Nghề FP&A là gì? Các kỹ năng cần có để theo đuổi vị trí FP&A
Trong thế giới kinh doanh hiện đại, nơi mà sự thay đổi và cạnh tranh diễn ra không ngừng, việc duy trì một tầm nhìn tài chính chiến lược là yếu tố quyết định sự thành công của mọi doanh nghiệp. Đó chính là lý do vì sao vị trí chuyên viên lập kế hoạch và phân tích (FP&A) càng ngày được nhiều doanh nghiệp săn đón. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá sâu hơn về nghề FP&A, đồng thời cung cấp cái nhìn rõ nét nhất về những kỹ năng và chứng chỉ chuyên môn cần thiết để trở thành một chuyên gia FP&A thành công.
1. FP&A là gì?
FP&A là viết tắt của Financial Planning and Analysis (Tạm dịch: phân tích và lập kế hoạch tài chính). Đây là một chuỗi quy trình bao gồm lên kế hoạch, dự đoán, lập ngân sách và phân tích các hoạt động nhằm hỗ trợ việc ra các quyết định kinh doanh quan trọng cũng như đảm bảo tình hình tài chính tổng thể cho cả công ty.
Trong các công ty, tổ chức thường sẽ có một cá nhân hoặc bộ phận chuyên đảm nhiệm các nghiệp vụ này. Cách gọi tên vị trí hay bộ phận có thể quy định khác nhau. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng ta sẽ tạm gọi những người đảm nhiệm các công việc kể trên là các chuyên gia FP&A.
Nhiệm vụ chính của các chuyên gia FP&A là dự đoán và phân tích tài chính để hỗ trợ quá trình ra quyết định kinh doanh. Việc này sẽ được thực hiện thông qua xem xét các yếu tố bên ngoài như môi trường, xu hướng kinh doanh… cùng các yếu tố bên trong như các số liệu trong quá khứ của công ty. Từ đây, các chuyên gia FP&A có thể cố gắng lường trước những trở ngại cũng như các vấn đề tiềm ẩn có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến kết quả tài chính.
2. Mô tả công việc của một người làm FP&A
Mô tả công việc cho vị trí FP&A có thể khác nhau tùy vào quy mô, loại hình và lĩnh vực hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, trách nhiệm chủ yếu sẽ là hỗ trợ quyết định kinh doanh để phân bổ vốn một cách hiệu quả nhất thông qua quá trình lập kế hoạch ngân sách, dự báo, quản lý hiệu suất và phân tích tài chính ở mọi cấp độ.
- Lập kế hoạch và dự báo
- Xây dựng kế hoạch và dự báo tài chính của công ty;
- Xây dựng các mô hình tài chính và cộng tác với các phòng ban liên quan để thu thập dữ liệu thích hợp nhằm đưa ra các dự báo tài chính;
- Đánh giá những rủi ro tiềm ẩn và cơ hội có thể ảnh hưởng đến tài chính công ty;
- Hợp tác với các bộ phận liên quan để xây dựng các mục tiêu tài chính thực tế và có thể đạt được.
- Quản lý hiệu suất
- Phát triển các chỉ số theo dõi hiệu suất (KPI) để đánh giá ngân sách và dự báo;
- Giám sát các chỉ số tài chính và phi tài chính để theo dõi hiệu quả kinh doanh so với các mục tiêu, các hoạt động chính và kết quả đề ra (OKRs);
- Theo dõi và cập nhật dự báo, cung cấp các phân tích sai lệch kịp thời và chính xác;
- Chuẩn bị báo cáo tháng, quý, năm cho quản trị nội bộ doanh nghiệp.
- Phân tích tài chính
- Tiến hành phân tích tài chính chiến lược để hỗ trợ việc ra quyết định của ban lãnh đạo cấp cao;
- Đánh giá các cơ hội đầu tư, mua bán, sáp nhập;
- Cung cấp thông tin chuyên sâu về việc phân tích các yếu tố bên ngoài và bên trong doanh nghiệp.
3. Cơ hội việc làm và lộ trình thăng tiến cho vị trí FP&A
Những năm gần đây ghi nhận những biến động lớn trong tình hình kinh tế không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Điều này gây ra rất nhiều thách thức đối với việc quản lý tài chính đòi hỏi khả năng lập kế hoạch và phân tích tài mạnh mẽ của các doanh nghiệp. Trong khi đó, trên thực tế, có đến 46% nhân sự FP&A tin rằng phòng FP&A của họ đang không đủ nhân lực (Association for Finance Professionals). Điều này khiến cho nhu cầu tuyển dụng các vị trí FP&A được đẩy cao hơn bao giờ hết.
Vị trí của FP&A trong cấu trúc doanh nghiệp
Với các doanh nghiệp nhỏ, có thể sẽ không tồn tại một chức danh riêng biệt dành cho FP&A. Các công việc của vị trí này sẽ thường được đảm nhiệm bởi CEO, CFO hoặc người sở hữu công ty.
Trong khi đó, các tập đoàn lớn thường có phòng FP&A riêng biệt được dẫn dắt bởi Giám đốc phòng FP&A hoặc Giám đốc tài chính (CFO). Chính vì vậy, các bạn theo đuổi nghề FP&A sẽ có cơ hội rộng mở làm việc tại các doanh nghiệp & tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia. Ở các tập đoàn đa quốc gia, các chuyên gia FP&A có thể chỉ chịu trách nhiệm phân tích cho một sản phẩm. Ví dụ, nếu bạn làm chuyên gia FP&A tại Công ty Hershey, bạn có thể được giao nhiệm vụ tạo ra tất cả báo cáo và đề xuất có liên quan đến chỉ một loại kẹo.
Lộ trình thăng tiến
FP&A là một vị trí có cơ hội thăng tiến rộng mở lên các vị trí cấp cao trong các doanh nghiệp và tập đoàn lớn nhờ vào khả năng tư duy chiến lược được rèn luyện trong suốt quá trình làm việc.
Ngoài việc thăng tiến theo các cấp bậc từ Junior (sơ cấp) lên Senior (cao cấp) và lên Manager (quản lý), các chuyên gia FP&A có thể mở rộng cơ hội nghề nghiệp lên các vị trí điển hình như:
- Finance Manager (Quản lý tài chính)
- Portfolio Manager (Quản lý danh mục đầu tư)
- Finance Director
- Chief Finance Officer
Mức lương cho vị trí FP&A
FP&A là một vị trí đòi hỏi cao về kiến thức và kinh nghiệm. Do đó, mức lương cho các vị trí liên quan đều rất cạnh tranh.
Thông thường, đối với các nhân sự kế toán – tài chính mới ra trường mức lương sẽ giao động trong khoảng từ 7 – 10 triệu VNĐ/tháng. Khi bắt đầu chính thức đảm nhiệm các công việc liên quan đến FP&A một cách toàn diện hơn, mức lương cho vị trí này có thể dao động bắt đầu trong khoảng từ 15 – 30 triệu VNĐ/tháng. Đặc biệt, mức lương cho vị trí giám đốc FP&A có thể rơi vào mức từ 100 – 150 triệu VNĐ/tháng. Thực tế, mức thu nhập cho vị trí này còn có thể tăng thêm nhờ vào các khoản thưởng, hoa hồng và phúc lợi của doanh nghiệp.
Theo Indeed, thống kê mức lương trung bình hiện nay cho vị trí FP&A Analyst tại Mỹ rơi vào mức 94,557 USD/năm (2 tỷ 400 triệu VND) và có thể lên đến mức 131,829 USD/năm (3 tỷ 300 triệu VND). Nếu như có kinh nghiệm đồng thời sở hữu các chứng chỉ quốc tế như CMA Hoa Kỳ, bạn hoàn toàn có thể cân nhắc theo đuổi vị trí này tại các doanh nghiệp trong môi trường quốc tế. Đây chắc chắn là một mức lương rất hứa hẹn đối với các bạn đang làm ngành tài chính.
4. Các loại kỹ năng và bằng cấp chuyên gia FP&A cần trang bị
Với một vị trí yêu cầu cao về chuyên môn như FP&A, những người theo đuổi vị trí này sẽ cần trang bị một loạt các kỹ năng từ kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm và bằng cấp phù hợp.
Các kỹ năng mà chuyên gia FP&A cần trang bị
Không có một yêu cầu kỹ năng lý tưởng nào áp dụng chung cho các vị trí FP&A. Tuy nhiên, dựa vào mô tả công việc, vị trí này sẽ yêu cầu ứng viên sở hữu cả các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Trong đó, kỹ năng chuyên môn sẽ tập trung vào:
- Kỹ năng phân tích tài chính;
- Kỹ năng quản lý rủi ro và ra quyết định;
- Kỹ năng phân tích và dự đoán xu hướng thị trường;
- Kỹ năng lập kế hoạch và dự báo;
- Kỹ năng phân tích và đánh giá hiệu quả hoạt động;
- Kỹ năng sử dụng công cụ và phần mềm tài chính.
Về mặt kỹ năng mềm, người làm tài chính nói chung và làm FP&A nói riêng cũng cần xây dựng các kỹ năng mềm giúp giải quyết công việc hiệu quả bao gồm:
- Kỹ năng giao tiếp;
- Kỹ năng làm việc nhóm;
- Kỹ năng tư duy phản biện;
- Kỹ năng trình bày và thuyết trình;
- Kỹ năng lãnh đạo.
Làm FP&A cần bằng cấp gì?
Thông thường các bản mô tả công việc chỉ yêu cầu bằng cấp lý tưởng cho vị trí này là bằng cử nhân đại học trong lĩnh vực tài chính, kế toán và các ngành liên quan. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều các vị trí yêu cầu các chứng chỉ kế toán – tài chính như Kế toán quản trị Hoa Kỳ (U.S. CMA), Kế toán viên công chứng (CPA). Những chứng chỉ này chính là bảo chứng cho năng lực chuyên môn của nhân sự muốn theo đuổi FP&A. Đây cũng là một trong những điểm cộng rất lớn để các cá nhân theo đuổi vị trí FP&A có thể thăng tiến lên các vị trí quản lý cấp cao.
5. Người làm FP&A có nên học CMA Hoa Kỳ không?
Chương trình học của Kế toán quản trị Hoa Kỳ (U.S. CMA) bao gồm 12 môn học được chia thành 2 phần xoay quanh các khía cạnh của kế toán – tài chính quản trị. Trong đó, có rất nhiều môn học cung cấp trực tiếp các kỹ năng chuyên môn cần có của vị trí FP&A.
Cụ thể, chương trình học của chứng chỉ U.S. CMA – Kế toán quản trị Hoa Kỳ sẽ trang bị cho người học các kiến thức, kỹ năng phục vụ cho công việc FP&A như sau:
- Các quyết nghị về Báo cáo Tài chính (Môn 1A) hướng dẫn học viên đo lường và đánh giá tài sản, nguồn vốn, thu nhập và ghi nhận doanh thu;
- Lập kế hoạch, ngân sách và dự báo (Môn 1B) tập trung vào lập kế hoạch chiến lược và kế hoạch lợi nhuận hàng năm, các kỹ thuật dự báo, phương pháp lập ngân sách;
- Quản trị hoạt động (Môn 1C) hướng dẫn đo lường biến động của chi phí và phân tích các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động;
- Quản trị chi phí (Môn 1D) bao gồm các phương pháp phân bổ và tính toán các loại chi phí, lý giải chi tiết về dòng chi phí;
- Công nghệ và phân tích (Môn 1F) giới thiệu về các dạng phân tích dữ liệu, cách khai thác dữ liệu, trực quan hóa dữ liệu cho việc ra quyết định;
- Phân tích báo cáo tài chính (Môn 2A) bao gồm các nội dung tìm hiểu về các chỉ số tài chính, phân tích lợi nhuận;
- Tài chính doanh nghiệp (Môn 2B) tập trung vào rủi ro tài chính và lợi nhuận, quản trị tài chính dài hạn, quản trị vốn lưu động, tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp và huy động vốn;
- Phân tích quyết định (Môn 2C) đi vào kỹ thuật phân tích chi phí – sản lượng – doanh thu, phân tích cận biên và các quyết định về giá;
- Quản trị rủi ro (Môn 2D) giúp người học xác định các loại rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải và các biện pháp chuẩn bị để đối phó với các loại rủi ro đó.
Thông qua việc sở hữu chứng chỉ CMA Hoa Kỳ, bạn có thể chứng minh năng lực chuyên môn toàn diện của mình trong việc theo đuổi các vị trí liên quan đến FP&A. Đặc biệt, đây cũng là một điểm cộng rất lớn nếu bạn đang mong muốn thăng tiến lên các vị trí cao hơn trong ngành tài chính – kế toán.
Như vậy, có thể thấy các vị trí FP&A đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đạt được mục tiêu tài chính và chiến lược dài hạn. Nhu cầu cần đưa ra quyết định chiến lược dựa trên việc phân tích kỹ thuật của các doanh nghiệp mở ra nhiều cơ hội cho nghề FP&A, nhưng cũng đặt ra những thách thức mới đòi hỏi những ai quyết định theo đuổi ngành nghề này phải liên tục nâng cao kỹ năng và kiến thức. Việc lựa chọn một chứng chỉ quốc tế như CMA Hoa Kỳ hứa hẹn sẽ là một bước đệm vững chắc cho những ai mong muốn theo đuổi nghề nghiệp này.