Derivatives CFA – Diễn giải kiến thức chứng khoán phái sinh
Với tỷ trọng 5-10% trong kỳ thi CFA, Derivatives CFA (Chứng khoán phái sinh) không chiếm quá nhiều phần trăm, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung kiến thức chuyên sâu cho các môn học khác như Equity hay Fixed Income.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về nội dung, tỷ trọng, và yêu cầu đầu vào của môn học này. Hãy cùng SAPP Academy khám phá ngay sau đây!
1. Yêu cầu kỹ năng đầu vào của học viên với môn học Derivatives CFA
1.1. Yêu cầu về kiến thức nền
Chứng khoán phái sinh (Derivatives) là một loại công cụ tài chính mà giá trị của nó phụ thuộc vào giá trị của một tài sản cơ sở như cổ phiếu, trái phiếu, và chúng có nhiều mục đích sử dụng, bao gồm phòng vệ rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc đầu cơ.
Môn học Derivatives sẽ giúp bạn hiểu về các chứng khoán phái sinh cơ bản như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, quyền chọn mua hoặc bán, và hợp đồng hoán đổi, đồng thời học cách định giá chúng.
Chứng khoán phái sinh thường có tính đòn bẩy, nghĩa là một sự thay đổi nhỏ trong giá tài sản cơ sở có thể dẫn đến sự thay đổi lớn hơn trong giá trị của chứng khoán phái sinh. Nó có thể làm tăng giá trị đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu hoặc đảm bảo giá trị của công cụ phái sinh vẫn ổn định, bất chấp biến động của các tài sản cơ sở.
Để học tốt môn Derivatives (các công cụ phái sinh), bạn cần trang bị cho mình một số kiến thức nền tảng vững chắc về Toán Tài chính, Kinh tế học và kiến thức Tài chính và thị trường.
1.1.1. Toán tài chính
- Định giá và chiết khấu dòng tiền
Đầu tiên, bạn cần hiểu rõ khái niệm định giá và chiết khấu dòng tiền, đặc biệt là cách chiết khấu dòng tiền trong tương lai về giá trị hiện tại thông qua lãi suất, hay còn gọi là nguyên tắc Time Value of Money – TVM (giá trị thời gian của tiền). Đây là kỹ năng cơ bản trong tài chính, giúp bạn phân tích và đánh giá giá trị của các công cụ tài chính.
Cùng với đó, bạn cần nắm vững các công thức tính toán giá trị tương lai (FV – Future Value) và giá trị hiện tại thuần (NPV – Net Present Value) khi có sự thay đổi về lãi suất, điều này sẽ giúp bạn hiểu cách dòng tiền thay đổi theo thời gian.
- Xác suất và phân phối chuẩn
Bên cạnh đó, việc hiểu về xác suất và phân phối chuẩn là cực kỳ quan trọng. Đây là nền tảng cốt lõi cho các mô hình định giá quyền chọn (Options Pricing Models) như mô hình Black-Scholes hay các phương pháp dự đoán biến động giá của tài sản. Kiến thức về phân phối chuẩn giúp bạn đánh giá xác suất xảy ra các sự kiện và rủi ro trong đầu tư, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn.
- Máy tính tài chính BA II Plus/Pro
Thành thạo máy tính tài chính BA II Plus/Pro cũng là một kỹ năng không thể thiếu. Máy tính cung cấp các chức năng hỗ trợ chuyên sâu như TVM (time value of money), CF (cash flow) và nhiều công cụ tính toán khác, giúp bạn thực hiện các phép tính phức tạp một cách nhanh chóng và chính xác.
Hiểu và sử dụng hiệu quả các chức năng này không chỉ hỗ trợ bạn trong môn học Derivatives mà còn trong việc xử lý các vấn đề thực tế liên quan đến tài chính phái sinh.
1.1.2. Kiến thức về kinh tế học
- Lãi suất và cấu trúc kỳ hạn (Yield Curve)
Yield Curve là nền tảng để hiểu mối quan hệ giữa lãi suất và giá trị của các công cụ phái sinh như hợp đồng kỳ hạn (FRAs), hợp đồng tương lai (Futures contract) và hợp đồng hoán đổi (Swaps contract). Cấu trúc kỳ hạn thể hiện mối liên hệ giữa lợi suất đáo hạn (yield to maturity) và thời gian đáo hạn (time to maturity) của các khoản vay hoặc chứng khoán nợ.
Hiểu được cách thức này giúp bạn phân tích sự thay đổi của lãi suất trong tương lai và tác động của nó đến việc định giá các công cụ phái sinh. Ví dụ, khi lãi suất tăng, giá trị hiện tại của các dòng tiền trong tương lai sẽ giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của các hợp đồng phái sinh dựa trên lãi suất.
- Cơ chế tỷ giá hối đoái (Exchange Rates)
Exchange Rates đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu cách biến động tỷ giá ảnh hưởng đến các phái sinh tiền tệ, như hợp đồng kỳ hạn tiền tệ (currency forwards) và hoán đổi tiền tệ (currency swaps).
Những biến động về tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến giá trị của tài sản cơ sở, tác động mạnh mẽ đến chiến lược phòng ngừa rủi ro hoặc đầu cơ của các nhà đầu tư quốc tế. Ví dụ, khi một đồng tiền mất giá, giá trị danh nghĩa của các hợp đồng phái sinh dựa trên đồng tiền đó sẽ thay đổi, dẫn đến những điều chỉnh cần thiết trong các danh mục đầu tư. Do đó, việc nắm vững cơ chế vận hành của tỷ giá hối đoái và các yếu tố ảnh hưởng, như lãi suất trong nước và quốc tế, là vô cùng quan trọng.
1.1.3. Kiến thức tài chính và thị trường
- Các loại tài sản tài chính
Nắm vững cách định giá các tài sản cơ sở (underlying assets) như cổ phiếu, trái phiếu, và chỉ số là bước khởi đầu quan trọng. Các công cụ phái sinh, chẳng hạn như quyền chọn hoặc hợp đồng tương lai, đều dựa trên giá trị của các tài sản cơ sở này.
Hiểu rõ cách cổ phiếu được định giá thông qua mô hình chiết khấu dòng cổ tức (Dividend Discount Model – DDM) hay cách chỉ số được xây dựng từ hiệu suất của một nhóm tài sản cụ thể, sẽ giúp người học phân tích chính xác hơn giá trị của các sản phẩm phái sinh.
Ngoài ra, việc nhận diện được các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của tài sản cơ sở, chẳng hạn như sự biến động thị trường, thay đổi lãi suất hoặc các yếu tố kinh tế vĩ mô cũng giúp bạn xây dựng chiến lược sử dụng phái sinh hiệu quả.
Hiểu sâu hơn về đặc điểm và cấu trúc của các loại hợp đồng phái sinh như:
- Hợp đồng kỳ hạn (Forward contracts): Công cụ được giao dịch trực tiếp giữa hai bên với thỏa thuận mua bán một tài sản cơ sở vào một ngày nhất định trong tương lai, với mức giá được cố định từ trước.
- Hợp đồng tương lai (Futures contracts): Loại hợp đồng tiêu chuẩn hóa, được giao dịch trên sàn, đảm bảo tính thanh khoản và giảm thiểu rủi ro đối tác.
- Hợp đồng quyền chọn (Options): Công cụ cho phép (nhưng không bắt buộc) người sở hữu thực hiện quyền mua hoặc bán tài sản cơ sở theo mức giá định trước.
- Hợp đồng hoán đổi (Swaps): Các giao dịch trao đổi dòng tiền trong tương lai, phổ biến nhất là hoán đổi lãi suất (Interest Rate Swaps) và hoán đổi tiền tệ (Currency Swaps).
Nhận diện được mục đích và cách sử dụng của từng loại công cụ trong các chiến lược phòng ngừa rủi ro, đầu cơ hoặc tối ưu hóa danh mục đầu tư.
- Cơ chế thị trường
Nắm rõ cơ chế hoạt động của thị trường nơi chúng được giao dịch. Các sản phẩm phái sinh có thể được giao dịch trên sàn giao dịch chính thức (Exchange-traded) hoặc thông qua thị trường phi tập trung (Over-the-counter – OTC).
Sàn giao dịch cung cấp môi trường minh bạch, tiêu chuẩn hóa hợp đồng và cơ chế bảo đảm thanh toán, trong khi giao dịch OTC cho phép các bên tự thỏa thuận các điều khoản linh hoạt, phù hợp với nhu cầu cụ thể nhưng đi kèm với rủi ro tín dụng cao hơn.
1.2. Yêu cầu về Tiếng Anh
Để học tốt môn Derivatives, ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh và khả năng nắm vững thuật ngữ chuyên ngành là điều không thể thiếu. Đây là môn học có mức độ chuyên sâu về tài chính, đòi hỏi học viên phải sử dụng tiếng Anh để nghiên cứu, phân tích và áp dụng.
- Từ vựng chuyên ngành:
Các thuật ngữ chính trong môn học được phân loại theo từng nhóm khái niệm cụ thể:
Nhóm nội dung | Thuật ngữ chuyên ngành |
Nền tảng phái sinh |
|
Hợp đồng kỳ hạn và tương lai |
|
Hợp đồng quyền chọn |
|
Hợp đồng hoán đổi |
|
- Đọc tài liệu học thuật:
Ngoài việc học từ vựng, học viên nên tham khảo tài liệu gốc bằng tiếng Anh. Kỹ năng đọc hiểu tài liệu học thuật là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Học viên cần tập trung vào các nguồn tài liệu đáng tin cậy và chuyên sâu như giáo trình chính thức của Viện CFA – CFA Program Curriculum để nắm rõ khung kiến thức chuẩn mực.
Người học cũng có thể tham khảo giáo trình Options, Futures, and Other Derivatives của John C. Hull. Đây được xem là tài liệu kinh điển trong lĩnh vực phái sinh. Việc làm quen với các đoạn văn học thuật bao gồm các khái niệm, ví dụ minh họa, biểu đồ, và công thức liên quan đến các sản phẩm phái sinh sẽ giúp học viên hiểu rõ lý thuyết và áp dụng được vào thực tế.
Ngoài ra, học viên nên tiếp cận với các tài liệu nghiên cứu và báo cáo phân tích về sản phẩm phái sinh trên các nền tảng tài chính quốc tế như Bloomberg, CME Group, và Nasdaq. Những tài liệu này cung cấp cái nhìn toàn diện về thị trường, xu hướng, và các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của các sản phẩm phái sinh.
Việc thường xuyên đọc hiểu các tài liệu học thuật chuyên sâu không chỉ củng cố kiến thức lý thuyết mà còn nâng cao khả năng phân tích và tư duy tài chính, giúp học viên tự tin hơn khi tham gia các kỳ thi và áp dụng vào công việc thực tế.
Xem thêm: Tổng hợp bộ giáo trình CFA “gối đầu giường” cho người mới bắt đầu
2. Tỷ trọng của môn Derivatives trong đề thi CFA
Nhìn chung, môn Derivatives chiếm một tỷ trọng trung bình trong chương trình học chứng chỉ CFA.
- Level 1: môn học này sẽ có khoảng 9-15 câu hỏi trắc nghiệm, chiếm từ 5-8% tổng số câu hỏi.
- Level 2: số câu hỏi giảm xuống còn khoảng 5-9 câu, tương đương 5-10%, nhưng yêu cầu độ sâu kiến thức cao hơn, tập trung vào phân tích và định giá.
Mặc dù môn Derivatives không phải là một phần chiếm trọng số lớn, nhưng nếu học viên chủ quan, rất dễ mất điểm ở môn này. Điều đó có thể kéo tổng điểm xuống và ảnh hưởng đến cơ hội vượt qua kỳ thi. Vì vậy, việc nắm vững các khái niệm, lý thuyết, và ứng dụng thực tế của môn học này là vô cùng cần thiết để tối ưu hóa điểm số và đảm bảo sự tự tin trong kỳ thi CFA.
3. Tổng quan môn học Derivatives
3.1. Derivatives CFA level 1
Trong phạm vi CFA Level 1 của môn học Derivatives, nội dung chủ yếu tập trung vào việc giới thiệu các công cụ phái sinh và cơ chế vận hành của chúng. Học viên sẽ tìm hiểu cách các công cụ phái sinh, như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, quyền chọn và hợp đồng hoán đổi, được sử dụng để phục vụ mục đích phòng vệ (hedging) hoặc đầu cơ (speculation) trên thị trường tài chính.
Bên cạnh đó, học viên cũng sẽ được làm quen với nguyên lý định giá cơ bản cho từng loại công cụ phái sinh, bao gồm cách xác định giá trị hiện tại và tương lai của chúng dựa trên giá trị tài sản cơ sở, lãi suất, thời gian đến ngày đáo hạn, và các yếu tố khác. Kiến thức này là nền tảng để hiểu cách các công cụ phái sinh hoạt động và vai trò quan trọng của chúng trong việc quản lý rủi ro tài chính hoặc tìm kiếm lợi nhuận từ biến động thị trường.
3.1.1. Derivative instrument and derivative market features
Mở đầu cho môn học Derivatives, ứng viên sẽ được tiếp xúc với môn Derivative instrument and derivative market features – Công cụ phái sinh và các đặc điểm của thị trường phái sinh. Cụ thể, trong học phần đầu tiên này, học viên được giới thiệu về thị trường và mô tả các đặc điểm cơ bản của một công cụ phái sinh.
Trên thị trường phái sinh, có hai vị thế chính: vị thế mua (long position) và vị thế bán (short position). Các công cụ phái sinh được thiết kế dưới hình thức hợp đồng, nêu rõ quyền và trách nhiệm của các bên tham gia.
Một hợp đồng phái sinh thường có các yếu tố quan trọng như loại hợp đồng, thời gian đáo hạn, đối tác tham gia, tài sản cơ sở, quy mô hợp đồng, và giá thực hiện.
Mô tả các đặc điểm cơ bản của thị trường phái sinh và so sánh thị trường phái sinh phi tập trung và thị trường phái sinh giao dịch trao đổi.
Thị trường phái sinh tập trung
(Exchange-Traded Market) |
Thị trường phái sinh phi tập trung
(OTC Market) |
|
|
Xem thêm: [Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 1: Derivative instrument and derivative market features
3.1.2. Forward commitment and contingent claim features and instruments
Học phần thứ hai thuộc phạm vi Level 1 của môn học Derivatives có nội dung về “Đặc điểm và công cụ của hợp đồng giao ngay và quyền yêu cầu có điều kiện” (Forward Commitment and Contingent Claim Features and Instruments). Trong học phần này, bạn sẽ:
- Hiểu và phân biệt các loại hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng hoán đổi, quyền chọn (mua và bán) cùng với các công cụ phái sinh tín dụng, đồng thời so sánh các đặc điểm chính của từng loại.
- Tính toán giá trị và lợi nhuận tại thời điểm đáo hạn từ vị thế mua hoặc bán của quyền chọn mua (call option) và quyền chọn bán (put option).
- Phân tích sự khác biệt giữa các cam kết kỳ hạn (forward commitment) và quyền yêu cầu có điều kiện (contingent claim).
Các công cụ phái sinh có thể được giao dịch trên sàn hoặc giao dịch OTC và được chia thành hai nhóm chính:
Cam kết kỳ hạn
(Forward Commitments) |
Cam kết tùy chọn
(Contingent Claims) |
Đây là thỏa thuận pháp lý giữa hai bên, trong đó một bên cam kết mua và bên còn lại cam kết bán một tài sản tại một thời điểm xác định trong tương lai với mức giá định trước. |
Trong thỏa thuận này, một bên có quyền, nhưng không bắt buộc, thực hiện việc mua hoặc bán một tài sản tại một thời điểm trong tương lai với mức giá định trước. |
|
|
Vì các bên tham gia không có quyền lựa chọn mà buộc phải thực hiện theo hợp đồng, lợi nhuận của các sản phẩm phái sinh này được xem là cân xứng (symmetric payoff profile) và được gọi là sản phẩm phái sinh tuyến tính (linear derivatives). |
Vì các bên tham gia có quyền lựa chọn và không bị ràng buộc, lợi nhuận của các sản phẩm này bất cân xứng (asymmetric payoff profile) và được gọi là sản phẩm phái sinh phi tuyến tính (non-linear derivatives). |
3.1.3. Derivative benefits, risks and issuer and investor uses
Module 3 của môn Derivatives trong chương trình CFA Level I cung cấp kiến thức về lợi ích, rủi ro của chứng khoán phái sinh và cách các nhà phát hành và nhà đầu tư sử dụng.
Module số 3 cung cấp cái nhìn toàn diện về các lợi ích và rủi ro của chứng khoán phái sinh, đồng thời giải thích cách mà các nhà phát hành và nhà đầu tư tận dụng các công cụ này để đạt được mục tiêu tài chính của mình.
Công cụ phái sinh mang lại nhiều lợi ích quan trọng bao gồm:
- Khả năng phân bổ và quản lý rủi ro
- Cung cấp thông tin về tài sản cơ sở
- Chi phí giao dịch thấp hơn cùng tính thanh khoản cao
- Cho phép sử dụng đòn bẩy để tối ưu hóa lợi nhuận
Công cụ phái sinh cũng giúp nhà đầu tư dễ dàng tham gia các vị thế mua hoặc bán mà không cần sở hữu trực tiếp tài sản cơ sở.
Tuy nhiên, chúng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như đòn bẩy cao, thiếu minh bạch (Lack of transparency), rủi ro cơ bản (Basic risk), rủi ro thanh khoản (Liquidity risk), rủi ro tín dụng đối tác (Counterparty credit risk), và rủi ro hệ thống (Systemic risk) có thể gây ra khủng hoảng tài chính.
Công cụ phái sinh mang lại giá trị khác nhau cho tổ chức phát hành và nhà đầu tư.
Với tổ chức phát hành | Với nhà đầu tư |
Các công cụ phái sinh giúp phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh và tài chính, chẳng hạn như rủi ro tỷ giá hoặc lãi suất, bằng cách sử dụng hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi hoặc phòng vệ giá trị hợp lý. Các quy tắc kế toán phòng vệ như phòng vệ dòng tiền (Cash flow hedge), phòng vệ giá trị hợp lý (Fair value hedge), và phòng vệ khoản đầu tư ròng (Net investment hedge) cho phép doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến động giá hoặc giá trị tài sản cơ sở lên bảng cân đối kế toán. |
Công cụ phái sinh được sử dụng để mô phỏng chiến lược đầu tư, phòng ngừa rủi ro trước những biến động bất lợi của tài sản cơ sở, hoặc tăng quyền sở hữu tài sản khi thị trường tiền mặt không sẵn có. Nhà đầu tư có thể sử dụng các công cụ phái sinh để điều chỉnh hoặc gia tăng mức độ tiếp cận với tài sản cơ sở, đồng thời tận dụng các vị thế kỳ hạn hoặc tùy chọn nhằm tối ưu hóa danh mục đầu tư và bảo vệ lợi nhuận. |
Xem thêm: [Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 3: Derivative benefits, risks and issuer and investor uses
3.1.4. Arbitrage, replication and the cost of carry in pricing derivatives
Học phần này nằm trong phạm vi Level 1 của môn học Derivatives, tập trung vào các nguyên lý cơ bản của định giá chứng khoán phái sinh. Nội dung chính xoay quanh việc sử dụng các khái niệm sau để xác định giá trị hợp lý của các sản phẩm phái sinh, cũng như iải thích sự khác biệt giữa giá giao ngay và giá kỳ vọng tương lai của một tài sản cơ sở.
- Kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage)
- Mô phỏng hợp đồng (replication)
- Chi phí cơ hội (cost of carry)
Kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) xảy ra khi “Quy luật một giá” không được thỏa mãn. Nhà đầu tư tận dụng cơ hội này bằng cách mua tài sản rẻ hơn và bán tài sản đắt hơn để thu lợi nhuận chênh lệch mà không cần vốn ban đầu.
Trong khi đó, mô phỏng hợp đồng (replication) tái tạo lợi nhuận của công cụ phái sinh bằng danh mục giao ngay. Mô phỏng chỉ áp dụng khi “Quy luật một giá” được thỏa mãn, còn arbitrage áp dụng khi quy luật này không được thỏa mãn.
Giá kỳ hạn của tài sản cơ sở chịu ảnh hưởng bởi lợi ích và chi phí nắm giữ tài sản. Công thức định giá áp dụng ghép lãi định kỳ hoặc liên tục, với các yếu tố như lãi suất phi rủi ro (chi phí cơ hội), lợi ích từ tài sản cơ sở (cổ tức, lợi tức), và chi phí khác (lưu kho, bảo hiểm). Khi chi phí vượt lợi ích, giá kỳ hạn cao hơn giá giao ngay; ngược lại, nếu lợi ích lớn hơn chi phí, giá kỳ hạn sẽ thấp hơn giá giao ngay.
3.1.5. Pricing and valuation of forward contracts and for an underlying with varying maturities
Học phần thứ 5 trong phạm vi Level 1 của môn học Derivatives tập trung vào định giá và định lượng các hợp đồng kỳ hạn cùng với việc xử lý tài sản cơ sở có kỳ hạn khác nhau. Học viên sẽ được trang bị các kiến thức cần thiết để phân tích và áp dụng các phương pháp định giá phù hợp với từng giai đoạn của hợp đồng kỳ hạn.
Học viên sẽ học cách xác định giá trị và giá cả của hợp đồng kỳ hạn tại ba thời điểm quan trọng:
- Tại thời điểm ký kết, giá trị vị thế của cả hai bên mua (long position) và bán (short position) đều bằng 0, bởi không có khoản thanh toán nào được thực hiện giữa các bên. Giá hợp đồng kỳ hạn được xác định để đảm bảo không có cơ hội kinh doanh chênh lệch giá (no-arbitrage forward price).
- Trong thời gian hợp đồng có hiệu lực, giá trị vị thế mua được tính bằng giá giao ngay của tài sản cơ sở trừ giá trị hiện tại của giá hợp đồng, trong khi giá trị vị thế bán có giá trị ngược lại.
- Tại thời điểm đáo hạn, giá trị vị thế của hợp đồng được xác định dựa trên giá giao ngay tại thời điểm đó và giá hợp đồng đã được thỏa thuận từ đầu.
Khi tài sản cơ sở có phát sinh lợi ích hoặc chi phí, giá hợp đồng kỳ hạn sẽ được điều chỉnh theo chi phí thuần khi nắm giữ tài sản cơ sở (net cost of carry), là chênh lệch giữa lợi ích nhận được và chi phí phát sinh. Trong trường hợp này, giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết vẫn bằng 0, nhưng giá hợp đồng được tính dựa trên việc điều chỉnh giá giao ngay của tài sản cơ sở với chi phí thuần.
Ngoài ra, Module 5 còn giải thích cách xác định lãi suất kỳ hạn (forward rate) cho hợp đồng kỳ hạn lãi suất (Forward Rate Agreement – FRA). FRA là công cụ giúp phòng ngừa rủi ro lãi suất, trong đó nhà đầu tư có thể khóa một mức lãi suất nhất định cho việc đi vay hoặc cho vay trong tương lai.
Giá trị của FRA được xác định dựa trên sự chênh lệch giữa lãi suất thị trường và lãi suất cố định, và khoản thanh toán sẽ được chiết khấu về hiện tại tại mức lãi suất thị trường.
- Lãi suất cố định (fixed rate): là mức lãi suất được thỏa thuận tại thời điểm ký kết hợp đồng
- Lãi suất thả nổi (floating rate): được xác định dựa trên lãi suất tham chiếu thị trường tại một khoảng thời gian cụ thể.
3.1.6. Pricing and valuation of futures contracts
Nội dung chính của module 6 trong phạm vi Level 1 của môn học Derivatives bao gồm việc so sánh hợp đồng kỳ hạn (forwards) và hợp đồng tương lai, cũng như phân tích các yếu tố gây ra sự khác biệt giữa giá kỳ hạn và giá tương lai.
Tại thời điểm phát sinh hợp đồng ban đầu, giá trị vị thế của cả hai loại hợp đồng đều bằng 0, và giá hợp đồng được xác định dựa trên nguyên tắc không kinh doanh chênh lệch giá (no-arbitrage). Đối với tài sản cơ sở không phát sinh lợi ích hoặc chi phí, giá hợp đồng không điều chỉnh, trong khi nếu tài sản cơ sở có lợi ích hoặc chi phí, giá hợp đồng sẽ được điều chỉnh theo chi phí thuần nắm giữ (net cost of carry).
Trong suốt thời hạn hợp đồng, hợp đồng tương lai được thanh toán hàng ngày qua cơ chế mark-to-market. Ngược lại, hợp đồng kỳ hạn chỉ thanh toán lãi/lỗ tại thời điểm đáo hạn, dẫn đến rủi ro tín dụng đối tác tích lũy theo thời gian.
Sự khác biệt về giá giữa hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai xảy ra khi giá tài sản cơ sở và lãi suất có tương quan, hoặc khi lãi suất không thể dự đoán trước.
- Nếu giá tài sản cơ sở và lãi suất có tương quan dương, hợp đồng tương lai thường có lợi thế nhờ lãi thanh toán hàng ngày có thể được tái đầu tư khi lãi suất tăng.
- Nếu giá tài sản cơ sở và lãi suất có tương quan âm, hợp đồng tương lai có thể chịu bất lợi khi lãi suất giảm. Lãi suất hợp đồng tương lai và kỳ hạn cũng có sự khác biệt do thiên lệch độ lồi (convexity bias), tương tự như hiện tượng convexity trong trái phiếu.
Xem thêm: [Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 6: Pricing and valuation of futures contracts
3.1.7. Pricing and valuation of interest rates and other swaps
Định giá và định lượng lãi suất và các hợp đồng hoán đổi khác (Pricing and Valuation of Interest Rates and Other Swaps) – nằm trong module 7 của học phần Derivatives.
Tại đây, học viên sẽ được khám phá các điểm tương đồng và khác biệt giữa hợp đồng hoán đổi và một loạt hợp đồng kỳ hạn, từ đó hiểu rõ bản chất của từng loại. Cả hợp đồng hoán đổi (Swaps) và hợp đồng kỳ hạn lãi suất (FRAs) đều là công cụ tài chính dạng cam kết kỳ hạn, có lợi nhuận cân xứng và không phát sinh trao đổi dòng tiền tại thời điểm ký kết. Tuy nhiên, cả hai đều chịu rủi ro tín dụng của đối tác. Điểm khác biệt nằm ở cách thức trao đổi dòng tiền, thời điểm thanh toán lãi/lỗ, lãi suất hợp đồng và đối tượng sử dụng.
Module cũng giải thích cách xác định giá trị và giá của hợp đồng hoán đổi (swap price hay par swap rate).
Tại thời điểm ký kết, giá hợp đồng được thiết lập sao cho giá trị hiện tại của các dòng tiền giữa hai bên bằng nhau, khiến giá trị hợp đồng ban đầu bằng 0. Trong suốt thời hạn hợp đồng, giá trị của nó thay đổi tùy thuộc vào sự biến động của lãi suất thị trường.
Giá trị tại một thời điểm bất kỳ = giá trị thanh toán tại thời điểm đó + giá trị hiện tại của các khoản thanh toán còn lại trong tương lai.
Những biến động của lãi suất thị trường sau thời điểm giao kết hợp đồng sẽ tạo ra vị thế lãi hoặc lỗ cho mỗi bên tham gia, tùy thuộc vào họ đang thanh toán dòng tiền cố định hay thả nổi.
Xem thêm: [Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 7: Pricing and valuation of interest rates and other swaps
3.1.8. Pricing and valuation of options
Module 8 – Pricing and Valuation of Options thuộc môn Derivatives trong chương trình CFA Level I cung cấp kiến thức quan trọng về cách định giá và định lượng giá trị quyền chọn.
Trước hết, giá trị của một hợp đồng quyền chọn được chia thành hai phần: giá trị thực hiện và giá trị thời gian. Công thức tổng quát là:
Option Value = Exercise Value + Time Value.
Giá trị thực hiện là giá trị của hợp đồng nếu nó được thực hiện ngay lập tức. Trong khi đó, giá trị thời gian phản ánh phần giá trị tăng thêm của hợp đồng do sự biến động của giá tài sản cơ sở và thời gian đến ngày đáo hạn. Giá trị thời gian giảm dần theo thời gian và bằng 0 tại thời điểm đáo hạn, khi đó giá trị quyền chọn chỉ còn là giá trị thực hiện.
Việc so sánh ứng dụng của kinh doanh chênh lệch giá và mô phỏng đầu tư giúp hiểu rõ sự khác biệt trong định giá hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn.
Trong khi cam kết kỳ hạn có giá trị ban đầu bằng 0 và không phát sinh dòng tiền, quyền chọn lại có giá trị dương ngay từ đầu do người mua phải trả phí quyền chọn. Lợi nhuận từ cam kết kỳ hạn có thể không giới hạn, nhưng lợi nhuận và lỗ đối với quyền chọn được giới hạn bởi giá trị phí quyền chọn.
Các chiến lược đầu tư như đòn bẩy hoặc sử dụng quyền chọn được phân tích để thiết lập giới hạn trên và giới hạn dưới cho giá quyền chọn kiểu châu Âu tại thời điểm bất kỳ
Có sáu yếu tố chính ảnh hưởng đến giá trị hợp đồng quyền chọn, bao gồm giá tài sản cơ sở, giá thực hiện quyền, kỳ hạn, lãi suất phi rủi ro, mức độ biến động của giá tài sản cơ sở, và chi phí/lợi ích từ tài sản cơ sở. Các yếu tố này tác động khác nhau đến giá trị quyền chọn mua và quyền chọn bán.
Ví dụ, giá trị của quyền chọn mua tăng khi giá tài sản cơ sở hoặc mức độ biến động tăng, nhưng giảm khi giá thực hiện quyền tăng. Ngược lại, quyền chọn bán thường giảm giá trị khi giá tài sản cơ sở tăng nhưng tăng giá trị khi giá thực hiện quyền tăng.
Xem thêm: [Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 8: Pricing and valuation of options
3.1.9. Option replication using put-call parity
Option Replication Using Put-Call Parity trong môn Derivatives của chương trình CFA Level I giới thiệu khái niệm và ứng dụng của put-call parity và put-call-forward parity đối với hợp đồng quyền chọn kiểu Châu Âu.
Put-call parity giải thích mối quan hệ giữa hai chiến lược: quyền chọn bán được bảo đảm (Protective Put) và quyền chọn mua ủy thác (Fiduciary Call). Tại thời điểm đáo hạn, hai chiến lược này có giá trị tương đương
- Protective Put là chiến lược kết hợp giữa việc mua tài sản cơ sở và quyền chọn bán
- Fiduciary Call bao gồm việc mua trái phiếu phi rủi ro và quyền chọn mua.
Lý thuyết quyền chọn được áp dụng trong tài chính doanh nghiệp để phân tích quyền lợi của cổ đông và chủ nợ. Cổ đông được coi như người nắm giữ quyền chọn mua tài sản của doanh nghiệp, trong khi chủ nợ tương tự như người nắm giữ quyền chọn bán, với giá thực hiện bằng khoản nợ của công ty.
Khi giá trị tài sản doanh nghiệp lớn hơn khoản nợ, quyền lợi thuộc về cổ đông; ngược lại, khi giá trị tài sản giảm xuống thấp hơn, chủ nợ sẽ hưởng quyền lợi từ tài sản.
Xem thêm: [Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 9: Option replication using put-call parity
3.1.10. Valuing a derivative using a one-period binomial model
Module này trang bị cho học viên hiểu biết về cách định giá công cụ phái sinh bằng mô hình nhị thức từ việc mô phỏng giá tài sản cơ sở đến việc áp dụng khái niệm trung tính rủi ro.
Mô hình nhị thức được sử dụng để định giá các công cụ phái sinh như hợp đồng quyền chọn. Giả định chính của mô hình là giá trị tài sản cơ sở sẽ thay đổi theo hai hướng: tăng hoặc giảm trong một kỳ duy nhất.
Một nội dung quan trọng khác trong module này là khái niệm trung tính rủi ro, một giả định nền tảng trong định giá phái sinh. Trung tính rủi ro không sử dụng xác suất thực tế mà thay vào đó áp dụng xác suất giả định (pseudo probabilities) để đảm bảo rằng giá trị kỳ vọng của công cụ phái sinh, khi chiết khấu bằng lãi suất phi rủi ro, sẽ khớp với giá hiện tại.
3.2. Derivatives CFA level 2
Môn học Derivatives trong phạm vi CFA Level 2 mở rộng kiến thức nền tảng đã học ở Level 1 đồng thời đi sâu vào các mô hình định giá và ứng dụng nâng cao của các công cụ phái sinh. Tại cấp độ này, các học viên sẽ tiếp cận các phương pháp định giá phức tạp hơn, hiểu rõ hơn về cách các yếu tố kinh tế, tài chính và toán học ảnh hưởng đến giá trị của các sản phẩm phái sinh.
3.2.1. Pricing and Valuation of forward commitments
Đầu tiên, học viên sẽ học cách định giá hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai trên cổ phiếu. Hợp đồng kỳ hạn là một thỏa thuận giữa hai bên để mua hoặc bán một tài sản cơ sở tại một thời điểm xác định trong tương lai với mức giá được thỏa thuận tại thời điểm hiện tại. Hai vị thế trong hợp đồng kỳ hạn bao gồm:
- (1) Vị thế mua (long position) cam kết mua tài sản
- (2) Vị thế bán (short position) cam kết bán tài sản
Quá trình định giá hợp đồng kỳ hạn gồm hai khía cạnh chính: pricing và valuation. Định giá hợp đồng phải tuân thủ quy luật một giá, đảm bảo rằng các khoản đầu tư có dòng tiền giống nhau sẽ có giá trị tương đương tại hiện tại, cũng như nguyên tắc không có kinh doanh chênh lệch giá (no-arbitrage principle), nhằm ngăn chặn các cơ hội lợi nhuận phi rủi ro.
Bên cạnh đó, học viên cũng sẽ được hướng dẫn cách định giá hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai lãi suất. Hợp đồng kỳ hạn lãi suất (FRA) là một loại hợp đồng kỳ hạn đặc thù, trong đó hai bên thỏa thuận về mức lãi suất cho một khoản vay hoặc cho vay trong tương lai.
Giá của FRA là mức lãi suất đảm bảo giá trị hợp đồng ban đầu bằng 0, trong khi giá trị của FRA sau đó phụ thuộc vào chênh lệch giữa lãi suất thị trường và lãi suất thỏa thuận. Tương tự, hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai trái phiếu liên quan đến việc định giá dựa trên giá niêm yết, lãi dồn tích, và các lợi ích từ coupon, đồng thời xem xét yếu tố trái phiếu rẻ nhất để thực hiện (cheapest-to-deliver bond).
Ngoài ra, nội dung module còn tập trung vào định giá các hợp đồng hoán đổi, bao gồm hợp đồng hoán đổi lãi suất, hoán đổi tiền tệ và hoán đổi cổ phiếu. Đối với từng loại hợp đồng, học viên sẽ học cách tính toán và diễn giải giá trị hợp đồng dựa trên các yếu tố như lãi suất cố định và thả nổi, tỷ giá hối đoái, giá cổ phiếu, cũng như tác động của dòng tiền cơ sở.
3.2.2. Valuation of Contingent Claims
Tiếp theo, chúng ta đến với chủ đề định giá quyền tùy chọn (Valuation of contingent claims). Module này cung cấp nền tảng quan trọng để hiểu và áp dụng các mô hình định giá quyền tùy chọn, giúp học viên nắm bắt cách định giá, phân tích và quản lý các quyền tùy chọn trong thực tế.
Nội dung của module này tập trung vào việc sử dụng các mô hình toán học để đánh giá giá trị quyền chọn, đồng thời giải thích các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị và cách sử dụng chúng trong các chiến lược đầu tư.
Học viên sẽ bắt đầu với mô hình nhị thức, một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để định giá quyền chọn. Phương pháp cây nhị thức một kỳ (one-period binomial model) giả định giá tài sản cơ sở tại một thời điểm có thể tăng hoặc giảm. Phương pháp định giá quyền chọn không có kinh doanh chênh lệch giá tuân thủ hai quy tắc:
- (1) không sử dụng tiền của mình
- (2) không chấp nhận rủi ro về giá
Quy trình này gồm ba bước: bán quyền chọn mua, mua cổ phiếu để tạo vị thế phi rủi ro, và huy động tiền để tham gia vị thế.
Tiếp theo, học viên sẽ được giới thiệu mô hình Black–Scholes–Merton (BSM), một công cụ phổ biến trong việc định giá quyền chọn châu Âu. Nội dung bao gồm các giả định cơ bản của mô hình, diễn giải các thành phần và áp dụng mô hình để định giá các quyền chọn trên cổ phiếu, tiền tệ, hợp đồng tương lai và lãi suất.
Ngoài ra, module này cũng đi sâu vào việc phân tích các thông số Greek – những yếu tố quan trọng trong giao dịch quyền chọn. Học viên sẽ được học cách diễn giải và ứng dụng các thông số như delta, gamma, vega, theta, và rho để đo lường rủi ro và tối ưu hóa giao dịch. Đặc biệt, việc thực hiện chiến lược bảo hiểm delta (delta hedge) và hiểu vai trò của rủi ro gamma trong giao dịch quyền chọn sẽ được nhấn mạnh.
3.3. Trong phạm vi CFA Level 3
Trước đây, Level 3 của môn Derivatives bao gồm ba học phần: Option Strategies (Chiến lược Quyền chọn), Swaps, Forwards, and Futures Strategies (Chiến lược Hoán đổi, Kỳ hạn và Tương lai), và Currency Management: An Introduction (Giới thiệu về Quản lý Tiền tệ).
Tuy nhiên, theo thông báo cập nhật mới nhất LOS (Learning Outcome Statements) từ CFA năm 2025, học phần Currency Management: An Introduction đã được chuyển sang môn Economics, hiện tại phạm vi của môn Derivatives còn lại hai module: Option Strategies và Swaps, Forwards, and Futures Strategies.
Derivatives Level 3 trang bị kiến thức chuyên sâu về cách tích hợp các chiến lược quyền chọn trong phân tích cơ hội đầu tư và quản lý rủi ro. Đồng thời, học viên được hướng dẫn sử dụng linh hoạt các sản phẩm phái sinh quen thuộc như forward, future, và swap để phòng ngừa rủi ro, đặc biệt là rủi ro tỷ giá khi thực hiện các quyết định đầu tư quốc tế.
Xem thêm: CFA Curriculum 2025 – Lần cập nhật lớn nhất kể từ 2020
3.3.1. Options Strategies
Nội dung module Chiến lược Quyền chọn (Options Strategies) trong môn học Derivatives CFA Level 3 bao gồm:
- Giải thích cách tái tạo lợi suất của một tài sản thông qua việc sử dụng quyền chọn.
- Phân tích mục tiêu đầu tư, cấu trúc, cách thanh toán, rủi ro, giá trị khi đáo hạn, lợi nhuận, lợi nhuận tối đa, thua lỗ tối đa, và giá hòa vốn của chiến lược covered call.
- Phân tích tương tự đối với chiến lược protective put, bao gồm mục tiêu đầu tư, cấu trúc, rủi ro, giá trị khi đáo hạn, lợi nhuận và các yếu tố liên quan.
- So sánh delta của chiến lược covered call và protective put với vị thế mua (long) tài sản cơ sở và vị thế bán (short) hợp đồng kỳ hạn của tài sản cơ sở.
- So sánh tác động của việc mua quyền chọn mua (call) trên một vị thế bán tài sản cơ sở với tác động của việc bán quyền chọn bán (put) trên cùng vị thế.
- Thảo luận chi tiết về các chiến lược quyền chọn khác như bull spread, bear spread, straddle, collar, bao gồm mục tiêu đầu tư, cấu trúc, cách thanh toán, rủi ro, và các yếu tố lợi nhuận tối đa, thua lỗ tối đa, cùng giá hòa vốn.
- Giới thiệu và phân tích các ứng dụng của chiến lược calendar spreads. Một long (short) calendar spread bao gồm việc mua (bán) một quyền chọn dài hạn và bán (mua) một quyền chọn ngắn hạn cùng loại với cùng giá thực hiện. Một long (short) calendar spread được sử dụng khi triển vọng đầu tư là phẳng (biến động) trong ngắn hạn nhưng các biến động lợi nhuận lớn hơn (nhỏ hơn) được kỳ vọng trong tương lai.
- Thảo luận về volatility skew and smile,
- Xác định và đánh giá các chiến lược quyền chọn phù hợp với từng mục tiêu đầu tư cụ thể.
- Trình bày cách sử dụng quyền chọn để đạt được mức độ rủi ro cổ phiếu theo mục tiêu đặt ra.
3.3.2. Swaps, Forwards and Future Strategies
Module thứ 2 ở phạm vi Level 3 trong môn học Derivatives có tên Các Chiến lược Hoán đổi, Hợp đồng Tương lai và Hợp đồng Kỳ hạn (Swaps, Forwards, and Futures Strategies).
Các nhà quản lý đầu tư và nhà đầu tư có nhiều công cụ khác nhau như hoán đổi (swaps), kỳ hạn (forwards), tương lai (futures), và chứng khoán phái sinh biến động (volatility derivatives) để tối ưu hóa quản lý danh mục và đạt được các mục tiêu tài chính cụ thể. Các công cụ phái sinh này thường được sử dụng với các mục đích:
- Điều chỉnh lợi nhuận và mức độ rủi ro của danh mục đầu tư.
- Thiết kế hoặc tái tạo các cấu trúc lợi nhuận phù hợp với nhu cầu đầu tư cụ thể.
- Thực hiện phân bổ tài sản và cân bằng danh mục đầu tư, tối ưu hóa tỷ trọng danh mục để phù hợp với chiến lược hoặc mục tiêu ngắn hạn.
- Nhận định kỳ vọng thị trường, đưa ra dự báo về lãi suất, lạm phát, và mức độ biến động trên thị trường.
Nội dung module Swaps, Forwards, and Futures Strategies trong CFA Level 3 bao gồm:
- Giải thích cách sử dụng hợp đồng hoán đổi lãi suất, hợp đồng kỳ hạn, và hợp đồng tương lai để điều chỉnh rủi ro và lợi suất của danh mục đầu tư, bằng cách thay đổi đặc điểm của dòng tiền của danh mục đầu tư.
- Phân tích cách sử dụng hợp đồng hoán đổi tiền tệ, hợp đồng kỳ hạn, và hợp đồng tương lai nhằm quản lý rủi ro và tối ưu hóa lợi suất của danh mục đầu tư. Rủi ro vốn chủ sở hữu trong danh mục đầu tư có thể được quản lý bằng cách sử dụng hoán đổi vốn chủ sở hữu và hoán đổi tổng lợi nhuận. Có ba loại hoán đổi vốn chủ sở hữu chính:
- (1) nhận lợi nhuận vốn chủ sở hữu, trả cố định
- (2) nhận lợi nhuận vốn chủ sở hữu, trả thả nổi
- (3) nhận lợi nhuận vốn chủ sở hữu, trả một lợi nhuận vốn chủ sở hữu khác.
- Thảo luận về việc sử dụng các sản phẩm phái sinh liên quan đến biến động và hoán đổi phương sai (variance swaps). Trong hoán đổi phương sai, người mua hợp đồng sẽ trả phần chênh lệch giữa mức phương sai cố định được chỉ định trong hợp đồng và phương sai thực hiện (được tính theo năm) trên tài sản cơ sở trong khoảng thời gian được chỉ định và áp dụng cho một giá trị danh nghĩa phương sai.
- Giải thích cách sử dụng sản phẩm phái sinh để đạt được mức độ rủi ro cổ phiếu và lãi suất theo mục tiêu đã đề ra.
- Trình bày vai trò của các sản phẩm phái sinh trong phân bổ tài sản, tái cân bằng danh mục, và suy diễn kỳ vọng thị trường.
Có thể bạn quan tâm: Corporate Issuers CFA – Tìm hiểu về Tài chính doanh nghiệp
4. Những kỹ năng sẽ đạt được từ môn học Derivatives CFA
Sau khi hoàn thành môn học Derivatives, học viên sẽ được trang bị một bộ kỹ năng toàn diện, từ kiến thức lý thuyết vững chắc đến khả năng ứng dụng thực tế trong giao dịch, quản lý rủi ro và đầu tư. Các kỹ năng này rất quan trọng cho những người làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư và quản lý rủi ro, bao gồm:
- Hiểu biết về các công cụ phái sinh, nắm vững nguyên tắc hoạt động, cấu trúc, định giá và ứng dụng của các sản phẩm phái sinh như hợp đồng kỳ hạn (forwards), hợp đồng tương lai (futures), quyền chọn (options), và hợp đồng hoán đổi (swaps).
- Sử dụng linh hoạt các chiến lược quyền chọn như covered call, protective put, straddle, bull spread, bear spread, và collar trong phân tích đầu tư và quản lý danh mục.
- Hiểu và phòng ngừa các loại rủi ro như rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, rủi ro giá cổ phiếu và biến động thị trường bằng cách sử dụng các công cụ phái sinh phù hợp.
- Xây dựng các chiến lược phòng vệ rủi ro trong bối cảnh đầu tư quốc tế.
- Ứng dụng các sản phẩm phái sinh trong việc phân bổ tài sản, tái cân bằng danh mục đầu tư, và suy diễn kỳ vọng thị trường.
- Phân tích, đánh giá, và lựa chọn các chiến lược phái sinh phù hợp với mục tiêu đầu tư và mức độ rủi ro chấp nhận được.
5. Một vài kinh nghiệm học tập, ôn luyện thi môn học Derivatives CFA
Để đạt kết quả cao trong kỳ thi CFA với môn Derivatives, việc xây dựng một chiến lược học tập và ôn luyện hợp lý là điều không thể thiếu. Dưới đây là một số kinh nghiệm hữu ích được chia sẻ từ các học viên tại SAPP, giúp bạn dễ dàng tiếp cận và nắm chắc kiến thức của môn học này
5.1. Tập trung vào các khái niệm cơ bản và công thức quan trọng
Môn Derivatives là một lĩnh vực mới mẻ so với các sản phẩm truyền thống như cổ phiếu hay trái phiếu trên thị trường Việt Nam. Vì vậy, việc tiếp thu kiến thức và làm quen với các sản phẩm, thuật ngữ chuyên ngành là một quá trình đòi hỏi thời gian và sự tập trung.
Để học tốt môn này, việc xây dựng một nền tảng vững chắc là vô cùng quan trọng. Người học cần thời gian để tiếp thu kiến thức mới, làm quen, nắm vững các khái niệm cơ bản về phái sinh, bao gồm định nghĩa, phân loại, đặc điểm và vai trò của từng loại công cụ phái sinh.
Một trong những trọng tâm quan trọng người học cần tập trung nắm vững và phân biệt các công thức định giá (price và value) liên quan đến 4 loại sản phẩm phái sinh chính của chương trình học:
Mỗi loại sản phẩm đều có những đặc điểm riêng, và các công thức định giá sẽ giúp người học hiểu được cách thức xác định giá trị của chúng trong các điều kiện thị trường khác nhau.
Ngoài việc học lý thuyết, người học cần chú trọng thực hành thông qua các bài tập tính toán, nhằm củng cố kiến thức, tạo cơ hội rèn luyện kỹ năng áp dụng công thức vào các tình huống thực tế. Thông qua việc thực hành đa dạng các dạng bài, người học sẽ trở nên thành thạo hơn trong việc xử lý bài toán định giá, từ đó cải thiện khả năng phân tích và đưa ra quyết định đúng đắn khi làm việc với các sản phẩm phái sinh.
Có thể bạn quan tâm: Economics CFA có khó không? Điểm qua kiến thức 3 level
5.2. Hiểu rõ cấu trúc, tỷ trọng môn học và phân bổ thời gian ôn tập hợp lý
Môn Derivatives CFA chiếm khoảng 5-10% trong kỳ thi CFA, tương ứng với khoảng 9-14 câu hỏi. Mặc dù tỷ trọng không lớn so với các môn khác, nhưng việc nắm chắc kiến thức cơ bản của môn giúp trả lời chính xác các câu hỏi liên quan, hỗ trợ hiệu quả cho việc học các môn khác trong chương trình, mang lại lợi ích đáng kể trong việc tối ưu hóa điểm số tổng thể.
Để quản lý thời gian học tập hiệu quả, người học nên dành khoảng 5% tổng thời gian học cho môn Derivatives, tức khoảng 10-15 giờ. Trong thời gian này, tập trung chủ yếu vào việc hiểu rõ các khái niệm nền tảng và các công thức quan trọng thay vì đi sâu vào các chi tiết phức tạp không thường xuất hiện trong đề thi. Cách tiếp cận này giúp người học xây dựng được một nền tảng vững chắc và tránh bị quá tải bởi các phần nội dung không thực sự cần thiết.
Ngoài ra, việc cân nhắc phân bổ thời gian ôn tập hợp lý cho môn Derivatives CFA sẽ giúp học viên duy trì được sự cân bằng trong toàn bộ chương trình học. Với chiến lược học đúng đắn, học viên không chỉ đạt được kết quả tốt ở môn này mà còn tận dụng được sự liên kết kiến thức giữa các môn học, từ đó tăng cơ hội đạt thành tích cao trong kỳ thi CFA.
5.3. Xác định các phương pháp học tập phù hợp
Tùy thuộc vào phong cách học tập cá nhân, mỗi học viên sẽ có những phương pháp riêng để nâng cao hiệu quả tiếp thu và ghi nhớ kiến thức. Để hỗ trợ quá trình học môn Derivatives CFA, học viên có thể tham khảo một số cách tiếp cận bài giảng dưới đây nhằm tối ưu hóa việc nắm bắt nội dung trong suốt giai đoạn học:
Trước buổi học | Trong buổi học | Sau buổi học |
|
|
|
Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc hiểu các khái niệm từ sách giáo trình chính thức CFA Program Curriculum Ebook Information, có thể tham khảo các tài liệu bổ trợ sau để giúp việc học trở nên dễ tiếp thu hơn: Kaplan Schweser Notes và Wiley Study Guide. Đây là hai bộ sách rất hữu ích trong việc đơn giản hóa và diễn giải các khái niệm phức tạp. Cả hai đều được thiết kế để giúp bạn nắm bắt nhanh chóng những kiến thức trọng tâm của chương trình học.
Ngoài ra, đối với kiến thức chuyên sâu hơn về môn học, một tài liệu không thể bỏ qua là: “Options, Futures, and Other Derivatives” của John Hull. Đây là một trong những cuốn sách tham khảo hàng đầu dành cho sinh viên tài chính và các nhà giao dịch. Cuốn sách này giải thích chi tiết về các sản phẩm phái sinh, được trình bày dễ hiểu và phù hợp cho cả người mới bắt đầu và những ai muốn nghiên cứu sâu hơn.
Bởi vì môn học này chứa nhiều thuật ngữ mới lạ và số lượng công thức khá lớn, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau để ghi nhớ kiến thức một cách hiệu quả hơn trong quá trình ôn tập:
- Sử dụng flashcards: Tạo các flashcards để ghi nhớ các công thức và thuật ngữ quan trọng. Hãy ôn lại thường xuyên để đảm bảo ghi nhớ lâu dài. Bạn có thể tận dụng tính năng Flashcards có sẵn trên Learning Ecosystem của Viện CFA (như minh họa trong hình).
- Lập bảng so sánh: Tạo các bảng so sánh (comparison table) để dễ dàng nắm bắt và phân biệt các đặc điểm nổi bật giữa 4 loại sản phẩm phái sinh chính trong chương trình học (hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, và hợp đồng hoán đổi).
- Tổng hợp công thức: Lập bảng tổng hợp công thức (formula summary), đặc biệt chú trọng vào các công thức tính giá trị (value) và giá cả (price) của các sản phẩm phái sinh. Đây sẽ là công cụ hữu ích giúp bạn ghi nhớ nhanh chóng và dễ dàng ôn lại trước ngày thi.
- Luyện tập: Hoàn thành bài tập từ các nguồn Curriculum, Question bank nhằm củng cố các kiến thức đã học, xác định sớm lỗ hổng kiến thức và ôn tập lại nếu cần. Có thể sử dụng tính năng Practice (thay thế câu hỏi Curriculum) trên Learning Ecosystem để thuận tiện hơn trong quá trình theo dõi tiến độ làm bài tập.
Xem thêm: Tổng hợp tài liệu CFA đầy đủ 3 level [Giáo trình, Tài liệu, Video]
6. Tạm kết
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan và định hướng rõ ràng về môn học Derivatives CFA. Đây là một môn học quan trọng, giúp bạn phát triển khả năng phân tích và ứng dụng các công cụ phái sinh trong quản trị rủi ro, kinh doanh và đầu cơ, không chỉ dành cho các tổ chức tài chính mà còn cả các doanh nghiệp phi tài chính.
Có thể bạn sẽ cảm thấy phức tạp ban đầu, nhưng môn học này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn xây dựng được một lộ trình học tập hiệu quả. Hãy nhớ dành thời gian để hiểu rõ các khái niệm và làm quen với các thuật ngữ và liên tục thực hành để củng cố và ứng dụng kiến thức.
Nếu bạn cần hỗ trợ thêm trong quá trình học, đừng ngần ngại liên hệ với SAPP Academy qua Fanpage hoặc Website để được tư vấn và hỗ trợ tận tình. Chúc bạn thành công trên hành trình chinh phục kỳ thi CFA!
Liên hệ với SAPP qua Fanpage hoặc Website nếu cần bất cứ hỗ trợ nào nhé!
- Fanpage: https://www.facebook.com/cfa.sapp / https://www.facebook.com/sapp.cfaonline/
- Website: https://sapp.edu.vn/
- Hotline: 19002225
- Youtube: https://www.youtube.com/@sapp-cfa