Các Dạng Gian Lận Trong Vốn Hóa Chi Phí Phổ Biến
1. Gian lận trong vốn hóa chi phí là gì?
Một trong những gian lận phổ biến nhất trong việc “làm đẹp” Báo cáo Tài Chính là cải thiện lợi nhuận thông qua vốn hóa chi phí không được phép vốn hóa. Đây là một cách trì hoãn hoặc nhập nhằng trong việc ghi nhận chi phí. Với thủ thuật này, các chi phí hoạt động kinh doanh trong kỳ sẽ được ghi nhận lên bảng cân đối thay vì báo cáo lỗ lãi. Các dự án triển khai không thành công sẽ không đủ điều kiện ghi nhận là tài sản vì không đem lại lợi ích trong tương lai. Từ đó khiến cho chi phí giảm, lợi nhuận tăng, nguồn vốn và tài sản tăng do chuyển đổi chi phí thành tài sản.
Một số loại chi phí có nhiều khả năng dễ bị gian lận khi vốn hóa chi phí, bao gồm:
- Chi phí khởi nghiệp;
- Chi phí nghiên cứu và phát triển;
- Chi phí sửa chữa và bảo dưỡng;
- Chi phí phát triển phần mềm;
- Chi phí xây dựng websites;
- Chi phí phát triển tài sản cố định vô hình;
- Chi phí quảng cáo;
- Chi phí đi vay;
- Chi phí hoãn lại và chi phí trả trước khác.
2. Các dạng gian lận trong vốn hóa chi phí
Dạng 1: Gian lận trong vốn hóa chi phí phát triển tài sản cố định vô hình (Improper intangible fixed assets capitalization)
Khoản chi phí phải đáp ứng tất cả các điều kiện sau để đủ điều kiện vốn hóa chi phí phát triển tài sản cố định vô hình (Development costs) theo chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 38/VAS 03:
- Chắc chắn mang lại lợi ích trong tương lai cho doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp có dự định hoàn thành để sử dụng hoặc bán nó;
- Doanh nghiệp có đủ nguồn lực để hoàn thành;
- Doanh nghiệp có năng lực để hoàn thành và sử dụng hoặc bán nó;
- Doanh nghiệp có đủ tính khả thi về mặt kỹ thuật để hoàn thành;
- Chi phí bỏ ra có được đo lường chính xác và đáng tin cậy.
Thông thường các doanh nghiệp rất dễ nhập nhằng trong việc ghi nhận các chi phí nghiên cứu và phát triển. Các chi phí nghiên cứu trong kỳ phải được tính là chi phí hoạt động trên Báo cáo Thu nhập. Chi phí phát triển phải có đủ cả 6 điều kiện vốn hóa như trên mới được phép vốn hóa và ghi nhận là tài sản trên bảng cân đối kế toán.
Dạng 2: Gian lận trong vốn hóa Chi phí đi vay (Improper borrowing cost capitalization)
Theo chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 16 (VAS 16) và chuẩn mực Kế toán Quốc tế số 23 (IAS 23), Chi phí đi vay được vốn hoá khi có đủ các điều kiện quy định sau:
- Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang;
- Chi phí đi vay được vốn hoá khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó;
- Chi phí đi vay có thể xác định được một cách đáng tin cậy.
Tương tự như vốn hóa chi phí phát triển, chi phí đi vay cũng là một loại chi phí rất dễ bị gian lận trong việc ghi nhận giữa chi phí thông thường và chi phí vốn hóa. Gian lận có thể được thực hiện bằng cách doanh nghiệp vay một khoản vay có giá trị lớn cho cả mục đích đầu tư xây dựng và hoạt động kinh doanh. Nhưng phần lớn giá trị khoản vay được sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh (giả sử khoảng 90% giá trị hợp đồng) và một phần nhỏ được sử dụng cho hoạt động đầu tư xây dựng (10% giá trị hợp đồng). Thay vì ghi nhận chi phí vốn hóa theo đúng tỷ lệ lãi vay dành cho hoạt động đầu tư xây dựng (10%), doanh nghiệp sẽ thực hiện vốn hóa toàn bộ Chi phí đi vay (100%) nhằm mục đích gian lận làm tăng lợi nhuận.
>>> Xem thêm:
- 08 dạng gian lận trong doanh thu phổ biến trong doanh nghiệp
- 11 dạng biển thủ tài sản phổ biến trong doanh nghiệp
- So sánh chuẩn mực kế toán IAS 38 và VAS 04 về tài sản cố định