;

[Recap Sự Kiện] Cùng Đại Diện Bộ Tài Chính Tìm Hiểu Các Phương Pháp Tiếp Cận Và Một Số Tình Huống Ghi Nhận Doanh Thu Theo IFRS 15

Ngày 15/06/2022 vừa qua, sự kiện Expert talk với chủ đề “Phương pháp tiếp cận và một số tình huống ghi nhận doanh thu theo IFRS 15” do SAPP Academy tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp. Sự kiện đã thu hút hơn 250 nhân sự ngành kế - kiểm trên toàn quốc đăng ký tham dự.

 

Đến với sự kiện, nhiều nhân sự ngành kế - kiểm đã có cơ hội được lắng nghe những chia sẻ hết sức tâm huyết từ Ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý, Giám sát Kế toán, Kiểm toán, Bộ Tài Chính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kế toán, Kiểm toán Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Kế Toán Trưởng Toàn Quốc.

Mở đầu sự kiện, ông Nguyễn Đức Thái - ACCA member, hiện đang là giám đốc đào tạo tại SAPP Academy chia sẻ về những nỗ lực kết nối với các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước, những người mà ra chính sách và gửi lời cảm ơn tới các diễn giả cùng các khách tham dự. Tiếp nối thành công từ những sự kiện trước, sự kiện Expert talk với chủ đề “Phương pháp tiếp cận và một số tình huống ghi nhận doanh thu theo IFRS 15” kỳ vọng sẽ mang lại những kiến thức chuyên sâu về chuẩn mực kế toán IFRS 15 cho các nhân sự kế - kiểm.

1. Kỹ năng quan trọng nhất khi nghiên cứu chuẩn mực là gì? Tổng quan, phạm vi áp dụng cũng như các nguyên tắc cốt lõi trong quá trình áp dụng chuẩn mực IFRS số 15

Mở đầu sự kiện, ông Vinh nhấn mạnh yêu cầu cốt lõi của chuẩn mực chính là nằm ở phần kết của chuẩn mực, chúng ta phải hiểu được yêu cầu của chuẩn mực chúng ta trình bày cái gì? Cung cấp thông tin gì? Do đó đối với việc nghiên cứu chuẩn mực, ông Vinh khuyến nghị các nhân sự kế - kiểm cần tập trung nghiên cứu các yêu cầu về mặt trình bày và thuyết minh của chuẩn mực và phần kết của chuẩn mực, rồi sau mới đi đến những cái quy định khác của chuẩn mực. 

Ông Vinh chia sẻ thêm về phạm vi áp dụng của IFRS 15, đây là chuẩn mực doanh thu sẽ hướng đến việc hướng dẫn nhân sự kế - kiểm ghi nhận, trình bày, thuyết minh thông tin liên quan đến việc ghi nhận doanh thu của đơn vị và doanh thu này đòi hỏi các yếu tố đến từ 1 hợp đồng với khách hàng. Hợp đồng có thể là hợp đồng miệng hoặc bằng giấy nhưng phải có cam kết rõ ràng giữa 2 bên. 

Chuẩn mực doanh thu này sẽ không áp dụng cho trường hợp các hợp đồng thuê tài sản thuộc phạm vi IAS 17 bởi vì doanh thu từ hợp đồng thuê tài sản đã quy định chi tiết ở trong phạm vi của IAS 17 về hợp đồng thuê tài sản. Ở đây hợp đồng thuê tài sản là IAS 17 trước đây và giờ là IFRS 16. 

Tiêu chí nhận biết giao dịch đi thuê không áp dụng IFRS 15:

  • Nếu giao dịch đi thuê kéo dài hơn 1 năm;

  • Nếu khách đi thuê có quyền kiểm soát tài sản đi thuê thì doanh thu của bên cho thuê sẽ áp dụng IFRS 16. Ngược lại, nếu như chúng ta có hợp đồng thuê dưới 1 năm hoặc hợp đồng thuê mà khách đi thuê không kiểm soát được tài sản đi thuê thì doanh thu của bên cho thuê sẽ áp dụng IFRS 15. Nói cách khác ta áp dụng IFRS 15 khi 1 hợp đồng thuê là hợp đồng thuê dịch vụ chứ không phải là tài sản theo IFRS 16;

  • IFRS 15 không áp dụng với hợp đồng bảo hiểm thuộc phạm vi IFRS 4;

  • Các công cụ tài chính và các quyền hoặc nghĩa vụ hợp đồng khác thuộc phạm vi IAS 39 hoặc IFRS 9, IFRS 10, IFRS 11, IAS 27 và IAS 28;

  • Các trao đổi phi tiền tệ giữa các doanh nghiệp cùng ngành kinh doanh để thúc đẩy việc bán đến khách hàng.

Về nguyên tắc cốt lõi của IFRS 15, ông Vinh nhấn mạnh, các nhân sự kế - kiểm cần phải áp dụng chuẩn mực này cho các hợp đồng cung cấp hàng hóa hoặc là dịch vụ mà đối với khách hàng các hợp đồng này phải mang bản chất là giao dịch thương mại. Bởi vậy, các nguyên tắc tiếp cận, nguyên tắc cốt lõi của chuẩn mực IFRS yêu cầu chúng ta phải ghi nhận, trình bày doanh thu làm sao để có thể chúng ta lột tả được sự chuyển giao hàng hóa hoặc dịch vụ đã cam kết trong hợp đồng cho khách hàng và cái hàng hóa và dịch vụ được cam kết trong hợp đồng khi chuyển giao cho khách hàng tức là chúng ta đã thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết cho khách hàng. 

Lưu ý rằng hợp đồng và các điều khoản trong hợp đồng là căn cứ quan trọng để ghi nhận doanh thu, tuy nhiên người ta sẽ không căn cứ chỉ vào các cam kết để chúng ta ghi nhận doanh thu mà quan trọng hơn là chúng ta phải căn cứ vào vấn đề, tình hình thực hiện hợp đồng.

2. Các thuật ngữ cần lưu ý trong chuẩn mực IFRS 15

Ông Vinh chia sẻ, các thuật ngữ đáng chú ý nhất trong chuẩn mực này là tài sản hợp đồng, khoản phải thu và nợ phải trả hợp đồng:

  • Tài sản hợp đồng: thể hiện sự khác biệt về phương pháp tiếp cận giữa IFRS 15 và VAS 14. Ông Vinh đưa ra khái niệm về thuật ngữ này như sau: Tài sản hợp đồng là quyền của 1 đơn vị được hưởng khoản thanh toán nhận về từ việc trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ mà đơn vị đã chuyển giao cho khách hàng khi quyền đó phụ thuộc vào một điều kiện khác với thời gian trôi qua. Doanh nghiệp cần trình bày hợp đồng như là một “tài sản hợp đồng”, trừ khi được trình bày như là 1 khoản phải thu. Tài sản hợp đồng cần được kiểm tra về sự sụt giảm giá trị theo hướng dẫn của IFRS 9;

  • Khoản phải thu: là quyền vô điều kiện của 1 đơn vị được hưởng khoản thanh toán nhận về, nghĩa là chỉ yêu cầu chờ thời gian trôi qua trước khi khoản thanh toán đến hạn. Khoản phải thu được hạch toán theo IFRS 9;

  • Nợ phải trả hợp đồng: Nghĩa vụ của đơn vị phải chuyển giao hàng hóa hoặc dịch vụ cho 1 khách hàng mà đơn vị đã nhận khoản thanh toán nhận về từ khách hàng đó, nghĩa là 1 khách hàng thanh toán trước khi doanh nghiệp chuyển các hàng hóa hoặc dịch vụ, doanh nghiệp cần trình bày hợp đồng như 1 khoản “nợ phải trả hợp đồng” (thuật ngữ cũ: đặt cọc của khách hàng).

3. Chia sẻ thêm về 5 bước trong mô hình mới về ghi nhận doanh thu

Ông Vinh chia sẻ thêm về 5 bước trong mô hình mới về ghi nhận doanh thu, thay vì lý thuyết khô cứng, ông Vinh nhấn mạnh rằng trong sự kiện này ông sẽ đối thoại về cách thức vận dụng:

  • Bước 1: Xác định hợp đồng: không xác định được hợp đồng thì không hướng được việc chúng ta có được ghi nhận doanh thu hay không

  • Bước 2: Xác nhận các nghĩa vụ thực hiện (POs): xác định hợp đồng có bao nhiêu nghĩa vụ hay có tính chất thương mại hay không

  • Bước 3: Xác định giá giao dịch: đây là 1 bước cực kỳ phức tạp vì nó phụ thuộc vào cam kết mà chúng ta dành cho khách hàng. Tuy nhiên về mặt nguyên tắc giá giao dịch là giá quản trị của các khoản thanh toán mà chúng ta kỳ vọng được hưởng khi chúng ta chuyển giao hàng hóa hoặc dịch vụ cho khách hàng (không bao gồm thu hộ bên thứ 3). Giá của giao dịch có thể biến đổi hoặc cố định hoặc cả 2.

  • Bước 4: Phân bổ giá giao dịch cho các nghĩa vụ thực hiện (POs): Bởi vì 1 hợp đồng có nhiều nghĩa vụ nên việc phân bổ được căn cứ vào giá bán độc lập - SASP. 1 hợp đồng có thể gồm nhiều cấu phần, nhiều nghĩa vụ, mỗi nghĩa vụ có thể bao gồm 1 hoặc 1 số các hàng hóa hoặc dịch vụ đơn lẻ. Do đó chúng ta phải phân bổ tổng giá trị của hợp đồng này cho từng nghĩa vụ đơn lẻ.

  • Bước 5: Ghi nhận doanh thu khi POs được đáp ứng: chi có 2 cách đó là doanh thu ghi nhận tại 1 thời điểm hoặc doanh thu ghi nhận theo 1 thời kỳ.

Về nguyên tắc cốt lõi trong mô hình này, ông Vinh nhấn mạnh chúng ta phải miêu tả sự chuyển giao quyền kiểm soát các hàng hóa hoặc dịch vụ đến khách hàng với 1 giá trị phản ánh khoản thanh toán.

4. Những lưu ý quan trọng của các ưu đãi dành cho khách hàng

Đối với phần ưu đãi dành cho khách hàng, ông Vinh đã đưa ra các tình huống cụ thể, phân tích chuyên sâu và rút ra những lưu ý quan trọng sau:

  • Các phiếu mua hàng giảm giá đáng kể được tặng khi mua hàng (PWP): Trong trường hợp tích điểm hoặc khách hàng mua hàng hóa nhận được phiếu giảm giá trong lần mua sau thì khi bán hàng hóa, sản phẩm đầu tiên mà thu được tiền thì chúng ta không được phép ghi nhận doanh thu đối với toàn bộ số tiền chúng ta thu được;

  • Giảm giá, tặng sản phẩm cho khách hàng sau đó: Trong trường hợp chúng ta tặng sản phẩm cho khách hàng thì bản chất là chúng ta sẽ lấy một phần giá trị mà chúng ta bán để bù đắp cho giá trị mà chúng ta đã tặng. Chúng ta sẽ ghi nhận doanh thu đối với mỗi sản phẩm chúng ta bán;

  • Quyền trả hàng: phát sinh khi khoản thanh toán biến đổi với nguyên tắc chung là không có khoản hoàn nhập đáng kể của doanh thu;

  • Phương thức bán thông qua tỷ lệ với thỏa thuận ký gửi: Doanh thu cần được ghi nhận khi 1 hàng hóa hoặc dịch vụ được chuyển giao cho khách hàng hoặc khách hàng thu được quyền kiểm soát hay họ có khả năng điều khiển cách sử dụng và nhận được lợi ích từ hàng hóa và dịch vụ.

Ông Vinh chia sẻ thêm, các điều chỉnh đối với 1 hợp đồng là 1 phụ lục của hợp đồng và các tiêu chí đối với điều chỉnh điều khoản hợp đồng, 1 khoản điều chỉnh hợp đồng phải được kế toán như là 1 hợp đồng riêng biệt:

  • Phạm vi hợp đồng thay đổi bởi vì các hàng hóa hoặc các dịch vụ khác biệt bổ sung được cam kết;

  • Khoản tăng trong giá trị hợp đồng phản ánh giá bán độc lập của các hàng hóa dịch vụ bổ sung được cam kết.

 

Kết thúc phần chia sẻ của diễn giả, các khách tham dự cùng với diễn giả đã thảo luận sôi nổi với nhiều chủ đề xung quanh những khó khăn, thách thức và các tình huống ghi nhận doanh thu cụ thể, trường hợp áp dụng IFRS 15. Sự kiện đã diễn ra thành công tốt đẹp trong suốt 2 tiếng rưỡi dưới sự phối hợp của các nhân sự tại SAPP cùng sự dẫn dắt của Ông Nguyễn Đức Thái - ACCA member, hiện đang là giám đốc đào tạo tại SAPP Academy. 

Lời cuối, SAPP xin gửi lời cảm ơn chân thành tới diễn giả Trịnh Đức Vinh cùng anh chị đã đồng hành và ủng hộ để tạo nên một buổi Expert Talk thành công rực rỡ! Mong rằng SAPP sẽ tiếp tục có được sự đồng hành của anh chị trong những sự kiện sắp tới.

 

 

CẬP NHẬT MỚI NHẤT

TIN TỨC LIÊN QUAN

logo logo

Công Ty Cổ Phần Giáo Dục SAPP

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0107516887

Ngày cấp: 26/07/2016.

Nơi cấp: Sở Kế Hoạch Đầu Tư Thành phố HN

Địa chỉ: Số 20B, Ngõ 37, Phố Đại Đồng, Phường Thanh Trì, Quận Hoàng Mai, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

Cơ sở 1: Tầng 8, Tòa nhà Đức Đại, số 54 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng Hà Nội.

Cơ sở 2: Tầng 2A, Tòa 27A2, chung cư Green Stars, số 234 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm.

Cơ sở 3: Lầu 1, số 2A Lương Hữu Khánh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1

0889 66 22 76 support@sapp.edu.vn Liên hệ hợp tác: marketing@sapp.edu.vn
DMCA.com Protection Status
CFA Institute does not endorse, promote, or warrant the accuracy or quality of the products or services offered by SAPP Academy. CFA®, Chartered Financial Analyst®, CFA Society® are trademarks owned by CFA Institute.
© 2021 Sapp.edu.vn. All Rights Reserved. Design web and SEO by
FAGO AGENCY