08 Dạng Gian Lận Doanh Thu Phổ Biến Trong Doanh Nghiệp
Khi nói về gian lận, có rất ít vấn đề được khám phá và chia sẻ. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin rằng trong 1 thời thế kinh tế suy thoái và nhiều biến động như hiện nay, gian lận đang diễn ra nhanh và nhiều sự tinh vi hơn đặc biệt là các gian lận liên quan đến doanh thu.
Theo 1 thống kê của www.citizenworks.org, hơn 40% những vụ gian lận lớn nhất xảy ra trong khoảng thời gian từ 1997 – 2002 đều liên quan tới gian lận trong việc ghi nhận doanh thu. Vậy gian lận doanh thu xảy ra như thế nào? Các điều kiện ghi nhận doanh thu đúng và đủ là gì? Làm thế nào để phát hiện ra các thủ đoạn sử dụng trong việc gian lận doanh thu? Những câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
1. Gian lận doanh thu là gì?
Gian lận trong ghi nhận doanh thu bao gồm cả ghi nhận khống hoặc ghi nhận khi chưa đủ điều kiện ghi nhận, là những gian lận phổ biến trong quản trị lợi nhuận. Việc ghi nhận khống doanh thu có nghĩa là ghi nhận một doanh thu không có thật (không phát sinh)
2. Điều kiện đủ để ghi nhận doanh thu là gì?
Ghi nhận doanh thu khi chưa đủ điều kiện ghi nhận, thường là việc ghi nhận mà chưa đủ các điều kiện dưới đây:
- Doanh nghiệp đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm hoặc hàng hóa cho người mua;
- Doanh nghiệp không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hàng hóa hoặc quyền kiểm soát hàng hóa;
- Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn;
- Doanh nghiệp đã thu được hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng;
- Xác định được chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng.
3. 8 dạng gian lận doanh thu phổ biến trong doanh nghiệp
Dạng 1: Ký thêm phụ lục hợp đồng (Side agreement)
Dựa vào quy định về sửa đổi hợp đồng liên quan đến bán hàng, các doanh nghiệp thường ký với nhau các điều khoản hợp đồng ban đầu rồi ký thêm phụ lục hợp đồng để sửa đổi những thỏa thuận ban đầu. Thường thì phụ lục hợp đồng sẽ quy định thêm về các điều khoản liên quan đến:
- Đổi trả hàng vô điều kiện;
- Hủy mua hàng bất kỳ lúc nào;
- Quyền tiếp tục thương thảo;
- Kéo dài thời gian chi trả.
Dạng 2: Quyền tự do đổi trả, hoàn lại tiền (Liberal return)
Doanh thu trong một vài trường hợp vẫn được phép ghi nhận trong cả trường hợp khách hàng có quyền trả lại hàng hóa đã mua. Vì thế, hầu hết các doanh nghiệp đều cho phép khách hàng trả lại hàng hóa cho người bán với những lý do hợp lý như hư hỏng, lỗi thời.
Lợi dụng điều này, doanh nghiệp cố tình thiết lập các chính sách kế toán hoặc các thỏa thuận bán hàng nới lỏng để gia tăng doanh thu trong kỳ hiện tại, ghi nhận doanh thu kể cả trong trường hợp không đủ điều kiện ghi nhận doanh thu:
- Cấp cho khách hàng quyền lợi đổi trả tự do trong mọi trường hợp;
- Không ấn định giá bán;
- Điều khoản trên hợp đồng về thời hạn thanh toán không rõ ràng (thời hạn thanh toán kéo dài bất thường: 10 năm, 12 năm…).
Dạng 3: Nhồi kênh phân phối (Channel stuffing)
“Nhồi kênh phân phối” là thuật ngữ mô tả thông lệ đưa ra chiết khấu sâu, các điều khoản thanh toán có lợi cho khách hàng để lôi kéo khách hàng mua sản phẩm ngay trong kỳ hiện tại ngay cả khi khách hàng chưa có nhu cầu thực sự và chưa chuyển giao lợi ích cũng như rủi ro gắn liền với hàng hóa ở kỳ hiện tại.
Dạng 4: Giao sớm sản phẩm (Early delivery)
Các trường hợp giao sớm sản phẩm bao gồm:
- Giao sản phẩm chưa hoàn thành, bán thành phẩm cho khách hàng hoặc giao tại thời điểm mà khách hàng chưa sẵn sàng trong việc nhận hàng để ghi nhận doanh thu;
- Tham gia vào “soft sales” (giao cho khách hàng chưa đồng ý mua);
- Ghi nhận toàn bộ giá trị hợp đồng là doanh thu khi chưa bàn giao đầy đủ hàng hóa và dịch vụ;
- Ghi nhận toàn bộ tiền ứng trước từ khách hàng là doanh thu.
Để phát hiện ra các vấn đề kiểm toán viên cần thực hiện các thủ tục phân tích như sau:
- So sánh doanh thu bị trả lại giữa kỳ này với kỳ trước;
- So sánh chi phí giao hàng giữa kỳ này với kỳ trước.
Dạng 5: Giao dịch Bill and hold (Bill and hold transactions)
Đây là trường hợp doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng, xử lý và sẵn sàng giao hàng cho khách nhưng vì một lý do nào đó khách hàng chưa sẵn sàng hoặc chưa có khả năng nhận hàng nên doanh nghiệp đẩy hàng sang nhà kho của một bên thứ ba cho đến khi khách hàng sẵn sàng nhận hàng. Doanh nghiệp cố tình ghi nhận doanh thu mặc dù chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu vì hàng hóa chưa được chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích.
Dạng 6: Tạo ra doanh thu ảo (Fictitious sales)
Một trong nhưng phương pháp khá phổ biến được các doanh nghiệp sử dụng để cải thiện doanh thu, ghi tăng lợi nhuận cao hơn thực tế là tạo ra doanh thu ảo. Doanh thu ảo được ghi nhận thông qua việc tạo ra các đơn đặt hàng không có thật, hư cấu cho những khách hàng hiện tại hoặc những khách hàng không có thực. Để hợp lý hóa phần nào những gian lận về ghi nhận doanh thu, doanh nghiệp tạo ra các hồ sơ khách hàng giả, những chứng từ đi kèm chứng minh thu nhập đã phát sinh, hàng hóa đã được chuyển giao hoặc dịch vụ đã được cung cấp.
Dạng 7: Giao dịch lòng vòng (Round tripping)
Thủ thuật “round tripping” bao gồm việc ghi nhận các giao dịch xảy ra giữa các doanh nghiệp nhưng không đem lại lợi ích kinh tế cho bất kì bên nào. Ví dụ, công ty A cung cấp khoản vay cho khách hàng để khách hàng đó sử dụng khoản vay cho mục đích mua lại sản phẩm của công ty A. Nếu khoản vay được cho vay mà không có triển vọng tạo ra lợi nhuận trong tương lai thì khách hàng đó sẽ không cần thiết phải hoàn trả. Những giao dịch đó được thực hiện với mục đích duy nhất là làm khống doanh thu và tạo ra khối lượng lớn các hàng hóa được bán.
Thủ thuật này hiện đang diễn ra rộng rãi trong các ngành công nghiệp viễn thông, dầu khí và khí ga. Ví dụ, rất nhiều các công ty viễn thông khống số lượng hàng bán bằng việc chuyển đổi quyền sử dụng mạng lưới cáp quang với các doanh nghiệp viễn thông khác (hình thức này còn được biết đến như “hoán đổi năng suất” trong ngành viễn thông). Những giao dịch này đôi khi được ghi nhận là các khoản doanh thu mặc dù việc hoán đổi không tạo ra doanh thu cho các công ty này.
Dạng 8: Ghi nhận khống doanh thu với các bên liên quan (Related party)
Các bên được coi là liên quan nếu một bên có khả năng kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đáng kể đối với bên kia trong việc ra quyết định các chính sách tài chính và hoạt động.
Giao dịch với các bên liên quan luôn là một trong những vấn đề khó phát hiện khi kiểm toán báo cáo tài chính vì chúng thường bị giấu đi nhằm mục đích tư lợi cho doanh nghiệp. Lợi dụng điều này, thời điểm cuối năm các doanh nghiệp có ý muốn gian lận trong báo cáo sẽ tạo ra các giao dịch bán hàng khống với các bên liên quan. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể tạo ra doanh thu lớn bất thường vào thời điểm cuối năm qua đó làm tăng lợi nhuận và vốn chủ sở hữu.
Thông thường, các giao dịch sẽ là giao dịch bán hàng của công ty mẹ cho công ty con hoặc ngược lại. Bằng việc bán hàng với một mức lợi nhuận nhất định, công ty mẹ được ghi nhận một khoản lãi làm tăng lợi nhuận. Ngoài ra, công ty mẹ còn tiết kiệm được một khoản chi phí bán hàng nhất định như chi phí quảng cáo, vận chuyển và một số chi phí liên quan khác (phí quản lý, luật sư, bảo hiểm, …) không phát sinh khi bán cho bên liên quan. Qua đó, lợi nhuận công ty mẹ được tăng một cách đáng kể và số dư tài sản trên báo cáo tài chính hợp nhất sẽ tăng một khoản tương ứng với mức tăng lợi nhuận.
Thủ thuật này diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam vì giao dịch giữa các bên liên quan rất khó phát hiện nếu doanh nghiệp cố tình giấu nhẹm đi giữa hàng ngàn giao dịch bán hàng thông thường. Lợi nhuận, vốn chủ sở hữu và tài sản của doanh nghiệp trên báo cáo được ghi tăng một cách dễ dàng thông qua một hợp đồng bán hàng thông thường.
Khi tiềm năng xảy ra của gian lận tăng lên thì vai trò và trách nhiệm trong việc phát hiện, phân tích và báo cáo lại các gian lận & rủi ro của kiểm toán viên cũng tăng lên. SAPP hy vọng rằng những giới thiệu trên đây về dấu hiệu nhận biết 08 dạng gian lận trong doanh thu thường gặp trong doanh nghiệp sẽ cho bạn cái nhìn rõ nét hơn về công việc của 1 trợ lý kiểm toán chuyên nghiệp. Đồng thời, bài viết cũng cung cấp cho bạn những kiến thức chuyên môn về quản trị rủi ro trong doanh nghiệp.
>>> Xem thêm: