Sự Khác Biệt Giữa Chuẩn Mực Kế Toán Việt Nam Và Quốc Tế – Phần 2
Mặc dù chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) được soạn thảo dựa trên khung của chuẩn mực kế toán Quốc Tế (IAS/IFRS) nhưng VAS chỉ có 26 chuẩn mực. Trong khi có tới 41 chuẩn mực IAS và 16 chuẩn mực IFRS. Như vậy, VAS sẽ không có những chuẩn mực kế toán tương đương với IAS/ IFRS. Bạn có thể xem xét cụ thể sự khác biệt này như sau.
1. Các Chuẩn Mực Kế Toán Về Trình Bày Báo Cáo Tài Chính & Các Vấn Đề Liên Quan
- IFRS 1: Lần đầu áp dụng các Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế (nguyên tắc chung là áp dụng hồi tố toàn bộ các chuẩn mực IFRS đã có hiệu lực tại thời điểm áp dụng, trừ một số ngoại lệ và miễn trừ được cho phép).
- IFRS 7: Thuyết minh về công cụ tài chính để giúp người sử dụng BCTC đánh giá mức độ quan trọng của công cụ tài chính đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động SXKD của đơn vị, đánh giá bản chất cũng như phạm vi của các rủi ro phát sinh từ công cụ tài chính và cách thức quản trị rủi ro của đơn vị (IFRS 7 và Thông tư 210/2009/TT-BTC có nội dung cơ bản tương tự nhau. Tuy nhiên, trong thực tế, các thuyết minh theo quy định của Thông tư 210 không cung cấp nhiều thông tin cho người đọc vì VAS không đề cập đến việc ghi nhận và đo lường các công cụ tài chính và hướng dẫn về giá trị hợp lý).
2. Các Chuẩn Mực Kế Toán Về Các Khoản Mục Trên Báo Cáo Tài Chính Kết Quả Kinh Doanh & Báo Cáo Tình Hình Tài Chính/ Bảng Cân Đối Kế Toán
- IAS 19: Quy định phương pháp hạch toán và trình bày các khoản phúc lợi cho người lao động bao gồm các khoản phúc lợi ngắn hạn, dài hạn, trợ cấp thôi việc;
- IAS 20: Quy định việc hạch toán và trình bày các khoản trợ cấp và hình thức tài trợ khác của Chính phủ;
- IAS 32: Trình bày về công cụ tài chính (Thông tư số 210/2009/TT-BTC yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng các quy định của IAS 32 và IFRS 7 về trình bày và công bố các công cụ tài chính từ năm 2011);
- IAS 39: Thiết lập các nguyên tắc ghi nhận, dừng ghi nhận và xác định giá trị tài sản tài chính và nợ tài chính (được thay thế bởi IFRS 9, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018);
- IFRS 9: Quy định về các yêu cầu ghi nhận và dừng ghi nhận, phân loại và đo lường các tài sản tài chính và các khoản nợ phải trả tài chính, suy giảm giá trị về kế toán phòng ngừa rủi ro chung (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018);
- IFRS 14: Các khoản hoãn lại theo luật định (có hiệu lực từ ngày 01/01/2016).
3. Các Chuẩn Mực Kế Toán Về Ngành Nghề Hoặc Hoạt Động Đặc Thủ
- IAS 26, 41, 6: Các chuẩn mực về ngành nghề hoặc hoạt động đặc thù bao gồm kế toán và báo cáo quỹ hưu trí, ngành nông nghiệp, thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản.
4. Các Chuẩn Mực Kế Toán Về Sự Kiện Hoặc Giao Dịch Cụ Thể
- IAS 29, 36, 2, 15: Các chuẩn mực về sự kiện hoặc giao dịch cụ thể: BCTC trong điều kiện siêu lạm phát, tổn thất tài sản, thanh toán trên cơ sở cổ phiếu, hay tài sản nắm giữ để bán và hoạt động không liên tục.
5. Các Chuẩn Mực Kế Toán Về Đo Lường
- IFRS 13: Đo lường giá trị hợp lý.
6. Các Chuẩn Mực Kế Toán Về Hợp Nhất, Công Ty Con Và/ Hoặc Hợp Nhất Các Đơn Vị Khác
- IAS 27: Phương pháp kế toán cho các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh liên kết trên BCTC riêng;
- IFRS 12: Thuyết minh lợi ích từ các đơn vị khác để có thể đánh giá bản chất và rủi ro liên quan đến phần lợi ích của đơn vị trong các đơn vị khác và ảnh hưởng của những lợi ích này lên tình hình tài chính, kết quả hoạt động và lưu chuyển tiền tệ của đơn vị (việc trình bày lợi ích trong công ty con, công ty liên doanh và liên kết chịu sự điều chỉnh của VAS 25, 8 và 7).
Trên đây là tổng hợp những chuẩn mực có trong IAS/IFRS mà VAS hiện chưa có chuẩn mực tương đương. Hi vọng sự so sánh này sẽ giúp bạn hiểu cặn kẽ hơn Chuẩn mực kế toán quốc tế và Chuẩn mực kế toán Việt Nam.
>>> Xem Thêm:
- Sự Khác Biệt Giữa Chuẩn Mực Kế Toán Việt Nam & Quốc Tế – Phần 1
- So Sánh Chuẩn Mực Kế Toán IAS 01 Và VAS 21 Về Trình Bày Báo Cáo Tài Chính
[FREE DOWNLOAD] TỪ ĐIỂN 300 THUẬT NGỮ TIẾNG ANH TRONG IFRS DÀNH RIÊNG CHO KẾ TOÁN