Tìm hiểu Portfolio Management And Wealth Planning CFA – môn học quan trọng nhất CFA Level 3
Portfolio Management and Wealth Planning CFA – Quản lý và lập kế hoạch danh mục đầu tư là một trong những môn học quan trọng nhất của kỳ thi CFA, chiếm tới 35% tỷ trọng CFA Level 3. Vậy môn học này sẽ tập trung vào những phần kiến thức nào? Cùng SAPP tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.
Yêu cầu kỹ năng đầu vào của học viên với môn học
Yêu cầu về kiến thức nền
Để học tốt môn Portfolio Management and Wealth Planning trong CFA, bạn nên có nền tảng về toán tài chính, kinh tế học và phân tích báo cáo tài chính. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn chuẩn bị tốt hơn:
Toán tài chính và định giá | Kiến thức về kinh tế học | Phân tích báo cáo tài chính |
Nắm vững mean (trung bình), variance (phương sai), standard deviation (độ lệch chuẩn) để đo lường rủi ro danh mục. Làm quen với Sharpe Ratio, Sortino Ratio để đánh giá hiệu suất đầu tư.
Hiểu về correlation & covariance (khái niệm hệ số tương quan) – cơ sở cho việc đa dạng hóa danh mục. Học về asset allocation (phân bổ tài sản). Tác động của việc kết hợp các tài sản có tương quan thấp.
Tính toán expected return, standard deviation của danh mục đầu tư (portfolio). Hiểu cơ bản về Beta (hệ số rủi ro thị trường): Đo lường mức độ biến động của danh mục so với thị trường chung. |
Ảnh hưởng của lãi suất đến tỷ suất sinh lời và rủi ro của danh mục đầu tư. Hiểu cơ chế tác động của lạm phát lên danh mục và các tài sản phòng ngừa lạm phát (như vàng, bất động sản).
Nắm rõ cách quản lý rủi ro phi hệ thống thông qua đa dạng hóa. Hiểu ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô (GDP, chính sách tài khóa và tiền tệ). |
Hiểu được cách các chỉ số tài chính (ROE, ROA, EPS) ảnh hưởng đến quyết định đầu tư. Tìm kiếm cơ hội đầu tư dựa trên phân tích hiệu quả tài chính của doanh nghiệp.
Sử dụng các mô hình định giá cổ phiếu và trái phiếu trong việc xây dựng danh mục. DCF (Discounted Cash Flow), PE ratio, và Dividend Discount Model (DDM). |
Yêu cầu tiếng Anh chuyên ngành
Bên cạnh các kiến thức nền về toán tài chính và kiến thức kinh tế học – báo cáo Tài chính, người học Portfolio Management còn cần chuẩn bị cho mình bộ từ vựng tiếng Anh chuyên ngành cho nhóm kiến thức về Quản lý danh mục dà Chiến lược đầu tư…
Ngoài ra, bạn có thể bổ sung kiến thức học thuật được viết bằng tiếng Anh chuyên ngành tại một số nguồn tham khảo cung cấp báo cáo và bài viết về quản lý tài sản (Asset Management) và quản lý danh mục đầu tư (Portfolio Management) như: McKinsey & Company, BlackRock, Boston Consulting Group (BCG), J.P. Morgan Asset Management, Vanguard, CFA Institute.
Tỷ trọng của môn Portfolio Management trong đề thi CFA
Môn Quản lý danh mục đầu tư có mức độ phức tạp tăng dần qua từng cấp độ của kỳ thi CFA. Ở Level 1, nội dung tương đối cơ bản, sau đó mở rộng cả về phạm vi lẫn trọng số tại Level 2.
Đến Level 3, môn học này trở thành một phần quan trọng, chiếm gần một nửa trọng số của bài thi. Do đó, những ứng viên xây dựng nền tảng vững chắc ngay từ đầu sẽ có lợi thế đáng kể khi tiến lên các cấp độ cao hơn.
Tổng quan môn học Portfolio Management
Chủ đề giới thiệu những nguyên tắc cơ bản về quản lý danh mục đầu tư và rủi ro, bao gồm cách đo lường lợi nhuận, rủi ro cũng như quy trình lập kế hoạch và xây dựng danh mục.
Nội dung đề cập đến nhu cầu của cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, đồng thời phân tích các giải pháp đầu tư phù hợp. Mô hình định giá tài sản vốn (Capital asset pricing model – CAPM) được sử dụng để xác định mức độ rủi ro tối ưu trong danh mục đầu tư.
Trong phạm vi CFA Level 1
Chủ đề Portfolio Management (PM) có trọng số tương đối thấp hơn trong kỳ thi CFA Cấp độ 1, cùng với Phái sinh (Derivatives) và Đầu tư Thay thế (Alternative Investments).
Bạn cần phải nhận ra rằng PM không hề kém quan trọng hơn các môn có trọng số cao như Phân tích Báo cáo Tài chính (Financial Statement Analysis – FSA). Thay vào đó, PM là một môn học phức tạp hơn, xây dựng dựa trên các khái niệm cơ bản được giới thiệu trước đó trong Chương trình CFA.
Portfolio management and wealth planning: Part I
Rủi ro và Lợi nhuận Danh mục Đầu tư: Phần I cung cấp mô tả và cách tính toán các đặc điểm đầu tư, chẳng hạn như rủi ro và lợi nhuận, mà các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá tài sản đầu tư.
Tiếp theo là các phần về xây dựng danh mục đầu tư, lựa chọn danh mục đầu tư rủi ro tối ưu và hiểu biết về sự e ngại rủi ro và đường bàng quan (indifference curves).
Cuối cùng, điểm tiếp tuyến của các đường bàng quan với đường phân bổ vốn cho phép xác định danh mục đầu tư tối ưu của nhà đầu tư.
Portfolio Risk and Return: Part II
Rủi ro và Lợi nhuận Danh mục Đầu tư: Phần II – Trong bài đọc này, học viên được thảo luận chi tiết về mô hình định giá tài sản vốn (Capital asset pricing model – CAPM) và đề cập đến các chủ đề liên quan như đường thị trường vốn (Capital market line – CML).
Bài học bắt đầu với việc giải thích CML, việc sử dụng danh mục thị trường như một chiến lược quản lý thụ động và việc đòn bẩy danh mục thị trường để đạt được lợi nhuận kỳ vọng cao hơn.
Tiếp theo, học viên sẽ được thảo luận về rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống, cũng như lý do tại sao không nên kỳ vọng được bù đắp cho việc gánh chịu rủi ro phi hệ thống. Thảo luận về rủi ro hệ thống và phi hệ thống được tiếp nối bằng phần giới thiệu về beta và mô hình tạo ra lợi nhuận.
Chủ đề rộng lớn này sau đó được chia nhỏ thành thảo luận về CAPM và cụ thể hơn là mối quan hệ giữa beta và lợi nhuận kỳ vọng. Phần cuối cùng bao gồm các ứng dụng của CAPM vào lập ngân sách vốn, đánh giá hiệu suất danh mục đầu tư và lựa chọn chứng khoán.
Portfolio Management: An Overview
Module “Tổng quan về đầu tư theo danh mục” cung cấp tổng quan về quản lý danh mục đầu tư và ngành quản lý tài sản, bao gồm các loại nhà đầu tư, kế hoạch đầu tư và sản phẩm đầu tư. Đồng thời, nó cũng hướng dẫn người học:
- Cách tiếp cận danh mục đầu tư rất quan trọng đối với các nhà đầu tư trong việc đạt được các mục tiêu tài chính của doanh nghiệp.
- Phác thảo các bước trong quy trình quản lý danh mục đầu tư để quản lý danh mục đầu tư của khách hàng.
- So sánh nhu cầu tài chính của các loại nhà đầu tư khác nhau: nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức.
- Mô tả cả kế hoạch hưu trí đóng góp xác định và kế hoạch hưu trí phúc lợi xác định.
- Ngành quản lý tài sản, đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa người cung cấp và người tìm kiếm vốn đầu tư trên toàn thế giới. Học phần mô tả quỹ tương hỗ và các loại sản phẩm đầu tư chung khác do các nhà quản lý tài sản cung cấp.
Basics of Portfolio Planning and Construction
Module 4 cung cấp một nền tảng quan trọng về hoạch định và tạo lập danh mục đầu tư, giúp nhà đầu tư hiểu rõ cách đặt mục tiêu, đánh giá rủi ro, phân bổ tài sản và tối ưu hóa chiến lược đầu tư theo từng hoàn cảnh cụ thể.
Trong đó Báo cáo chính sách đầu tư (IPS) đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mục tiêu và tiêu chí đánh giá. Mục tiêu lợi nhuận và rủi ro được thiết lập theo cách tuyệt đối hoặc tương đối, dựa trên khả năng và mức sẵn lòng chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư.
Các hạn chế đầu tư bao gồm thanh khoản, thời hạn đầu tư, thuế, quy định pháp lý và các yếu tố đặc biệt như đầu tư bền vững (ESG).
Quản lý danh mục đầu tư cần cân nhắc đến Benchmark Overlap, giao dịch quá mức và có thể áp dụng phương pháp Lõi – Vệ tinh (Core-Satellite) để cân bằng chiến lược chủ động và thụ động.
The Behavioral Biases of Individuals
Module “Tài chính hành vi (The Behavioral Biases of Individuals)” tập trung vào việc phân tích các sai lệch trong hành vi tài chính.
Nội dung bao gồm so sánh và đối chiếu giữa lỗi nhận thức và thiên lệch cảm xúc, thảo luận về các sai lệch hành vi phổ biến cũng như tác động của chúng đến quá trình ra quyết định tài chính.
Ngoài ra, module còn giải thích cách các thiên lệch hành vi của nhà đầu tư có thể tạo ra những đặc điểm thị trường mà tài chính truyền thống không thể lý giải được.
Introduction to Risk Management
Thành công trong kinh doanh và đầu tư đòi hỏi khả năng lựa chọn và quản lý rủi ro một cách khéo léo. Một quy trình quản trị rủi ro được phát triển tốt sẽ kết nối các mục tiêu, năng lực chiến lược và công cụ của một tổ chức để tạo ra giá trị, giúp tổ chức đó vừa phát triển vừa tồn tại.
Quản trị rủi ro tốt mang lại kết quả là việc ra quyết định tốt hơn và đánh giá sắc bén hơn về nhiều sự đánh đổi quan trọng trong kinh doanh và đầu tư, giúp các nhà quản lý tối đa hóa giá trị.
Trong phạm vi CFA Level 2
Chương trình Portfolio Management trong kỳ thi CFA Level 2 tập trung vào các khía cạnh quan trọng của quỹ giao dịch hoán đổi (Exchange-traded funds – ETFs) cũng như cách sử dụng chúng một cách chiến lược.
Bên cạnh đó, nội dung cũng khám phá mối liên hệ giữa thị trường tài chính và nền kinh tế thực, đồng thời giới thiệu Định luật Cơ bản của Quản lý Chủ động (Fundamental Law of Active Management).
Cuối cùng, chương trình kết thúc với các nghiên cứu điển hình về quản lý danh mục đầu tư, minh họa cách giao dịch chứng khoán liên quan đến quá trình đầu tư.
Economics and Investment Markets
Tình trạng của nền kinh tế và hoạt động của thị trường tài chính có mối liên hệ mật thiết với nhau. Thị trường tài chính là diễn đàn nơi người tiết kiệm được kết nối với nhà đầu tư.
Hoạt động này cho phép người tiết kiệm (saver) trì hoãn tiêu dùng hiện tại để tiêu dùng trong tương lai, cho phép chính phủ huy động vốn cần thiết để tạo ra một xã hội an toàn, và cho phép các tập đoàn tiếp cận vốn để khai thác các cơ hội đầu tư sinh lời. Từ đó, giúp tạo ra tăng trưởng kinh tế và việc làm trong tương lai.
Mục tiêu của bài đọc này là xác định và giải thích các mối liên kết giữa nền kinh tế thực và thị trường tài chính, đồng thời cho thấy phân tích kinh tế có thể được sử dụng như thế nào để phát triển các phương pháp định giá cả chứng khoán thị trường tài chính riêng lẻ và tập hợp các chứng khoán này, chẳng hạn như chỉ số thị trường tài chính.
Analysis of Active Portfolio Management
Module Phân tích Quản lý Danh mục Đầu tư Chủ động cung cấp kiến thức về cách đo lường giá trị gia tăng do quản lý chủ động mang lại. Nội dung bao gồm việc tính toán và giải thích tỷ số thông tin (cả ex post và ex ante), đồng thời so sánh với tỷ số Sharpe.
Module cũng giới thiệu và phân tích định luật cơ bản của quản lý danh mục đầu tư chủ động, bao gồm các thành phần chính như hệ số chuyển đổi, hệ số thông tin, phạm vi và rủi ro chủ động. Vai trò của tỷ số thông tin trong việc lựa chọn nhà quản lý đầu tư và xác định mức độ rủi ro của danh mục đầu tư chủ động cũng được đề cập.
Ngoài ra, module so sánh các chiến lược quản lý chủ động, như chiến lược thời điểm thị trường và lựa chọn chứng khoán, đồng thời đánh giá sự thay đổi chiến lược dựa trên định luật cơ bản của quản lý chủ động. Cuối cùng, module phân tích những điểm mạnh và hạn chế thực tế của định luật này trong quá trình áp dụng vào quản lý danh mục đầu tư.
Exchange – Traded Funds: Mechanics and Applications
Nội dung cốt lõi của Module này tập trung vào việc hiểu rõ cách thức hoạt động và ứng dụng của Quỹ Hoán đổi danh mục (ETFs), bao gồm:
- Giải thích cách các ETF được tạo ra và mua lại và vai trò của Nhà Tạo lập Thị trường (Authorized Participants)
- Mô tả cách thức giao dịch ETF diễn ra trên thị trường thứ cấp (secondary markets), tương tự như giao dịch cổ phiếu.
- Phân tích các yếu tố dẫn đến sự khác biệt giữa hiệu suất của ETF và chỉ số tham chiếu mà nó theo dõi.
- Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến chênh lệch giá mua-bán (bid–ask spreads) ETF.
- Giải thích lý do tại sao giá giao dịch của ETF có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị tài sản ròng của nó.
- Liệt kê và mô tả các chi phí liên quan đến việc sở hữu ETF.
- Xác định và mô tả các loại rủi ro liên quan đến đầu tư vào ETF.
- Trình bày các cách thức khác nhau mà ETF có thể được sử dụng trong việc xây dựng và quản lý danh mục đầu tư.
Using Multifactor Models
Mô hình đa yếu tố cho phép các nhà phân tích tài chính xây dựng một cái nhìn chính xác và tinh tế hơn về rủi ro so với cách tiếp cận đơn yếu tố. Điều này đã khiến mô hình đa yếu tố trở thành một phương pháp đầu tư chủ đạo để đo lường và điều hướng rủi ro.
Module cung cấp nền tảng về lý thuyết danh mục đầu tư của mô hình đa yếu tố. Bạn sẽ được giới thiệu về lý thuyết định giá chênh lệch giá (arbitrage pricing theory), các mô hình đa yếu tố khác nhau và ứng dụng của chúng.
Measuring and Managing Market Risk
Module “Đo lường và Quản lý Rủi ro Thị trường” cung cấp kiến thức về cách sử dụng giá trị rủi ro (VaR) để đo lường rủi ro danh mục đầu tư, đồng thời so sánh ba phương pháp ước tính VaR, bao gồm phương pháp tham số (phương sai – hiệp phương sai), mô phỏng lịch sử và mô phỏng Monte Carlo.
Học viên sẽ được hướng dẫn cách ước tính và diễn giải VaR theo từng phương pháp, cũng như hiểu rõ ưu điểm, hạn chế của VaR và các phương pháp mở rộng của nó.
Ngoài ra, module còn trình bày và so sánh các thước đo rủi ro theo độ nhạy và kịch bản với VaR. Mô tả cách sử dụng các thước đo rủi ro này, phân tích ưu điểm, hạn chế và giải thích các ràng buộc trong quản lý rủi ro thị trường như ngân sách rủi ro, giới hạn vị thế, giới hạn kịch bản và giới hạn cắt lỗ.
Cuối cùng, học viên sẽ hiểu cách áp dụng các thước đo rủi ro vào quyết định phân bổ vốn cũng như cách chúng được sử dụng trong các lĩnh vực ngân hàng, quản lý tài sản, quỹ hưu trí và bảo hiểm.
(Nguồn: CFA Measuring and Managing Market Risk)
Backtesting and Simulation
Backtesting là phương pháp mô phỏng hiệu suất của một chiến lược đầu tư mà không cần sử dụng vốn thực tế. Phương pháp này cho phép các nhà phân tích tài chính kiểm tra giả thuyết bằng cách sử dụng dữ liệu lịch sử để mô phỏng kết quả, từ đó đánh giá lợi nhuận tiềm năng.
Backtesting and Simulation ngày càng phổ biến trong đầu tư định lượng nhờ vào sự phát triển của dữ liệu lớn (big data) và các tiến bộ công nghệ liên quan.
Bài học này sẽ giới thiệu các kỹ thuật kiểm định hồi cứu, giúp bạn hiểu cách những công cụ này có thể tăng giá trị của dữ liệu tưởng chừng như ngẫu nhiên, từ đó nâng cao hiệu quả phân tích và ra quyết định đầu tư.
Trong phạm vi CFA Level 3
Trong chương trình giảng dạy CFA Level 3, Portfolio management bao gồm các phương pháp toàn diện để đánh giá hiệu suất đầu tư. Các lĩnh vực chính bao gồm:
- Đánh giá hiệu suất danh mục đầu tư: Khám phá các thành phần liên quan đến nhau của đánh giá hiệu suất: đo lường, phân bổ và thẩm định. Bao gồm việc hiểu các phương pháp phân bổ khác nhau (lợi nhuận, rủi ro, vĩ mô, vi mô), diễn giải các phân tích thu nhập cố định và đánh giá chất lượng và đặc điểm kỹ thuật của điểm chuẩn.
- Lựa chọn người Quản lý đầu tư: Tập trung vào việc lựa chọn và đánh giá người quản lý đầu tư, bao gồm thẩm định, phân tích phong cách và hiểu các yếu tố hành vi trong việc ra quyết định. Bao gồm việc đánh giá phí dựa trên hiệu suất và các khía cạnh hợp đồng của việc tham gia của người quản lý.
- Tổng quan về Tiêu chuẩn hiệu suất đầu tư toàn cầu (GIPS): Xem xét các mục tiêu, phạm vi và yêu cầu tuân thủ của tiêu chuẩn GIPS, tập trung vào phương pháp tính toán lợi nhuận, xây dựng hỗn hợp và quy trình xác minh.
Mỗi phần được thiết kế để trang bị cho bạn các kỹ năng cần thiết để đánh giá chính xác các khía cạnh định lượng và định tính của hiệu suất đầu tư, điều này rất cần thiết cho việc quản lý danh mục đầu tư hiệu quả và lựa chọn người quản lý đầu tư.
Overview of Asset Allocation
Chủ sở hữu tài sản quan tâm đến việc tích lũy và duy trì khối tài sản cần thiết để đáp ứng nhu cầu và mục tiêu của họ. Trong quá trình đó, các danh mục đầu tư – bao gồm danh mục cá nhân và quỹ đầu tư của tổ chức – đóng vai trò quan trọng.
Việc phân bổ tài sản (Asset allocation) là một quyết định mang tính chiến lược, thường được thực hiện ngay từ giai đoạn đầu của quá trình xây dựng danh mục. Do đó, nó đòi hỏi sự xem xét kỹ lưỡng.
Principles of Asset Allocation
Xác định chiến lược phân bổ tài sản (strategic asset allocation) được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình đầu tư. Nội dung này tiếp nối phần “Introduction to Asset Allocation” và tập trung vào các khuôn khổ chính để xây dựng chiến lược phân bổ tài sản, bao gồm:
- Tối ưu hóa phương sai-độ lệch chuẩn dựa trên tài sản (asset – only mean – variance optimization)
- Các kỹ thuật phân bổ tài sản liên quan đến nghĩa vụ tài chính (various liability-relative asset allocation techniques)
- Đầu tư dựa trên mục tiêu (goals-based investing)
Ngoài ra, nó còn đề cập đến một số phương pháp phân bổ tài sản khác được các chuyên gia áp dụng, cũng như các chủ đề liên quan quan trọng, chẳng hạn như cân bằng lại danh mục đầu tư.
Asset Allocation with Real-World Constraints
Module “Quản lý tài sản trong điều kiện hạn chế“ tập trung vào các yếu tố thực tế ảnh hưởng đến phân bổ tài sản và cách điều chỉnh chiến lược đầu tư phù hợp. Nội dung bao gồm:
- Phân tích các yếu tố hạn chế như quy mô tài sản, nhu cầu thanh khoản, thời gian đầu tư, các quy định pháp lý và những ràng buộc khác có thể ảnh hưởng đến quyết định phân bổ tài sản.
- Xem xét tác động của thuế đối với chiến lược phân bổ tài sản và quá trình tái cân bằng danh mục đầu tư.
- Đề xuất và lý giải các điều chỉnh trong phân bổ tài sản khi mục tiêu đầu tư hoặc các hạn chế thay đổi.
- Đánh giá vai trò của việc thay đổi phân bổ tài sản trong ngắn hạn nhằm tối ưu hóa danh mục đầu tư.
- Nhận diện các định kiến hành vi ảnh hưởng đến quyết định phân bổ tài sản và đề xuất giải pháp để giảm thiểu tác động của chúng.
Overview of Private Wealth Management
Module cung cấp cái nhìn tổng quan về quản lý tài sản cá nhân, bao gồm:
- Phân loại các loại tài sản cá nhân cũng như cách thức tài sản được tạo ra và phân phối trên phạm vi toàn cầu.
- Đánh giá tác động của sự thay đổi về vốn con người, vốn tài chính và giá trị tài sản ròng kinh tế đối với quá trình ra quyết định tài chính của cá nhân ở từng giai đoạn trong cuộc đời.
- Giải thích mối quan hệ giữa lợi nhuận, rủi ro, mục tiêu và các ràng buộc tài chính của cá nhân với vốn con người và vốn tài chính của họ.
- Đánh giá ảnh hưởng của các loại thuế khác nhau và tác động của lạm phát đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư cá nhân.
- Phân biệt sự khác nhau giữa khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức, từ đó xây dựng một Bản kế hoạch đầu tư (Investment Policy Statement – IPS) phù hợp cho khách hàng cá nhân.
Topics in Private Wealth Management
Bài đọc này tập trung vào ba lĩnh vực năng lực kỹ thuật quan trọng trong quản lý tài sản khách hàng cá nhân:
- Tác động của thuế đối với tích lũy tài sản ( the impact of taxes on wealth accumulation)
- Quản lý các vị thế tập trung trong tài sản công hoặc tư nhân (the management of concentrated positions in public or private assets),
- Các công cụ và kỹ thuật cơ bản để bảo tồn tài sản qua các thế hệ ( basic tools and techniques for preserving wealth through generations).
Một nhà quản lý danh mục đầu tư quản lý tài sản ( portfolio manager managing assets) cho khách hàng cá nhân tìm cách tối đa hóa lợi nhuận sau thuế cho một mức rủi ro nhất định.
Bài đọc này đặt nền tảng cho việc hiểu các loại thuế khác nhau ảnh hưởng đến tích lũy tài sản như thế nào. Xem xét các nguyên tắc chung về thuế, cách đo lường hiệu quả thuế và cách giảm tác động của thuế đối với danh mục đầu tư.
Risk Management for Individuals
Quản lý rủi ro cho cá nhân là một yếu tố then chốt của tài chính vòng đời, vốn nhận ra rằng khi nhà đầu tư già đi, bản chất cơ bản của tổng tài sản của họ sẽ tiến triển, cũng như những rủi ro mà họ phải đối mặt.
Trong bài đọc này, cung cấp tổng quan về những rủi ro tiềm ẩn đối với một cá nhân hoặc hộ gia đình, phân tích các sản phẩm và chiến lược có thể bảo vệ chống lại một số rủi ro này và thảo luận về việc lựa chọn một sản phẩm hoặc chiến lược phù hợp.
- Phần 2: Cung cấp tổng quan về vốn con người và vốn tài chính (human and financial capital).
- Phần 3: Đề cập đến quy trình quản lý rủi ro, các giai đoạn tài chính của cuộc đời một cá nhân, bảng cân đối kế toán kinh tế (hoặc toàn diện) và các rủi ro và mức độ phơi nhiễm rủi ro của cá nhân.
- Phần 4: Thảo luận về các loại sản phẩm liên quan đến lập kế hoạch tài chính, bao gồm bảo hiểm và niên kim (insurance and annuities).
- Phần 5: Nghiên cứu điển hình về chương trình bảo hiểm và những hiểu biết sâu sắc về việc thực hiện các giải pháp quản lý rủi ro cho cá nhân.
- Phần 6: Tóm tắt những điểm chính của bài đọc.
Portfolio Management for Institutional Investors
Nhà đầu tư tổ chức (Institutional investors) là các tập đoàn, quỹ tín thác hoặc tổ chức pháp lý khác đầu tư vào thị trường tài chính thay mặt cho một nhóm hoặc cá nhân, bao gồm cả thế hệ hiện tại và tương lai.
Module “Quản lý danh mục đầu tư cho nhà đầu tư tổ chức” bao gồm các nội dung sau:
- Thảo luận về các đặc điểm chung của nhà đầu tư tổ chức.
- Phân tích chính sách đầu tư của nhà đầu tư tổ chức.
- Xem xét các bên liên quan trong danh mục đầu tư, các nghĩa vụ tài chính, thời gian đầu tư và nhu cầu thanh khoản của từng loại nhà đầu tư tổ chức.
- Mô tả các yếu tố pháp lý, quy định và thuế tác động đến các loại nhà đầu tư tổ chức khác nhau.
- Đánh giá các rủi ro liên quan đến quỹ hưu trí đóng (defined benefit – DB), bao gồm: trạng thái tài trợ của quỹ, sức mạnh tài chính của nhà tài trợ, mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh của nhà tài trợ và danh mục đầu tư của quỹ, thiết kế quỹ, cũng như đặc điểm của lực lượng lao động.
- Đánh giá bản tuyên bố chính sách đầu tư (investment policy statement – IPS) của nhà đầu tư tổ chức.
- Đánh giá danh mục đầu tư của quỹ hưu trí đóng tư nhân, quỹ tài sản có chủ quyền, quỹ hiến tặng đại học và quỹ tư nhân.
- Mô tả các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý bảng cân đối kế toán của ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Trade Strategy and Execution
Module thảo luận về giao dịch (Trade) và thực thi (Execution) từ góc nhìn của người quản lý danh mục đầu tư. Bài đọc bao gồm một loạt các chủ đề liên quan đến việc lựa chọn và thực hiện chiến lược giao dịch, cũng như đo lường và đánh giá chi phí giao dịch.
Sự tăng trưởng trong giao dịch điện tử (electronic trading) đã dẫn đến sự tự động hóa ngày càng tăng trong giao dịch, bao gồm việc sử dụng giao dịch thuật toán và học máy để tối ưu hóa chiến lược giao dịch và thực hiện.
Các thị trường khác nhau, bao gồm cổ phiếu, thu nhập cố định (fixed income), phái sinh (derivatives) và ngoại hối (foreign exchange), đều được kiểm tra. Các quy trình và thủ tục giao dịch đầy đủ cũng được thảo luận từ góc độ quy định và quản trị.
Portfolio Performance Evaluation
Nội dung của module trước tiên sẽ giới thiệu ba lĩnh vực chính trong đánh giá hiệu suất: đo lường hiệu suất (performance measurement), phân tích đóng góp (attribution) và thẩm định hiệu suất (appraisal). Học viên sẽ phân biệt các khái niệm này và giải thích mối quan hệ giữa chúng.
Tiếp theo, bài học cung cấp các công cụ giúp đánh giá hiệu quả của các phương pháp phân tích khác nhau, bao gồm đo lường dựa trên lợi nhuận (returns-based), danh mục nắm giữ (holdings-based) và giao dịch (transactions-based). Mỗi phương pháp sẽ được phân tích về ưu, nhược điểm cùng hướng dẫn cách diễn giải kết quả một cách chính xác.
Bài học cũng sẽ thảo luận về các chỉ số tham chiếu (benchmark) và tỷ số đánh giá hiệu suất (performance appraisal ratios). Học viên sẽ xem xét các tiêu chí đánh giá chất lượng của chỉ số tham chiếu, phân biệt chỉ số thị trường và chỉ số tham chiếu, cũng như phân tích các tỷ số phổ biến trong đánh giá hiệu suất, đồng thời cân nhắc lợi ích và hạn chế của từng phương pháp.
Cuối cùng, bài học đưa ra những lời khuyên về cách sử dụng các công cụ đánh giá để xác định năng lực của nhà quản lý đầu tư. Nội dung đòi hỏi sự hiểu biết về các phương pháp phân tích, nhận thức được những hạn chế của chúng, đánh giá tầm quan trọng của chất lượng dữ liệu và tránh những sai lầm phổ biến trong quá trình đưa ra khuyến nghị đầu tư.
Investment Manager Selection
Đánh giá một nhà quản lý đầu tư (investment manager) là một quá trình phức tạp và đòi hỏi nhiều yếu tố hơn là chỉ phân tích lợi nhuận đầu tư. Quá trình thẩm định (due diligence) không chỉ tập trung vào kết quả đầu tư mà còn tìm hiểu cách những kết quả đó được tạo ra và đánh giá khả năng nhà quản lý sẽ tiếp tục duy trì chiến lược đầu tư đã mang lại những kết quả này.
Ngoài việc đánh giá phương pháp đầu tư, thẩm định còn bao gồm đánh giá hoạt động vận hành. Điều này đòi hỏi xem xét tính minh bạch và đạo đức của công ty, cách thức vận hành, đội ngũ nhân sự, cũng như cấu trúc và điều khoản của các quỹ đầu tư mà nhà quản lý đang quản lý. Do đó, quy trình thẩm định kết hợp cả phân tích định lượng (về kết quả đầu tư) và định tính (về chất lượng quản lý và vận hành).
Case Study in Portfolio Management: Institutional
Nội dung của case study này đi vào nghiên cứu vấn đề các quỹ tài trợ đại học lớn thường có mức độ tiếp xúc đáng kể với các loại tài sản kém thanh khoản, ảnh hưởng đến hồ sơ thanh khoản tổng thể của danh mục đầu tư và đòi hỏi một phương pháp quản lý thanh khoản toàn diện để đảm bảo rằng nhu cầu thanh khoản có thể được đáp ứng kịp thời.
Case study này sẽ được chia làm 2 phần chính. Phần đầu tiên giải quyết các vấn đề liên quan đến phân bổ tài sản và quản lý thanh khoản. Phần thứ hai khám phá việc sử dụng các công cụ phái sinh trong xây dựng danh mục đầu tư từ góc độ lớp phủ phân bổ tài sản chiến thuật (TAA) và tái cân bằng.
Case Study in Risk Management: Private Wealth
Nghiên cứu trường hợp về quản lý rủi ro cho tài sản cá nhân – tình huống này theo dõi một gia đình từ giai đoạn đầu sự nghiệp đến khi nghỉ hưu, đề cập đến một số vấn đề và cân nhắc quan trọng mà họ có thể gặp phải.
Quản lý tài sản cá nhân đòi hỏi một loạt kỹ năng và năng lực rộng, từ phân tích rủi ro chuyên sâu đến đưa ra các khuyến nghị về chiến lược giảm thiểu rủi ro, bao gồm lựa chọn sản phẩm bảo hiểm, phân bổ tài sản (asset allocation), tối ưu hóa thuế (tax optimization), lập kế hoạch nghỉ hưu (retirement planning) và lập kế hoạch thừa kế (estate planning).
Case Study in Risk Management: Institutional
Module này tập trung vào các công cụ và chiến lược quản lý danh mục đầu tư dành cho nhà đầu tư tổ chức. Các chủ đề chính bao gồm:
- Thảo luận về các công cụ quản lý rủi ro thanh khoản (liquidity risk) trong danh mục đầu tư.
- Xem xét chiến lược tận dụng phần bù thanh khoản (illiquidity premium) như một chiến lược đầu tư dài hạn.
- Phân tích mối quan hệ giữa phân bổ tài sản, xây dựng danh mục đầu tư với nhu cầu thanh khoản, yêu cầu rủi ro và lợi nhuận, đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp.
- Áp dụng Bộ Quy tắc Đạo đức và Tiêu chuẩn Hành nghề (Code of Ethics and Standards of Professional Conduct) trong việc lựa chọn nhà quản lý đầu tư.
- So sánh chi phí và lợi ích của việc sử dụng phái sinh so với các công cụ thị trường tiền mặt để điều chỉnh phân bổ tài sản hoặc mức độ rủi ro.
- Thể hiện cách sử dụng phái sinh (derivatives) để thực hiện chiến lược phân bổ tài sản chiến thuật và tái cân bằng danh mục.
- Thảo luận về các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong quản lý danh mục đầu tư dài hạn của nhà đầu tư tổ chức.
Những kỹ năng sẽ đạt được từ Portfolio Management and Wealth Planning CFA
Theo Viện CFA, môn Quản lý Danh mục Đầu tư (Portfolio Management and Wealth Planning CFA) trang bị cho học viên những kỹ năng và kiến thức thiết yếu. Cụ thể, sau khi hoàn thành khóa học, học viên có khả năng:
- Mô tả và áp dụng các phương pháp tiếp cận danh mục đầu tư
- Thực hiện quy trình quản lý danh mục một cách bài bản từ việc xác định mục tiêu đầu tư đến đánh giá hiệu quả hoạt động.
- Phân loại và đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư khác nhau
- Nắm vững kiến thức về các chương trình lương hưu
- Hiểu rõ về ngành quản lý tài sản và phân tích, so sánh các sản phẩm đầu tư
…
Nói cách khác, môn học này cung cấp một nền tảng vững chắc để học viên có thể xây dựng và quản lý danh mục đầu tư một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.
Một vài kinh nghiệm học tập, ôn luyện thi môn học
Hiểu rõ cấu trúc, tỷ trọng môn học và phân bổ thời gian ôn tập hợp lý
Để thành công trong kỳ thi CFA Level I, đặc biệt là với môn Portfolio Management and Wealth Planning CFA (Quản lý danh mục đầu tư), việc đầu tiên và quan trọng nhất là hiểu rõ cấu trúc và tỷ trọng của môn học.
Portfolio Management and Wealth Planning CFA chiếm khoảng 8-12% tổng số điểm, tập trung vào các khái niệm cốt lõi như lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại (MPT), đo lường rủi ro và lợi nhuận, đa dạng hóa tài sản và mô hình định giá tài sản vốn (CAPM).
Dù không phải là môn có tỷ trọng cao nhất, nhưng đây là nền tảng quan trọng cho các cấp độ CFA tiếp theo. Do đó, bạn nên dành khoảng 24-36 giờ học tập, tương đương 8-12% tổng thời gian ôn luyện, để nắm vững các khái niệm này.
Đặc biệt, hãy tập trung vào việc hiểu sâu các công cụ đo lường rủi ro, các mô hình tối ưu hóa danh mục và vai trò của việc phân bổ tài sản trong việc đạt được mục tiêu đầu tư.
Xác định các phương pháp học tập phù hợp
Để tối ưu hóa khả năng tiếp thu và ghi nhớ kiến thức CFA, học viên cần có phương pháp học tập phù hợp, kết hợp cả trước, trong và sau buổi học.
Trước buổi học | Trong buổi học | Sau buổi học |
Việc tổng quan bài giảng, tìm hiểu thuật ngữ chuyên ngành và xem trước nội dung giúp học viên có cái nhìn tổng quan và chuẩn bị tốt cho buổi học. | Ghi chú ngắn gọn, thảo luận phân tích với giảng viên và xác định mức độ ưu tiên của kiến thức là những hoạt động quan trọng. | Việc phân bổ thời gian ôn tập hợp lý, rà soát kiến thức bằng checklist, hoàn thành bài tập từ các nguồn Curriculum, Question bank tổng hợp kiến thức bằng mind map và ghi nhớ bằng flashcards sẽ giúp học viên củng cố kiến thức và chuẩn bị tốt cho kỳ thi.
Đặc biệt, việc sử dụng tính năng Flashcards, Practice (thay thế câu hỏi Curriculum) trên Learning Ecosystem của Viện CFA là một công cụ hữu ích để ghi nhớ công thức và thuật ngữ và theo dõi tiến độ làm bài tập. |
Với những kiến thức và kỹ năng đạt được từ môn Portfolio management and Wealth planning CFA, học viên đã tiến thêm một bước quan trọng trên con đường chinh phục chứng chỉ CFA danh giá. Học viện hy vọng với những thông tin đó sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình ôn thi CFA.
Tạm kết
SAPP Academy cung cấp khóa học thử CFA, giúp học viên trải nghiệm phương pháp giảng dạy, làm quen với nội dung và cách học hiệu quả. Đăng ký học thử tại SAPP là cơ hội tuyệt vời để đánh giá sự phù hợp với chương trình CFA trước khi cam kết học chính thức.
Nếu bạn quan tâm đến lĩnh vực tài chính – đầu tư, hãy đăng ký ngay để có trải nghiệm thực tế và chuẩn bị tốt nhất cho hành trình chinh phục CFA.
Liên hệ với SAPP qua Fanpage hoặc Website nếu cần bất cứ hỗ trợ nào nhé!
- Fanpage:
- Website: https://sapp.edu.vn/
- Hotline: 19002225
- Youtube: https://www.youtube.com/@sapp-cfa