;

Thủ Tục Kiểm Toán Phần Hành Nợ Phải Trả – Thành Công Từ Bút Toán Điều Chỉnh Đầu Đời

“Bút toán này nguy hiểm nhỉ!” “Nguy hiểm là như thế nào hả chị?” Chị không nói nữa mà mỉm cười rất tươi. Ở đâu đó trong nụ cười ấy có sự hài lòng, hoặc sự cảm thông gì đó với một …

“Bút toán này nguy hiểm nhỉ!” “Nguy hiểm là như thế nào hả chị?” Chị không nói nữa mà mỉm cười rất tươi. Ở đâu đó trong nụ cười ấy có sự hài lòng, hoặc sự cảm thông gì đó với một đứa mới đi làm như tôi.

Job “Xịn”

Đầu tiên phải nhắc đến là quả ăn ở thì trên cả tuyệt vời. Sếp đồng ý cho chúng tôi ở tại một khách sạn 3 sao, có ăn sáng với cái giá 500 ngàn một đêm. Với một đứa mới ra trường cùng đồng lương ít ỏi thì đó quả là điều “thật thung thướng”. Trưa đi ăn với khách hàng thì toàn mâm cao cỗ đầy lại còn nhiều đạm. Lúc đấy sướng lắm. Cứ nghĩ đến mấy bữa ăn 20 ngàn thời sinh viên mà muốn rơi nước mắt. Ai ngờ rằng sau này có nguy cơ bị Gout vì Axit Uric quá cao. Cơ mà lúc đó nghĩ gì đâu, cứ ăn cho sướng đã.

Senior Siêu Cute

Đây là đã là job thứ 5.  Lần này, tôi được giao 04 phần hành trong đó có phần Phải trả (AP). Phần này tôi chưa làm bao giờ nên khá lo lắng. Nhưng tôi cũng khá vui vì mình được tin tưởng giao phần hành “khó nhằn”. Trong đầu tôi là hàng đống những lý thuyết. Nào là hệ thống kiểm soát nội bộ, phân công, phân nhiệm. Nào là những thủ tục kiểm toán đặc thù riêng cho phần này. Khách hàng của tôi chuyên về sản xuất xi măng nên có rất nhiều các giao dịch mua hàng. Trong khi đó hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp lại đang được đánh giá là chưa tốt. Thiết nghĩ quả này  ăn “no đòn” vì “vouching chứng từ”.

Những cái sướng của job này là chị Trưởng nhóm (Senior) siêu cute. Biết tôi làm phần hành này lần đầu nên chị cứ động viên là đừng lo. Chị còn dành cả buổi sáng để nói về cái tôi cần phải làm cho cả một tuần sắp tới. Đại ý của những gì chị dạy như sau:

“Phần AP là một phần phức tạp. Đặc biệt là trong doanh nghiệp chuyên về sản xuất và hệ thống kiểm soát nội bộ không tốt. Đặc thù doanh nghiệp là nhà nước nên nhiều cái anh chị hay làm sai lắm. Các anh chị ở đây hay sửa sổ sau khi xuất. Vì thế em nhớ xử lý sổ và đối chiếu cho cẩn thận trước khi làm. Tránh trường hợp hì hụi làm rồi đến lúc cuối khách hàng đổi sổ thì vui phải biết.

thu-tuc-kiem-toan-phan-hanh-no-phai-tra

  • Đối chiếu số dư: “Em ra hỏi mượn chị kế toán về sổ chi tiết theo đối tượng (sub ledger). Sau đó mang về đối chiếu với sổ cái (general ledger) xem có khớp không. Em cũng nên đối chiếu xem số dư trên sổ cái và trên bảng cân đối phát sinh (trial balance) xem có lệch gì hay không. Kế toán hay sửa nên cũng không biết được em ạ!” Nói thật là đến lúc làm tôi cũng hơi nản. Công ty có đến hàng trăm nhà cung cấp nên nhìn cái sổ chi tiết cứ dài dằng dặc. Cũng may vì là job thứ 05 rồi nên trong tay cũng có chút võ về Excel. Bằng một số hàm đơn giản như sumif, sumifs tôi hoàn toàn có thể đối chiếu một cách trọn vẹn thủ tục này.
  • Gửi thư xác nhận: “Chị thấy họ có nhiều khách hàng nên thủ tục này hơi chân tay đấy em ạ. Em có biết làm mail merge không? Nếu không thì em xin khách hàng file excel về thông tin cá nhân của họ rồi chị dậy cho nhé. Đừng có viết tay không là đến tối cũng không xong đâu. Việc chọn mẫu thì phải dựa cả trên số dư và giao dịch em ạ. Có những “thằng” số dư bằng không nhưng mình vẫn phải chọn để gửi vì trong năm có nhiều giao dịch lớn. Vì là phần phải trả nên khách hàng thường có rủi ro giấu nợ. Em nhớ phải follow kỹ cho chị phần này. Em nhớ là chính tay em phải là người gửi. Và nhất định phải gửi về địa chỉ của Kiểm toán mình nhé.”
  • Đánh giá lại số dư có gốc ngoại tệ: “Công ty này là một khách hàng khá lớn trong ngành xi măng. Hơn nữa, doanh nghiệp có nhiều các giao dịch mua hàng ngoại tệ. Vì thế mà không thể tránh khỏi có số dư ngoại tệ. Phần này đánh giá tương tự phần tiền nên cũng không phức tạp lắm. Em cứ lấy số dư bằng USD của nó sau đó nhân với tỷ giá quy đổi. Lấy kết quả so sánh với số họ quy đổi xem có sai sót gì không. Nếu có sai sót thì nó có  trọng yếu không em nhé.”
  • Kiểm tra tính ghi nhận đúng kỳ: “Phần này em lấy sổ cái (GL) của họ trước và sau ngày 31 tháng 12 rồi phỏng vấn họ xem thường bao nhiêu lâu kể từ lúc họ giao hàng cho đến lúc họ nhận được chúng từ rồi đưa vào sổ. Rủi ro là có thể họ giao hàng năm trước nhưng đến mãi năm sau mới ghi. Hoặc có thể họ nhận được chứng từ và ghi vào sổ rồi nhưng mãi chưa giao hàng. Cái em cần kiểm tra là ngày tháng trên biên bản bàn giao và ngày tháng trên sổ kế toán, nếu thấy 02 ngày đó ở 02 kỳ kế toán khác nhau thì chắc chắn họ bị dính lỗi này em ạ.”
  • Tìm ra những khoản nợ chưa được ghi nhận: “Vì thời điểm mình vào là thời điểm vừa mới đóng sổ kế toán nên có thể có những hóa đơn về muộn mà họ vẫn chưa kịp ghi nhận lên sổ. Hoặc cũng có những hóa đơn chưa về mà họ quên không trích trước chi phí. Vì thế nên em xem hộ chị xem có chi phí nào phát sinh thường xuyên mà đến tháng 12 em thấy họ chưa đưa lên sổ không. Em dựa vào phần ngày tháng và diễn giải để lọc ra những “thằng” như thế. Sau đó đi hỏi kế toán xem hóa đơn đâu, hóa đơn về rồi thì chị ghi nhận chưa. Hoặc em có thể khéo léo ra gần chỗ kế toán xem họ có để cái hóa đơn nào quanh đó không nhé. Chị nghĩ những hóa đơn quanh họ có khi từ năm trước mà họ chưa thèm ghi nhận đâu”.

Hạnh Phúc Vỡ Òa

Những lời chị dạy quả đúng là uyên thâm. Tôi nhìn đống hợp đồng thì có thấy Công ty sẽ nhận được một lô than vào ngày 14 tháng 12. Nhưng khổ nỗi, dùng đủ các công cụ tìm kiếm Excel mà cũng không tài nào tìm ra được việc đống than này đã được hạch toán công nợ hay chưa.

Sau khi tìm thấy hóa đơn và biên bản bàn giao có ngày lập đều là trước 31 tháng 12 tôi thấy cảm xúc thật khó tả. Tôi chắc mẩm trong bụng và thầm sướng về việc một bút toán điều chỉnh đầu đời trị giá “hàng tỷ” sẽ được đưa ra. Nhưng mặt khác lại cảm thấy không tự tin lắm vào một bút toán như vậy khi mình còn quá non với nghề. Tôi dở đi dở lại cuốn Kiểm toán tài chính để xem xét kỹ vấn đề gặp phải. Rồi hỏi đến 2 bạn rất siêu nữa mới dám nói chuyện với chị Senior.

Và đúng thật. Không thể tin được. Bút toán của tôi là một trong những bút toán được đem ra nói chuyện với khách hàng. Tôi đem nó đi khoe với rất nhiều người. Thậm chí tôi còn đánh dấu vào cuốn sổ của mình như 1 trong 10 sự kiện nổi bật của năm.

Kỷ Niệm Nhớ Mãi

Sau này khi tôi lớn hơn, khi tôi có nhiều bút toán điều chỉnh hơn vì tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn nhưng tôi cũng không thể có lại cảm xúc giống như những gì tôi đã trải qua ở lần đầu tiên. Thực sự bút toán với nhiều sự hồn nhiên ấy luôn đem lại cho tôi nhiều cảm xúc hơn tất cả. Nó đi với tôi suốt khoảng một thời gian dài cho đến tận bây giờ khi tôi đã lên làm 1 Senior. Và thi thoảng, khi có cơ hội được nói chuyện với ai đó về điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi làm kiểm toán tôi luôn đem “Bút toán đầu đời” ra kể như một chiến tích giúp tôi trụ vững với nghề sau bao mùa bận.

>>> Xem thêm:


[FREE DOWNLOAD] TUYỂN TẬP KINH NGHIỆM 10 PHẦN HÀNH KIỂM TOÁN CƠ BẢN

[Free Download] Tuyển Tập Kinh Nghiệm 10 Phần Hành Kiểm Toán

 

CẬP NHẬT MỚI NHẤT

TIN TỨC LIÊN QUAN

logo logo

Công Ty Cổ Phần Giáo Dục SAPP

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0107516887

Ngày cấp: 26/07/2016.

Nơi cấp: Sở Kế Hoạch Đầu Tư Thành phố HN

Địa chỉ: Số 20B, Ngõ 37, Phố Đại Đồng, Phường Thanh Trì, Quận Hoàng Mai, Thành Phố Hà Nội, Việt Nam

Cơ sở 1: Tầng 8, Tòa nhà Đức Đại, số 54 Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng Hà Nội.

Cơ sở 2: Tầng 2A, Tòa 27A2, chung cư Green Stars, số 234 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm.

Cơ sở 3: Lầu 1, số 2A Lương Hữu Khánh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1

0889 66 22 76 support@sapp.edu.vn Liên hệ hợp tác: marketing@sapp.edu.vn
DMCA.com Protection Status
CFA Institute does not endorse, promote, or warrant the accuracy or quality of the products or services offered by SAPP Academy. CFA®, Chartered Financial Analyst®, CFA Society® are trademarks owned by CFA Institute.
© 2021 Sapp.edu.vn. All Rights Reserved. Design web and SEO by
FAGO AGENCY