Kinh nghiệm thi CMA – Chia sẻ bí kíp vượt “vũ môn” xuất sắc
“Mình là Nhật Minh, có thể nói năm 2023 là một năm thành công của mình khi vượt qua kỳ thi CMA với điểm số 410/500 Part 1 và 440/500 Part 2. Đây là số điểm mình tương đối hài lòng và mình quyết định sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thi CMA cũng như bí kíp ôn luyện tới các bạn. Hy vọng chia sẻ của mình sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình chinh phục chứng chỉ CMA.
Nên thi part nào trước với kỳ thi CMA?
Việc lựa chọn học và thi Part nào trước trong chương trình học CMA là một quyết định quan trọng, có thể ảnh hưởng đến thời gian và kết quả thi của các bạn. Do đó, bạn có thể cân nhắc vấn đề này dựa trên những thông tin cụ thể sau:
- Thứ tự học và thi: Bạn hoàn toàn có thể học và thi Part 1 hoặc Part 2 trước, hoặc cũng có thể hoàn thành việc học cả 2 Part và chọn thi Part nào mà bản thân thấy tự tin hơn trước. Do nội dung kiến thức của Part 1 và Part 2 là độc lập với nhau và không có sự phân hóa độ khó “chuẩn” nào giữa 2 Part.
- Cấu trúc đề và tỷ trọng câu hỏi:
- Part 1: Trải rộng theo 3 chủ đề: hoạch định tài chính, quản trị hiệu suất hoạt động và phân tích dữ liệu trong doanh nghiệp. Tỷ trọng đề thi bao gồm 70% câu hỏi lý thuyết – 30% câu hỏi tính toán.
- Part 2: Tập trung chủ yếu vào chủ đề quản trị chiến lược tài chính. Tỷ trọng đề thi bao gồm 70% câu hỏi tính toán – 30% câu hỏi lý thuyết.
Dựa trên những thông tin trên, bạn hãy cân nhắc lựa chọn Part nào để học và thi trước.
Nếu bạn có nền tảng kiến thức tài chính vững chắc, đặc biệt là về các chủ đề hoạch định tài chính, quản trị hiệu suất hoạt động và phân tích dữ liệu, thì có thể cân nhắc học và thi Part 1 trước.
Nếu bạn có kiến thức chuyên sâu về quản trị chiến lược tài chính, hoặc có nhu cầu tìm hiểu về lĩnh vực này trước, thì có thể cân nhắc học và thi Part 2 trước.
Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc đến thời gian và điều kiện học tập của bản thân để đưa ra quyết định phù hợp.
Bạn nên chọn thi CMA vào thời điểm nào trong năm?
Trong một năm, IMA sẽ tổ chức 3 đợt thi CMA (còn gọi là Testing Window), mỗi đợt kéo dài 2 tháng. Năm 2024, các Testing Window sẽ diễn ra vào thời gian cụ thể như sau:
- Testing Window 1: Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 29/02/2024, Hạn chót đăng ký thi: 15/01/2024.
- Testing Window 2: Từ ngày 01/5/2024 đến ngày 30/6/2024, Hạn chót đăng ký thi: 15/5/2024.
- Testing Window 3: Từ ngày 01/9/2024 đến ngày 31/10/2024, Hạn chót đăng ký thi: 15/9/2024.
Ví dụ, nếu bạn muốn thi CMA trong Testing Window 1, bạn cần đăng ký thi và đóng phí trước ngày 15 tháng 1.
Bạn cũng cần lưu ý rằng số lượng đăng ký thi CMA mỗi ngày có giới hạn thôi nhé! Khi số lượng đăng ký đạt đủ, IMA sẽ đóng lại ngày thi đó. Do đó, để chủ động thời gian và tránh bị lỡ đợt thi, thí sinh nên đăng ký thi sớm để có nhiều lựa chọn về ngày thi phù hợp với lịch trình của mình.
Để quá trình thi diễn ra thuận lợi, khi lựa chọn thời điểm thi, các bạn cần cân nhắc đến các yếu tố chủ quan và khách quan như:
- Yếu tố chủ quan: Tổng thời gian học tập, ôn thi và lịch trình cá nhân. Bạn nên tránh những thời điểm diễn ra các dự án lớn trong công việc, gia đình.
- Yếu tố khách quan: Các dịp nghỉ lễ, Tết và các công việc phát sinh có thể xảy ra. Nên dự phòng thời gian cho các yếu tố này để lựa chọn kỳ thi phù hợp nhất với lịch trình của bản thân.
Theo quan sát cũng như kinh nghiệm thi CMA Part 1 và Part 2 của mình, các anh chị đang công tác trong lĩnh vực kiểm toán thường lựa chọn kỳ thi sau tháng 3 trở đi (Testing Window 2 & 3) để tránh trùng với “mùa kiểm toán” tháng 3 hàng năm.
Giai đoạn ôn thi CMA
Đối với giai đoạn ôn tập nước rút 2 tháng trước khi thi, bản thân mình dành trung bình từ 6 – 8 tiếng/1 ngày. Mình nghĩ bản chất việc cân bằng giữa công việc – học tập – cuộc sống mang tính chất tương đối và tùy theo mối quan tâm ưu tiên ở mỗi giai đoạn khác nhau mình cần dành nhiều thời gian hơn cho một yếu tố cụ thể và dung hòa các yếu tố còn lại.
Điều may mắn lớn nhất của mình là trong giai đoạn ôn tập nước rút, tất cả người thân cũng như đồng nghiệp, quản lý luôn hết mực tin tưởng, động viên và tạo điều kiện tốt nhất giúp mình có thể toàn tâm toàn ý dành nhiều thời gian và tâm trí cho việc ôn tập và hoàn thành tốt đẹp giai đoạn về đích chương trình CMA.
Về yếu tố môi trường học tập các chứng chỉ chuyên ngành quốc tế nói chung và CMA nói riêng, mình đánh giá rất cao vai trò cực kỳ quan trọng của việc học nhóm và bạn học cùng trong việc duy trì động lực xuyên suốt quá trình học tập và ôn thi đầy khó khăn và thử thách. Trong đó, bạn học cùng vừa là người đồng hành hỗ trợ chúng ta trong những giai đoạn không thể sắp xếp công việc để tham dự đầy đủ các buổi học, vừa chia sẻ và học hỏi lẫn nhau nhiều kinh nghiệm thực tế ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau giúp mở rộng mạng lưới công việc và tăng hiệu quả, giá trị của việc học CMA.
Bên cạnh đó mỗi khi nhìn lại hành trình học tập của bản thân, khả năng truyền lửa và tầm ảnh hưởng sâu sắc của các thầy cô giảng viên hướng dẫn là một trong những yếu tố tiên quyết giúp mình giữ vững kiên trì theo đuổi CMA đến cùng.
Do đặc trưng của kỳ thi chứng chỉ CMA yêu cầu thí sinh muốn vượt qua phải đồng thời trang bị một lượng kiến thức chuyên ngành lớn, khả năng vận dụng linh hoạt và sáng tạo vào giải quyết các tình huống công việc thực tế kết hợp với vốn tiếng Anh chuyên ngành sâu rộng, việc tự học ngay từ những bước đầu tiên khi vừa tiếp cận chương trình thật sự rất khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường như học không đúng phương pháp, sử dụng tài liệu trôi nổi, kiến thức sai lệch ảnh hưởng đến quá trình học và nghiêm trọng hơn là kết quả thi cuối cùng.
Vì vậy, bản thân mình đánh giá một trong những yếu tố cơ bản quyết định thành công của người học là cần ôn tập dựa trên các tài liệu CMA và các đơn vị đào tạo CMA uy tín trên thị trường đã được IMA công nhận và đề xuất.
Giai đoạn ôn tập nước rút
Với mỗi người sẽ có cách ôn tập khác nhau, đối với mình khoảng thời gian ôn thi CMA nước rút cho Part 1 diễn ra trong vòng 2 tháng trước ngày thi chính thức và Part 2 là 1 tháng. Cụ thể:
- Đối với Part 1, mình đã tập trung vào 4 hoạt động chính để chuẩn bị cho kỳ thi CMA, bao gồm: luyện tập giải các câu hỏi trắc nghiệm, đọc hiểu kỹ câu trả lời mẫu của phần thi tiểu luận, tổng hợp và bổ sung những nội dung kiến thức chưa nắm vững.
- Đối với Part 2, do đã có kinh nghiệm thi CMA Part 1 trước đó nên mình biết sẽ phải ôn tập kiến thức như nào, đâu là trọng tâm, cách khai thác hiệu quả đối với những phần kiến thức khó. Chính vì vậy, chỉ trong 1 tháng mình đã hoàn thành việc ôn tập.
Mình thì không làm đề cương ôn tập, nhưng để tránh bỏ qua những kiến thức quan trọng, trong quá trình tổng ôn, mình sẽ ghi chú những phần kiến thức quan trọng cần nhớ vào sổ tay theo cách riêng mà mình dễ hiểu nhất. Việc này giúp mình ghi nhớ kiến thức tốt hơn, dễ dàng review lại và rèn luyện kỹ năng diễn đạt, trình bày. Nhờ đó, mình cũng tự tin hơn khi bước vào kỳ thi chính thức.
Giai đoạn luyện đề – thi thử
Sau khi đã hoàn thành quá trình tổng ôn, mình thực hiện lần lượt các mock test, các bộ đề thi thử CMA để tự đánh giá và hoạch định kế hoạch ôn tập tiếp theo tùy theo điểm số chi tiết từng phần thi MCQs/ Essay đối với từng môn cụ thể.
Trong quá trình luyện tập thi thử, mình cũng tự chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ các giấy tờ hồ sơ check in, máy tính tài chính, lựa chọn không gian yên tĩnh, thời gian thi thử trùng với khung giờ kỳ thi thật để cơ thể quen với nhịp sinh học và tính thời gian tập trung tuyệt đối không làm việc riêng trong suốt 4 giờ làm bài liên tục.
Bài thi MCQs
Để rèn khả năng làm bài, khi luyện tập các câu hỏi trắc nghiệm (MCQ), mình luôn cố gắng giải từng câu hỏi với tốc độ nhanh và chính xác nhất có thể. Bạn hãy nhớ, tuyệt đối không tham khảo tài liệu hay công thức trong lần giải đầu tiên để tránh hình thành thói quen phụ thuộc.
Với những câu hỏi khó, chưa thể giải chính xác, mình sẽ so sánh bài giải của mình với lời giải của học liệu. Quá trình này mình sẽ ghi chú những điểm sai sót và thực hiện giải lại nhiều lần, cách khoảng 3 – 5 ngày một lần. Việc này giúp mình ghi nhớ kiến thức và tìm ra mối liên kết giữa các kiến thức với nhau và tăng khả năng vận dụng vào những bài có dạng tương tự.
Bài thi Essay
Sau khi luyện tập phần thi MCQ, mình bắt đầu tiếp cận phần thi tiểu luận (Essay) bằng cách đọc hiểu hình thức trình bày và phong cách diễn đạt của các câu trả lời mẫu.
Tài liệu mình sử dụng tham khảo trong giai đoạn này là Exam Support Package của Hiệp hội Kế toán Quản trị Hoa Kỳ (IMA) và đề thi minh họa của các nhà xuất bản chính thống như Wiley và Becker, Gleim.
Trong quá trình xem câu trả lời mẫu, để đạt được hiệu quả ôn tập như mong muốn, mình thực hiện theo quy trình sau:
- Đọc câu hỏi và đánh dấu những từ khóa quan trọng mang tính quyết định đến câu trả lời (keyword).
- Đọc tình huống, bối cảnh đề bài và đánh dấu những dữ kiện quan trọng.
- Tự viết câu trả lời của mình.
- Đối chiếu câu trả lời của mình với lời giải và tổng hợp những điểm cần điều chỉnh, bổ sung.
- Thường xuyên đọc lại các câu hỏi và hình dung trong đầu những ý chính của câu trả lời tương ứng.
Lặp đi lặp lại quy trình này giúp mình luyện tập cách trình bày câu trả lời chuẩn cho phần thi tiểu luận. Bên cạnh đó, giúp bổ sung và hoàn thiện kiến thức còn thiếu để có thể tối đa hóa điểm số phần thi này.
Một số sai lầm nên tránh trong giai đoạn này
Theo kinh nghiệm thi CMA của mình, trong quá trình ôn thi CMA và luyện đề, các bạn thường dễ mắc phải một số sai lầm sau:
- Thứ nhất, dành quá nhiều thời gian cho các chủ đề kiến thức đã quen thuộc. Điều này khiến các bạn mất thời gian và bỏ qua những chủ đề chưa nắm vững, dẫn đến kết quả thi không như mong muốn.
- Thứ hai, một số bạn chủ quan nghĩ rằng bản thân đã thành thạo kỹ năng máy tính nên chỉ cần luyện tập máy tính tài chính trong thời gian ngắn trước kỳ thi là đủ. Tuy nhiên, máy tính tài chính có cách sử dụng khác biệt so với máy tính khoa học thông thường. Do đó, các bạn cần luyện tập sớm để thành thạo thao tác, giúp cải thiện tốc độ và độ chính xác khi làm bài thi.
- Cuối cùng, những bạn đang đi làm cần chủ động sắp xếp công việc để hạn chế tối đa những cuộc họp, dự án quan trọng trong khoảng thời gian trước và 1 tuần sau khi thi. Điều này sẽ giúp bạn có thể tập trung ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi một cách tốt nhất.
Vậy cần chuẩn bị gì trước khi bước vào phòng thi CMA?
Việc chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết cho kỳ thi CMA giúp các bạn thí sinh cảm thấy tự tin và sẵn sàng hơn. Sau đây là một vài review của mình trước khi bước vào phòng thi CMA:
- Bản in trắng đen email “Appointment Confirmation” (được gửi từ IMA sau khi đăng ký thi thành công): Đây là giấy tờ quan trọng để xác nhận các bạn đã đăng ký thi thành công và được phép tham gia kỳ thi.
- Hộ chiếu (bản gốc còn hiệu lực): Hộ chiếu là giấy tờ tùy thân quan trọng để xác thực danh tính.
Trong trường hợp các bạn không có hộ chiếu, có thể thay thế bằng 2 giấy tờ:
- CCCD (bản gốc còn hiệu lực): CCCD là giấy tờ tùy thân quan trọng của công dân Việt Nam.
- Thẻ ngân hàng trùng tên chủ thẻ với CCCD (thẻ debit hoặc thẻ credit đều được): Thẻ ngân hàng giúp xác thực danh tính và đảm bảo người dự thi có đủ khả năng thanh toán lệ phí thi. Các bạn cần ký tên vào mặt sau của thẻ ngân hàng (bằng bút chì nhé).
Ngoài ra, để việc tính toán nhanh chóng, chuẩn xác, các bạn cũng cần trang bị cho mình:
- 1 máy tính tài chính (Texas Instruments: BA II Plus, HP: 12C hoặc 12C Platinum): Máy tính tài chính là dụng cụ cần thiết để tính toán trong các bài thi CFA. Các bạn hãy lựa chọn loại máy tính có đầy đủ tính năng và dễ sử dụng.
- 1 chai nước suối đã tháo gỡ nhãn dán (không bắt buộc): Chai nước suối giúp mọi người có thể bổ sung nước cho cơ thể trong quá trình làm bài thi.
Lưu ý:
- Các bạn cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết, đến sớm trước giờ thi ít nhất 30 phút, tuân thủ nghiêm ngặt các quy chế, hiệu lệnh của cán bộ coi thi trong quá trình làm thủ tục check in, làm bài thi và làm thủ tục check out.
- Trong quá trình làm bài thi, các bạn được phép rời khỏi phòng thi để giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thời gian ra vào và kiểm tra an ninh sẽ trừ vào thời gian làm bài thi. Do đó, theo mình nghĩ trong trường hợp không thật sự cần thiết, các bạn hãy hạn chế tối đa việc đi ra ngoài. Tránh uống quá nhiều nước sát giờ thi.
- Các bạn hãy nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống lành mạnh để có âm lý lạc quan, tinh thần thoải mái, minh mẫn trước khi thi. Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong phòng thi.
- Hạn chế mang theo các loại trang sức và vật dụng không cần thiết để tránh phát sinh những vấn đề khác. Các bạn sẽ được Hội đồng thi phát cho giấy nháp và bút để làm bài thi.
Trong suốt quá trình học tập và kể cả giai đoạn luyện thi nước rút, mình luôn tâm niệm: “Khi không có sức khỏe, dù mình có giỏi đến đâu cũng không thể làm được gì”. Do đó trong giai đoạn này, mình đặc biệt chú ý quan tâm vào thời lượng, chất lượng giấc ngủ, ăn uống tẩm bổ nhiều hơn thông thường cũng như giải trí giữa những giờ học căng thẳng.
Trung bình 1 tuần mình tự thưởng bản thân 1 ngày “cheat day” dành thời gian cho những sở thích và hoạt động ngoài trời. Đây vừa là cách để tái tạo năng lượng, động lực để tiếp tục chiến đấu vừa là cách giúp mình tránh cảm giác “chán học” khi dành toàn bộ tâm trí cho một việc khó nhằn và thử thách trong thời gian dài.
Kinh nghiệm thi CMA – Những bí kíp “vàng” khi trả lời các dạng câu hỏi
Phần nào trong bài thi CMA nên làm trước?
Với kỳ thi CMA, thí sinh bắt buộc phải vượt qua phần thi trắc nghiệm trước khi được phép thực hiện phần thi tự luận.
Quy định chung đối với kỳ thi CMA ở cả Part 1 và Part 2 yêu cầu thí sinh phải hoàn thành phần thi trắc nghiệm trước. Thí sinh chỉ được chuyển sang phần thi tự luận khi đạt tối thiểu 50% tổng điểm phần thi trắc nghiệm, tương đương với 187.5/375 điểm. Trong trường hợp tổng điểm phần thi trắc nghiệm của thí sinh thấp hơn 187.5, hệ thống sẽ tự động đóng bài thi, không chuyển sang phần thi tự luận và ghi nhận kết quả thí sinh không vượt qua kỳ thi đó.
Trước khi tới phần nội dung tiếp theo, có thể bạn sẽ muốn xem lại Cấu trúc kỳ thi CMA.
MCQs
Kỳ thi CMA bao gồm hai phần thi trắc nghiệm và tự luận. Phần thi trắc nghiệm chiếm 50% tổng điểm thi, do đó việc làm tốt phần thi này là rất quan trọng.
Dưới đây là một số chiến lược làm bài thi CMA mà mình đã áp dụng hiệu quả:
Chiến lược “lý thuyết trước, tính toán sau”
Để tối đa hóa thời gian và công suất não bộ, bạn nên trả lời tất cả câu hỏi lý thuyết trước, sau đó mới đến câu hỏi tính toán. Cụ thể, bạn có thể áp dụng quy trình sau:
- Trả lời tất cả câu hỏi lý thuyết, kết hợp sử dụng chức năng gắn cờ (remark) để đánh dấu những câu hỏi tính toán và các câu lý thuyết chưa xác định được đáp án.
- Trả lời tất cả câu hỏi tính toán, đồng thời đánh dấu những câu hỏi tính toán còn lại chưa xác định được đáp án.
Xem lại và trả lời tất cả câu hỏi chưa xác định được đáp án đã đánh dấu trước đó
Chú ý các từ khóa xác định yêu cầu trong câu hỏi và chắt lọc thông tin cần thiết để trả lời. Đề thi CMA thường cung cấp rất nhiều dữ liệu thừa, do đó bạn cần đọc kỹ câu hỏi, xác định đúng yêu cầu và những thông tin cần thiết để trả lời câu hỏi đó. Đặc biệt, bạn cần chú ý đến các từ khóa quyết định câu chọn phù hợp, chẳng hạn như:
- Chọn phát biểu đúng: correct, true, most likely
- Chọn phát biểu sai: incorrect, false, not true, least likely
- Chọn phát biểu loại trừ: except
Sử dụng phương pháp loại suy
Phương pháp loại suy là phương pháp tối ưu đối với các câu hỏi trắc nghiệm. Việc loại bỏ những phương án chắc chắn sai giúp tăng tỷ lệ trả lời đúng và hạn chế đến mức thấp nhất việc lựa chọn các phương án gây nhiễu, đặc biệt là đối với những câu hỏi yêu cầu chọn câu trả lời đúng nhất.
Kiểm soát thời gian bằng cách theo dõi thanh tiến độ
Thời lượng tối đa 180 phút cho 100 câu hỏi đồng nghĩa với thời gian trung bình khoảng 1,8 phút/1 câu. Trong quá trình làm bài thi, bạn cần theo dõi thanh tiến độ đã hoàn thành trên màn hình thi và tăng tốc trong trường hợp đang bị chậm hơn thời gian cần thiết.
Không dành quá nhiều thời gian cho 1 câu hỏi
Cả hai phần thi MCQ và Essay đều có một số câu hỏi yêu cầu khả năng vận dụng rất cao các kiến thức vào tình huống thực tế. Đối với những câu hỏi sau khi đã dành khoảng thời gian 3 – 4 phút nhưng vẫn chưa tìm được lời giải thích hợp, bạn có thể sử dụng chức năng gắn cờ để đánh dấu và quay lại tiếp tục xem xét khi đã hoàn thành tất cả câu hỏi và còn thời gian cho phép.
Kinh nghiệm thi CMA Part 2 của mình cho thấy phần thi MCQs ở Part này khiến mình “khó nhằn” nhất kỳ thi CMA với nhiều câu hỏi lý thuyết đòi hỏi thí sinh phải hiểu sâu và vận dụng kiến thức. Điều này khiến nhiều thí sinh cảm thấy áp lực và lo lắng, không biết mình đã chuẩn bị tốt hay chưa. Vì vậy, sau khi hoàn thành phần thi, mình vẫn cảm thấy không thực sự chắc chắn về bài làm của mình. Tuy nhiên, cũng may mắn là mình vẫn làm tốt và đạt được số điểm tương đối cao.
Lưu ý: Trong trường hợp sắp hết thời gian làm bài thi trắc nghiệm (còn khoảng 5 phút), bạn cần hoàn thành trả lời tất cả các câu hỏi còn lại theo đáp án tự tin nhất, thậm chí chọn ngẫu nhiên đối với câu hỏi mà bạn không chắc chắn hiểu rõ. Tuyệt đối không bỏ trắng bất kỳ câu hỏi nào do các câu chọn đáp án sai không bị trừ điểm và nếu may mắn mỉm cười với bạn, bạn có thể ăn điểm đối với những đáp án không chắc chắn này.
Review thi CMA – Bài luận Essay
Đây là phần khiến khác bạn lo lắng nhất khi thi CMA. Để đạt kết quả tốt trong phần thi này, mình xin chia sẻ 1 số tips dưới đây, các bạn có thể tham khảo nhé!
Chú ý các từ khóa xác định yêu cầu trong câu hỏi và chắt lọc thông tin cần thiết để trả lời
Tương tự với phần thi trắc nghiệm, các câu hỏi và tình huống giả định trong đề thi CMA có xu hướng cung cấp rất nhiều dữ liệu thừa để đánh lạc hướng. Do đó, các bạn cần đọc kỹ câu hỏi, xác định đúng yêu cầu và những thông tin cần thiết để trả lời câu hỏi đó.
Xác định tất cả các động từ yêu cầu cần thực hiện trong câu hỏi
Một câu hỏi tự luận có thể đồng thời yêu cầu thí sinh trả lời nhiều nội dung khác nhau. Do đó, hãy đọc câu hỏi và xác định đầy đủ những yêu cầu thể hiện qua những động từ thường gặp như trình bày định nghĩa (define), làm rõ (interpret), so sánh (compare/contrast).
Trả lời trực tiếp vào yêu cầu trọng tâm của câu hỏi
Hãy trình bày câu trả lời trực tiếp vào trọng tâm vấn đề, đồng thời chú trọng sử dụng các từ khóa, các thuật ngữ chuyên ngành liên quan đến nội dung được hỏi. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian làm bài, đảm bảo hàm lượng kiến thức và tối ưu hóa điểm số bài thi.
Trình bày câu trả lời bằng tiếng Anh tiêu chuẩn
Sử dụng ngôn ngữ trình bày hoàn toàn là tiếng Anh trong bài làm phần thi tự luận. Tuy nhiên, những bạn có tiếng Anh chuyên ngành chưa thật sự tốt hoàn toàn có thể tự tin do kỳ thi chứng chỉ CMA không yêu cầu quá khắt khe như những kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh (IELTS/TOEIC/TOEFL).
Một số lỗi chính tả, ngữ pháp cơ bản (ví dụ như không chia động từ số ít/số nhiều) trong trường hợp không ảnh hưởng nhiều đến ý nghĩa câu trả lời sẽ được xem xét bỏ qua và không trừ điểm bài thi.
Hình thức trình bày câu trả lời theo đoạn văn hoặc đầu mục gạch đầu dòng đều được chấp nhận
Có thể trình bày bài thi tự luận theo đoạn văn hoặc theo các đầu mục gạch đầu dòng. Trong đó, việc sử dụng đầu mục gạch đầu dòng theo dàn ý (outline) đặc biệt hiệu quả giúp đảm bảo kiểm soát được câu trả lời đầy đủ các nội dung được hỏi.
Tuyệt đối không bỏ trắng bất kỳ câu hỏi nào
Khác với phần thi trắc nghiệm có đáp án đúng sai tuyệt đối và được tính điểm bằng hệ thống máy tính, phần thi tự luận có đáp án gợi ý và giám khảo chấm điểm là các CMA member. Do đó, các bạn cần lưu ý tuyệt đối không bao giờ bỏ trắng bất kỳ câu hỏi nào. Các giám khảo luôn cố gắng chấm điểm theo khả năng hiểu biết và diễn giải khác nhau của mỗi thí sinh.
Kết quả điểm số chính thức của kỳ thi CMA sẽ được gửi về email cá nhân của thí sinh và cập nhật trên website trang chủ IMA. Các bạn xem tại phần hồ sơ myIMA bên trong mục “Kết quả thi”. Thời gian công bố kết quả trong vòng 6 tuần tính từ ngày cuối cùng của tháng thí sinh thực hiện bài thi.”
Việc đạt được chứng chỉ CMA là một hành trình đầy thử thách đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao. Và để tự học cũng như chuẩn bị cho kỳ thi hiệu quả, bạn cần có một kế hoạch rõ ràng, lựa chọn tài liệu phù hợp và chăm chỉ luyện tập.
Chúc các bạn chuẩn bị thật tốt và vượt qua kỳ thi một cách xuất sắc nhất với những kinh nghiệm thi CMA trên đây!!