Học F2 ACCA – Phân Tích Dạng Bài Cost Classification
Chi phí là một trong những yếu tố mang tính chất cốt lõi của kế toán quản trị. Tùy theo những cách nhìn, hướng tiếp cận hay mục đích theo dõi chi phí mà nó sẽ được phân loại theo nhiều cách khác nhau.
Trong môn học F2 ACCA, Cost classification được bố trí trong những chương đầu tiên, giúp cho học viên bước đầu có những khái niệm về chi phí. Hôm nay SAPP Academy sẽ gửi đến các bạn bài viết chuyên ngành về Cost classification trong series về các bài viết F2 ACCA. Bài viết sẽ xoay quanh các khái niệm, các dạng bài quen thuộc và cách giải những dạng bài này.
1. Giới thiệu khái niệm
Khi sản xuất sản phẩm hay cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp sẽ phát sinh các chi phí sau:
- Chi phí nguyên vật liệu
- Chi phí tiền lương công nhân viên
- Chi phí khác bao gồm:
- Khấu hao
- Tiền thuê nhà
- Tiền điện, nước…
Tất cả các chi phí trên sẽ được phân loại theo các cách khác nhau, F2 ACCA có nhắc đến các cách phân loại chi phí như sau:
- Chi phí trực tiếp và gián tiếp
- Chức năng của chi phí
- Chi phí cố định và biến đổi
- Chi phí sản xuất và ngoài sản xuất
Chúng ta hãy cùng phân tích các dạng bài ứng với từng cách phân loại nhé.
2. Phân loại theo chi phí trực tiếp và gián tiếp
Chi phí trực tiếp (direct costs) là những chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất, liên quan trực tiếp đến từng đối tượng chịu chi phí (từng loại sản phẩm, dịch vụ, đơn đặt hàng hay các phòng ban).
Chi phí gián tiếp (indirect costs) là những chi phí chung phát sinh liên quan đến nhiều đối tượng chịu chi phí khác nhau, bao gồm chi phí nguyên vật liệu phụ, chi phí công phụ, chi phí quảng cáo…
Chi phí nguyên vật liệu, nhân công hay những chi phí khác có thể được phân loại là chi phí trực tiếp hoặc chi phí gián tiếp.
Ví dụ: Phân loại chi phí trực tiếp hay chi phí gián tiếp:
- Tiền thưởng từ việc làm thêm giờ được phân loại là chi phí gián tiếp, trừ các trường hợp sau:
- Nếu việc làm thêm giờ đó phục vụ cho việc sản xuất đơn đặt hàng xác định của khách hàng
- Nếu việc làm thêm giờ diễn ra như một hoạt động bình thường của doanh nghiệp
- Trả tiền bảo hiểm cho nhân viên sẽ được phân loại thành chi phí gián tiếp vì nó không thực sự trực tiếp đóng góp vào việc tạo ra sản phẩm dịch vụ
- Tiền lương cho thời gian rảnh rỗi của nhân viên được phân loại là chi phí gián tiếp
3. Phân loại theo chức năng của chi phí
Theo cách này, chi phí sẽ được phân loại về từng các phòng ban của doanh nghiệp, bao gồm:
- Chi phí sản xuất: gắn liền với chi phí từ các nhà máy, phân xưởng…
- Chi phí quản lý: gắn liền với các phòng ban chung của doanh nghiêp như phòng kế toán, ban giám đốc…
- Chi phí marketing, bán hàng và phân phối: liên quan đến các phòng ban martketing, bán hàng và phân phối
Ví dụ: Phân loại theo phòng ban các chi phí:
- Chi phí mua dầu để bôi trơn máy móc sẽ được phân loại cho phòng sản xuất do máy móc phục vụ cho quá trình sản xuất sản phẩm nên tất cả những chi phí liên quan đến máy móc sẽ được phân bổ cho phòng ban này
- Lương thư ký giám đốc sẽ được phân loại cho phòng Quản lý
- Tiền thuê nhà khó lưu trữ thành phẩm sẽ được phân loại cho phòng Bán hàng. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, các thành phẩm sẽ được luân chuyển ngay vào chu trình bán hàng, khi đó hàng hóa không còn ở trong kho sản xuất mà do bộ phận Bán hàng quản lý. Do vậy, chi phí tiền thuê nhà kho sẽ được tính vào bộ phận Bán hàng
4. Chi phí cố định và biến đổi
Chi phí cố định (fixed costs) là chi phí phát sinh trong một khoảng thời gian cụ thể và trong một số hoạt động nhất định, không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về mức độ hoạt động.
Chi phí biến đổi (variable costs) là chi phí có xu hướng thay đổi theo mức độ hoạt động.
Ví dụ:
- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp là chi phí biến đổi, vì sản xuất càng nhiều sản phẩm thì cần càng nhiều nguyên vật liệu. Đây là mối quan hệ thuận chiều.
- Chi phí thuê nhà kho là chi phí cố định, vì khi doanh nghiệp sản xuất nhiều hay ít, thậm chí không sản xuất thì hàng tháng, doanh nghiệp vẫn phát sinh một khoản tiền thuê không đổi.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn bắt gặp những chi phí mặc không đổi trong một khoản số lượng sản phẩm nào đó, và chỉ tăng khi số lượng sản phẩm vượt ngưỡng cho phép.
Ví dụ như chi phí vận hàng máy móc theo đợt, công suất định mức của máy là 100 sản phẩm. Khi chúng ta sản xuất 50 hay 70 sản phẩm thì vẫn phát sinh một lượng chi phí giống nhau, nhưng khi sản xuất quá 100 sản phẩm thì máy phải tăng công suất, dẫn đến chi phí tăng. Trong môn F2 ACCA, người ta gọi đó là “semi-fixed” hoặc “semi-variable overhead cost”.
5. Chi phí trong sản xuất và ngoài sản xuất
Chi phí sản xuất (manufacturing costs) là tất cả các chi phí liên quan đến sản xuất hàng hoá. Trong trường hợp sản xuất hàng hoá, các chi phí này bao gồm vật liệu trực tiếp, lao động trực tiếp và chi phí sản xuất.
Chi phí ngoài sản xuất (non-manufacturing costs) được lấy trực tiếp vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh dưới hình thức các khoản chi phí trong giai đoạn phát sinh ví dụ như chi phí bán hàng và quản lý.
Ví dụ: Trong kỳ, doanh nghiệp phát sinh những chi phí sau:
$ | |
Nguyên vật liệu | 600 |
Nhân công | 1,000 |
Sản xuất chung | 500 |
Quản lý doanh nghiệp | 700 |
2,800 |
Doanh nghiệp sản xuất được 100 sản phẩm, giá bán mỗ sản phẩm là 25$. Nếu các chi phí được phân loại theo chi phí sản xuất và ngoài sản xuất, tính lợi nhuận gộp của doanh nghiệp, biết doanh nghiệp bán được 70 sản phẩm?
Đáp án:
Do chi phí được phân loại theo chí phí sản xuất và ngoài sản xuất, vì vậy khi tính giá vốn sản xuất, chúng ta sẽ tính toán những chi phí sau: nguyên vật liệu, nhân công và chi phí sản xuất chung, sau đó loại bỏ chi phí bán hàng cũng như chi phí quản lý doanh nghiệp.
Giá vốn sản xuất mỗi sản phẩm do đó sẽ là: (600 + 1,000 + 500)/100 = 21$
Ta tính toán lợi nhuận gộp như sau:
$ | |
Doanh thu (=70*25) | 1,750 |
Giá vốn (=70*21) | 1,470 |
Lợi nhuận gộp | 280 |
6. Kết bài
SAPP đã cùng bạn vừa đi qua 4 cách phân loại chi phí phổ biến nhất trong doanh nghiệp. Ngoài mục đích phân tích và quản trị của Ban giám đốc, việc phân loại này còn giúp tính toán lợi nhuận doanh nghiệp đạt được trong kỳ. Đây cũng là những kiến thức đầu tiên khi học viên bắt đầu học về F2 ACCA – Kế toán quản trị. SAPP hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình học và ôn thi F2 ACCA.
>>> Xem thêm:
- F2 ACCA là gì? Lợi ích của việc học F2 ACCA
- Kinh nghiệm học & thi F2 ACCA từ giảng viên SAPP
- Phân biệt giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính