F1 ACCA (Business and Technology/BT) – Môn học dành cho Business Leader
F1 ACCA (Business and Technology/BT) là môn học đầu tiên mà bất kỳ ai theo đuổi ACCA đều phải nắm vững. Môn học này giúp bạn xây dựng nền tảng kiến thức về cách doanh nghiệp vận hành, vai trò của kế toán trong tổ chức và những nguyên tắc quản trị hiệu quả.
Nếu bạn đang phân vân liệu F1 có quá khó, có thực sự phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của mình, bài viết này sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời. Cùng SAPP tìm hiểu nội dung chương trình, kỹ năng cần có, kỹ năng sẽ đạt được sau môn học và những lưu ý quan trọng để bạn tự tin hơn trước khi quyết định lộ trình học tập nhé!
1. Giới thiệu môn học Business and Technology (BT/F1)
1.1. Môn học Business and Technology (BT/F1) là gì?
Business and Technology (BT), hay còn gọi là F1 ACCA, là môn học mở đầu trong cấp độ Năng lực cốt lõi (Fundamental Level) thuộc chương trình học chứng chỉ ACCA. Môn học này nằm trong nhóm Kiến thức Ứng dụng (Applied Knowledge) cùng với hai môn khác là Management Accounting (F2/MA) và Financial Accounting (F3/FA).
Business and Technology đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với những học viên mới bắt đầu tìm hiểu về lĩnh vực tài chính, kế toán. Thông qua môn học này, học viên sẽ xây dựng được tư duy tổng quát về môi trường kinh doanh, hiểu cách tổ chức vận hành và nắm bắt các nguyên lý quản trị hiệu quả trong doanh nghiệp hiện đại.
Đây chính là môn học nền tảng cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tiếp tục với môn học bắt buộc Strategic Business Leader (SBL) ở cấp độ Professionals (Chuyên môn).
Ngoài ra, BT cũng là một trong bốn môn thi theo hình thức On-demand CBE (Computer Based Exam), bên cạnh các môn F2/MA, F3/FA và LW GLO/F4. Với hình thức này, học viên có thể thi trực tiếp trên máy tính vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, tương tự như việc đăng ký thi IELTS, thay vì phải chờ kỳ thi cố định của ACCA như ở các cấp độ cao hơn (áp dụng từ môn F5/PM trở đi).
1.2. Tầm quan trọng của môn học
Business and Technology (BT) không chỉ là môn nhập môn của ACCA mà còn đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng nền tảng tư duy cho một Business Leader trong lĩnh vực tài chính, kế toán và quản trị doanh nghiệp.
- Trang bị tư duy tổng thể về cách doanh nghiệp tổ chức và vận hành trong môi trường kinh doanh hiện đại.
- Giúp học viên hiểu rõ tác động của các yếu tố kinh tế, xã hội, công nghệ đối với hoạt động và chiến lược doanh nghiệp.
- Cung cấp nền tảng kiến thức về hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và phòng chống gian lận trong tổ chức.
- Làm rõ vai trò của bộ phận kế toán trong việc vận hành, kiểm soát và hỗ trợ ra quyết định kinh doanh.
- Cập nhật xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp và quản lý vận hành.
- Tạo tiền đề kiến thức để học viên tiếp cận hiệu quả các môn chuyên sâu tiếp theo trong chương trình ACCA.
Theo chính sách miễn môn của ACCA, sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán, hoặc Kinh tế tại Việt Nam có thể được miễn môn Business and Technology. Tuy nhiên, nhiều công ty kiểm toán và doanh nghiệp lớn vẫn khuyến khích nhân viên học và thi đầy đủ để củng cố nền tảng kiến thức.
Hoàn thành môn BT cùng với Management Accounting (MA) và Financial Accounting (FA) còn giúp học viên đủ điều kiện nhận chứng chỉ ACCA Diploma in Accounting and Business, mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực tài chính kế toán quốc tế.
2. Yêu cầu kỹ năng đầu vào của học viên với môn học
Môn Business and Technology (BT) không đòi hỏi học viên phải có nền tảng tài chính hay kế toán từ trước. Tuy nhiên, những bạn đã từng học qua môn Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô hoặc Quản trị doanh nghiệp ở bậc Đại học sẽ có lợi thế trong việc tiếp cận nhanh và hiểu bài sâu hơn.
Để học hiệu quả môn BT, học viên nên có những kỹ năng sau:
- Tư duy logic và khả năng hệ thống thông tin tốt.
- Hiểu biết cơ bản về cách một doanh nghiệp tổ chức và vận hành trong thực tế.
- Khả năng đọc hiểu tài liệu tiếng Anh ở mức tương đối, đặc biệt là các thuật ngữ chuyên ngành về kinh doanh và quản lý.
3. Business and Technology (BT/F1) tập trung vào những phần kiến thức nào?
Môn Business and Technology (BT) được thiết kế với sáu nhóm kiến thức lớn, lần lượt từ A đến F. Dưới đây là chi tiết từng phần mà học viên sẽ được trang bị trong chương trình học:
3.1. A – The business organisation, its stakeholders and the external environment (Tổ chức kinh doanh, các bên liên quan và môi trường bên ngoài)
Ở phần này, học viên sẽ tìm hiểu về mục tiêu hoạt động của các loại hình tổ chức kinh doanh khác nhau như doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước hay tổ chức phi lợi nhuận. Bên cạnh đó, nội dung cũng làm rõ vai trò và tầm ảnh hưởng của các bên liên quan như cổ đông, ban giám đốc, khách hàng, nhà cung cấp đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Các yếu tố bên ngoài như kinh tế vĩ mô, chính trị, xã hội, công nghệ và cạnh tranh cũng sẽ được phân tích để hiểu cách chúng tác động đến tổ chức.
3.2. B – Organisational structure, culture, governance and sustainability (Cơ cấu tổ chức kinh doanh, chức năng và quản trị)
Ở phần này, học viên sẽ tìm hiểu về sự khác biệt giữa các hình thức kinh doanh chính thức và phi chính thức, cùng với cách thiết kế cơ cấu tổ chức trong doanh nghiệp. Nội dung cũng đi sâu vào vai trò của văn hóa tổ chức trong kinh doanh, chức năng và trách nhiệm của các ủy ban trong quản trị doanh nghiệp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị trách nhiệm xã hội trong hoạt động kinh doanh hiện đại.
3.3. C – Hệ thống kế toán và báo cáo, tuân thủ, kiểm soát, công nghệ và bảo vệ
Học viên sẽ được trang bị kiến thức về mối quan hệ giữa kế toán và các lĩnh vực kinh doanh khác, cùng với vai trò của luật pháp trong việc thiết lập chuẩn mực kế toán và kiểm soát nội bộ. Nội dung cũng đề cập đến các nguồn dữ liệu tài chính, cách sử dụng công nghệ thông tin trong hệ thống tài chính, và các biện pháp bảo mật, kiểm soát nội bộ nhằm bảo vệ tài sản doanh nghiệp.
Ngoài ra, học viên sẽ phân tích các hành vi gian lận tài chính phổ biến và cách phòng ngừa, cùng với ảnh hưởng ngày càng lớn của công nghệ tài chính (Fintech) đối với hệ thống kế toán.
3.4. D – Cá nhân lãnh đạo và quản lý
Phần này tập trung phát triển các kỹ năng lãnh đạo và quản lý con người trong tổ chức. Học viên sẽ tìm hiểu về vai trò lãnh đạo và giám sát, quy trình tuyển dụng và lựa chọn nhân viên, cũng như cách hành xử của cá nhân trong môi trường doanh nghiệp. Nội dung cũng đề cập tới cách xây dựng đội ngũ hiệu quả, tạo động lực làm việc, kỹ năng đào tạo nhân viên và kỹ thuật nhận xét, đánh giá hiệu suất công việc.
3.5. E – Hiệu quả cá nhân và giao tiếp
Trong học phần này, học viên được rèn luyện các kỹ năng cá nhân thiết yếu để làm việc hiệu quả như kỹ thuật tự quản lý bản thân, cách tối ưu hiệu suất công việc và xây dựng khung năng lực cá nhân để phát triển sự nghiệp. Nội dung cũng tập trung vào việc sử dụng hiệu quả các kỹ thuật giải quyết xung đột và cải thiện kỹ năng giao tiếp trong môi trường kinh doanh.
3.6. F – Đạo đức nghề nghiệp kế toán và kinh doanh
Cuối cùng, học viên sẽ được đào tạo về các nguyên tắc cơ bản của đạo đức nghề nghiệp trong kế toán và kinh doanh. Nội dung học bao gồm vai trò của đạo đức trong việc thúc đẩy hành vi chuyên nghiệp, xử lý tình huống mâu thuẫn đạo đức, và áp dụng quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong thực tiễn. Những kỹ năng này rất cần thiết để học viên xây dựng uy tín cá nhân và phát triển sự nghiệp bền vững trong lĩnh vực tài chính – kế toán.
Business and Technology (BT) được thiết kế như một môn học nền tảng dành cho những ai định hướng trở thành Business Leader trong tương lai. Toàn bộ kỹ năng học viên phát triển trong môn học này đều hướng tới việc rèn luyện tư duy lãnh đạo (Leadership) và quản lý tổ chức (Management) trong bối cảnh kinh doanh hiện đại.
4. Những kỹ năng sẽ đạt được từ môn học
Business and Technology (BT) định hình tư duy của những nhà lãnh đạo tương lai bằng cách trang bị bộ kỹ năng cốt lõi về quản trị và vận hành doanh nghiệp. Các kỹ năng học viên đạt được từ môn học này đều tập trung vào việc phát triển năng lực lãnh đạo và quản lý tổ chức trong môi trường kinh doanh hiện đại.
4.1. Kỹ năng phân tích doanh nghiệp và môi trường kinh doanh
Sau khi hoàn thành môn học, học viên có thể phân tích cách doanh nghiệp vận hành, nhận diện các bên liên quan và đánh giá tác động của các yếu tố kinh tế, xã hội, công nghệ lên hoạt động kinh doanh. Đây là nền tảng quan trọng để đưa ra những quyết định chiến lược phù hợp với thực tiễn.
4.2. Kỹ năng đánh giá cơ cấu tổ chức và mô hình quản trị
Học viên sẽ phát triển khả năng đánh giá cấu trúc tổ chức, hiểu vai trò của văn hóa doanh nghiệp và nắm vững nguyên tắc quản trị hiện đại. Kỹ năng này giúp học viên xác định mô hình tổ chức tối ưu, góp phần tăng hiệu quả vận hành và đảm bảo sự phát triển bền vững.
4.3. Kỹ năng quản lý hệ thống kế toán, kiểm soát nội bộ và công nghệ thông tin
Thông qua môn học, học viên hình thành kỹ năng nhận biết và vận hành các hệ thống báo cáo tài chính, kiểm soát nội bộ và tuân thủ quy định. Đồng thời, học viên cũng có khả năng đánh giá việc ứng dụng công nghệ trong quản lý dữ liệu và ra quyết định kinh doanh, một kỹ năng thiết yếu trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
4.4. Kỹ năng lãnh đạo cá nhân và phát triển đội nhóm
BT giúp học viên rèn luyện kỹ năng lãnh đạo đội nhóm, xây dựng tinh thần làm việc tích cực và tạo động lực cho nhân viên. Học viên sẽ học cách giao việc, giám sát hiệu quả và hỗ trợ sự phát triển cá nhân trong tổ chức, từ đó nâng cao hiệu suất toàn diện của doanh nghiệp.
4.5. Kỹ năng nâng cao hiệu quả cá nhân và giao tiếp chuyên nghiệp
Ngoài kỹ năng lãnh đạo, môn học cũng chú trọng việc phát triển năng lực cá nhân như quản lý thời gian, giải quyết vấn đề và giao tiếp hiệu quả. Học viên sẽ biết cách phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận trong doanh nghiệp và trình bày ý tưởng một cách rõ ràng, thuyết phục.
4.6. Kỹ năng ra quyết định dựa trên chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp
Một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà học viên sẽ đạt được là khả năng ra quyết định dựa trên nguyên tắc đạo đức và giá trị nghề nghiệp. BT giúp học viên hình thành tư duy chính trực, biết cách cân nhắc giữa lợi ích kinh doanh và trách nhiệm xã hội trong mọi hành động quản trị và tài chính.
5. Một vài kinh nghiệm học tập, ôn luyện thi môn học
5.1. Nắm chắc kiến thức về các mô hình lý thuyết và ứng dụng thực tiễn
BT là một môn khó với các chương đa phần là độc lập với nhau, thiên về lý thuyết. BT tập trung nhiều vào các mô hình quản trị (Maslow, Herzberg,…) nên cần hiểu bản chất và biết cách áp dụng vào tình huống. Học viên có thể tự vẽ sơ đồ tư duy hoặc tóm tắt ngắn để có thể giúp ghi nhớ lâu và dễ ôn luyện hơn khi làm bài tập. Việc này đặc biệt hữu ích trước kỳ thi khi cần rà soát nhanh kiến thức
5.2. Kết hợp đọc hiểu và làm bài tập ngay sau mỗi chương
Không nên học dồn lý thuyết một lượt mà nên chia nhỏ từng chương để học, học xong có thể làm bài tập ngay để kiểm tra khả năng hiểu bài. Học viên có thể làm bài tập từ các nguồn như BPP hoặc Kaplan. Việc kết hợp học và luyện tập giúp tăng phản xạ, dễ nhận ra những điểm còn yếu để ôn tập kỹ hơn.
5.3. Luyện đề theo dạng mô phỏng đề thi thật trên Practice Platform
Học viên có thể thường xuyên luyện đề CBE (Computer Based Exam) để giúp làm quen với bố cục, dạng câu hỏi và rèn luyện kỹ năng làm bài. Mỗi lần luyện đề nên giới hạn thời gian như thi thật (120 phút) và sau đó, học viên có thể rà soát lại các câu sai sau mỗi lần làm đề để giúp cải thiện điểm.
Xem thêm: Review lộ trình tự học ACCA F1 (Business and Technology/BT) chi tiết!
6. Tạm kết
Business and Technology (BT) là môn học nền tảng mở đầu chương trình ACCA, nhưng giá trị mà nó mang lại vượt xa những kiến thức cơ bản. BT không chỉ trang bị cho học viên tư duy kinh doanh bài bản mà còn đặt nền móng đầu tiên cho hành trình trở thành một Business Leader trong môi trường doanh nghiệp toàn cầu.
Nếu bạn muốn kiểm chứng khả năng của bản thân hoặc trải nghiệm phương pháp đào tạo chuyên sâu trước khi theo đuổi ACCA, hãy đăng ký tham gia lớp học thử tại SAPP Academy ngay hôm nay để sẵn sàng cho hành trình chinh phục ACCA và xây dựng sự nghiệp Business Leader của riêng bạn.