ACCA20/06/2024

#Hướng Dẫn Kế Toán Thuế Giá Trị Gia Tăng

Thuế GTGT là một loại thuế tiêu dùng được áp dụng rộng rãi trên hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp và kế toán trong việc xử lý, tính toán và nộp thuế một cách chuẩn xác. Trong bài viết này, SAPP Academy sẽ hướng dẫn phương pháp kế toán thuế giá trị gia tăng cũng như cách thực hiện quá trình kế toán và nộp thuế một cách hiệu quả. 

1. Thuế giá trị gia tăng là gì?

Kế toán thuế giá trị gia tăng

Theo Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định khái niệm thuế giá trị gia tăng như sau:

“Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.”

Ngoài tên gọi thuế giá trị gia tăng, còn có cách gọi thông thường khác là thuế VAT. Cụm từ VAT là viết tắt bằng tiếng anh của từ Value-Added Tax.

Nguồn tham khảo: Thư viện pháp luật

2. Đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng

Kế toán thuế giá trị gia tăng

Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 cụ thể như sau:

“Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu)”

Văn bản hướng dẫn cụ thể người nộp thuế quy định tại Điều 3 Thông tư 219/2013/TT-BTC như sau:

Người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT (sau đây gọi là người nhập khẩu) bao gồm:

  • Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp), Luật Hợp tác xã và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác;
  • Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác;
  • Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật đầu tư); các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam;
  • Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu;
  • Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế, trừ trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này. Quy định về cơ sở thường trú và đối tượng không cư trú thực hiện theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
  • Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

Nguồn tham khảo: Thư viện pháp luật

3. Kế toán thuế giá trị gia tăng

Kế toán thuế giá trị gia tăng

3.1. Kế toán thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ

Theo quy định của Thông tư 133/2016/TT-BTC, nguyên tắc kế toán thuế GTGT được khấu trừ trong doanh nghiệp vừa và nhỏ được mô tả như sau:

  • Sử dụng Tài khoản 133 – Thuế GTGT: Tài khoản 133 được sử dụng để ghi nhận số thuế GTGT đầu vào mà doanh nghiệp có quyền khấu trừ. Cụ thể, tài khoản này phản ánh số thuế GTGT đã được khấu trừ, đang được khấu trừ và còn chờ khấu trừ;
  • Hạch toán riêng thuế GTGT được khấu trừ: Kế toán phải thực hiện việc ghi nhận đối với các khoản thuế GTGT được khấu trừ và khoản thuế GTGT không được khấu trừ. Trong trường hợp không thể thực hiện kế toán riêng biệt cho từng loại thuế GTGT, thì số thuế GTGT đầu vào sẽ được ghi vào tài khoản 133. Đồng thời, vào cuối kỳ kế toán, cần phải xác định rõ số thuế GTGT đã được khấu trừ và số thuế GTGT không được khấu trừ;
  • Hạch toán số thuế GTGT không được khấu trừ: Đối với số thuế GTGT không được khấu trừ, kế toán phải tính vào giá trị tài sản đã mua, giá vốn của hàng hóa bán hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể;

Kết cấu tài khoản 133
Bên Có:

  • Số thuế GTGT đầu vào đã được khấu trừ;
  • Kết chuyển số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ;
  • Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa mua vào nhưng đã được trả lại hoặc được giảm giá;
  • Số thuế GTGT đầu vào đã được hoàn lại.

Bên Nợ: Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, được hoàn lại nhưng chưa được thực hiện.

3.2. Kế toán thuế GTGT đầu ra

Tài khoản 33311 – Thuế giá trị gia tăng đầu ra phản ánh:

  • Số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ;
  • Số thuế GTGT của hàng bán bị trả lại, bị giảm giá, số thuế GTGT phải nộp, đã nộp, còn phải nộp của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ tiêu thụ trong kỳ.

Hạch toán thuế GTGT đầu ra chi tiết
1. Kế toán phản ánh doanh thu, thu nhập theo giá bán chưa có thuế GTGT, ghi:

  • Nợ các TK 111, 112, 131: Tổng giá thanh toán
  • Có các TK 511, 515, 711: Giá chưa có thuế GTGT
  • Có TK 33311: Thuế GTGT phải nộp

2. Khách hàng trả tiền trước nghiệp vụ cho thuê tài sản trong nhiều kỳ:

  • Nợ TK 111, 112: Tổng giá thanh toán
  • Có TK 3387: Giá thanh toán trước chưa có thuế GTGT
  • Có TK 33311: Thuế GTGT phải nộp.

3. Hạch toán giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại hoặc giảm trừ doanh thu 

  • Nợ TK 521: Doanh thu bị giảm
  • Nợ TK 33311: Số thuế GTGT phải nộp bị giảm
  • Có TK 111, 112, 131: Số tiền thu bị giảm

4. Cuối kỳ nộp tiền thuế vào NSNN

  • Nợ TK 33311: Số thuế phải nộp
  • Có TK 111, 112: Số tiền phải nộp

5. Số thuế GTGT được khấu trừ

  • Nợ TK 33311
  • Có TK 133

Xem thêm: [Phân Biệt] Hóa Đơn Bán Hàng Và Hóa Đơn Giá Trị Gia Tăng

4. Phương pháp kế toán thuế giá trị gia tăng

Kế toán thuế giá trị gia tăng

4.1. Tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế

Đối tượng áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT: 

  • Phương pháp tính thuế GTGT theo hình thức khấu trừ thường áp dụng cho các công ty, doanh nghiệp hoặc địa điểm kinh doanh đã đáp ứng đủ các yêu cầu về chế độ kế toán, chứng từ và hóa đơn theo quy định của pháp luật;
  • Doanh nghiệp phải có mức doanh thu hàng năm đạt ít nhất 1 tỷ đồng;
  • Nếu doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT, phải sử dụng hóa đơn GTGT. Hóa đơn này phải ghi đầy đủ thông tin theo quy định, bao gồm các nội quy, quy định, và khoản phí thu thêm, phụ thu.

Công thức tính thuế giá trị gia tăng:

Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

  • Số thuế giá trị gia tăng đầu ra = Tổng số thuế GTGT trên các hàng hóa và dịch vụ bán ra được ghi trên hóa đơn GTGT;
  • Số thuế giá trị gia tăng đầu vào = Tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng khi mua hàng hóa và dịch vụ hoặc khi sử dụng chúng trong sản xuất, kinh doanh.

Thuế GTGT đầu vào: Trong quá trình kinh doanh và sản xuất, doanh nghiệp có thể mua các trang thiết bị hoặc nguyên vật liệu để sử dụng. Thuế GTGT đầu vào là số tiền thuế GTGT mà doanh nghiệp phải trả cho các nhà cung cấp hoặc những nguồn cung cấp này.

Thuế GTGT đầu ra: Khi doanh nghiệp mua trang thiết bị, nguyên vật liệu và sử dụng chúng để sản xuất hoặc chế biến thành sản phẩm hoặc dịch vụ dành cho người tiêu dùng, phần thuế GTGT trong giá bán chính là thuế GTGT đầu ra.

4.2. Tính thuế theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng

Một số hoạt động mua, bán, và chế tác vàng bạc, đá quý (VBĐQ) thường liên quan đến giao dịch nhỏ lẻ, thiếu hóa đơn và chứng từ đầu vào, làm cho việc kiểm soát giá trở nên khó khăn. Vì vậy, Luật thuế đã quy định cơ sở có hoạt động mua, bán và chế tác vàng bạc, đá quý kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, thể hiện tính đúng với bản chất của thuế GTGT.

Công thức tính thuế GTGT

Số thuế GTGT phải nộp được tính bằng công thức sau:

Số thuế GTGT phải nộp = Giá trị gia tăng x Thuế suất thuế GTGT

Trong đó:

  • Thuế suất thuế GTGT cho hoạt động mua, bán, chế tác VBĐQ là: 10%;
  • Giá trị gia tăng của VBĐQ được tính theo công thức:

Giá trị gia tăng của VBĐQ = Giá thanh toán của VBĐQ bán ra tương ứng – Giá thanh toán của VBĐQ mua vào tương ứng

Giá thanh toán của VBĐQ bán ra tương ứng bao gồm:

  • Tiền công chế tác (nếu có).
  • Thuế GTGT.
  • Các khoản phụ thu và phí thu thêm mà bên bán được hưởng.

Giá thanh toán của VBĐQ mua vào tương ứng là giá trị VBĐQ mua vào hoặc nhập khẩu đã bao gồm thuế GTGT, dùng cho mua bán và chế tác VBĐQ bán ra tương ứng.

4.3. Phương pháp tính thuế trực tiếp trên doanh thu

Thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu được xác định dựa trên công thức sau:

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = Doanh thu x Tỷ lệ %

Trong đó, doanh thu để tính thuế giá trị gia tăng được xác định:

  • Tổng số tiền từ việc bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng. Đối với các mặt hàng và dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng, doanh thu bao gồm cả các khoản phụ thu và phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
  • Trong trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu từ việc bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, hoặc doanh thu từ hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, thì không áp dụng tỷ lệ (%) trên doanh thu đối với doanh thu này.

Lưu ý: Các cơ sở kinh doanh hoạt động trong nhiều ngành nghề với các mức tỷ lệ thuế khác nhau phải khai thuế giá trị gia tăng theo từng nhóm ngành nghề tương ứng với các mức tỷ lệ theo quy định. Trong trường hợp người nộp thuế không thể xác định doanh thu theo từng nhóm ngành nghề hoặc trong một hợp đồng kinh doanh trọn gói bao gồm các hoạt động thuộc nhiều nhóm tỷ lệ khác nhau mà không thể tách riêng, thì sẽ áp dụng tỷ lệ cao nhất của nhóm ngành nghề mà cơ sở sản xuất và kinh doanh.

Xem thêm: #Phương Pháp Tính Thuế Giá Trị Gia Tăng Theo Quy Định Hiện Nay

5. Kê khai, nộp thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng

Kế toán thuế giá trị gia tăng

5.1. Kê khai thuế GTGT

* Đối tượng kê khai thuế GTGT theo quý:

– Doanh nghiệp có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống thì được khai thuế giá trị gia tăng theo quý;

– Doanh nghiệp mới thành lập, mới hoạt động, kinh doanh: thì phải khai thuế giá trị gia tăng theo quý.

Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng sẽ căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý.

* Đối tượng kê khai thuế GTGT theo tháng: dành cho DN có tổng doanh thu năm trước liền kề trên 50 tỷ.

Doanh nghiệp tư nhân có trách nhiệm tự xác định thuộc đối tượng khai thuế theo quý để thực hiện khai thuế theo quy định:

– Nếu đáp ứng tiêu chí khai thuế theo quý được lựa chọn khai thuế theo tháng hoặc quý ổn định trọn năm dương lịch;

– Trường hợp doanh nghiệp tư nhân đang thực hiện khai thuế theo tháng nếu đủ điều kiện khai thuế theo quý và lựa chọn chuyển sang khai thuế theo quý thì gửi văn bản đề nghị (Mẫu 01/ĐK-TĐKTT) quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC đề nghị thay đổi kỳ tính thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 31 tháng 01 của năm bắt đầu khai thuế theo quý. Nếu sau thời hạn này, doanh nghiệp không gửi văn bản đến cơ quan thuế thì doanh nghiệp tiếp tục thực hiện khai thuế theo tháng ổn định trọn năm dương lịch;

– Trường hợp doanh nghiệp tư nhân tự phát hiện không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì người nộp thuế phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ tháng đầu của quý tiếp theo. Doanh nghiệp không phải nộp lại hồ sơ khai thuế theo tháng của các quý trước đó nhưng phải nộp Bản xác định số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số đã kê khai theo quý (Mẫu 02/XĐ-PNTT) quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC và phải tính tiền chậm nộp theo quy định;

– Trường hợp cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì cơ quan thuế phải xác định lại số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số người nộp thuế đã kê khai và phải tính tiền chậm nộp theo quy định. Doanh nghiệp phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ thời điểm nhận được văn bản của cơ quan thuế.

Nguồn tham khảo: Thư viện pháp luật

5.2. Nộp thuế GTGT

Theo Điều 20 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn về nơi nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) như sau:

– Người nộp thuế kê khai, nộp thuế GTGT tại địa phương nơi sản xuất, kinh doanh;

– Người nộp thuế kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính thì phải nộp thuế GTGT tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất và địa phương nơi đóng trụ sở chính;

– Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng phương pháp trực tiếp có cơ sở sản xuất ở tỉnh, thành phố khác nơi đóng trụ sở chính hoặc có hoạt động bán hàng vãng lai ngoại tỉnh thì doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với doanh thu phát sinh ở ngoại tỉnh tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất, nơi bán hàng vãng lai;

Doanh nghiệp, hợp tác xã không phải nộp thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu tại trụ sở chính đối với doanh thu phát sinh ở ngoại tỉnh đã kê khai, nộp thuế.

– Trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông có kinh doanh dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa phương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính và thành lập chi nhánh hạch toán phụ thuộc nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ cùng tham gia kinh doanh dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa phương đó thì cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông thực hiện khai, nộp thuế GTGT đối với dịch vụ viễn thông cước trả sau như sau:

+ Khai thuế GTGT đối với doanh thu dịch vụ viễn thông cước trả sau của toàn cơ sở kinh doanh với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trụ sở chính.

+ Nộp thuế GTGT tại địa phương nơi đóng trụ sở chính và tại địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc.

Số thuế GTGT phải nộp tại địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc được xác định theo tỷ lệ 2% (đối với dịch vụ viễn thông cước trả sau chịu thuế GTGT với thuế suất 10%) trên doanh thu (chưa có thuế GTGT) dịch vụ viễn thông cước trả sau tại địa phương nơi có chi nhánh hạch toán phụ thuộc.

– Việc khai thuế, nộp thuế GTGT được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế.

5.3. Quy định về hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

Quy định về hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu theo khoản 4 Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 130/2016/TT-BTC) như sau:

– Cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo;

– Cơ sở kinh doanh trong tháng/quý vừa có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hoá, dịch vụ bán trong nước thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. 

– Trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế giá trị gia tăng tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.

– Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (bao gồm số thuế GTGT đầu vào hạch toán riêng được và số thuế GTGT đầu vào được phân bổ theo tỷ lệ nêu trên) nếu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong nước còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Số thuế GTGT được hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không vượt quá doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhân (x) với 10%.

– Đối tượng được hoàn thuế trong một số trường hợp xuất khẩu như sau: Đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu, là cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu; đối với gia công chuyển tiếp, là cơ sở ký hợp đồng gia công xuất khẩu với phía nước ngoài; đối với hàng hóa xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài, là doanh nghiệp có hàng hóa, vật tư xuất khẩu thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài; đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ là cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu tại chỗ.

– Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan, Nghị định 01/2015/NĐ-CP, trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các văn bản hướng dẫn.

– Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không bị xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế, gian lận thuế, gian lận thương mại trong thời gian hai năm liên tục; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nguồn tham khảo: Thư viện pháp luật

Khóa học ACCA đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo chuyên sâu về kế toán và tài chính. Đối với kế toán thuế giá trị gia tăng, ACCA cung cấp kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về quy định thuế và nguyên tắc kế toán liên quan đến GTGT.

Học viên ACCA được trang bị kiến thức về kế toán tài chính, quản lý tài chính và kiểm toán, tất cả những kỹ năng này đều có thể áp dụng vào việc xử lý và tính toán thuế GTGT một cách chính xác và hiệu quả. Khóa học ACCA giúp họ hiểu rõ hơn về nguyên tắc kế toán thuế GTGT, cách thực hiện kế toán cho GTGT và cách tuân thủ các quy định pháp luật liên quan.

Kết luận

Kế toán thuế giá trị gia tăng

Kế toán thuế giá trị gia tăng không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là một phần quan trọng của quản lý tài chính và kinh doanh hiệu quả. Để thành công trong việc quản lý thuế GTGT, sự tôn trọng luật pháp và kiến thức vững chắc về kế toán là chìa khóa để tránh rủi ro và đảm bảo sự bền vững của doanh nghiệp.

Chia sẻ
Chia sẻ
Sao chép

Bài viết liên quan

Sự Giống Và Khác Giữa Kế Toán Công Và Kế Toán Doanh Nghiệp

Sự khác nhau giữa kế toán công và kế toán doanh nghiệp là gì? Bài...

#1 Cách Định Khoản Phải Thu Khách Hàng – TK131 Theo TT200

Tài khoản phải thu khách hàng là tài khoản quan trọng phải có ở tất...

【Top 10】- Chứng Chỉ Kế Toán Quốc Tế Đánh Gục Nhà Tuyển Dụng

Cùng xu thế toàn cầu hóa, những kiểm toán viên, kế toán, hay làm trong...

[Hướng dẫn] Phương pháp báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp một khía cạnh quan trọng của quản...

#Cách Tính Thuế Giá Trị Gia Tăng Hàng Nhập Khẩu

Khám phá cách tính thuế giá trị gia tăng cho hàng nhập khẩu giúp bạn...

#1 Khóa Học ACCA F5 Online Uy Tín Chất Lượng Cam Kết Đầu Ra

Tìm hiểu chi tiết về khóa học ACCA F5 Online uy tín cam kết đầu...

#Những Thông Tin Cần Biết Về Thuế Tiêu Thụ Đặc Biệt

Thuế tiêu thụ đặc biệt có mục đích định hướng sản xuất, tiêu dùng những...

Học F3 ACCA – Các Dạng Bài Thường Gặp Về Khoản Phải Thu

Khoản phải thu là 1 trong những chỉ tiêu quan trọng trong Bảng cân đối...