế cho nghề mà một người thuần “tiếng Việt” như mình sẽ khó có khả năng học được. Tuy nhiên, trong quá trình học và thi ACCA mình có rút ra được một số kinh nghiệm để biến những suy nghĩ “không thể” thành “có thể”:

Quy trình của mình gồm 6 giai đoạn bao gồm: Lên kế hoạch, học, ôn thi, làm đề, thi thật, và hậu thi. Đầu tiên, mình xin được bắt đầu với giai đoạn lên kế hoạch

1. Lên kế hoạch (thường từ tháng 9 cho kỳ tháng 12 và tháng 3 cho kỳ tháng 6)

Đây là giai đoạn mà các bạn phải lên kế hoạch thật chi tiết cho việc học, ôn thi và làm đề. Việc học thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11, 3 tuần đầu tháng 11 mình thường dùng để ôn lại và 1 tuần cuối mình dùng để luyện đề và trao đổi lại với giáo viên và bạn học những phần chưa rõ.

Bạn cũng cần lên chi tiết về mỗi ngày học bao nhiêu tiếng, học vào thời gian nào là dễ tiếp thu nhất cho bạn, và học cái gì trong khoảng thời gian đó. Kế hoạch càng chi tiết thì cơ hội đỗ của các bạn càng cao vì “Failing to plan is planning to fail” đấy :D.

 

2. Quá trình học (thường từ tháng 9 đến tháng 11 và từ tháng 3 đến tháng 5)

Bạn có thể tự học, học nhóm, hoặc đi học ở trung tâm nào đó vì nó phụ thuộc vào tính cách, điều kiện thời gian và điều kiện tài chính của bạn. Mình chọn cách đi học ở trung tâm vì tính mình thích sự tranh luận với giảng viên, các bạn học viên, từ đó học hỏi được tư duy và cách trình bày của họ để có thể nắm bài chắc hơn. Dù chọn hình thức nào thì bạn cũng nên duy trì việc học một cách thường xuyên như 1 tuần 2 đến 3 buổi, mỗi buổi từ 2 đến 3 tiếng. Có thể đặc thù công việc khiến bạn không thể theo đuổi việc học cố định một cách thường xuyên nhưng các bạn nhớ bổ sung khi có thể bằng cách nhờ thầy cô, bạn bè giảng lại hoặc tự bồi lại bằng các bài học online. Giai đoạn này các bạn cố tận dụng để tránh quên mặt chữ và giảm thiểu cho lúc ôn thi vì đây là lúc tâm trạng thoải mái, lượng kiến thức vào không bị ép nên dễ dàng tiếp thu hơn.

Bạn có thể lập nhóm trong giai đoạn này để trao đổi về những vấn đề mà bạn “nhức nhối”, nhóm thường là những người thi cùng bạn kỳ đó thì mọi người sẽ có một mối quan tâm chung và cùng nhau muốn giải quyết. Nhóm trong giai đoạn này chưa cần off mà thường là nhóm online như “Hội bại não vì F7” hay “Hội đọc 3 lần text mà không hiểu gì môn F8” trên facebook Tinh thần nhóm sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều trong quá trình ôn thi sau này, quá trình chờ kết quả, và thậm chí là an ủi bạn rất nhiều khi nhỡ chẳng may bạn ra đi ở môn nào đó. Căn bản mình cũng thích cái kiểu “chết một đống còn hơn sống một mình”.

Giai đoạn này mình chưa nhấn mạnh sự quan trọng của việc làm thử đề thi vì nó chưa thực sự hiệu quả, việc làm đề chỉ nên dừng lại ở từng câu đơn lẻ giúp áp dụng lý thuyết vào thực tế hoặc làm theo dạng bài liên quan đến những gì bạn học. Việc làm quá nhiều đề thi vào lúc này sẽ dễ dẫn đến tâm trạng chán nản khi ôn thi và làm đề vì toàn kiểu “Ơ cái này mình biết rồi, chỗ này quen thế, làm cái “bíp” gì nữa”.

3. Giai đoạn ôn thi (3 tuần đầu tháng 5 và 3 tuần đầu tháng 11)

Giai đoạn này bạn cần có sự tổng hợp kiến thức cho toàn bộ chương trình học, bạn phải sâu chuỗi được từng phần của một môn học vì mình tin chắc rằng hầu hết các chương trong một môn đều liên quan đến nhau và đã được nhà xuất bản khéo léo sắp xếp có hệ thống. Bạn cũng nên tập trung ôn tập lại chi tiết và kỹ càng hơn cho những phần quan trọng

mà bạn, bạn của bạn, giáo viên của bạn cho rằng phần đó không thể bỏ qua hoặc năm nay sẽ vào. Bạn đặt mức độ quan trọng cho từng phần và ôn theo thứ tự ưu tiên phần nào quan trọng hơn. Việc làm này giúp bạn tự tin hơn rất nhiều vì bạn có tâm lý “biết trước đề năm nay”. Tất nhiên để đề phòng rủi ro bạn cũng nên nhìn lại một chút phần mà bạn nghĩ là nó không quan trọng vì đời chẳng ai biết được chữ “NGỜ” cả, đặc biệt là mấy ông chỉ ăn, ngủ,  và ra đề ở tận bên UK xa xôi hẻo lánh đó.

Bạn cũng cần phải liệt kê hết các vấn đề gặp phải trong quá trình ôn thi và ngồi lại với các chiến hữu để cùng giải quyết. Đây là giai đoạn gia tăng tình cảm, gắn bó dài lâu vì mọi người đều nhìn nhau mà sống, mà chiến đấu cho một tương lai chung, cho những lời hứa hẹn ngọt ngào “nếu chị đỗ, nếu em đỗ, nếu tớ đỗ, nếu chúng ta cùng đỗ” và còn cả những tương lai u mờ “ nếu em lỡ may không đỗ”

Mình đặc biệt nhấn mạnh sự quan trọng của teamwork trong giai đoạn này vì nó giúp bạn tự giác hơn rất nhiều. Nhỡ chẳng may có ngủ quên thì cũng vì lời hứa ngọt ngào mà tỉnh dậy, nhỡ chẳng may chưa học đủ nhiều thì cũng có bạn bè nhắc nhở, hoăc nhìn thấy bạn bè giỏi mà thấy mình si đần thì cũng có khi phải mở quyển sách ra cho bằng chúng nó. Bạn có thể làm đề để tìm ra các vấn đề khi làm thực tế như việc quản lý thời gian, phân bổ nguồn lực, sai sót ngớ ngẩn nhưng nhớ để dành vài bộ tâm đắc cho bước đi cuối cùng nhé

4. Giai đoạn tự kỷ/ giai đoạn làm đề (tuần cuối trước khi thi)

Bạn cần có một không gian thoáng đãng, rộng rãi, trước mặt là 1 bộ đề thi đang úp, ngẩng lên là chiếc đồng hồ tròn tròn quen thuộc, bên cạnh là các thí sinh thân yêu và thậm chí là bật lên giai điệu của chiếc đài quen thuộc “The following rules on conduct apply to students …”

Mình nói đùa vậy chứ giai đoạn này quyết định rất nhiều đến sự thành bại của bạn trong kỳ thi, thường những người đi làm lấy giai đoạn này là giai đoạn then chốt trước mỗi môn thi, họ thường có một bước đi nhảy vọt qua 3 bước trên để đến với bước quan trọng nhất này và có thể tổ hợp cả 4 bước trong một tuần (gọi tắt là quy trình 4 trong 1) (Các bạn nên tránh làm theo những thành phần mặc underwear đỏ ngoài quần bò như thế này Giai đoạn này là giai đoạn ăn ACCA, ngủ ACCA, đánh răng ACCA, thậm chí còn rủ người yêu cùng “ACCA”.

Bạn cần cực kỳ tập trung làm đề và xem xét kỹ lại các vấn đề một lượt nữa trước khi chiến đấu, với các môn nhiều lý thuyết thì đây là khoảng thời gian lý tưởng để nhai lũ “definition” nếu bạn nhen nhóm ý tưởng “prize winner” trong đầu hoặc có thể là cứu bạn từ 49 lên 50.

Tuy nhiên đêm cuối trước ngày thi bạn cần cho đầu óc thư giãn nghỉ ngơi một chút tránh tình trạng căng thẳng quá mức. Tuy nhiên với các bạn chơi trò tổ hợp “4 trong 1” thì thôi cố nốt đi không trượt

Buổi sáng trước khi thi bạn cần làm một số công việc mang tính thủ tục cho tâm lý ổn định như “thắp hương cầu niềm tin”, thả chim để tạo phúc đức, chọn người tốt vía đón cổng, bước chân trái ra trước chân phải, chọn giờ hoàng đạo để xuất phát, bạn có thể làm 1 câu nào đó dễ dễ và đoán chắc sẽ vào để tạo hiệu ứng tâm lý sau này.

Bạn cũng cần chuẩn bị đủ về mặt vật chất như ăn các thức ăn bạn thích và tăng sự tập trung tỉnh táo, mình khuyên đừng ăn no quá tránh trường hợp vừa thi vừa ngủ chuẩn bị đầy đủ bút thước, đồng hồ, nước uống …

5. Giai đoạn làm bài thi

Đây là giai đoạn mang tính quyết định nhất của cả quá trình vì nếu bạn vượt qua bạn sẽ qua còn nếu không vượt qua bạn sẽ không vượt qua.

Bạn cần điền đúng và đủ thông tin cho answer sheet, tập thở và cầu nguyện để giảm căng thẳng, nháy mắt với mấy bạn nữ xinh xinh để tăng tính tương tác và có cảm giác đồng minh

Khi nhận đề bạn cần tận dụng tối đa 15 phút đọc đề để phân bổ thời gian cho từng câu và cũng để gạch hết những ý chính cho những câu mà bạn làm trước.

Bạn phải đảm bảo rằng bạn sẽ đi qua hết các câu trong đề mà không để trống câu nào và đánh đúng kiểu dễ trước khó sau. Sau khoảng thời gian nhất định mà bạn phân bổ nếu chưa nghĩ ra hoặc chưa làm xong, bạn cần nhảy ngay sang câu khác tránh xa lầy vào cạm bẫy của mấy ông UK nhằm tăng thu nhập cho hiệp hội.

Bài viết của bạn cần rõ ràng và viết đủ cấu trúc ngữ pháp (S+V+O), không viết các câu mang tính chất sai khiến hoặc các câu dạng đặc biệt như chương trình ngữ pháp tiếng Việt đã dậy kiểu:

“ – Advantage of ABC:

+ be easy

+ be excellent

+ …

– Conclusion: be fail

Các câu mà không chắc chắn hoặc không biết tí gì các bạn cũng cố dùng tư duy logic bình thường mà nghĩ ra cái gì đó để viết cho nó đầy trang, vì biết đâu, cảm xúc mà, giám khảo tốt bụng nào đó sẽ cứu bạn từ 49 lên 50 chỉ vì nó viết cũng “hơi hơi” có ý đúng nên cho nó 1đ. Hoặc “bài dài 30 trang thế này mà 49 thì phí quá”. Tất nhiên điều kỳ diệu đôi khi vẫn xảy ra và nhiều khi sự cố gắng của bạn sẽ giúp bạn thành Bạch Tuyết xinh đẹp.

6. Giai đoạn hậu thi

Giai đoạn này là giai đoạn khắc phục hậu quả sau những ngày thi căng thẳng, dù có làm được bài hay không thì bạn cũng vẫn rất xứng đáng được chơi bời và hẹn hò với đám chiến hữu ACCA để cùng ôn lại những kỷ niệm cho những ngày ôn thi căng thẳng và cùng

nhau hứa hẹn thêm cho một tương lai ở mùa sau

Trên đây là quy trình chuẩn mà tự mình đặt ra và quan sát thấy như thế là phù hợp.

Vì một số điều kiện và hoàn cảnh nên việc áp dụng quy trình trên đôi khi không được chuẩn và dễ xảy ra “2 trong 1, 3 trong 1, thậm chí là 4 trong 1”. Mình viết bài này với mong muốn chia sẻ cho mọi người một cách học và ôn thi ACCA và mong mọi người sẽ cố gắng hết mình trên con đường chinh phục em ấy.

Chúc mọi người thành công với những dự định và con đường sắp tới.

Thân ái,

Đức Thái


[FREE DOWNLOAD] TỪ ĐIỂN F3 ACCA 450 TỪ VỰNG KẾ TOÁN TÀI CHÍNHtừ điển F3 ACCA

 

 

CẬP NHẬT MỚI NHẤT

TIN TỨC LIÊN QUAN

logo logo

Công Ty Cổ Phần Giáo Dục SAPP

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0107516887

Ngày cấp: 26/07/2016.

Nơi cấp: Sở Kế Hoạch Đầu Tư Thành phố HN

Địa chỉ: Số 20B, Ngõ 37, Phố Đại Đồng, Phường Thanh Trì, Quận Hoàng Mai, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

Cơ sở 1: Tầng 8, Tòa nhà Đức Đại, số 54 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng Hà Nội.

Cơ sở 2: Tầng 2A, Tòa 27A2, chung cư Green Stars, số 234 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm.

Cơ sở 3: Lầu 1, số 2A Lương Hữu Khánh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1

0889 66 22 76 support@sapp.edu.vn Liên hệ hợp tác: marketing@sapp.edu.vn
DMCA.com Protection Status
CFA Institute does not endorse, promote, or warrant the accuracy or quality of the products or services offered by SAPP Academy. CFA®, Chartered Financial Analyst®, CFA Society® are trademarks owned by CFA Institute.
© 2021 Sapp.edu.vn. All Rights Reserved. Design web and SEO by
FAGO AGENCY