#[Tìm Hiểu] Các Khoản Giảm Trừ Doanh Thu Là Gì? | SAPP
Có thể nói doanh thu là giá trị kinh tế quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Chính vì vậy, bất kỳ ảnh hưởng hay tác động nào đến doanh thu đều khiến cho doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ lưỡng. Trong quá trình kinh doanh có thể phát sinh các nghiệp vụ làm giảm trừ doanh thu, có thể kể đến như chiết khấu thương mại, hàng bán bị trả lại, giảm giá hàng bán làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp. Qua bài viết dưới đây, hãy cùng SAPP tìm hiểu về các khoản giảm trừ doanh thu nhé!
1. Các khoản giảm trừ doanh thu là gì?
Khoản giảm trừ doanh thu là chi phí phát sinh được điều chỉnh làm giảm doanh thu bán hàng của một công ty trong kỳ kế toán. Tùy theo chế độ kế toán mà doanh nghiệp áp dụng, kế toán sẽ ghi nhận các khoản này theo các phương thức khác nhau. Các khoản giảm trừ doanh thu bao gồm chiết khấu thương mại, hàng bán bị trả lại và giảm giá hàng bán.
2. Cách hạch toán các khoản giảm trừ doanh thu
Hầu hết các khoản chi đều sẽ được khấu trừ vào doanh thu nhưng không phải tất cả. Các chi phí được khấu trừ khỏi doanh thu của một doanh nghiệp để tính thu nhập chịu thuế phổ biến nhất gồm khấu hao, tiền thuê mặt bằng, tiền lương, phúc lợi, tiếp thị, quảng cáo,…
Theo hệ thống tài khoản 521, thông tư 133 về các khoản giảm trừ doanh thu quy định:
BÊN NỢ |
BÊN CÓ |
|
|
Theo tài khoản 521, thông tư 133, các khoản giảm trừ doanh thu sẽ có 3 tài khoản cấp 2:
-
Tài khoản chiết khấu thương mại (5211): Đây là tài khoản dùng để chỉ chi phí chiết khấu thương mại cho khách hàng khi họ mua hàng với số lượng lớn nhưng chưa được ghi lại trên hóa đơn khi doanh nghiệp bán hàng trong kỳ;
-
Tài khoản hàng bán bị trả lại (5212): Tài khoản này thể hiện khoản chi phí mà các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đã bị khách hàng trả lại trong kỳ;
-
Tài khoản giảm giá hàng bán (5213): Tài khoản này phản ánh chi phí mà doanh nghiệp giảm giá sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng do hàng bán chưa được đảm bảo chất lượng nhưng chưa ghi lại trên hóa đơn bán hàng trong kỳ.
2.1. Tài khoản 5211 – Chiết khấu thương mại
Như đã nói ở trên, tài khoản này để chỉ chi phí chiết khấu thương mại cho khách hàng khi họ mua hàng với số lượng lớn nhưng chưa được ghi lại trên hóa đơn khi doanh nghiệp bán hàng trong kỳ.
Cách hạch toán tài khoản chiết khấu thương mại như sau:
-
Trường hợp 1: Sản phẩm hoặc dịch vụ đã cung cấp phải giảm giá, chiết khấu thương mại cho khách hàng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT và doanh nghiệp tính thuế GTGT (cả 2 đều theo phương pháp khấu trừ), ghi:
Nợ TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (5211, 5213)
Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra được giảm)
Có các TK 111, 112, 131, …
-
Trường hợp 2: Sản phẩm hoặc dịch vụ đã cung cấp phải giảm giá, chiết khấu thương mại cho người mua không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp thì khoản giảm giá hàng bán cho người mua, ghi:
Nợ TK 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (5211, 5213)
Có các TK 111, 112, 131, …
2.2. Tài khoản 5212 – Hàng bán bị trả lại
Hàng bán bị trả lại là những sản phẩm, dịch vụ đã bị khách hàng trả lại cho doanh nghiệp khi hàng bán bị kém phẩm chất, chủng loại,…
Cách hạch toán tài khoản hàng bán bị trả lại như sau:
Khi doanh nghiệp nhận hàng bán bị hoàn trả, kế toán sẽ phải tính toán giá vốn của hàng bán bị trả lại như sau:
-
Trường hợp 1: Doanh nghiệp hạch toán toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 155 – Thành phẩm
Nợ TK 156 – Hàng hóa
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
-
Trường hợp 2: Doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ
Nợ TK 611 – Mua hàng (đối với hàng hóa)
Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất (đối với sản phẩm)
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
Thanh toán với khách hàng về chi phí của sản phẩm bị trả lại:
-
Trường hợp 1: Đối với hàng bán thuộc đối tượng chịu thuế GTGT và doanh nghiệp nộp thuế GTGT (tính theo phương pháp khấu trừ), ghi:
Nợ TK 5212 – Hàng bán bị trả lại (giá bán chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 3331- Thuế GTGT phải nộp (33311) (thuế GTGT hàng bị trả lại)
Có các TK 111, 112, 131, …
-
Trường hợp 2: Đối với sản phẩm, hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp, số tiền thanh toán với người mua về hàng bán bị trả lại, ghi:
Nợ TK 5212 – Hàng bán bị trả lại
Có các TK 111, 112, 131, …
-
Các chi phí phát sinh liên quan đến hàng bán bị trả lại (nếu có), ghi:
Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng
Có các TK 111, 112, 141, 334, …
2.3. Tài khoản 5213 – Giảm giá hàng bán
Là chi phí giảm giá cho khách hàng khi khách hàng mua sản phẩm tại doanh nghiệp nhưng lại kém chất lượng hay không đáp ứng đủ điều kiện như trong hợp đồng đã ký.
Cách hạch toán tài khoản giảm giá hàng bán như sau:
Khi có chứng từ xác nhận chi phí giảm giá hàng bán cho khách hàng về số lượng hàng đã bán do kém chất lượng hoặc sai quy cách, hợp đồng:
-
Trường hợp 1: Hàng bán giảm giá cho người mua thuộc đối tượng chịu thuế GTGT (theo phương pháp khấu trừ), khoản giảm giá đã chấp thuận cho người mua, ghi:
Nợ TK 5213 – Giảm giá hàng bán (Giá chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (Số thuế GTGT của hàng bán bị trả lại)
Có các TK 111,112,131
-
Trường hợp 2: Hàng hóa bán giảm giá cho người mua không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì khoản giảm giá hàng bán cho người mua, ghi:
Nợ TK 5213 – Giảm giá hàng bán (Giá đã có thuế GTGT)
Có TK 111,112,131
Cuối kỳ kế toán ghi bút toán kết chuyển giảm giá hàng bán:
-
Nợ TK 511;
-
Có TK 5213.
3. Cách điều chỉnh giảm trừ doanh thu như thế nào?
Trong trường hợp tài khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại phát sinh cùng kỳ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được điều chỉnh giảm doanh thu của kỳ phát sinh.
Ngược lại, khi sản phẩm, hàng hóa dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau mới phát sinh chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán hoặc hàng bán bị trả lại thì doanh nghiệp được ghi giảm doanh thu theo nguyên tắc:
-
Nếu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại nhưng phát sinh trước thời điểm phát hành Báo cáo tài chính, kế toán phải coi đây là một sự kiện cần điều chỉnh phát sinh sau ngày lập Bảng cân đối kế toán và ghi giảm doanh thu, trên Báo cáo tài chính của kỳ lập báo cáo (kỳ trước);
-
Trường hợp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải giảm giá, chiết khấu thương mại, bị trả lại sau thời điểm phát hành Báo cáo tài chính thì doanh nghiệp ghi giảm doanh thu của kỳ phát sinh (kỳ sau).
Hy vọng qua bài viết vừa rồi, SAPP Academy đã giải quyết phần nào những thắc mắc của bạn đọc về các khoản giảm trừ doanh thu và cách hạch toán trong doanh thu. Nếu bạn còn có thắc mắc về chủ đề này đừng ngần ngại mà hãy liên hệ với SAPP ngay nhé!