2 Câu Chuyện Về Lợi Ích Mà Nghề Kiểm Toán Mang Lại Cho Các Công Ty
Nghề kiểm toán chắc hẳn đã rất quen thuộc với các bạn sinh viên chuyên ngành kinh tế và là mơ ước nghề nghiệp của nhiều bạn sinh viên khi ra trường. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được kiểm toán đã giúp đỡ được các doanh nghiệp trong việc tiết kiệm chi phí và vận hành như thế nào. Hai câu chuyện dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu thêm về những lợi ích mà nghề kiểm toán mang lại cho các công ty.
Câu Chuyện Thứ Nhất
Để lắp đặt và sửa chữa 20.000 máy bán hàng tự động, công ty VSA đã phải thuê 25 chiếc xe vận tải hạng nặng được trang bị các ván trượt bằng hơi rất hiện đại. Với những ván trượt tiện lợi này, nhân viên của công ty có thể dễ dàng vận chuyển các máy bán hàng hỏng đi nơi khác. Tất nhiên, giá thuê mỗi chiếc xe tải trang bị hiện đại như thế chiếm một khoản chi phí không hề nhỏ.
Có lẽ VSA sẽ mãi mãi phải tiêu tốn hàng nghìn USD mỗi năm cho vụ thuê xe này. Nhưng rồi một ngày, ban giám đốc VSA quyết định nhờ tới kiểm toán.
Sau một loạt điều tra và phân tích tình hình, kiểm toán viên nhận thấy rằng, trên thực tế, số máy bán hàng tự động bị hỏng nặng đến nỗi phải dùng ván trượt của xe tải là rất ít. Phần lớn, các nhân viên của VSA chỉ phải dùng những thao tác đơn giản để sửa chữa hoặc điều chỉnh.
Nhờ vậy ban giám đốc công ty VSA đã thay đổi, cho nhân viên đi sửa chữa máy bán hàng tự động bằng các xe tải nhẹ thông thường, chỉ giữ lại ba chiếc xe tải có ván trượt mà thôi.
Vậy là với sự quan sát và nhận xét thông minh của kiểm toán viên, công ty VSA đã tiết kiệm được 50.000 USD mỗi năm.
Bài học: Các doanh nghiệp biết sử dụng công cụ đúng đắn sẽ thu lợi nhiều hơn.
Tính thận trọng tiết kiệm được 150.000 USD.
Câu Chuyện Thứ Hai
Công ty T&E đang mong muốn mở rộng cổ phần trên thị trường. Vì vậy, họ đã quyết định mua thêm một công ty nhỏ hơn có tên là Fivart với giá 700.000 USD.
Tất nhiên, là một công ty có kinh nghiệm và thận trọng trong kinh doanh, trước khi đi đến quyết định về giá cả, ban giám đốc T&E đã nhờ tới kiểm toán viên để kiểm tra lại sổ sách của Fivart.
Khi kiểm tra sổ sách của Fivart, kiểm toán viên đã phát hiện ra rất nhiều lỗi trong các báo cáo tài chính. Ví dụ như kế toán của công ty này chưa vào sổ các khoản tiền hoa hồng cho người bán. Không chỉ thế, nhiều hóa đơn mua hàng cũng không thấy trong báo cáo tài chính.
Điều này cũng có nghĩa là trên thực tế, Fivart chỉ đáng giá 550.000 USD.
Kết quả: Nhờ thận trọng và có sự giúp đỡ hiệu quả của kiểm toán viên mà công ty T&E biết được giá trị thực của Fivart. Họ đã mua Fivart với giá rẻ hơn rất nhiều và tiết kiệm được 150.000 USD.