Phương Pháp Học Phối Hợp Các Môn ACCA (Phần 1)
ACCA là một trong những bằng cấp danh giá nhất trong giới hành nghề chuyên nghiệp về kế toán, kiểm toán và tài chính. Để trở thành hội viên chính thức của ACCA, bạn cần thỏa mãn 03 điều kiện bao gồm 14 môn thi, 03 năm kinh nghiệm cùng một bài thi nhỏ về đạo đức nghề nghiệp. Vậy phương pháp học ACCA nào là tốt nhất?
ACCA có tổng cộng 14 môn phải vượt qua và là điều kiện khó nhằn nhất nếu muốn trở thành hội viên của hiệp hội này. Việc tổ chức kế hoạch thi và phối hợp môn nào với môn nào trong mỗi kỳ thi cũng được nhiều học viên ACCA quan tâm để tối ưu hóa kết quả thi của bản thân.
Tìm hiểu Đề Thi ACCA Mẫu Các Môn F1 – F9
1. Sắp Xếp Từng Mảng Kiến Thức Theo Thứ Tự Từ Cơ Bản Đến Nâng Cao
a. Mảng kiến thức về quản trị doanh nghiệp, rủi ro, kiểm toán F1=>P1 (có sự liên quan đến F8)
- F1 là môn học tổng hợp với nhiều kiến thức liên quan đến kinh tế, kế toán, kinh doanh, kiểm toán, kiểm soát nội bộ, đạo đức, rủi ro.
- P1 chuyên về rủi ro, quản trị doanh nghiệp có sử dụng các phần kiến thức liên quan từ môn F1, F8 đặc biệt là các kiến thức về kiểm soát nội bộ và kiểm toán.
- P1 còn hỗ trợ học viên ACCA hoàn thành được bài thi nhỏ về đạo đức trước khi trở thành hội viên chính thức của ACCA.
- F8 chuyên về kiểm toán và các dịch vụ đảm bảo có sử dụng 1 phần kiến thức kiểm toán và kiểm soát nội bộ từ môn F1.
b. Mảng kiến thức về kế toán tài chính F3=>F7=>P2 (có sự liên quan đến P7)
- F3 là môn học cơ bản về kế toán tài chính với những kiến thức khá đơn giản về các cách xử lý kế toán với từng giao dịch, các chuẩn mực kế toán quốc tế đơn giản, lập báo cáo tài chính, hợp nhất báo cáo tài chính ở mức độ cơ bản.
- F7 được xây dựng dựa trên sự nối tiếp của F3 về hợp nhất báo cáo tài chính. F7 học khá chuyên sâu về hợp nhất báo cáo tài chính và các chuẩn mực kế toán quốc tế phức tạp hơn so với các chuẩn mực được lĩnh hội trong môn F3.
- P2 là môn chuyên sâu nhất về kế toán tài chính khi yêu cầu người học có các kiến thức phân tích, áp dụng các chuẩn mực kế toán phức tạp để giải quyết các tình huống thực tế. Môn này cũng yêu cầu người học có khả năng hợp nhất báo cáo tài chính dạng phức tạp cùng cách xử lý các khoản mục khéo léo nên nếu học viên tập trung và chăm chỉ ở môn F7 sẽ thấy môn P2 nhẹ nhàng hơn để vượt qua.
- P7 là môn kiểm toán và các dịch vụ đảm bảo nâng cao nên sử dụng khá nhiều kiến thức của P2 để làm cơ sở đánh giá tính trung thực và hợp lý của các báo cáo tài chính được lập theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IAS).
c. Mảng kiến thức về kế toán quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp F2=>F5=>P5 (có sự liên quan đến P3)
- F2 là môn học xây dựng nền tảng về kế toán quản trị bao gồm kế toán chi phí, giá thành, phân tích biến động, lập kế hoạch nhưng chỉ yêu cầu học viên hiểu được những khái niệm và phương pháp khá cơ bản.
- F5 sử dụng nhiều kiến thức của môn F2 đặc biệt là các phương pháp tính giá thành, phân tích biến động, lập kế hoạch và dự báo nhưng ở mức độ phức tạp hơn.
- P5 là môn nâng cao quản lý hiệu quả hoạt động tập trung vào việc lên kế hoạch chiến lược để quản trị hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp, kiểm soát, đánh giá hiệu quả hoạt động trong doanh nghiệp. P5 sử dụng rất nhiều kiến thức từ các môn F2 và F5 đặc biệt là việc phân tích biến động, lập kế hoạch và dự báo.
- P3 là môn phân tích kinh doanh nên kiến thức của môn này hỗ trợ rất nhiều cho quản lý hiệu quả hoạt động được học ở môn P5.
d. Mảng kiến thức về kiểm toán và các dịch vụ đảm bảo F8=>P7 (có sự liên quan đến P2)
- F8 là môn học tập trung chủ yếu vào các khái niệm cơ bản trong kiểm toán như rủi ro, trọng yếu, ý kiến kiểm toán. Bên cạnh đó, F8 cũng cung cấp một lượng kiến thức cơ bản về các thủ tục kiểm toán để đảm bảo cho các phần hành như tiền, phải thu, phải trả, doanh thu.
- P7 tập trung vào việc lập kế hoạch kiểm toán cho một cuộc kiểm toán chuyên nghiệp mà ở đó kiểm toán viên cần có các kỹ năng về xác định rủi ro, xác định nguồn lực để thực hiện một cuộc kiểm toán theo Chuẩn mực Kiểm toán Quốc tế (ISA).
- Việc học tốt môn P2 (Lập báo cáo tài chính nâng cao) giúp ích rất nhiều trong việc học tốt môn P7 vì những phân tích kiểm toán của môn P7 sử dụng nền kiến thức của môn P2 để đánh giá tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính.
e. Mảng kiến thức về tài chính F9=>P4 (có sự liên quan đến F2, P1, P2)
- F9 có nội dung chủ yếu vào quản trị tài chính doanh nghiệp trong đó tập trung giải quyết 03 vấn đề bao gồm: đánh giá và ra quyết định đầu tư, hiểu về các phương pháp gọi vốn và đánh giá cơ cấu vốn tối ưu, đưa ra các chính sách về phân chia cổ tức.
- P4 là môn quản trị tài chính nâng cao ở đó giải quyết các vấn đề giống như môn F9 nhưng ở cấp độ phức tạp và khó khăn hơn. Ngoài ra P4 còn cung cấp nền tảng kiến thức nhằm hỗ trợ phân tích vàra quyết định cho các vấn đề tài chính nâng cao như mua bán sáp nhập (M&A), quyền chọn, phái sinh.
- P1 là môn về rủi ro giúp cung cấp cho người học các nền tảng kiến thức về rủi ro, đặc biệt là rủi ro về mặt tài chính cho môn P4 để ra các quyết định tài chính.
- P2 là môn báo cáo tài chính nâng cao giúp người học nắm được các kiến thức tổng quan về đọc hiểu và phân tích các báo cáo tài chính từ đó làm cơ sở đưa ra các quyết định về tài chính.
f. Mảng kiến thức về tính tuân thủ
- F4 và F6 là 02 môn được học nhằm cung cấp các kiến thức nền tảng nhất về luật kinh doanh và thuế. Đây là 02 môn duy nhất sử dụng kiến thức của luật và thuế đang được áp dụng tại Việt Nam để giải quyết các vấn đề mang tính tuân thủ này.
- 02 môn này có kiến thức khá thực tế và là nền tảng tuân thủ cho những môn còn lại.