Chứng chỉ Kế toán trưởng là gì? Kế toán trưởng có bắt buộc phải có chứng chỉ kế toán trưởng?
Chứng chỉ kế toán trưởng không chỉ là minh chứng cho năng lực chuyên môn mà còn là bước đệm quan trọng để đảm nhiệm vị trí Kế toán trưởng. Nhưng liệu nhân sự kế toán có thực sự cần sở hữu chứng chỉ này để trở thành Kế toán trưởng? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về loại chứng chỉ này.
Chứng chỉ Kế toán trưởng là gì?
Chứng chỉ Kế toán trưởng hay Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng là một loại chứng chỉ chuyên ngành trong lĩnh vực kế toán, được yêu cầu bắt buộc để có thể đảm nhiệm chức vụ Kế toán trưởng. Nội dung này được quy định tại Điều 54, Luật Kế toán số 88/2015/QH13.
Chứng chỉ Kế toán trưởng được cấp và quản lý bởi Bộ Tài chính, chỉ có giá trị trong nước, không có hiệu lực áp dụng nếu bạn đang tìm kiếm các cơ hội làm việc tại nước ngoài.
Theo khoản 4 Điều 9 Thông tư 199/2011/TT-BTC, “Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng có giá trị sử dụng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp để bổ nhiệm kế toán trưởng lần đầu. Quá thời hạn 05 năm, học viên có yêu cầu cấp lại chứng chỉ phải học lại khoá học bồi dưỡng kế toán trưởng.”
Cũng tại Khoản 5 Điều 9 Thông tư 199/2011/TT-BTC có chỉ rõ “Những người có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng đã đủ điều kiện và được bổ nhiệm làm kế toán trưởng một lần thì chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng đó vẫn có giá trị để bổ nhiệm kế toán trưởng từ lần thứ hai trở đi, trừ khi khoảng thời gian không làm kế toán trưởng giữa hai lần bổ nhiệm đã quá 05 năm.”
Nội dung đào tạo chi tiết
Để sở hữu được chứng chỉ Kế toán trưởng, người học bắt buộc phải tham gia khóa học bồi dưỡng kế toán trưởng tại các đơn vị được cấp phép. Các đơn vị này phải đáp ứng điều kiện được quy định tại Thông tư 199/2011/TT-BTC về năng lực và cơ sở vật chất. Một vài đơn vị đào tạo được cấp phép uy tín có thể kể đến như:
- Miền Bắc: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội,…
- Miền Trung: Trường Đại học Kinh tế – ĐH Đà Nẵng,…
- Miền Nam: Trường Đại học Tài chính – Marketing, Trường Đại học Mở TP.HCM,…
Trong quá trình lựa chọn đơn vị đào tạo, học viên nên tìm hiểu kỹ bằng cách kiểm tra các giấy tờ pháp lý ủy quyền của bộ Tài chính dành cho đơn vị đào tạo.
Nội dung đào tạo chi tiết chương trình bồi dưỡng kế toán trưởng sẽ kéo dài trong vòng 4 – 6 tuần (bao gồm cả thời gian thi) (nếu học liên tục) tùy thuộc vào tính chất của doanh nghiệp. Trong đó, đối với khóa học bồi dưỡng kế toán trưởng cho các doanh nghiệp nội dung kiến thức sẽ bao gồm 2 phần cụ thể như sau:
Chuyên đề | Nội dung kiến thức | Tổng số giờ |
I – PHẦN KIẾN THỨC CHUNG | ||
Chuyên đề 1 | Pháp luật liên quan đến doanh nghiệp | 24 giờ |
Chuyên đề 2 | Quản lý tài chính doanh nghiệp | 20 giờ |
Chuyên đề 3 | Pháp luật về thuế | 24 giờ |
Chuyên đề 4 | Thẩm định dự án đầu tư | 12 giờ |
Chuyên đề 5 | Quan hệ tín dụng, thanh toán và bảo lãnh giữa doanh nghiệp với Ngân hàng và Tổ chức tài chính | 16 giờ |
Ôn tập và thi Phần I | 08 giờ | |
Tổng Phần 1 | 104 giờ | |
II – PHẦN KIẾN THỨC NGHIỆP VỤ | ||
Chuyên đề 6 | Pháp luật về kế toán | 16 giờ |
Chuyên đề 7 | Tổ chức công tác kế toán và vai trò, nhiệm vụ kế toán trưởng doanh nghiệp | 16 giờ |
Chuyên đề 8 | Kế toán tài chính doanh nghiệp (kể cả kế toán đặc thù) | 40 giờ |
Chuyên đề 9 | Tổ chức kế toán quản trị doanh nghiệp | 36 giờ |
Chuyên đề 10 | Báo cáo tài chính và phân tích tài chính doanh nghiệp | 40 giờ |
Chuyên đề 11 | Kiểm toán và kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp | 28 giờ |
Ôn tập và thi Phần II | 08 giờ | |
Tổng phần 2 | 184 giờ | |
Tổng cộng | 288 giờ |
Điều kiện tham gia chương trình học
Điều kiện để tham gia chương trình học bồi dưỡng chứng chỉ kế toán trưởng được quy định tại Điều 2 Thông tư 199/2011/TT-BTC như sau:
1. Người Việt Nam tham dự khoá học bồi dưỡng kế toán trưởng phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a/ Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
b/ Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính, kế toán, kiểm toán từ bậc trung cấp trở lên và có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán như sau:
– Tối thiểu là 2 năm trở lên kể từ ngày ghi trên bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán;
– Tối thiểu là 3 năm trở lên kể từ ngày ghi trên bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán;
c/ Có Đơn xin học, trong đó có xác nhận thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán của cơ quan đang công tác, kèm theo bản sao có chứng thực Bằng tốt nghiệp chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán.
2. Người nước ngoài có Chứng chỉ chuyên gia kế toán, Chứng chỉ hành nghề kế toán, Chứng chỉ kiểm toán viên hoặc bằng tốt nghiệp đại học của các tổ chức nước ngoài (Được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận) được tham dự khoá học bồi dưỡng kế toán trưởng do đơn vị đủ điều kiện tổ chức khoá học bồi dưỡng kế toán trưởng cho người nước ngoài.
Điều kiện tham gia kỳ thi
Việc thi đánh giá kết quả học tập sẽ được thực hiện sau khi kết thúc mỗi học phần. Bài thi phải được kéo dài trong vòng tối thiểu là 180 phút. Chỉ những học viên tham gia tối thiểu 80% tổng thời gian quy định cho mỗi học phần mới được tham dự bài đánh giá. Điểm thi sẽ được chấm theo thang 10. Các bài thi dưới 5 điểm sẽ được tính là không đạt yêu cầu.
Điều kiện hoàn thành và lấy chứng chỉ
Kết thúc khóa học bồi dưỡng kế toán trưởng, đơn vị đào tạo căn cứ vào kết quả điểm trung bình của 2 bài thi hết học phần để đánh giá theo bốn loại:
- Loại giỏi: Điểm bình quân hai bài thi hết học phần đạt 8 điểm trở lên (Không có bài thi nào dưới 7 điểm);
- Loại khá: Điểm bình quân hai bài thi hết học phần đạt 7 điểm trở lên (Không có bài thi nào dưới 6 điểm);
- Loại trung bình: Điểm bình quân hai bài thi hết học phần đạt 5 điểm trở lên (Trong đó không có điểm dưới 5 điểm);
- Loại không đạt yêu cầu: Có bài thi dưới 5 điểm.
Học viên có quyền thi lại một lần một trong hai bài thi hết học phần không đạt yêu cầu vào cuối khóa học.
Kết thúc khóa học, đơn vị tổ chức khóa học sẽ phải gửi “Quyết định công nhận kết quả đạt yêu cầu khoá học” kèm theo “Danh sách học viên đạt yêu cầu khoá học” về Bộ Tài chính để xem xét, chấp thuận và cấp phôi Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng. Khi đó, học viên có kết quả thi đạt loại trung bình trở lên được Bộ Tài chính chấp thuận sẽ được Thủ trưởng cơ sở đào tạo cấp “Chứng chỉ bồi dưỡng Kế toán trưởng”.
Học phí và Lệ phí thi
Học phí và lệ phí thi thường được các đơn vị niêm yết trên thị trường hiện nay ở mức 2.500.000 – 3.000.000VNĐ/ 1 người. Mức phí này đã bao gồm cả học phí, lệ phí thi và phí cấp chứng chỉ.
Thi chứng chỉ Kế toán trưởng ở đâu
Về cơ bản, Bộ Tài chính là đơn vị duy nhất được cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng. Nếu bạn tham gia kỳ thi trực tiếp do Bộ Tài chính tổ chức, bạn sẽ tham gia kỳ thi tại các địa điểm thi được bố trí tại các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc do Bộ quy định.
Ngoài ra, hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã ủy quyền cho một số đơn vị đào tạo và tổ chức thi Chứng chỉ Kế toán trưởng. Trong quá trình lựa chọn, người học có thể chọn các đơn vị đào tạo uy tín là các trường Đại học, Học viện như đã liệt kê ở trên. Nếu trong trường hợp, lựa chọn các trung tâm đào tạo bên ngoài, học viên nên tìm hiểu kỹ và kiểm tra tính pháp lý của đơn vị đào tạo bằng các giấy tờ cấp phép trước khi quyết định theo học.
Kế toán trưởng có bắt buộc phải có chứng chỉ này không?
Để đảm nhiệm vị trí kế toán trưởng, nhân sự Kế toán – Tài chính bắt buộc phải sở hữu “Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng”. Đây là nội dung đã được quy định tại Điều 54 Luật Kế toán 2015.
Tuy nhiên, để mở rộng cơ hội thăng tiến lên các vị trí Kế toán – Tài chính Quản trị nói chung, nhân sự RẤT CẦN bổ sung thêm kiến thức từ các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế trong lĩnh vực Kế toán. Bởi trong thời đại số hóa, vai trò của kế toán đang dần chuyển từ nghiệp vụ truyền thống sang các hoạt động tư vấn chiến lược. Chính vì vậy, nhân sự kế toán cần phải nâng cao kiến thức thông qua các khóa chuyên sâu tập trung vào góc nhìn của Kế toán Quản trị. Trong đó, chứng chỉ CMA Hoa Kỳ là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Nội dung CMA Hoa Kỳ bao gồm các kiến thức và kỹ năng mà học viên cần có để đảm nhiệm vị trí Kế toán trưởng và các vị trí cao hơn như Kế toán quản trị, FP&A, Financial controller, Finance Manager,.. CMA Hoa Kỳ giúp nhân sự kế toán thoát khỏi các nghiệp vụ thu chi đơn thuần, thay vào đó có thể đưa ra các nhận định, đánh giá các con số tài chính đóng góp vào quá trình ra quyết định hiệu quả của ban điều hành.
Tạm kết:
Vị trí kế toán trưởng trong doanh nghiệp hiện nay cần bổ sung thêm rất nhiều kỹ năng phức tạp mà việc sở hữu chứng chỉ hành nghề kế toán trưởng và các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế không chỉ là công cụ “vá lỗ hổng chuyên môn” mà còn mở ra cơ hội nghề nghiệp mới ở các vị trí cao hơn. Hy vọng bài viết trên đã giúp giải đáp được thắc mắc của bạn đọc về chứng chỉ kế toán trưởng.