Ngân Hàng Đầu Tư Là Gì? Chức Năng, Nghiệp Vụ Và Chứng Chỉ Chuyên Môn Cần Có
Thực tế cho thấy, ngân hàng đầu tư là một trong những chủ thể quan trọng trong hoạt động của thị trường vốn. Việc phát triển mô hình ngân hàng đầu tư là điều tất yếu của một nền kinh tế. Sự phát triển này càng có ý nghĩa hơn khi được nhân rộng tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Vậy ngân hàng đầu tư là gì? Chức năng, nghiệp vụ và chứng chỉ chuyên môn nào mà người làm ngân hàng đầu tư cần có? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
1. Ngân hàng đầu tư là gì?
Ngân hàng đầu tư (Investment Bank) là ngân hàng chuyên hoạt động trên thị trường vốn – thị trường tài chính trung và dài hạn. Ngân hàng đầu tư xuất hiện với vai trò giúp các doanh nghiệp và nhà nước huy động vốn trung và dài hạn thông qua phát hành chứng khoán.
Ngân hàng đầu tư cũng là tổ chức đứng giữa các chủ thể cung và cầu vốn, giúp cho cung và cầu vốn có thể gặp nhau dễ dàng hơn. Do đó ngân hàng đầu tư còn được gọi là định chế tài chính bán trung gian.
Đặc điểm của ngân hàng đầu tư là gì?
- Chuyên tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán và cho vay trung và dài hạn thông qua chứng khoán. Đa phần nguồn vốn của ngân hàng đầu tư đến từ việc huy động bằng cách phát hành các trái phiếu trung dài hạn.
- Ngân hàng đầu tư đã mở rộng các loại hình nghiệp vụ sang các lĩnh vực khác và trở thành một định chế tài chính kinh doanh đa dạng (như: Nghiệp vụ đầu tư, nghiên cứu…).
- Ngân hàng đầu tư không nhiều chi nhánh vì không nhận tiền gửi của công chúng.
- Cần đội ngũ chuyên viên giỏi về giám định, thẩm định, kế toán…
Như vậy, về cơ bản có thể xem ngân hàng đầu tư giống công ty chứng khoán nhưng có mức độ phát triển cao hơn với các loại nghiệp vụ phức tạp hơn.
Hiện nay tại Việt Nam đã có ngân hàng đầu tư hay chưa?
-> Ngân hàng đầu tư nổi bật nhất Việt Nam là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV.
Ngoài ra, nếu xét về bản chất thì hoạt động của các Công ty Chứng Khoán cũng giống như các ngân hàng đầu tư nhưng ở mức độ kém phát triển hơn về sản phẩm, dịch vụ. Theo quy định hiện nay các ngân hàng thương mại không được phép thực hiện các hoạt động của công ty chứng khoán nếu chưa được sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước, do vậy hiện nay các ngân hàng thương mại thường thành lập các công ty con là công ty chứng khoán.
Xem thêm: Chứng khoán là gì? Có nên đầu tư chứng khoán vào thời điểm này hay không?
2. Chức năng của ngân hàng đầu tư
Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của ngành tài chính thì ngân hàng đầu tư đóng vai trò là một định chế tài chính quan trọng của nền kinh tế hoạt động trên thị trường vốn:
- Chức năng nhà môi giới: Kết nối người mua và người bán trên thị trường vốn lại với nhau. Với chức năng này, ngân hàng đầu tư có nhiệm vụ tìm kiếm thông tin nhằm chắp nối người bán và người mua, qua đó sẽ nhận được một khoản phí tùy thuộc vào mức độ khó khăn của việc kết nối và sự cố gắng của ngân hàng.
- Chức năng nhà đầu tư và nhà tạo lập thị trường: Ngân hàng đầu tư thực hiện chuyển giao sản phẩm đầu tư từ người bán sang người mua, cho vay sang người đi vay bằng việc ngân hàng sẽ mua tài sản đó từ người bán và bán lại cho người mua (hoặc ngược lại).
- Chức năng nhận ủy thác: Ngân hàng đầu tư có thể tham gia dưới hai hình thức, đó là: Thay mặt khách hàng thực hiện các giao dịch do khách hàng quyết định và quản lý đầu tư.
- Chức năng nhà tư vấn: Tư vấn chứng khoán, cổ phần hóa, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, tư vấn chiến lược, thành lập liên minh, liên doanh.
3. Các nghiệp vụ của ngân hàng đầu tư
Các nghiệp vụ của ngân hàng đầu tư bao gồm:
- Nghiệp vụ ngân hàng đầu tư: Nghiệp vụ ngân hàng đầu tư truyền thống bao gồm dịch vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán cho khách hàng, do đó có thể coi là nghiệp vụ trên thị trường sơ cấp. Sau đó nghiệp vụ này dần được mở rộng ra bao gồm tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A), tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp.
- Nghiệp vụ đầu tư: Chủ yếu diễn ra trên thị trường thứ cấp. Nghiệp vụ đầu tư bao gồm môi giới và đầu tư. Nghiệp vụ môi giới chủ yếu được áp dụng cho các sản phẩm chứng khoán niêm yết, trong đó ngân hàng đầu tư đóng vai trò trung gian nhận lệnh và khớp lệnh cho các khách hàng. Đầu tư bao gồm nghiệp vụ đầu tư cho khách hàng với chức năng tạo thanh khoản thị trường mà ở đó ngân hàng đầu tư đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường và nghiệp vụ tự doanh với mục tiêu đầu cơ biến động giá chứng khoán.
- Nghiệp vụ nghiên cứu: Nghiệp vụ nghiên cứu được thực hiện bởi các nhân viên nghiên cứu nhằm theo dõi tình hình hoạt động của các loại chứng khoán trên thị trường giúp các nhà đầu tư có thể ra được các quyết định mua bán của mình một cách linh hoạt kịp thời.
- Nghiệp vụ ngân hàng bán buôn: Nghiệp vụ ngân hàng bán buôn là một loại nghiệp vụ đầu tư song có đối tượng chủ yếu là các sản phẩm thay thế. Các sản phẩm thay thế được hiểu là các sản phẩm đầu tư không phải là các sản phẩm truyền thống (cổ phiếu và trái phiếu), bao gồm đầu tư bất động sản, cho vay sử dụng đòn bẩy tài chính, các thỏa thuận tín dụng lớn như cho vay đồng tài trợ và tài trợ dự án.
4. Chứng chỉ cần có của người làm ngân hàng đầu tư
Chứng chỉ CFA là một chứng chỉ được nhiều người làm Ngân hàng đầu tư theo đuổi và đây cũng là một trong những tiêu chuẩn cho sự thăng tiến trong Ngân hàng đầu tư. Để trở thành CFA Charterholder yêu cầu bạn phải vượt qua 3 cấp độ kỳ thi và sở hữu 4 năm kinh nghiệm làm việc đủ tiêu chuẩn.
Có hai lợi thế lớn khi theo đuổi CFA đối với một người làm ngân hàng đầu tư:
- Kiến thức đầu tư chuyên sâu và thực tiễn – Chương trình giảng dạy của CFA rất đầy đủ và chi tiết, bao gồm các khái niệm từ cơ bản đến nâng cao về tài chính đầu tư. CFA đi từ những điều cơ bản về các loại sản phẩm tài chính là gì, thị trường tài chính hoạt động như thế nào, các công cụ tài chính được định giá như thế nào, cơ bản về quản lý tài sản và nhiều kiến thức hữu ích khác. CFA tập trung vào các loại kỹ năng xử lý số liệu cần thiết nhất trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư.
Sự kỹ lưỡng toàn diện của CFA rất phù hợp với nhu cầu của về kỹ năng trong ngân hàng đầu tư. Bên cạnh đó, giáo trình CFA được cập nhật thường xuyên để luôn phù hợp với xu hướng của ngành, điều này có lợi cho ứng viên CFA trong môi trường có nhịp độ nhanh như ngân hàng đầu tư.
- Tính kiên trì và cam kết với nghề nghiệp – CFA được đánh giá là một trong những kỳ thi khó nhất thế giới. Tỷ lệ đỗ từ 43-54% và chính vì độ khó này, các doanh nghiệp thường lấy CFA làm tiêu chuẩn trong khâu tuyển dụng và thăng chức nhân viên.
Kỳ thi CFA yêu cầu sự đầu tư lớn thời gian học và ôn thi, và điều đó không hề đơn giản. Hầu hết các ứng viên cho biết việc học kéo dài trung bình 300 giờ mỗi cấp độ. Ngân hàng đầu tư là một môi trường đòi hỏi sự cống hiến mạnh mẽ, tính kiên trì, cam kết, đạo đức nghề nghiệp, do đó, việc sở hữu chứng chỉ CFA sẽ giúp các ứng viên trở nên đáng tin cậy đối với công ty và khách hàng.
Đọc thêm: 3 Lý Do Khiến Chứng Chỉ CFA Giúp Sinh Viên Tài Chính Xin Việc Thành Công
5. CFA có thực sự tăng cơ hội xin việc vào ngân hàng đầu tư không?
Chắc hẳn nhiều bạn vẫn còn băn khoăn, lo ngại rằng chứng chỉ CFA có thực sự tăng cơ hội xin việc vào ngân hàng đầu tư không.
- Thứ nhất, học CFA, kiến thức nền tảng về tài chính-ngân hàng của bạn sẽ rất vững vàng. Kinh nghiệm thực tế của một ứng viên Ngân hàng cho biết: Khi thi tuyển Liên Việt post Bank khối nguồn vốn – vị trí Kinh doanh trái phiếu, các câu hỏi tự luận, trắc nghiệm gần như 100% đều là kiến thức căn bản về trái phiếu học trong CFA như par value, clean price, dirty price… Có thể thấy các môn học của CFA đều bổ trợ rất nhiều cho phần thi nghiệp vụ vào ngân hàng đầu tư của bạn.
- Thứ hai, CFA hiện là một trong những điều kiện để các ứng viên có thể gia nhập vào các bộ phận quan trọng tại Ngân hàng. Ở Việt Nam, nếu bạn có CFA, nơi ứng dụng được nó nhiều nhất là phòng Đầu tư tại hội sở của các Ngân hàng hoặc khối nguồn vốn, thậm chí là các vị trí thẩm định và quan hệ khách hàng.
- Thứ ba, CFA là chứng chỉ có ROI (Return On Investment – tỷ suất hoàn vốn) tốt nhất trong các chương trình giáo dục về tài chính, vì tổng chi phí cứng của chương trình trên cả 3 cấp độ chỉ vài nghìn đô la, thấp hơn rất nhiều so với bằng MBA (bằng thạc sĩ về quản trị kinh doanh). Đổi lại, những ứng viên thành công đạt được CFA Charter có thể mong đợi một sự gia tăng đáng kể về thu nhập trong quãng sự nghiệp của họ. Ở Việt Nam, nếu sở hữu chứng chỉ CFA, mức lương trung bình hàng năm của bạn rơi vào khoảng 430.000.000đ (Theo Salary Expert)
Lời kết
Làm việc tại ngân hàng đầu tư là một nghề cực kỳ hấp dẫn với tiềm năng thu nhập đáng kể. Bây giờ bạn đã hiểu rõ hơn về ngân hàng đầu tư – chức năng nghiệp vụ và chứng chỉ chuyên môn cần có. Trước hàng trăm sự lựa chọn khác nhau, nhiều ứng viên đã tìm đến chứng chỉ CFA như là một điểm khởi đầu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và tạo lập nền tảng cho con đường sự nghiệp tương lai của mình. Với những lợi ích trên đây dành cho sự nghiệp ngành Ngân hàng đầu tư, bạn đã sẵn sàng để chinh phục CFA ngay chưa?