Review Chi Tiết Kinh Nghiệm Thi Tuyển Deloitte 2016 – Breaking The Limit
Deloitte Việt Nam là Công ty tư vấn và Kiểm toán được thành lập cách đây hơn 25 năm và là một phần trong mạng lưới của Deloitte toàn cầu, một trong những hàng cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất thế giới. Khác với thông lệ của một kỳ thi tuyển dụng, những năm gần đây, chương trình tuyển thực tập sinh của Deloitte được tổ chức dưới hình thức của một cuộc thi mang tên Breaking the Limit, với sự hợp tác của ICAEW (Institute of Chartered Accountants in England and Wales).
Giới thiệu tổng quan về Deloitte Việt Nam
Là công ty kiểm toán đầu tiên trên thị trường kiểm toán độc lập ở Việt Nam, sự hình thành và phát triển của Deloitte được biết đến gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngành kiểm toán nói chung và kiểm toán độc lập nói riêng. Hàng năm, Deloitte luôn thu hút được một số lượng lớn các bạn sinh viên đến từ các trường Đại học như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính…
Theo báo cáo của mạng nghề nghiệp Alphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen năm 2016, Deloitte lọt Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam. Các tiêu chí được lựa chọn bao gồm môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, lương thưởng, chế độ phúc lợi… Nhắc đến Deloitte, người ta sẽ nhắc nhiều đến các dịch vụ chất lượng và uy tín dành cho không chỉ các khách hàng trong nước mà còn cả những khách hàng nước ngoài như: dịch vụ Tư vấn quản trị rủi ro doanh nghiệp, Tư vấn quản trị kinh doanh, Tư vấn tài chính, Tư vấn thuế và Kiểm toán.
Kinh nghiệm thi tuyển Deloitte
(Áp dụng cho khu vực miền Bắc)
Vòng 1: One Step Ahead: Vòng hồ sơ
Năm nay Deloitte mở đơn từ 15/08/2016 – 09/09/2016, tuy nhiên thời gian nhận hồ sơ có thể đóng sớm hơn. Trong thời gian đó, Deloitte tổ chức Lễ phát động cuộc thi vào ngày 18/08 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Các thí sinh tham gia Lễ phát động sẽ nhận được Green Dot, đây được coi như một quyền ưu tiên cho các bạn sử dụng trong vòng thi viết.
Các thí sinh sẽ nộp CV, Cover letter và các Certificates khác theo form online của công ty. Bí quyết để vượt qua “vòng gửi xe” này đó là bạn phải có 1 CV thật khoa học, trình bày hợp lý, nhất quán, không mắc lỗi chính tả, điểm GPA không quá thấp (tốt nhất là >7.5), các hoạt động ngoại khóa cũng như thành tích từ các cuộc thi sẽ là điểm cộng rất lớn cho ứng viên.
Vào tháng 3 hàng năm, Deloitte mở đơn cho chương trình “One Step Ahead”. Đây là chương trình dành riêng cho sinh viên năm 2, năm 3 có cơ hội đến thăm văn phòng và tham gia training trong 2 ngày tại Deloitte. Số lượng sinh viên được chọn sau khi nộp CV và bảng điểm rơi vào khoảng 100 – 120 người. Sau 2 buổi đó, các bạn tham gia còn được nhận Certificate từ Deloitte.
Ngoài ra, một điểm cần chú ý mà các bạn cần phải biết, Deloitte là firm rất chú trọng vào trường bạn theo học. Và một điều rất quan trọng, phải trung thực giữa những gì bạn có và những gì bạn viết trong CV của mình. Bạn có thể nhờ bạn bè hay những anh chị có kinh nghiệm đi trước review những lỗi trong CV của mình, khi nào cảm thấy thật hài lòng thì mới gửi đi.
Lưu ý: Do càng về cuối ngày đóng đơn, lượng CV gửi về sẽ rất lớn, và cũng để đề phòng rủi ro về máy tính, mạng Internet, các bạn nên gửi CV càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước deadline khoảng 3-4 ngày.
Vòng 2: Challenger (Vượt lên chính mình)
Sau khi có kết quả vòng 1, các thí sinh pass sẽ nhận được email thông báo về thời gian và địa điểm diễn ra vòng 2. Như đã nói ở trên, Deloitte rất chú trọng vào kiến thức chuyên ngành, chính vì thế, đây được coi là vòng thi cam go, áp lực nhất về cả thời gian và kiến thức.
Đề thi được tách biệt giữa 2 bộ phận Audit và Tax, các bạn có thể lựa chọn 1 trong 2, hoặc thi cả 2 nếu có đủ sức khỏe và tin thần. Thực tế cho thấy, có khá nhiều thí sinh đăng ký ở cả 2 bộ phận và đều nhận được offer từ 2 phòng ban của Deloitte. Sau đây hãy cùng SAPP review lại đề Test năm nay.
1. Audit: 100 marks, 90 minutes
Nội dung đề test của bộ phận này bao gồm: Accounting, Auditing, Finance, General knowledge, Logic và Essay, tất cả được trình bày bằng tiếng Anh. Mỗi phần tối đa 20 điểm.
-
Accounting (15 questions)
Đề thi năm nay được đánh giá là “cực dài” và “cực khó”. Các câu hỏi liên quan đến Chuẩn mực kế toán Việt Nam, như VAS 03 về Tài sản cố định hữu hình, VAS 04 về Tài sản cố định vô hình, hay VAS 16 về Chi phí lãi vay. Có nhiều câu độ dài cả đề và đáp án lên tới 1 trang A4, khiến cho thí sinh rất khó để hiểu nhanh được hết nội dung của đề thi, vì đôi khi câu hỏi chỉ tập trung vào các từ khóa nhất định.
Hơn nữa, một số phòng thi giám thị không cho thí sinh viết vào đề (tương tự như thi IELTS, không được nháp vào đề). Do đoán được phần Accounting khó, một số thí sinh đã nhanh trí làm những phần nhẹ nhàng hơn như Finance, General knowledge rồi sau đó mới quay trở lại Accouting.
Bí quyết để làm tốt phần này đó là bạn phải có kiến thức về kế toán thật chắc, cùng với vốn tiếng Anh chuyên ngành ổn để có thể hiểu hết được nội dung đề, nắm được ý chính và điểm mấu chốt, cùng với đó là kỹ năng tính toán cẩn thận. Các kiến thức của môn học F3 ACCA không xuất hiện trực tiếp nhiều trong đề thi, nhưng việc sử dụng các phương pháp tính của F3 sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian khi làm bài tập.
-
Auditing (15 questions)
Đề xoay quanh một số vấn đề hay gặp phải như Ethics, Frauds… trong kiểm toán. Bên cạnh đó còn có phần thủ tục cho các phần hành cũng như các Threats trong kiểm toán.
Để làm tốt phần này, các bạn phải nắm thật chắc và hiểu sâu về các vấn đề trong môn Kiểm toán căn bản và Kiểm toán tài chính: rủi ro kiểm toán, thử nghiệm cơ bản, thử nghiệm tuân thủ, hệ thống kiểm soát nội bộ, và một phần không thể thiếu, đó là thủ tục kiểm toán cho các phần hành.
Cùng với đó, đăng ký một khóa F8 ACCA sẽ giúp bạn hoàn thành phần Auditing một cách dễ dàng hơn. Các câu hỏi không nên dịch “word by word” mà phải được dịch thành câu hoàn chỉnh, kiến thức trong F8 không khác như những môn học Kiểm toán tại trường Đại học, nhưng quan trọng nó được trình bày bằng tiếng Anh, giúp thí sinh không bỡ ngỡ trước những thuật ngữ xuất hiện trong đề. Do phần Accounting đã rất khó, vì thế phần này các bạn chỉ cần nhớ những từ khóa và hiểu những kiến thức cơ bản là có thể tự tin rồi. Ngoài ra, mindmap là một công cụ rất hữu ích mà các bạn có thể sử dụng khi tổng hợp kiến thức Kiểm toán.
-
General knowledge
Các câu hỏi trong phần này tương đối dễ đối với những bạn chăm chỉ quan tâm đến tin tức ở Việt Nam cũng như Thế giới như sự kiện Brexit ở Anh, lễ trao giải Oscar, chung kết EURO 2016, hay thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam (ở câu này có rất nhiều bạn chọn sai đáp án là 22%). Cũng có những câu hỏi thể hiện kiến thức đã được tích lũy từ lâu, ví dụ câu hỏi: điệu múa A, B, C thuộc dân tộc nào, con sông nào dài nhất Đông Âu …
Phần này giúp bạn trong mắt nhà tuyển dụng không phải là một con người chỉ biết học (phần này được thể hiện ở 2 phần trên), mà bạn là một con người năng động, biết giải trí, quan tâm đến những hoạt động xung quanh.
Bí quyết làm tốt ở phần này đó là, ngoài kiến thức chuyên ngành trên sách vở, hãy tích lũy kiến thức xã hội càng nhiều càng tốt, không chỉ phục vụ cho việc thi tuyển mà còn giúp đời sống của bạn phong phú hơn.
-
Logic
Đề năm nay giống những năm trước, không có phần dãy số và hình học, thay vào đó là các câu hỏi về con vật nuôi, hay mệnh đề này có thỏa mãn với giả thuyết hay không.
Các bạn có thể tham khảo các đề thi trong cuốn sách IQ Verbal do SAPP biên soạn để có thể hình dung rõ hơn về các câu hỏi của phần thi này.
-
Essay
Clients want practitioners more than just assurance service providers. They want more than of advisors who can work with them to make value. Do you agree or disagree?
Đề thi năm nay được đánh giá là hay khi có yếu tố kiểm toán. Format viết giống như Task 2 trong Writing IELTS. Bài viết tránh dùng những từ vựng quá học thuật, câu văn càng đơn giản càng tốt. Các bạn nên tập trung vào các ý tưởng cũng như cấu trúc của bài viết sao cho thật logic, đây là điều được giám khảo rất thích.
Bên cạnh đó, liên kết những vấn đề trong essay với nghề nghiệp kiểm toán sẽ được đánh giá rất cao. Vì đề thi rất dài và khó, các thí sinh không biết phân bổ thời gian một cách một lý, nên SAPP nhận được rất nhiều chia sẻ của các bạn khi chỉ dùng 5 – 10 phút cuối cùng để viết essay. Đây thật sự là điều tiếc nuối với các bạn.
2. Tax: 100 marks, 90 minutes
Nội dùng đề Tax bao gồm: Technical (35 marks) và Essay (65 marks).
Nếu so với Audit thì Technical của Tax dễ thở hơn rất nhiều. Các câu hỏi liên quan đến Accounting thì chỉ xoay quanh các nghiệp vụ đơn giản. Ngoài ra còn có một số câu hỏi về thuế VAT, CIT, PIT … Sổ tay thuế hàng năm của PwC năm 2017 sẽ là một công cụ rất hữu ích cho các bạn muốn apply vào vị trí Tư vấn Thuế này.
Nội dung đề Essay về tính hiệu quả của ODA ở Việt Nam và đưa ra các giải pháp để quản lý và nâng cao.
>>> Xem thêm:
- Học F6 ACCA các thông tư, quyết định thuế cần biết (Phần 1)
- Học F6 ACCA các thông tư, quyết định thuế cần biết (Phần 2)
Vòng 3: As One (Tinh thần đồng đội) – Phỏng vấn nhóm
Vòng Group Interview của Tax được tổ chức vào ngày 23/09/2016, của Audit sau đó 1 ngày.
Các thí sinh sẽ được chia thành các nhóm, mỗi nhóm 5 thành viên sẽ trao đổi về một tình huống nào đó (case study). Do số thứ tự của team đã được thông báo qua email nên các thí sinh không khó để biết và làm quen trước với các đồng đội của mình. Đây sẽ là điều rất thuật lợi cho các bạn khi tham gia teamwork.
Ở vòng thi này, lại một lần nữa Deloitte là một firm rất ưu chuộng chuyên ngành, trong khi ở firm khác, case study có thể là vấn đề nóng trong dự luận hiện này như sự xuất hiện của smart phone, ứng dụng của công nghệ… thì ở Deloitte, case study thường liên quan đến chuyên ngành.
Case study ở mỗi phòng lại khác nhau, đôi khi về Đánh giá lại tài sản, Hệ thống kiểm soát nội bộ phần hành Lương, Thủ tục kiểm kê Hàng tồn kho… Chính vì thế, ngoài kỹ năng mềm thì các kiến thức chuyên ngành sẽ giúp bạn rất nhiều (kiến thức thì không thể làm giả được đúng không). Các thí sinh sẽ có thời gian thảo luận với nhau, sau đó sẽ trình bày trước giám khảo và cuối cùng là phần Q&A.
Một điểm đáng chú ý ở vòng này là các thí sinh có thể lựa chọn sử dụng tiếng Việt trong quá trình làm việc nhóm cũng như trình bày trước giám khảo, thay vì phải trình bày bằng tiếng Anh. Đây là một điều rất thuận lợi đối với những bạn tiếng Anh chưa thật tốt.
Ở phần này, giám khảo đánh giá ứng viên thông qua cách làm việc nhóm. Một người làm việc nhóm tốt là người có đóng góp nhiều key ideas, không chỉ thế còn là người biết vực tinh thần của những thành viên còn lại. Bạn không nên chỉ ngồi im và nghe các thí sinh khác đưa ra ideas, cũng không nên là người quá áp đảo phần còn lại của nhóm, càng không nên “vùi dập” ideas của thí sinh nào, dù ý kiến đó rất tệ. Một nhóm tốt là nhóm mà ai cũng có vai trò và hoàn thành tốt vai trò của mình. Ngoài ra, các body language, các giao tiếp ứng xử cũng được giám khảo đánh giá ở mỗi ứng viên.
Vòng 4: The Game Changer (Tự tin tỏa sáng) – Phỏng vấn cá nhân
Những thí sinh có phần thể hiện tốt hơn ở vòng 3 sẽ lọt vào vòng Phỏng vấn cá nhân, và nếu tiếp tục giữ phong độ như thế thì bạn sẽ trở thành một trong những thực tập sinh của Deloitte. Số lượng thí sinh tham gia phỏng vấn cá nhân thường dao động từ 100 – 120 người, tùy chất lượng của từng năm.
Câu hỏi được đặt ra là bạn có bị hỏi về chuyên ngành trong vòng này hay không? Câu trả lời là tùy thuộc vào đề Test bạn làm và tùy từng người phỏng vấn. Nếu đề Test bạn làm rất tốt, người phỏng vấn có thể sẽ không hỏi về chuyên ngành nữa, mà sẽ xoay quanh các câu hỏi về cá nhân, hoạt động ngoại khóa, thành tích… mà bạn đã ghi trong CV của mình. Và nhớ mang theo CV cũng như certificates khi đến phỏng vấn (mặc dù người phỏng vấn đã có hoặc không cần đến).
Cố gắng thể hiện con người bạn, trung thực, tự tin, biến cuộc phỏng vấn thành một buổi nói chuyện vui vẻ. Hãy tập duyệt phỏng vấn trước gương nhiều lần, tự trả lời những câu hỏi đơn giản như giới thiệu bản thân, điểm mạnh điểm yếu… một cách trôi chảy. Điều đó sẽ giúp bạn tự tin hơn, không bị run ngay từ những câu đầu tiên, nhà tuyển dụng cũng đánh giá bạn là người đã chuẩn bị kỹ cho buổi phỏng vấn này.
Cố gắng dẫn dắt nhà tuyển dụng vào một câu chuyện cá nhân của mình, giúp họ có cái nhìn rõ hơn về mình. Hãy thể hiện mình là người tự tin, trung thực, khiêm tốn, sẵn sàng học hỏi, không sợ khổ (đặc biệt cho lĩnh vực Audit). Nếu nhà tuyển dụng hỏi bạn có câu hỏi nào không, đừng ngần ngại bảo “Có”, vì lúc đó bạn đã trải qua vòng phỏng vấn của mình rồi, hãy hỏi tất cả những gì bạn thắc mắc, như chế độ phúc lợi ở công ty, quá trình thăng tiến, tất nhiên, bạn nên hạn chế nói đến vấn đề về lương. Nói chung, bí quyết ở đây là “Feel free, show yourself”.
Về phần ngôn ngữ, theo kinh nghiệm từ những SAPPers đi phỏng vấn, bạn sẽ chỉ phải giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh, sau đó, nếu có “mong muốn”, bạn có thể sử dụng tiếng Việt. Tuy nhiên vẫn sẽ là tốt nhất nếu bạn sử dụng tiếng Anh trong suốt cuộc thi này. Những người phỏng vấn là những người rất thân thiện và thoải mái, đây cũng là đặc trưng của Big4 khi tuyển thực tập sinh.
Các bạn có thể tham khảo những dạng câu hỏi phỏng vấn phổ biến ở đây.
Vòng 5: One Destination (Cán đích thành công)
Đêm chung kết của cuộc thi được tổ chức vào ngày 07/10/2016 tại Học Viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Các thí sinh vượt qua vòng 4 sẽ thi để chọn ra Top 5, Top 3 và Quán quân để giành lấy những giải thưởng giá trị từ ICAEW và Deloitte. Do các thí sinh đều đã trở thành thực tập sinh nên tâm lý rất thoải mái.
Tổng kết
Năm nay, Deloiite là firm tuyển thực tập sinh sớm nhất trong nhóm Big 4. Điều này giúp cho Deloitte có thể chọn được những thí sinh xuất sắc nhất, do hầu hết ứng viên đều nộp hồ sơ vào cả 4 Big. Vô hình chung, việc này đã làm cho các vòng tuyển dụng và tiêu chí lựa chọn được khắt khe hơn. Số thực tập sinh được chọn ở khu vực miền Bắc ở cả 2 phòng ban dao động từ 50 – 60 người.
Trên đây là những chia sẻ cá nhân được tổng hợp từ nhiều học viên của SAPP đã vượt qua các vòng thi của Deloitte và trở thành thực tập sinh tại Deloitte trong kỳ thực tập 2017. Hi vọng những thông tin này sẽ giúp các bạn trong quá trình ôn luyện sắp tới.
Chúc các bạn thành công và có sự chuẩn bị thật tốt nhé!
>>> Xem thêm:
- Phỏng vấn kinh nghiệm kiểm toán phần hành tiền với giảng viên Nguyễn Đức Thái
- Phỏng vấn giảng viên Đoàn Huy Tuấn về phần hành nợ phải thu