Những Lo Lắng Thường Gặp Của Sinh Viên Kiểm Toán Năm Cuối
Sinh viên kiểm toán năm cuối – đó là khi bạn đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, công danh, sự nghiệp. Đôi khi những nỗi lo cứ bao trùm khiến bạn không biết mình phải làm gì. Điều quan trọng là bạn phải biết cách đối mặt và giải quyết những lo lắng đó!
Kỳ Tuyển Sinh Thực Tập
Kỳ thực tập của nhiều chuyên ngành kinh tế đôi khi chỉ là xin đến 1 công ty nào đó, xin số liệu và con dấu của công ty. Còn riêng với sinh viên kiểm toán, ai cũng phải “có nơi có chốn”, không phải làm các công ty kiểm nước ngoài thì sẽ là công ty kiểm toán trong nước, không lớn thì nhỏ. Hầu hết các công ty trong ngành đều tổ chức thi tuyển thực tập sinh nên cuộc cạnh tranh của sinh viên chuyên ngành kiểm toán luôn khắc nghiệt hơn những chuyên ngành khác.
Những nỗi sợ trong kỳ thi tuyển thực tập sinh mà bạn nên biết:
1.CV Không Có Gì Để Viết
Thành tích học tập – không nổi bật, hoạt động ngoại khóa – không, các khóa học và hội thảo chuyên ngành đã từng tham dự – không, và rất nhiều thứ khác có cũng như không.
“Viết gì vào CV bây giờ?” – Đó là câu hỏi của thường gặp của rất nhiều người. Mọi thứ sẽ còn trở nên tồi tệ hơn khi bạn thấy bản CV khủng của cô bạn cùng lớp với đủ các loại bằng khen của khoa, Hội sinh viên, Đoàn trường, thành tích tại các cuộc thi, chứng chỉ tiếng Anh, tin học, điểm phẩy các môn chuyên ngành,…
2.Tự Ti Với Kiến Thức Chuyên Ngành Và Tiếng Anh
Các công ty kiểm toán hàng đầu như PwC, KPMG, EY, Deloitte, GT,..đều coi tiếng Anh là một trong những tiêu chí quan trọng để tuyển dụng thực tập sinh. Và theo xu hướng gần đây, các công ty cũng càng ngày càng chú trọng vào việc đánh giá kiến thức chuyên ngành. Các công ty kiểm toán nổi tiếng khác của Việt Nam như AASC, VACO,… đôi khi còn kiểm tra kiến thức nặng hơn cả các công ty nước ngoài. Do đó nếu bạn không chuẩn bị kiến thức chuyên ngành và tiếng Anh tốt thì cơ hội làm việc ở những công ty này quả thật rất mong manh.
3.Thiếu Kỹ Năng Mềm
Phỏng vấn cá nhân hay phỏng vấn nhóm, bất kể cơ hội nào được tiếp xúc với nhà tuyển dụng thì kỹ năng mềm của bạn cũng sẽ được bộc lộ. Bạn hãy thử tưởng tượng trong căn phòng chỉ có mình bạn đối mặt với 3 – 5 người phỏng vấn, bất kể biểu hiện nào từ ánh mắt, nụ cười, giọng nói, dáng ngồi,..của bạn cũng sẽ đều được đánh giá. Nhiều công ty có thêm vòng phỏng vấn nhóm vì đặc thù kiểm toán bạn thường làm theo nhóm chứ không làm 1 mình, do đó kỹ năng này được đánh giá là rất cao. Vậy bạn phải thể hiện bản thân mình thế nào trong 1 nhóm, bạn nên ở vị trí nào và ở vị trí đó bạn nên làm gì?
Nếu bạn chưa bao giờ tập dượt với những cuộc phỏng vấn thử thì đây là một thách thức không hề nhỏ.
Kỳ Thực Tập Bắt Đầu
Nếu bạn đã nhận được thư mời thực tập của 1 công ty kiểm toán, chúc mừng bạn. Bạn có thể check in tại sảnh công ty và báo tin vui cho tất cả bạn bè. Nhưng những nỗi lo lắng mới cũng sẽ bắt đầu nhen nhóm rồi đây.
1.Kỹ Năng Word, Excel Kém
Những phần hành thường gặp trong kỳ thực tập như: dòng tiền, phải trả và nợ phải thu, tài sản cố định, doanh thu,…là những phần hành bạn mới chỉ gặp trên giáo trình của nhà trường. Còn bây giờ, bạn phải đối mặt thực tế với nó. Nếu bạn không thành thạo Word và Excel thì bạn sẽ hoảng loạn thậm chí bất lực với những working paper vài chục sheet. Việc trình bày một văn bản gọn gàng, căn chỉnh những ô số liệu hay những hàm tính toán sẽ khiến bạn cảm thấy rối tung lên.
2.Kiến Thức Giữa Thực Tế Và Lý Thuyết Khác Nhau
Kể cả đã vượt qua kỳ kiểm tra kiến thức, đối mặt với đống chứng từ, sổ sách, file chứng từ dày cộp, nhiều lúc bạn cũng vẫn không hiểu tại sao khoản này lại được định khoản vào 141, 142, 242, 711, 811,…quy trình kiểm toán từng phần hành như thế nào? Và cứ thế bế tắc với hàng trăm câu hỏi không có lời giải đáp.
3.Công Việc Áp Lực, Mệt Mỏi
Công việc kiểm toán rất nhiều áp lực mà khi mới tiếp xúc bạn có thể sẽ cảm thấy bị stress và mệt mỏi. Khi bạn là một sinh viên sắp ra trường, bạn chưa từng có kinh nghiệm, có thể sẽ rất khó để bạn bắt nhịp với một môi trường làm việc hối hả và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao như vậy. Nếu được đi Job, bạn sẽ được đi nhiều nhưng cùng phải làm quen với việc di chuyển nhiều, những chuyến đi xa và thức đêm thường xuyên hơn.
Vậy Làm Sao Để Có Thể Vượt Qua Những Lo Lắng Của 2 Giai Đoạn Này?
Hãy vạch ra cho mình những lộ trình học tập thông minh và phù hợp nhất để có đủ hành trang kiến thức và kỹ năng. Sinh viên năm cuối – đó là khi bạn bước ra khỏi cánh cửa của trường đại học và bắt đầu cuộc sống tự lập của chính mình. Nếu bạn đã có lộ trình cụ thể, bạn sẽ không còn lạc lối giữa rất nhiều điều phải làm. Công việc kiểm toán đầy vất vả và áp lực nhưng đổi lại bạn sẽ được trải nghiệm và học hỏi rất nhiều. Để chuẩn bị hành trang cho cuộc hành trình đầy khó khăn phía trước, bạn hãy cố gắng trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Đó là chính là liều thuốc chống sốc hiệu quả nhất!