Tìm hiểu tổng quan về F3 ACCA (Financial Accounting/FA)
mMôn học Financial Accounting (FA/F3 ACCA) sẽ cho bạn cái nhìn toàn diện về cách ghi nhận, xử lý và phân tích giao dịch kinh tế trong doanh nghiệp. Đây là những kiến thức nền tảng bắt buộc để theo kịp các môn học chuyên sâu sau này.
Cùng khám phá chi tiết nội dung, kỹ năng cần có và lý do vì sao FA/F3 luôn được xem là bước đệm không thể thiếu trong hành trình chinh phục ACCA.
1. Giới thiệu môn học Financial Accounting (FA/F3)
Hầu hết học viên khi học ACCA thường sẽ chọn Financial Accounting (FA/F3) làm khởi đầu vì đây là môn học nền tảng, giúp học viên có những kiến thức cơ bản về Kế toán. Từ đó, bạn sẽ xây dựng được hệ thống kiến thức cần thiết để tiếp cận những môn nâng cao như Financial Reporting (FR/F7) và Strategic Business Reporting (SBR/P2) một cách dễ dàng hơn.
1.1. Môn học Financial Accounting (FA/F3) là gì?
Kế toán tài chính đóng vai trò cốt lõi trong bộ máy kế toán của doanh nghiệp, cung cấp số liệu chính xác để kiểm soát hoạt động và điều chỉnh chiến lược tài chính. Chính vì vậy, FA/F3 – Kế toán tài chính được lựa chọn là một trong ba môn học nền tảng bắt buộc trong chương trình ACCA.
Trong chương trình đào tạo chứng chỉ ACCA, Financial Accounting (FA), hay còn gọi là F3, là môn học nền tảng thuộc cấp độ Applied Knowledge trong chương trình ACCA. FA được thiết kế để trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản nhất về kế toán tài chính: từ nguyên lý ghi sổ kép, bản chất các giao dịch kinh tế, đến kỹ năng lập báo cáo tài chính đơn giản nhưng chuẩn mực.
Trong hành trình chinh phục ACCA, Financial Accounting thường là lựa chọn đầu tiên của học viên, bởi đây chính là viên gạch nền móng cho toàn bộ tòa nhà kiến thức tài chính – kế toán mà bạn sẽ xây dựng sau này. Việc nắm vững FA không chỉ giúp học viên tự tin bước tiếp sang các môn học cao hơn như Financial Reporting (FR/F7) và Strategic Business Reporting (SBR/P2), mà còn tạo lợi thế lớn khi bước chân vào thị trường lao động.
1.2. Tầm quan trọng của môn học
Trong cuộc đua tuyển dụng đầy khốc liệt tại BIG4, Financial Accounting (FA/F3) đóng vai trò như một tấm vé thông hành không thể thiếu. Theo thống kê từ các bài thi tuyển dụng trước đây, 30% – 40% nội dung bài thi tập trung vào các kiến thức từ FA/F3 như lập báo cáo tài chính, phân tích vốn đầu tư, xử lý nợ phải trả.
Nắm vững FA/F3 đồng nghĩa với việc bạn đã giành lấy 1/3 lợi thế ngay từ vòng kiểm tra đầu tiên, ngoài ra, đây còn là nền tảng bắt buộc để học tiếp các môn chuyên sâu hơn trong chương trình ACCA, bao gồm:
- Thuế Việt Nam (TX/F6): Thường chiếm khoảng 10% trong đề thi BIG4, nhưng với vị trí chuyên về thuế, có thể chiếm tới 30% – 60%.
- Kiểm toán (AA/F8): Nội dung liên quan tới kiểm toán thường chiếm khoảng 20% – 40% trong đề thi.
- Lập báo cáo tài chính (FR/F7): Góp mặt khoảng 10% hoặc nhiều hơn.
Nếu không nắm vững FA/F3, bạn sẽ gặp khó khăn lớn khi học tiếp các môn này, đồng thời đánh mất lợi thế cạnh tranh ngay từ vòng thi chuyên sâu.
Ngoài ra, FA/F3 còn là điều kiện bắt buộc để tham gia chương trình ACCA Fast Track – cơ hội rút ngắn quy trình tuyển dụng vào BIG4. Chỉ cần hoàn thành FA/F3, bạn có thể được miễn từ 1 đến 3 vòng phỏng vấn, tiến thẳng tới các vòng cuối cùng trong kỳ tuyển dụng.
2. FA/F3 ACCA tập trung vào những phần kiến thức nào?
2.1. A – The context and purpose of financial reporting (Phạm vi và mục đích của báo cáo tài chính)
Module này sẽ xoay quanh 2 nội dung chính. Đầu tiên, bạn sẽ được giới thiệu về báo cáo Tài chính, cách để thu thập dữ liệu, phân tích, và tổng hợp lại trong báo cáo. Môn học cũng sẽ giới thiệu về các loại hình doanh nghiệp, cũng như các loại báo cáo Tài chính quan trọng.
Nội dung chính thứ 2 của môn FA xoay quanh Tổ chức lập quy chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (The regulatory system). Nó sẽ giải thích mục đích và mục tiêu của hệ thống pháp lý, bao gồm vai trò của:
- IFRS Foundation
- Ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB®)
- Hội đồng Tư vấn IFRS®
- Ủy ban Giải thích IFRS (IFRIC®)
- Ban Chuẩn mực Bền vững Quốc tế (ISSB™)
Đồng thời, học phần này cũng sẽ giải thích vai trò của Chuẩn mực Kế toán IFRS® trong việc lập báo cáo tài chính. Đây là một nội dung quan trọng trong chương trình ACCA, cũng như khi hành nghề Kế – Kiểm – Tài chính sau này.
2.2. B – Accounting Principles, Concepts and Qualitative Characteristics (Nguyên lý kế toán và các đặc tính của thông tin tài chính)
Sau khi nắm được mục tiêu và vai trò của báo cáo tài chính, người học bắt đầu đi sâu hơn vào những nguyên lý nền tảng của nghề kế toán.
Phần học này giúp bạn hình dung được “luật chơi” trong kế toán: vì sao doanh nghiệp phải ghi nhận doanh thu theo nguyên tắc dồn tích, tại sao tính thận trọng luôn được đề cao khi định giá tài sản, và lý do vì sao một con số trong báo cáo tài chính đôi khi không phản ánh đúng bản chất nếu chỉ nhìn bề ngoài.
Bên cạnh các nguyên lý căn bản như Going Concern (hoạt động liên tục), Accrual (cơ sở dồn tích), Materiality (trọng yếu), Substance over Form (bản chất hơn hình thức), bạn cũng sẽ tìm hiểu về những tiêu chuẩn định tính thông tin tài chính như: sự liên quan, độ trung thực, khả năng so sánh, kiểm chứng, tính kịp thời và dễ hiểu.
Học vững phần này, bạn sẽ không còn chỉ “ghi chép kế toán”, mà bắt đầu biết đánh giá đâu là thông tin tài chính đáng tin cậy, đâu là dữ liệu cần được xem xét kỹ lưỡng.
2.3. C – The Use of Double-Entry and Accounting Systems (Ghi sổ kép và hệ thống kế toán)
Nền tảng của kế toán tài chính chính là hệ thống ghi sổ kép (Double Entry Bookkeeping). Đây không phải chỉ là một kỹ thuật ghi chép, mà là cách để mọi con số trong doanh nghiệp luôn cân đối và dễ kiểm soát.
Ở phần học này, bạn sẽ làm quen với các loại chứng từ thực tế – từ hóa đơn mua hàng, phiếu thu chi đến bảng kê ngân hàng. Không chỉ ghi chép, bạn cần hiểu cách chuyển các số liệu từ sổ nhập lần đầu đến sổ cái như thế nào, và làm sao để thông tin đó sẵn sàng được tổng hợp thành báo cáo tài chính.
Ngoài việc xử lý trên giấy tờ, chương trình cũng giúp bạn tiếp cận với kế toán điện tử: hệ thống kế toán máy tính hóa, cách lưu trữ dữ liệu trên cloud, và cách đảm bảo thông tin kế toán đúng hạn, tuân thủ chuẩn mực trong môi trường doanh nghiệp hiện đại.
2.4. D – Recording Transactions and Events: Ghi nhận và hạch toán các giao dịch và sự kiện kinh tế
Trong Part D của môn FA/F3, nội dung đầu tiên sẽ tập trung vào hàng tồn kho (Inventory). Đây là một tài sản lưu động quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới bảng cân đối kế toán và lợi nhuận gộp trong báo cáo kết quả kinh doanh. Học viên sẽ được tìm hiểu cách ghi nhận giao dịch liên quan đến hàng tồn kho và các phương pháp định giá tồn kho phổ biến trong kế toán tài chính.
Tiếp đến, chương trình đề cập đến việc ghi nhận tài sản dài hạn hữu hình và vô hình. Do đặc thù giá trị lớn và thời gian sử dụng kéo dài, việc xác định nguyên giá, phân bổ khấu hao, và hạch toán chi phí liên quan đến tài sản dài hạn đòi hỏi sự chính xác cao, tuân thủ chặt chẽ theo các chuẩn mực kế toán quốc tế.
Phần tiếp theo tập trung vào chi phí trả trước (Prepayment) và chi phí phải trả (Accrual). Học viên sẽ học cách nhận diện, ghi nhận, và đánh giá ảnh hưởng của các khoản điều chỉnh này đối với lợi nhuận kỳ kế toán và tài sản thuần trong báo cáo tài chính.
Ngoài ra, nội dung về dự phòng nghĩa vụ tài chính và công nợ tiềm tàng theo chuẩn mực IAS 37 cũng sẽ được đề cập. Học viên cần nắm vững nguyên tắc ghi nhận, đo lường và trình bày dự phòng trên báo cáo tài chính để đảm bảo tính minh bạch và đúng bản chất giao dịch.
Tiếp tục, chương trình đi sâu vào kế toán nợ xấu (Irrecoverable debts) và dự phòng phải thu khó đòi (Allowance). Các nguyên tắc xử lý xóa sổ nợ, ghi nhận khoản thu hồi nợ xấu và điều chỉnh phụ cấp cho các khoản phải thu sẽ được hướng dẫn chi tiết.
Cuối cùng, phần học sẽ làm rõ cách xử lý thuế doanh thu (Sales Tax, VAT). Người học sẽ tìm hiểu cơ chế tính thuế trong giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ, cũng như cách ghi nhận thuế đầu ra, đầu vào phù hợp với yêu cầu kế toán và luật thuế hiện hành.
2.5. E – Preparing a Trial Balance: Lập bảng cân đối phát sinh
Trong nội dung này, học viên bắt đầu với việc tìm hiểu tài khoản kiểm soát (Control Account) – công cụ không thể thiếu để quản lý tổng hợp các khoản công nợ trong hệ thống kế toán. Việc hiểu rõ cách vận hành và mục đích của tài khoản kiểm soát giúp doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát số dư và nhanh chóng phát hiện sai lệch.
Tiếp nối, chương trình đi vào đối chiếu ngân hàng (Bank Reconciliation), một kỹ thuật quan trọng nhằm đảm bảo số liệu ghi nhận trên sổ kế toán khớp với thực tế tại ngân hàng. Học viên sẽ học cách phân tích chênh lệch, xác định nguyên nhân và hoàn tất quy trình đối chiếu để bảo vệ tính chính xác của dòng tiền.
Kết thúc phần này, nội dung về sửa lỗi kế toán (Correction of Errors) trang bị cho người học kỹ năng xử lý những sai sót phát sinh trong quá trình ghi nhận. Việc xác định lỗi, sử dụng tài khoản tạm treo để điều chỉnh và hoàn thiện bảng cân đối phát sinh sẽ giúp đảm bảo báo cáo tài chính phản ánh đúng tình hình hoạt động kinh doanh.
2.6. F – Preparing Basic Financial Statements: Lập báo cáo tài chính cơ bản
Ở cấp độ tiếp theo, học viên bắt đầu rèn luyện kỹ năng xử lý hồ sơ không hoàn chỉnh (Incomplete Records) – một thực tế phổ biến ở nhiều doanh nghiệp nhỏ. Khả năng suy luận, tính toán để bổ sung số liệu còn thiếu sẽ được củng cố thông qua các tình huống thực tế.
Sau đó, nội dung chuyển sang việc lập báo cáo tài chính cho doanh nghiệp tư nhân (sole traders). Học viên học cách từ bảng cân đối phát sinh, xây dựng báo cáo lãi lỗ và bảng cân đối kế toán hoàn chỉnh, phản ánh chính xác hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, kiến thức về kế toán công ty (Company Accounting) cũng được giới thiệu. Người học cần nắm được cách ghi nhận các nghiệp vụ đặc thù như vốn cổ phần, cổ phiếu thưởng, quyền mua cổ phần và quỹ dự trữ trong môi trường doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.
Khi nền tảng đã vững chắc, chương trình tiếp tục nâng cao với việc hướng dẫn lập báo cáo tài chính cho công ty trách nhiệm hữu hạn (limited companies). Đây là giai đoạn người học cần thành thạo cách trình bày báo cáo chuẩn mực, làm tiền đề cho các môn học chuyên sâu ở cấp độ kỹ năng.
Ngoài ra, học viên cũng được trang bị kiến thức về sự kiện phát sinh sau kỳ kế toán (Events after the Reporting Period) theo IAS 10, giúp xác định sự kiện nào yêu cầu điều chỉnh số liệu và sự kiện nào chỉ cần trình bày bổ sung trong thuyết minh báo cáo tài chính.
Kết thúc phần này là kỹ năng lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Statement of Cash Flows). Việc phân loại đúng các dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, đầu tư, tài chính và trình bày theo chuẩn IFRS sẽ giúp học viên hoàn thiện bộ kỹ năng báo cáo tài chính cơ bản.
2.7. G – Preparing Simple Consolidated Financial Statements (Lập báo cáo tài chính hợp nhất đơn giản)
Khi doanh nghiệp phát triển, việc lập báo cáo tài chính hợp nhất cho các công ty con trở thành yêu cầu bắt buộc.
Phần này giúp bạn nắm vững những kiến thức cơ bản về hợp nhất: xác định công ty mẹ, công ty con, cách loại trừ giao dịch nội bộ, xác định lợi ích của cổ đông thiểu số và tính toán lợi thế thương mại (Goodwill) trong giao dịch mua bán doanh nghiệp.
Học phần này là bước đệm để bạn tự tin bước vào thế giới kế toán tập đoàn – môi trường chuyên nghiệp mà Big4 và các công ty đa quốc gia luôn đòi hỏi.
2.8. H – Interpretation of Financial Statements (Phân tích và diễn giải báo cáo tài chính)
Không dừng lại ở việc lập báo cáo, chương cuối cùng của môn FA/F3 yêu cầu bạn biết cách đọc, hiểu và phân tích các con số tài chính.
Bạn sẽ được rèn luyện cách tính toán các tỷ số tài chính then chốt (như tỷ suất sinh lời, khả năng thanh khoản, hiệu quả sử dụng tài sản…), và quan trọng hơn, học cách nhìn sâu vào đằng sau các con số để đánh giá sức khỏe, hiệu quả hoạt động và rủi ro tiềm tàng của doanh nghiệp.
Phân tích tài chính là kỹ năng thực chiến mà mọi kế toán viên, kiểm toán viên, chuyên viên tài chính đều phải thành thạo để có thể đưa ra đánh giá đúng, hỗ trợ tốt cho quyết định quản trị.
3. Những kỹ năng sẽ đạt được từ môn học
Hoàn thành môn FA/F3, học viên sẽ nắm vững những kỹ năng cốt lõi để vận hành và phân tích hệ thống tài chính kế toán trong doanh nghiệp. Cụ thể, học viên có thể:
- Giải thích chính xác bối cảnh và mục đích của việc lập báo cáo tài chính trong thực tế kinh doanh.
- Hiểu và vận dụng các nguyên tắc kế toán, khái niệm nền tảng và các đặc tính định tính của thông tin tài chính hữu ích.
- Áp dụng thành thạo hệ thống ghi sổ kép và các quy trình kế toán cơ bản.
- Ghi nhận chính xác các giao dịch kinh tế và sự kiện tài chính phát sinh.
- Thực hiện các thủ tục đối chiếu số liệu, bao gồm đối chiếu ngân hàng và tài khoản phải trả, phải thu.
- Lập bảng cân đối phát sinh để kiểm tra tính chính xác trước khi lập báo cáo tài chính.
- Chuẩn bị đầy đủ báo cáo tài chính cơ bản cho doanh nghiệp như bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh.
- Thực hiện lập báo cáo tài chính hợp nhất đơn giản giữa công ty mẹ và công ty con.
- Phân tích và diễn giải báo cáo tài chính nhằm đánh giá hiệu quả tài chính và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
4. Một vài kinh nghiệm học tập, ôn luyện thi môn học
4.1. Hiểu rõ cấu trúc bài thi – Học tập có chiến lược
Một sai lầm phổ biến của nhiều bạn mới bắt đầu ACCA, là dành quá nhiều thời gian cho việc ghi chép và học lý thuyết một cách thụ động, mà chưa hiểu rõ phần nào thực sự quan trọng trong bài thi.
Cấu trúc bài thi F3/FA bao gồm:
- Phần A – 35 câu hỏi trắc nghiệm khách quan (Objective Test – OT), mỗi câu 2 điểm, tổng cộng 70 điểm.
Các câu hỏi có thể yêu cầu lựa chọn đúng/sai, điền số liệu, sắp xếp thứ tự hoặc xác định cách hạch toán chính xác.
- Phần B – 2 câu hỏi tình huống (Multi-task Questions – MTQ), mỗi câu 15 điểm, tổng cộng 30 điểm.
Bài tập tình huống tổng hợp – lập báo cáo tài chính đơn giản, xử lý điều chỉnh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, hợp nhất cơ bản.
Lưu ý: Để vượt qua môn FA, bạn cần đạt tối thiểu 50/100 điểm. Trong đó, phần trắc nghiệm chiếm tỷ trọng điểm khá lớn, nên việc luyện phản xạ nhanh và chính xác là yếu tố then chốt.
Về thời gian làm bài, trung bình bạn có khoảng 2,4 phút cho mỗi câu trắc nghiệm ở phần A và 18 phút cho mỗi câu tình huống ở phần B. Do đó, hãy xây dựng một chiến lược phân bổ thời gian hợp lý: ưu tiên làm trước những câu đơn giản, và với những câu khó hoặc dài, hãy sử dụng chức năng “flag” (đánh dấu) để quay lại sau. Tránh sa đà vào một câu quá lâu, vì điều đó có thể khiến bạn mất cơ hội ghi điểm ở các câu dễ hơn.
4.2. Luyện tập – Yếu tố then chốt để ghi nhớ và thành công
Bạn không thể vượt qua môn FA/F3 chỉ bằng cách đọc lý thuyết – mà cần phải thực hành thật nhiều. Lý thuyết sẽ chỉ trở nên hữu ích khi bạn biết cách áp dụng nó vào việc giải quyết các tình huống cụ thể.
Cách hiệu quả nhất để nắm vững kiến thức là học đến đâu, luyện tập đến đó. Chẳng hạn, sau khi hoàn thành một chương, hãy ngay lập tức làm các bài tập liên quan trong sách giáo trình của BPP hoặc Kaplan. Việc này không chỉ giúp bạn hiểu sâu hơn mà còn ghi nhớ nhanh chóng hơn nhiều so với việc chỉ học thuộc lòng các khái niệm.
Hãy tạo một file riêng để ghi lại các câu hỏi bạn đã làm sai, lý do mắc lỗi và cách giải đúng. File này sẽ trở thành một tài liệu ôn tập cá nhân cực kỳ giá trị, đặc biệt là vào những ngày cận kề kỳ thi, vì nó tập trung thẳng vào những điểm yếu thực sự của bạn, giúp bạn học hỏi và cải thiện từ chính những sai lầm của mình.
Khoảng hai tuần trước ngày thi, bạn nên tự làm các đề thi giả lập trong vòng 2 tiếng, mô phỏng đúng điều kiện thi thật. Sau mỗi lần thi thử, hãy tự đánh giá khả năng của mình, rà soát lại các phần còn yếu để ôn luyện kỹ càng hơn. Điều này giúp bạn làm quen với áp lực và quản lý thời gian hiệu quả hơn trong phòng thi.
Khi làm bài lần đầu, việc mắc lỗi do chưa quen là điều bình thường. Tuy nhiên, ở những lần làm lại bài, bạn cần tập trung vào việc rèn luyện tư duy giải đề, nhận diện các “bẫy” trong câu hỏi và nắm bắt được logic kế toán đằng sau các con số. Mục tiêu không chỉ là nhớ đáp án mà là hiểu sâu về cách thức giải quyết vấn đề.
4.3. Một vài lưu ý khác
Ngoài các phương pháp luyện tập trên, có một vài lưu ý nhỏ nhưng quan trọng khác bạn nên ghi nhớ:
- Phân bổ thời gian học hợp lý: Thay vì dồn ép việc học vào cuối tuần, hãy cố gắng chia nhỏ thời gian học đều đặn mỗi ngày, khoảng 1-2 tiếng. Sự nhất quán này sẽ mang lại hiệu quả dài hạn rõ rệt hơn.
- Làm quen sớm với giao diện CBE: Trang luyện tập chính thức của ACCA (https://specimen.accaglobal.com/) có giao diện rất giống với kỳ thi thực tế. Việc làm quen trước sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin và thoải mái hơn trong ngày thi thật.
- Tự đánh giá nghiêm túc: Khi luyện đề, hãy chấm điểm thật kỹ lưỡng, đừng “nương tay” với các lỗi nhỏ. Thói quen này sẽ giúp bạn tránh được sự chủ quan và duy trì được sự cẩn trọng cần thiết trong bài thi thật.
5. Tạm kết
ACCA F3 – Financial Accounting là một trong những môn học nền tảng quan trọng, yêu cầu người học có khả năng tư duy hệ thống, sự cẩn trọng trong ghi nhận giao dịch và kỹ năng phân tích số liệu tài chính. Qua những nội dung đã chia sẻ, chắc hẳn bạn đã hình dung rõ hơn về yêu cầu kiến thức, kỹ năng đầu ra cũng như tầm quan trọng của môn học này trong toàn bộ lộ trình ACCA.
Nếu bạn cảm thấy việc tự học còn nhiều bỡ ngỡ hoặc muốn được dẫn dắt bài bản từ lộ trình học, cách tiếp cận đề thi đến các mẹo làm bài hiệu quả, hãy tham gia ngay lớp học thử ACCA tại SAPP Academy.
Tại đây, bạn sẽ được trải nghiệm chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm cùng hệ thống tài liệu chuyên sâu được cập nhật liên tục. Ngoài kiến thức chuyên môn, bạn còn nhận được lộ trình ôn thi cá nhân hóa và những kinh nghiệm thực tiễn giúp tối ưu hóa kết quả thi.
Đăng ký học thử ngay hôm nay để trải nghiệm phương pháp học ACCA chuyên nghiệp và tìm thấy con đường phù hợp nhất cho mục tiêu nghề nghiệp của bạn!