Hành trình từ không có nền tảng Tài chính đến Top 10% Thế Giới CFA Level 1 Kỳ tháng 02/2022
Chị Trần Thùy Linh hiện đang là chuyên viên phân tích tại Saigon Ratings – Tổ chức xếp hạng tín nhiệm (Credit Rating Agency) đầu tiên tại Việt Nam. Đồng thời chị cũng là một trong những học viên tại SAPP xuất sắc lọt vào top 10% thế giới CFA Level 1 kỳ tháng 2/2022 vừa qua.
Thực tế, công việc hay ngành học ban đầu của chị Linh gần như không liên quan nhiều đến mảng tài chính. Vậy điều gì khiến chị lại lựa chọn theo đuổi CFA? Trong bài viết dưới đây, hãy cùng SAPP lắng nghe chia sẻ về hành trình sự nghiệp cũng như những kinh nghiệm học thi CFA từ chị Thùy Linh để có được câu trả lời nhé!
Được biết, Chị Thùy Linh hiện đang là Thạc sĩ Kinh tế học trường ĐH British Columbia (Canada). Ngay từ khi còn là học sinh, sinh viên, chị cũng đã gặt hái được vô số các thành tích học tập xuất sắc như: Học bổng toàn phần bậc cấp 3 (Singapore), bậc đại học, cao học và trợ giảng bậc thạc sĩ (Canada).
Trước khi quyết định học và thi CFA, chị Linh từng phụ trách mảng Project Management và Relationship Management. Tuy nhiên, trong thời kỳ nghỉ sinh và chăm sóc gia đình nhỏ, chị quyết định thay đổi định hướng nghề nghiệp sang ngành tài chính và đăng ký thi CFA tại SAPP. Bắt đầu từ tháng 5/2022, chị chính thức trở thành chuyên viên phân tích tại Saigon Ratings – tổ chức xếp hạng tín nhiệm đầu tiên tại Việt Nam.
Những giá trị CFA đã đem lại trên hành trình chuyển hướng nghề nghiệp của chị Thùy Linh
Khi chia sẻ về “bước ngoặt” nghề nghiệp của mình, chị Linh bật mí: Khi còn phụ trách mảng relationship management cho một công ty tư vấn M&A nhỏ tại Hà Nội, chuyên về mảng năng lượng tái tạo, chị đã có cơ hội tiếp xúc với những anh chị đồng nghiệp, cấp trên, đối tác rất tài giỏi trong lĩnh vực tài chính. Họ chính là nguồn cảm hứng và động lực để chị theo đuổi ngành này.
Tuy nhiên, chị nhận ra những thiếu sót về kỹ năng và kiến thức chuyên môn có thể chính là rào cản trên hành trình sự nghiệp tài chính của bản thân. Vì vậy, việc bổ sung, nâng cao năng lực với bản thân càng trở nên cấp thiết hơn. Và chị tin rằng, CFA chính là chứng chỉ hoàn hảo cho mình để tiếp cận với kiến thức ngành này.
Quả thực, việc học CFA đã cho chị những “trái ngọt” vô cùng đáng giá. Sau khi nhận được kết quả thi CFA Level 1 (top 10%), chị chưa kịp ứng tuyển thì đã được một số công ty trong ngành tài chính chú ý tới.
Nhờ có CFA, quá trình bắt đầu công việc ở vị trí phân tích Xếp hạng tín nhiệm của chị cũng thêm phần thuận lợi. Thông qua 10 môn học ở CFA Level 1, chị có thể đọc hiểu được các báo cáo tài chính, biết được đâu là những chỉ số quan trọng cần phân tích.
Từ đó phục vụ cho một phần trong công việc phân tích Xếp hạng tín nhiệm. Điển hình là việc đánh giá khả năng thực hiện nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp hoặc một công cụ nợ cụ thể – ví dụ trái phiếu doanh nghiệp.
Kinh nghiệm quản lý thời gian học thi CFA đối với người đi làm bận rộn
Bản thân chị Linh tự nhận định, từ một người có rất ít kiến thức ngành tài chính, để có thể đạt được top 10% Thế giới CFA Level 1, đó quả thực là một hành trình không ngừng nỗ lực. Bởi việc học và thi CFA vốn không hề dễ dàng, đặc biệt là trong đúng giai đoạn chăm sóc con nhỏ lại tiêu tốn không ít thời gian.
Nhưng chị tin rằng, thay vì chỉ nghĩ về số giờ bạn cần học để chuẩn bị cho kỳ thi CFA, hãy nghĩ về những gì bạn sẵn sàng từ bỏ để vượt qua kỳ thi. Điều này đúng không chỉ riêng với CFA là đúng với bất cứ mục tiêu nào trong cuộc sống mà bạn theo đuổi.
Nếu muốn đạt kết quả tốt, việc hy sinh thời gian nghỉ ngơi, giải trí để tập trung vào học tập là khó có thể tránh khỏi. Nhưng điều này có thể sẽ khó khăn hơn đối với các bạn đã đi làm full time, đặc biệt là khoảng thời gian mới bắt đầu học.
Chị Linh cũng bật mí bản thân thường học vào buổi trưa (13h – 14h) và tối (21h – 23h) nên lúc chưa quen thì khá buồn ngủ, học tập không hiệu quả. Tuy nhiên, nhờ suy nghĩ “mình chưa có nền tảng, lại bắt đầu trễ so với mọi người” (khi học tại SAPP, xung quanh chị hầu như là sinh viên và các bạn mới đi làm 1-3 năm), nên chị càng quyết tâm nỗ lực để vượt qua. Sau khoảng 1 – 2 tuần, mọi thứ sẽ dần vào guồng và trở thành thói quen với chị.
Theo chị Linh, có 5 yếu tố chị luôn bám sát trong suốt quá trình học thi CFA Level 1, lần lượt như sau:
(1) Tính kỷ luật: Chị tự đề ra quy định là mỗi ngày từ Thứ 2 đến Thứ 6 học ít nhất 1.5 tiếng (nghỉ cuối tuần), nếu thiếu thì phải học bù;
(2) Quản lý thời gian: Không sao nhãng, tập trung cao độ để thời gian được sử dụng tối ưu;
(3) Tự take notes: Việc này có thể tốn thời gian lúc ban đầu nhưng khi ôn lại thì rất nhanh và hiệu quả;
(4) Kỹ năng đọc – hiểu tiếng Anh;
(5) Kiến thức tài chính (nếu có là điểm cộng lớn).
Về mặt sử dụng tài liệu học, chị Linh chủ yếu sử dụng Schweser cùng slides và notes của SAPP. Nếu như cảm thấy có phần nào khó hiểu, chị sẽ đọc thêm Curriculum. Chị cũng khuyên mọi người đừng quá “sợ” Curriculum bởi dù khá dài nhưng nó được viết rất chi tiết và dễ hiểu. Và để đảm bảo hiểu bài và nhớ lâu, chị đều duy trì thói quen làm bài tập ngay sau mỗi reading (ưu tiên Curriculum + Resource trên web của CFA, nếu có thời gian thì làm Schweser).
Đặc biệt, cùng với sự động viên từ gia đình, sự hỗ trợ từ SAPP cũng đã giúp chị có thêm động lực để càng thêm cố gắng trên hành trình chinh phục CFA. Chị Linh chia sẻ rằng:
“Cá nhân mình hài lòng nhất với SAPP ở đội ngũ giảng viên chất lượng không chỉ về kiến thức mà còn ở kỹ năng sư phạm. Dù mỗi giảng viên có 1 phong cách giảng dạy khác nhau nhưng đều vô cùng dễ hiểu và cuốn hút, thường xuyên lồng ghép thực tế khiến bài giảng không nhàm chán.
SAPP cũng rất cầu thị, từ các điều khoản về học lại hay dịch vụ hỗ trợ xuyên suốt quá trình học đến việc luôn luôn lắng nghe, lấy feedback từ học viên. Khi có phản hồi chưa tốt, các bạn luôn sẵn sàng tiếp thu và thay đổi ngay.”
Lời khuyên dành cho các bạn vẫn còn đang phân vân lựa chọn CFA
Thực tế, việc chinh phục một chứng chỉ quốc tế danh giá như CFA chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng. Với những bạn vẫn còn đang băn khoăn trong việc có nên theo đuổi CFA hay không, chị Thùy Linh đưa ra 3 lời khuyên:
“Thứ nhất, hãy tìm hiểu thật kỹ về CFA bằng cách đặt câu hỏi dạng What – Why – Who – When – How. Và mỗi khi gặp khó khăn trong quá trình chinh phục CFA, hãy nhớ lại những gì bạn đã từng trả lời – đó chính là lý do bạn bắt đầu.
Thứ hai, hãy chuẩn bị kỹ càng về kiến thức, kỹ năng nền tảng cùng khả năng đọc – hiểu tiếng Anh cơ bản – Đây sẽ là điểm cộng giúp việc học của bạn thêm phần suôn sẻ.
Còn nếu kiến thức hay tiếng Anh chưa tốt để có thể tự học, lời khuyên cuối cùng của mình là đừng ngại tìm kiếm thêm sự hỗ trợ. Đặc biệt là nếu tính kỷ luật của bản thân chưa cao, nếu bạn không đủ thời gian để tự tổng hợp kiến thức, hay đơn giản là bạn có hứng thú học tập hơn khi học cùng nhiều người, hãy tìm đến một trung tâm cung cấp khóa học CFA uy tín và chất lượng.”
Tạm kết
SAPP tin rằng, với những chia sẻ từ chị Thùy Linh, bạn đọc đã có thêm động lực cũng như nhiều lời khuyên bổ ích để có thể quyết tâm và nỗ lực hơn trên con đường chinh phục chứng chỉ CFA. Một lần nữa, cảm ơn chị Thùy Linh đã dành thời gian và có những chia sẻ cực kỳ chi tiết cho SAPP và bạn đọc về câu chuyện, hành trình học thi CFA của mình.
Những câu chuyện người thật, việc thật từ chính những “người trong cuộc” – những học viên đã và đang gặt hái được thành công trên hành trình chinh phục CFA sẽ thường xuyên được cập nhật và được SAPP gửi tới cho bạn đọc. Vậy nên đừng quên theo dõi SAPP qua Fanpage Facebook và Youtube để không bỏ lỡ nhé!