Cựu sinh viên đến từ Đại học Ngoại Thương, bạn Trần Minh chia sẻ về kinh nghiệm thi tuyển PwC, EY và Deloitte kỳ Fresh Graduate Năm 2017 vừa diễn ra. Trong bài phỏng vấn này, Minh sẽ chia sẻ về kinh nghiệm tuyển dụng của mình qua từng vòng: CV, test, group và phỏng vấn.
1. Bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân mình?
Mình là Trần Anh Minh, sinh viên K51 trường Đại học Ngoại Thương. Mình học chuyên ngành phân tích đầu tư, và hiện mình đang làm tại bộ phận Tài chính của một công ty start-up.
2. Đã tham gia tuyển dụng tại EY, Deloitte và PwC kỳ Fresh Graduate năm 2017, bạn có cảm nhận thế nào về quy trình tuyển dụng của 3 công ty này?
Theo cảm nhận của mình, EY nhìn chung có các vòng tuyển dụng EY nhìn chung là thoải mái và dễ thở nhất. Không hẳn là dễ mà là giám khảo của EY muốn tạo cảm giác gần gũi và dễ chịu để các thí sinh có thể cởi mở và bộc lộ con người của mình một cách tốt nhất.
Deloitte có đặc điểm là rất nặng về kiến thức chuyên ngành. Đây cũng là Big duy nhất cho chủ đề thảo luận nhóm là hoàn toàn về chuyên ngành. Giám khảo của Deloitte không hỏi “các bạn đã giúp team mình thế nào?”, mà các câu hỏi cũng hoàn toàn về chuyên ngành. Nếu bạn không chắc kiến thức chuyên ngành thì có khả năng sẽ phải ngồi yên lặng cả buổi.
PwC là Big để lại cho mình nhiều ấn tượng nhất vì tác phong cực kỳ chuyên nghiệp và chuẩn xác của họ. Các vòng tuyển dụng chú trọng vào kiểm tra tư duy logic và khả năng ngoại ngữ của thí sinh, thay vì kiến thức chuyên ngành (có chăng thì chỉ một chút trong vòng thi cuối thôi). PwC thu hút rất nhiều ứng viên du học vừa về nên cạnh tranh khá gay gắt.
3. Phá đảo vòng loại CV của cả 3 BIG là 1 việc không hề dễ dàng. Bạn đã chuẩn bị cho vòng loại CV như thế nào đối với từng BIG?
Vòng CV là vòng có tỷ lệ loại ứng viên cao nhất đối với BIG4. Mình sẽ chia sẻ 1 số kinh nghiệm xây dựng 1 bộ CV chuyên nghiệp trong mắt nhà tuyển dụng. Một số lưu ý trong việc trình bày CV bao gồm:
- Hình thức của CV nên đơn giản, rõ ràng, không cần quá màu mè, hình thức. Bạn có thể không cần cho ảnh cá nhân vào cũng được. Mình thấy hiệu quả nhất là làm trên Word, kẻ bảng rồi xóa khung đi.
- Không sai lỗi chính tả. Đừng để lỗi chính tả trong CV phản ánh bạn là người cẩu thả. Đây là điểm trừ rất lớn với nghề kiểm toán.
- Chú trọng những gì nhà tuyển dụng cần tìm ở bạn. Vì đã đi làm rồi nên mình tập trung trau chuốt phần Kinh nghiệm chuyên môn và những gì mình thu nhận được trong quá trình đi làm.
- Có đầy đủ thông tin quan trọng đối với nhà tuyển dụng. Với các bạn vừa tốt nghiệp, hoặc học/làm trái ngành Kiểm toán, nhà tuyển dụng cần biết các bạn có những kiến thức và phẩm chất phù hợp với nghề kiểm toán không?
Tips của mình là lên chính website của công ty mình đang apply và đọc phần mô tả công việc cũng như những tiêu chí cần thiết cho vị trí Kiểm toán; Nhặt ra các từ khóa quan trọng; Rồi gắn nó với những gì bạn học trong trường, những hoạt động ngoại khóa bạn tham gia, và những phẩm chất bạn thu được khi làm/học tại vị trí trái ngành hiện tại. Tất cả đều nên liên quan đến Kiểm toán.
Bạn có thể tham khảo 1 ví dụ về tin tuyển dụng của Deloitte tại đây. Các từ khóa thường được bắt có thể gồm High pressure, problem solving, logical thinking, willing to travel… Các từ khóa liên quan đến chuyên ngành …
- Cuối cùng, bạn nên thành thực với những gì bạn viết trong CV của mình. Vì nó quyết định đến thành bại cuộc phỏng vấn Final.
4. Theo bạn, vòng phỏng vấn tại PwC có khó không? Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm vượt qua vòng phỏng vấn này được không?
Đến giờ, vòng phỏng vấn của PwC vẫn để lại cho mình 1 ấn tượng rằng nó không phải là 1 vòng thi mà chỉ đơn giản là một cuộc trao đổi thẳng thắn giữa 2 bên đang muốn tìm đến nhau (cười). Vì nếu bạn đã vào được đến vòng này chứng tỏ bạn đã đáp ứng được đến 90% yêu cầu về năng lực của PwC rồi.
Về cơ bản, khi người phỏng vấn cảm thấy tò mò hay thích thú về điểm nào đó trong CV của bạn, họ sẽ hỏi và phát triển câu chuyện từ đó ra. Trường hợp của mình người phỏng vấn để ý ngay chi tiết mình đang đi làm, và từ đó có thể khai thác rất nhiều thông tin để hỏi.
Ví dụ như:
- Công việc cụ thể của bạn là gì?
- Bạn học được gì trong quá trình làm việc?
- Hãy kể về 1 tình huống khó khăn mà bạn đã gặp trong công việc và bạn đã giải quyết tình huống ấy thế nào xem nào?
- Tại sao bạn đang làm về tài chính lại muốn chuyển qua nghề kiểm toán?
- Vì sao bạn lựa chọn làm kiểm toán ở PwC?
- Bạn biết gì và thích gì ở PwC?
Quay lại câu chuyện CV, đây chính là lý do bạn nên trung thực khi viết CV. Vì nếu bạn đang cố hư cấu 1 câu chuyện không phải là của mình khi phỏng vấn, mình tin rằng nhà tuyển dụng sẽ nhận ra được ngay. Trung thực trong CV cũng là 1 cơ hội để các bạn có thể đoán trước được những gì nhà tuyển dụng sẽ hỏi, dựa trên những nội dung bạn viết trong CV.
Một tips chung khi phỏng vấn tại BIG4, đó là nên chuẩn bị trước câu trả lời cho các câu hỏi dễ bị hỏi. Tuy nhiên bạn đừng luyện tập đến nỗi thành kịch bản, vì điều đó sẽ tạo cảm giác bất an và không đáng tin cậy cho người phỏng vấn. Đến vòng phỏng vấn, bạn cũng nên tìm hiểu trước về Big mà bạn đến phỏng vấn và chuẩn bị câu hỏi dành cho người phỏng vấn, trong trường hợp họ sẽ hỏi bạn: “Bạn có bất cứ câu hỏi nào cho chúng tôi không?”
Bạn có thể tham khảo 1 số cách trả lời các câu hỏi thường gặp trong vòng phỏng vấn BIG4:
5. Bạn đã chuẩn bị kiến thức chuyên ngành như thế nào trong quá trình thi tuyển Deloitte nói chung và EY, PwC nói riêng?
Theo mình, kiến thức chuyên ngành chỉ chiếm 20% những gì bạn cần phải ôn thôi. Có nhiều phần cũng quan trọng không kém như là: viết essay, kiểm tra IQ/EQ, nghe nói tiếng Anh, trả lời phỏng vấn…
Kiến thức chuyên ngành có thể chia làm 4 phần: Accounting, Auditing, Tax và Finance.
-
Accounting – Kế toán
Phần Accounting chiếm trọng số lớn nhất và nằm chủ yếu trong cuốn F3 ACCA. Bạn không cần biết làm hết tất cả các dạng bài trong sách ACCA, chỉ cần hiểu bản chất là được.
Các mảng kiến thức Kế toán quan trọng bao gồm:
- Nắm rõ về các đặc tính của thông tin tài chính – Qualitatives characteristics of financial information (chương 3);
- Hiểu sơ qua về các loại sổ sách kế toán (chương 4);
- Hiểu về 7 phần hành lớn trong kế toán gồm: Hàng tồn kho – Inventory, Tài sản cố định – NCA, Trích trước – Accruals… (chương 7 – 13);
- Các vấn đề về Bảng cân đối thử – Trial Balance (chương 14 – 16);
- Lập Báo cáo Tài chính (chương 20 – 22) và Báo cáo Tài chính hợp nhất (chương 23 – 25).
-
Auditing – Kiểm toán
Auditing cũng quan trọng không kém. Bạn không cần ôn cả quyển F8 ACCA, mà chỉ cần biết về Tổng quan Kiểm toán (Audit), các Ý kiến kiểm toán (Audit opinion) và quan trọng nhất là các Cơ sở dẫn liệu. Từ các Cơ sở dẫn liệu (Assertion) này bạn có thể suy ra được quy trình cho các phần hành kiểm toán thường gặp. Quyển Tuyển tập kinh nghiệm 10 phần hành kiểm toán cơ bản của SAPP là hoàn hảo để các bạn nắm chắc phần hành kiểm toán.
-
Tax – Thuế
Nếu bạn không thi Thuế thì thường sẽ không bị hỏi. Năm nay chỉ có EY hỏi vì EY vẫn dùng đề thi viết chung. Tips của mình là lên mạng lôi quyển sổ tay Tax book của PwC Vietnam phát hành về đọc, rất ngắn gọn và đầy đủ.
-
Finance – Tài chính
Phần Tài chính thì dựa nhiều vào phần Kế toán. Bạn biết cách tính các chỉ số tài chính cơ bản và hiểu ý nghĩa của chúng đứng từ quan điểm của 1 nhà đầu tư là được. Các nhóm chỉ số tài chính cơ bản được chia làm chỉ số hoạt động, chỉ số lợi nhuận, chỉ số nợ, chỉ số thanh khoản và chỉ số nhà đầu tư.
>>> Xem thêm: Tổng Hợp Tất Cả Tài Liệu Luyện Thi BIG4
6. Bạn có thể chia sẻ với các bạn sinh viên đang muốn gia nhập vào môi trường làm việc tại EY, PwC và Deloitte không?
BIG4 là môi trường hoàn hảo cho các bạn trau dồi và đào sâu chuyên môn với tốc độ rất nhanh, để sau này các bạn được trang bị cả một “bồ” những cái know-how, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các bạn trong nghề nghiệp.
Cảm ơn bạn với những chia sẻ hết sức ý nghĩa. Chúc bạn thành công trên bước đường sự nghiệp sắp tới!
>>> Xem thêm:
- Kinh Nghiệm Thi Tuyển KPMG Kỳ Fresh Graduate Năm 2017 Với Nguyễn Duy Anh
- Kinh Nghiệm Thi Tuyển & Thực Tập Tại EY Năm 2017 Với Trần Lê Ngọc Hải