Review lộ trình 3 tháng học ACCA F3 (Financial Accounting/FA)
Bạn mới bắt đầu tìm hiểu về ACCA và không biết liệu có thể tự học môn F3 hay không? Đây là môn đầu tiên, lại khá nhiều lý thuyết nên dễ gây hoang mang nếu chưa có nền tảng kế toán, cũng chưa biết bắt đầu từ đâu hay học bằng tài liệu nào.
Bài viết này sẽ chia sẻ kinh nghiệm tự học ACCA F3 từ Quỳnh Hương, học viên đã xuất sắc đạt 70 diểm ACCA F3, thuộc top đầu cho môn học có pass rate dao động 65 – 72% trong năm gần đây. Cùng chúng tôi đi vào lộ trình học ACCA F3 chi tiết.
1. Có thể tự học Financial Accounting (F3/FA) được không?
Trong hành trình học ACCA, chúng ta sẽ đi từ những khái niệm cơ bản nhất đến các kiến thức quản trị tài chính và điều hành doanh nghiệp ở tầm chiến lược. Financial Accounting ACCA, hay còn gọi là F3/FA, chính là một trong những môn học đầu tiên đặt nền móng cho toàn bộ chương trình.
Thông qua F3, bạn sẽ hiểu được kế toán là gì, vai trò của kế toán viên trong doanh nghiệp, và làm thế nào để ghi nhận, xử lý các giao dịch kinh tế một cách chính xác và minh bạch. Môn học này cũng hướng dẫn bạn cách lập báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS và bước đầu biết cách đọc hiểu, phân tích những con số trên báo cáo đó.
Cũng vì là môn nhập môn, nhiều người chọn bắt đầu ACCA từ F3 như một cách để làm quen với chương trình. Và không ít người đặt ra câu hỏi: Liệu có thể tự học môn này một cách nghiêm túc và hiệu quả, hay bắt buộc phải học qua trung tâm? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. F3 là một trong những môn học mà ACCA đã xây dựng sẵn tài liệu, hướng dẫn và công cụ học tập rất đầy đủ cho người tự học. Nếu bạn có mục tiêu rõ ràng, biết cách tổ chức thời gian hợp lý và sử dụng đúng tài nguyên, thì việc tự học F3 là điều hoàn toàn khả thi.
2. Tự học Financial Accounting (F3/FA) mất bao lâu
Một trong những câu hỏi phổ biến nhất khi bắt đầu học bằng chứng chỉ ACCA là: Nếu tự học, mình sẽ cần bao lâu để hoàn thành chương trình này? Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu, vì người học cần biết để chủ động sắp xếp thời gian cá nhân, đặc biệt nếu bạn đang đi làm hoặc học song song với chương trình khác.
Đối với môn Financial Accounting, thời gian học không cố định cho tất cả mọi người. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nền tảng kiến thức ban đầu, mức độ cam kết, khả năng tự học và thời gian bạn có thể dành mỗi tuần. Tuy nhiên, ACCA đã đưa ra một kế hoạch mẫu rất cụ thể để bạn tham khảo. Theo đó, nếu bạn học đều đặn và có kế hoạch rõ ràng, bạn hoàn toàn có thể hoàn thành môn này trong khoảng 12 tuần.
Cụ thể, kế hoạch học ACCA F3 chia thành 3 giai đoạn và kéo dài trong 12 tuần (3 tháng)
- 8 tuần đầu tiên dành cho việc học lý thuyết và luyện bài tập. Trong thời gian này, bạn nên cố gắng dành khoảng một buổi tối hoặc nửa ngày cho mỗi chương trong giáo trình.
- 3 tuần tiếp theo là giai đoạn ôn tập, luyện đề, rà soát lại những phần còn yếu và củng cố kiến thức.
- Tuần cuối cùng dùng để chuẩn bị thi, làm đề mock exam và làm quen với giao diện thi thật trên nền tảng của ACCA.
Ngoài ra, bạn có thể linh hoạt điều chỉnh kế hoạch tùy theo tốc độ học và lịch cá nhân. Ví dụ, nếu bạn có thể học toàn thời gian hoặc đã có nền tảng kế toán từ trước, thời gian học có thể rút ngắn còn 6-8 tuần. Ngược lại, nếu bạn bận rộn và chỉ học được vào buổi tối hoặc cuối tuần, thì nên dành ra ít nhất 3 tháng để đảm bảo hiệu quả.
Tóm lại, bạn có thể lên kế hoạch học F3 trong khoảng 2 đến 3 tháng, với điều kiện duy trì được tính kỷ luật và học đều đặn mỗi tuần. Việc tự học sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu bạn chia nhỏ nội dung học, có lịch học rõ ràng và dành đủ thời gian cho giai đoạn ôn tập trước khi thi.
3. Các giai đoạn tự học Financial Accounting (F3/FA) cho người mới bắt đầu
3.1. Đặt mục tiêu
Trước khi bắt tay vào học bất kỳ môn nào trong ACCA, việc xác định mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn có định hướng cụ thể và giữ được động lực trong suốt quá trình học. Với môn Financial Accounting (F3/FA), người mới bắt đầu nên đặt ra cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để dễ dàng theo dõi tiến độ và điều chỉnh phương pháp học khi cần.
Mục tiêu ngắn hạn là những cột mốc cụ thể bạn đặt ra trong quá trình học từng tuần, từng tháng. Chúng giúp bạn duy trì nhịp học đều đặn và kiểm soát được khối lượng kiến thức. Ví dụ:
- Hoàn thành 2 chương đầu tiên trong vòng 1 tuần
- Làm ít nhất 30 câu hỏi luyện tập mỗi ngày
- Kết thúc giai đoạn học lý thuyết trong 6 tuần
- Đạt 75% điểm trở lên trong bài thi thử đầu tiên
Theo Quỳnh Hương, có được các mục tiêu ngắn hạn sẽ giúp bạn học theo kế hoạch và còn tạo được cảm giác thành tựu, từ đó duy trì sự tự tin và động lực. Trong thời gian học ban đầu, Hương có chia ra phải hoàn thành phần A và B của Syllabus (Giáo trình) trong tuần đầu, tuần sau đó sẽ kết hợp làm bài luyện tập và cứ đan xen như vậy tới hết chương trình. “Nhờ học đan xen, chia nhỏ như vậy mà mình không bị nản, không bị ngợp vì kiến thức nặng.”
Mục tiêu dài hạn sẽ gắn với đích đến cuối cùng. Đó là vượt qua kỳ thi F3 với kết quả tốt và tiến gần hơn đến việc hoàn thành chương trình ACCA. Một số ví dụ về mục tiêu dài hạn có thể là:
- Thi đậu môn F3 trong vòng 3 tháng kể từ ngày bắt đầu học
- Đạt từ 75 điểm trở lên trong kỳ thi chính thức để tạo nền tảng vững chắc cho các môn tiếp theo như F7 hoặc F8
- Hoàn thành 3 môn thuộc Applied Knowledge trong 6 tháng đầu tiên của lộ trình ACCA
Việc xác định mục tiêu rõ ràng ngay từ đầu không chỉ giúp bạn kiểm soát được tiến độ học mà còn đóng vai trò như kim chỉ nam để bạn không bị mất phương hướng giữa chừng. Mỗi lần hoàn thành một mục tiêu, dù là nhỏ, cũng sẽ giúp bạn tiến gần hơn tới đích cuối cùng.
3.2. Lên kế hoạch và chuẩn bị
Trước khi bắt đầu học bất kỳ môn nào trong ACCA, việc lên kế hoạch rõ ràng là bước không thể thiếu, đặc biệt với người tự học. Môn Financial Accounting (F3/FA) là môn đầu tiên trong lộ trình của nhiều người, nên sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu sẽ giúp bạn nắm chắc nền tảng và tránh cảm giác quá tải khi bước vào các môn nâng cao sau này.
Đầu tiên, bạn cần hiểu tổng thể về cấu trúc môn học và cấu trúc đề thi. F3 được chia thành các phần chính như sau:
- Phần A & B: Giới thiệu về kế toán tài chính, vai trò của kế toán trong doanh nghiệp, các quy định và chuẩn mực mà kế toán viên cần tuân thủ, cũng như những yếu tố tạo nên một báo cáo tài chính chất lượng.
- Phần C: Trình bày hệ thống kế toán và cách ghi chép các giao dịch cơ bản, đặc biệt là phương pháp ghi sổ kép – nội dung cốt lõi của môn học.
- Phần D: Hướng dẫn xử lý các giao dịch thường gặp như hàng tồn kho, tài sản cố định, dự phòng, thuế GTGT, nợ phải thu khó đòi, v.v.
- Phần E, F & G: Hướng dẫn chi tiết cách lập báo cáo tài chính cho doanh nghiệp đơn lẻ và báo cáo hợp nhất.
- Phần H: Giới thiệu các kỹ thuật phân tích báo cáo tài chính.
“Về đề thi, F3 (hay FA) gồm 35 câu hỏi trắc nghiệm ngắn (MCQ) và 2 câu case study (tổng 30 điểm). Tất cả các phần trên đều có thể xuất hiện trong đề thi, tuy nhiên, phần trọng tâm nhất chính là Phần C, D, E-F-G. Đây là các nội dung cốt lõi quyết định phần lớn số điểm của bạn.” – Hương lưu ý tới các bạn đang học môn Financial Accounting ACCA (FA/F3).
Sau khi hiểu rõ chương trình, bước tiếp theo là chuẩn bị tài liệu học tập. Bạn nên chọn sách của Kaplan hoặc BPP, là hai nhà xuất bản được ACCA công nhận. Ngoài ra, hãy đăng ký tài khoản trên ACCA Practice Platform, nơi bạn có thể luyện đề thi thử miễn phí với giao diện giống đề thi thật.
Khi đã có tài liệu trong tay, bạn cần lập kế hoạch học tập chi tiết. Một lộ trình hợp lý thường kéo dài từ 10 đến 12 tuần, chia thành:
- Giai đoạn học lý thuyết (6–8 tuần)
- Giai đoạn ôn tập và luyện đề (2–3 tuần)
- Giai đoạn chuẩn bị thi (1 tuần)
Trong từng tuần, bạn nên chia nhỏ nội dung học để đảm bảo không bị quá tải. Ví dụ: mỗi buổi học nên tập trung vào một chương cụ thể, kết hợp đọc lý thuyết, làm bài tập trong sách và luyện câu hỏi trắc nghiệm.
Một phương pháp học hiệu quả cho người tự học là Pomodoro: học tập trung trong 50–60 phút, sau đó nghỉ 10–15 phút. Cách này giúp bạn duy trì khả năng tập trung mà không bị mệt mỏi, đặc biệt phù hợp khi bạn phải tự học trong thời gian dài.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất là bám sát kế hoạch đã đề ra, học đều từng tuần, tránh dồn ép vào giai đoạn cuối. Đây là cách giúp bạn xây kiến thức vững chắc ngay từ đầu, tránh “nước đến chân mới nhảy” và dễ bị mất gốc ở các môn nâng cao hơn sau này.
3.3. Học hiểu nội dung
Khi bước vào giai đoạn học chính thức, điều quan trọng không chỉ là đọc hết sách, mà là làm sao để hiểu đúng bản chất, luyện tập được khả năng áp dụng và ghi nhớ kiến thức một cách hệ thống. Để làm được điều đó, bạn nên xây dựng một quy trình học cố định áp dụng cho mọi chương trong giáo trình. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, tránh học rời rạc và tạo ra thói quen học tập hiệu quả về lâu dài.
Dưới đây là quy trình học hiệu quả mà bạn có thể áp dụng cho mỗi chương:
- Đọc kỹ lý thuyết trong giáo trình chính (Kaplan hoặc BPP), kết hợp với lướt nhanh các tiêu đề mục (heading) để hình dung tổng thể nội dung chương học.
- Highlight những phần quan trọng ngay trong sách – không cần tô quá nhiều, chỉ chọn ra các khái niệm, công thức, quy trình hoặc ví dụ điển hình.
- Ghi chép lại vào sổ tay học tập, tóm tắt lại nội dung vừa học bằng chính lời văn của bạn. Việc viết lại giúp não bộ xử lý và ghi nhớ sâu hơn so với chỉ đọc.
- Làm bài tập thực hành sau mỗi phần lý thuyết. Trong mỗi chương, giáo trình thường có 1–2 câu hỏi đan xen giữa phần nội dung. Đây là các câu hỏi bắt buộc phải làm để kiểm tra khả năng hiểu và áp dụng. Nếu sai, bạn nên ghi rõ lại vào một cuốn sổ chữa bài tập riêng:
- Ghi lại câu hỏi sai
- Ghi lý do sai (ví dụ: hiểu sai khái niệm, không nhớ nguyên tắc, nhầm công thức…)
- Nếu do thiếu kiến thức, nên ghi lại phần kiến thức liên quan để học lại.
- Tuyệt đối không làm bài tập theo kiểu “đoán mò”. Nếu không biết cách làm, hãy ghi chú lại rằng bạn chưa hiểu, sau đó đọc lời giải để nắm được quy trình và chữa bài theo đúng hướng. Việc này giúp bạn tránh “ảo tưởng đúng” và nhìn nhận chính xác khoảng trống trong kiến thức của mình.
- Cuối mỗi phần lớn (PART), nên tổng hợp lại bằng sơ đồ tư duy (mindmap). Bạn có thể vẽ mindmap bằng giấy A4 hoặc A3 để dễ nhìn và tiện ôn tập thường xuyên. Trong sơ đồ, có thể đánh dấu thêm những điểm bạn thường sai, hoặc những công thức cần ghi nhớ. Việc tổng hợp bằng sơ đồ giúp bạn hệ thống hóa lại toàn bộ kiến thức đã học, đồng thời tăng khả năng ghi nhớ lâu dài.
Bên cạnh giáo trình chính, bạn cũng có thể tận dụng các tài liệu tóm tắt như passcards hoặc pocket notes (thường có kèm theo sách Kaplan hoặc BPP). Đây là công cụ hỗ trợ rất tốt khi cần ôn nhanh những điểm cốt lõi, đặc biệt trước kỳ thi.
Tóm lại, để “học hiểu” thật sự, bạn cần kết hợp giữa đọc – ghi – luyện – chữa – hệ thống lại. Việc này đòi hỏi tính kỷ luật và sự kiên trì, nhưng nếu thực hiện đúng và đều đặn, bạn sẽ nắm chắc kiến thức và tiết kiệm thời gian ôn thi về sau.
3.4. Ôn tập và luyện tập chuyên sâu
Sau khi hoàn thành phần học lý thuyết, bạn bước vào giai đoạn ôn tập và luyện đề. Đây là giai đoạn giúp chuyển hóa kiến thức từ “hiểu” sang “vận dụng”. Đây cũng là lúc bạn đánh giá mức độ sẵn sàng cho kỳ thi và cải thiện những phần kiến thức còn chưa chắc chắn. Việc ôn tập không chỉ đơn giản là làm lại bài tập, mà còn cần một chiến lược cụ thể để tận dụng tối đa thời gian ôn và rèn luyện kỹ năng thi thật.
3.4.1. Xác định điểm yếu và ôn tập theo chủ đề
Giai đoạn đầu tiên của quá trình ôn luyện nên bắt đầu bằng việc rà soát lại toàn bộ nội dung đã học, và xác định rõ phần nào mình còn yếu, hay làm sai. Cách tốt nhất để làm điều này là thông qua việc làm lại các bài tập trong sách bài tập (Exam Kit) của Kaplan hoặc BPP. Đây là những bài tập mô phỏng đề thi thực tế, được chia theo từng chương, rất phù hợp để bạn luyện theo từng chủ đề.
Hương chia sẻ về kinh nghiệm ôn tập của bạn rằng: “Mỗi khi làm sai một câu, thay vì chỉ đánh dấu “sai”, mình lại viết lại câu đó vào một cuốn sổ riêng kèm theo:
- Câu hỏi gốc
- Lý do sai (do nhầm công thức, hiểu sai khái niệm, đọc lướt đề, v.v.)
- Kiến thức đúng cần nắm lại
- Nếu cần, ghi lại cả phần lý thuyết liên quan trong sách
Có như vậy mình mới có cái nhìn tổng quan là dễ va vấp ở phần kiến thức nào, từ đó còn khắc phục. Trước đây thì mình dễ bị “fomo”, chỉ muốn làm thật nhiều đề, nhưng mà chỉ chăm chăm làm bài, không review lại kiến thức, không nhìn lại phần đã sai và học cách sửa thì quá trình ôn tập sẽ không hề hiệu quả”
Đây là cách giúp bạn không lặp lại lỗi sai và củng cố lại phần kiến thức chưa vững. Theo thời gian, bạn sẽ thấy số câu sai giảm dần, đồng thời sự tự tin tăng lên rõ rệt.
3.4.2. Làm bài tập trong thời gian giới hạn
Một sai lầm phổ biến ở người tự học là làm bài tập không theo thời gian, dẫn đến khi đi thi thật thì không kịp giờ. Vì vậy, bạn nên luyện tập với áp lực thời gian ngay từ giai đoạn giữa ôn tập. Hãy đặt đồng hồ, làm một loạt câu hỏi trong 60–90 phút, rồi kiểm tra kết quả.
Cách luyện này giúp bạn:
- Tăng tốc độ đọc đề và xử lý câu hỏi
- Hình thành phản xạ làm bài chuẩn xác hơn
- Làm quen với cảm giác “chạy đua với thời gian” như khi thi thật
Đặc biệt, với những bạn hay làm sai do hấp tấp hoặc bị “ngợp đề”, thì việc luyện đề có canh giờ là cách rèn tâm lý rất hiệu quả.
3.4.3. Làm mock exam từ nhiều nguồn
Khi đã luyện tập chắc từng phần, bạn nên bắt đầu làm mock exam – đề thi thử đầy đủ theo định dạng ACCA. Bạn có thể sử dụng:
- Đề trong Kaplan Exam Kit / BPP Revision Kit
- Specimen Exam từ trang chính thức của ACCA
- Practice Tests trên ACCA Practice Platform
Nên làm ít nhất 2–3 đề thi thử đầy đủ trong điều kiện giống thi thật: làm liền mạch trong 2 tiếng, không tra cứu tài liệu, không nghỉ giữa chừng. Sau mỗi lần làm, hãy phân tích lại kết quả thật kỹ:
- Xem điểm số tổng
- Xem phần nào điểm thấp
- Phân tích các câu sai, ghi chú lý do sai
- Ôn lại phần lý thuyết tương ứng
Đặc biệt, Practice Platform của ACCA còn cung cấp báo cáo kết quả dạng biểu đồ, giúp bạn nhìn rõ điểm mạnh – điểm yếu theo từng phần trong syllabus, từ đó điều chỉnh lại kế hoạch ôn tập phù hợp hơn.
3.4.4. Ôn kỹ phần multi-task question
Phần 2 trong đề thi F3 gồm 2 câu multi-task question, đây là phần thi tổng hợp nhiều kỹ năng, thường chiếm 30 điểm. Theo kinh nghiệm thực tế, nhiều thí sinh tuy làm sai kết quả cuối cùng nhưng vẫn được điểm nếu trình bày đúng phương pháp và công thức. Vì vậy, trong quá trình ôn tập, bạn cần luyện kỹ dạng câu hỏi này.
Dưới đầy là 7 lưu ý bạn cần nắm rõ khi ôn tập phần hợp nhất báo cáo tài chính:
- Tài sản và nợ phải trả của công ty mẹ và công ty con được cộng lại theo từng dòng.
- Tính toán lợi thế thương mại và trình bày rõ ràng các bước tính toán.
- Khoản đầu tư vào công ty con (được thể hiện trong BCTC của công ty mẹ) được thay thế bằng số liệu lợi thế thương mại.
- Số dư vốn cổ phần và thặng dư vốn cổ phần không được cộng lại; chỉ số dư liên quan đến công ty mẹ được sử dụng trong báo cáo tình hình tài chính hợp nhất.
- Phần lợi nhuận của công ty con thuộc về tập đoàn được tính toán và cộng vào lợi nhuận giữ lại của tập đoàn. Trình bày rõ ràng các bước tính toán lợi nhuận giữ lại.
- Nếu có giao dịch nội bộ tập đoàn, hãy điều chỉnh các khoản phải thu và phải trả bị loại trừ lẫn nhau.
- Điều chỉnh cho bất kỳ khoản lợi nhuận chưa thực hiện nào từ việc bán hàng tồn kho giữa công ty mẹ và công ty con.
Những điểm này xuất hiện rất nhiều trong đề thi, nên bạn cần luyện thành thạo cả cách tính toán lẫn trình bày rõ ràng từng bước.
3.4.5. Ôn lại lý thuyết trọng yếu, dễ nhầm
Ở giai đoạn này, bạn không cần đọc lại toàn bộ giáo trình, nhưng nên tập trung ôn lại những phần:
- Dễ nhầm khái niệm (ví dụ: phân biệt tài sản ngắn hạn và dài hạn, chi phí trả trước và chi phí trích trước)
- Nhiều nguyên tắc áp dụng (ví dụ: các chuẩn mực IFRS, nguyên tắc hợp nhất)
- Bạn từng làm sai nhiều lần khi luyện tập
Có thể sử dụng passcards/pocket notes để ôn nhanh, hoặc sơ đồ mindmap đã tự vẽ trước đó để hệ thống hóa kiến thức.
3.5. Chuẩn bị trước khi thi: Tổng ôn và giữ vững tâm lý.
Sau quá trình học lý thuyết và luyện đề nghiêm túc, bạn đã bước rất gần đến kỳ thi chính thức. Tuy nhiên, khoảng thời gian 3–5 ngày cuối cùng trước ngày thi lại là giai đoạn có thể quyết định kết quả của bạn. Nếu tận dụng tốt, đây sẽ là lúc bạn củng cố lại toàn bộ kiến thức, làm rõ những điểm chưa chắc chắn và chuẩn bị tâm lý ổn định để bước vào phòng thi một cách tự tin nhất.
3.5.1. Tổng ôn tập thông minh, không nhồi nhét
Ở giai đoạn này, bạn không nên cố gắng học thêm kiến thức mới, mà hãy tập trung vào việc tổng ôn lại những gì đã học. Bạn có thể:
- Làm lại các Practice Test hoặc Specimen Exam từ ACCA nếu trước đó bạn chưa làm hoặc làm chưa kỹ. Việc này giúp bạn làm quen lại với format bài thi, cách phân bố thời gian và giao diện thi thật.
- Xem lại toàn bộ các câu hỏi bạn từng làm sai trong các lần luyện đề. Ghi nhớ vì sao bạn sai, có phải do sơ suất, thiếu kiến thức hay hiểu sai đề. Việc ôn lại chính những lỗi của mình là cách nhanh nhất để tránh lặp lại trong kỳ thi thật.
- Tổng hợp kiến thức bằng cách xem lại passcards, pocket notes, sơ đồ tư duy, hoặc những ghi chú cá nhân bạn đã viết trong quá trình học.
Nếu bạn có làm mindmap cho từng phần, đây chính là lúc sử dụng chúng để kết nối lại toàn bộ kiến thức một cách hệ thống. Việc nhìn lại bức tranh tổng thể của môn học giúp bạn tự tin hơn và tránh học sót các phần quan trọng.
3.5.2. Giữ tinh thần ổn định và chuẩn bị thể chất tốt
Bên cạnh kiến thức, tâm lý khi đi thi là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến kết quả. Đã có nhiều trường hợp học rất kỹ nhưng vì quá căng thẳng trong phòng thi mà kết quả không như mong đợi.
Vì vậy, trong ngày cuối cùng trước kỳ thi, bạn nên:
- Ngủ đủ giấc ít nhất 7–8 tiếng. Đừng thức quá khuya để “nhồi” thêm kiến thức. Một tinh thần tỉnh táo sẽ giúp bạn đọc đề chính xác và xử lý tình huống tốt hơn nhiều so với vài giờ học bù.
- Ăn uống nhẹ nhàng, đầy đủ, tránh bỏ bữa hoặc sử dụng chất kích thích như caffeine quá nhiều, dễ gây mất ngủ hoặc tăng căng thẳng.
- Không ôn thi sát giờ thi, đặc biệt là trước khi bước vào phòng thi. Nếu có thời gian rảnh, hãy chỉ xem lại công thức, ghi chú ngắn, hoặc hít thở thư giãn.
3.5.3. Lưu ý cuối cùng: hiểu rõ đề thi và chiến thuật làm bài
Trước ngày thi, hãy đảm bảo bạn nắm rõ:
- Cấu trúc đề thi: 35 câu trắc nghiệm ngắn (2 điểm) và 2 câu case-study dạng multi-task (15 điểm mỗi câu)
- Thời gian thi: 2 tiếng
- Không có thời gian nghỉ giữa bài, nên chuẩn bị tâm lý tập trung cao độ suốt phiên thi
Ngoài ra, bạn cần nắm chắc một số chiến thuật làm bài cơ bản:
- Ưu tiên làm những câu chắc chắn trước, tránh mất thời gian quá lâu ở một câu.
- Với các câu multi-task, dù bạn không chắc kết quả cuối cùng, vẫn nên trình bày đầy đủ công thức và từng bước tính toán. Vì ACCA chấm điểm theo từng phần, không đòi hỏi bạn phải ra được kết quả tuyệt đối mới được điểm.
- Đừng để “trắng điểm” ở bất kỳ câu nào. Nếu còn thời gian cuối cùng, hãy kiểm tra lại những câu còn nghi ngờ.
4. “Mình đã chọn giáo trình và tài liệu nào?”
Đối với người tự học ACCA, việc lựa chọn tài liệu học phù hợp là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả học tập. Có rất nhiều bạn khi bắt đầu thường bị choáng ngợp trước hàng loạt tài liệu tiếng Anh, không biết nên học theo sách nào, tài liệu nào là chính thức, đâu là tài liệu bổ trợ và liệu có cần học kết hợp nhiều nguồn không.
Trong phần này, SAPP sẽ chia sẻ chi tiết các lựa chọn phổ biến nhất hiện nay, đánh giá ưu, nhược điểm của từng loại, và cách sử dụng sao cho phù hợp với từng đối tượng học viên.
4.1. Giáo trình chính thức: BPP hay Kaplan?
4.1.1. Giáo trình ACCA BPP
BPP là giáo trình được nhiều bạn sử dụng nhất, bởi độ chi tiết cao và nội dung bám rất sát chương trình của ACCA. Văn phong học thuật, đi vào bản chất của vấn đề, giải thích kỹ từng phần. Đặc biệt phù hợp với những ai mới làm quen với kế toán tài chính hoặc mong muốn hiểu sâu.
Giáo trình có nội dung đầy đủ, đi sâu vào bản chất kế toán với hệ thống bài tập bám sát định dạng và độ khó của đề thi ACCA thực tế. BPP cũng thường xuyên cập nhật tài liệu học tập của mình dựa trên những thay đổi mới nhất của chương trình học ACCA, đảm bảo rằng học viên luôn được tiếp cận với thông tin và kiến thức cập nhật nhất.
Tuy nhiên, do BPP diễn giải lý thuyết chi tiết, nên dung lượng kiến thức cần tiếp nạp rất lớn, dễ gây quá tải đổi với người tự học vì họ chưa thể chủ động khoanh vùng được các nội dung trọng tâm. Bên cạnh đó việc có nhiều thuật ngữ chuyên ngành cũng gây khó hiểu nếu ng học chưa quen.
Quỳnh Hương chia sẻ: “Với đứa mới học như mình, đây có thể coi như cuốn sách “gối đầu giường”. Mình thì cũng muốn học kỹ để mà hiểu bản chất, vì đặt mục tiêu là thi đủ 9F, và BPP cung cấp được cho mình đầy đủ những kiến thức Kế toán cho người mới bắt đầu!”
4.1.2. Kaplan Publishing
Kaplan là lựa chọn phù hợp với những ai thích cách trình bày rõ ràng, dễ hình dung. Sách có nhiều sơ đồ, bảng tóm tắt và phần tổng kết cuối chương. Kaplan phù hợp nếu bạn thích học nhanh, ôn gọn, hoặc đã có nền tảng kế toán từ trước.
Một trong những điểm mạnh lớn nhất của Kaplan chính là sự rõ ràng và dễ hiểu trong cách trình bày. Ngôn ngữ trong giáo trình diễn giải ngắn gọn, súc tích, các khái niệm kinh doanh – quản trị phức tạp được giải thích một cách mạch lạc và có hệ thống, giúp bạn nắm bắt kiến thức nhanh chóng mà không bị ngợp kiến thức.
Tuy nhiên, mặc dù tài liệu của Kaplan bao quát đầy đủ, nhưng nội dung đôi khi thiếu chiều sâu so với các tài liệu khác như BPP. Vì vậy, nếu bạn chỉ muốn tập trung ôn luyện để đỗ kỳ thi, không cần học kiến thức chuyên sâu, bạn có thể học kiến thức tổng hợp từ giáo trình Kaplan và làm bài thực hành trong giáo trình ACCA BPP.
4.1.3. Nên chọn giáo trình nào?
Lời khuyên thực tế là bạn nên chọn một bộ sách duy nhất để theo trong toàn bộ quá trình học, tránh kết hợp quá sớm gây loạn kiến thức. Nếu bạn là người mới bắt đầu, chưa từng học kế toán, BPP sẽ là lựa chọn tốt hơn. Ngược lại, nếu bạn đã học kế toán ở đại học hoặc làm việc trong ngành tài chính, Kaplan có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian.
Ở giai đoạn ôn tập, bạn có thể kết hợp:
- Học lý thuyết bằng BPP
- Dùng Kaplan để hệ thống kiến thức lại theo sơ đồ, bảng tóm tắt
- Và làm bài tập trong Exam Kit của cả hai bên nếu có điều kiện
Ngoài ra, bạn nên đặt mua phiên bản mới nhất để đảm bảo bám sát đề thi hiện tại. Các bản cập nhật thường có điều chỉnh nhỏ theo syllabus mới. Sách có thể tìm mua tại các nhà sách chuyên ACCA hoặc thông qua group cộng đồng học viên.
4.2. Các tài liệu bổ trợ không thể bỏ qua
Bên cạnh giáo trình chính, ACCA còn cung cấp nhiều tài liệu miễn phí, chính thống, giúp bạn học sát đề thi và không bị lệch hướng. Đây là những tài liệu ít người để ý nhưng cực kỳ giá trị, đặc biệt là trong giai đoạn ôn tập và luyện đề.
4.2.1. FA Syllabus & Study Guide
Đây là tài liệu mô tả toàn bộ nội dung chương trình học. ACCA cung cấp mỗi năm một phiên bản mới, bạn nên tải đúng phiên bản áp dụng cho kỳ thi của mình.
- Phần “Detailed Study Guide” sẽ giúp bạn biết từng nội dung học thuộc phần nào trong sách, dễ lên kế hoạch học theo tuần.
- Bạn có thể dùng syllabus như một checklist, đánh dấu những phần đã học và những phần còn yếu.
4.2.2. FA Examiner’s Report
Sau mỗi kỳ thi, ACCA sẽ công bố bản báo cáo giám khảo, phân tích các lỗi phổ biến mà thí sinh mắc phải và chỉ rõ điểm mạnh, điểm yếu trong cách làm bài.
- Đây là tài liệu giúp bạn tránh sai lầm thường gặp và điều chỉnh chiến thuật làm bài.
- Đặc biệt hữu ích khi luyện phần multi-task question (phần 2 trong đề thi FA).
Tham khảo Examiner’s Report Financial Accounting (FA/F3) 2023 – 2024
4.2.3. FA Technical Articles
Technical Articles các bài viết học thuật chuyên sâu do ACCA xuất bản, với môn F3, nó giải thích rõ các khái niệm quan trọng như:
- Cách lập báo cáo tài chính hợp nhất
- Nguyên tắc ghi nhận doanh thu
- Các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)
Đây là những phần thường xuyên xuất hiện trong đề thi, và các bài viết này giúp bạn hiểu sâu bản chất thay vì học thuộc máy móc. Ngoài ra, Technical Articles còn có mục Exam technique (Kỹ thuật làm bài), giúp bạn chuẩn bị tốt hơn khi thi Financial Accounting.
4.3. Một số lưu ý khi chuẩn bị tài liệu học
Theo Hương, bạn nên chuẩn bị sẵn 2 cuốn sổ tay: Một cuốn để ghi chép kiến thức quan trọng, một cuốn để chữa bài tập và ghi lại những câu sai cùng nguyên nhân và lý thuyết trọng tâm trong bài tập đó. Còn nếu bạn thấy quan học trên máy tính hơn thì có thể dùng OneNote, Notion để ghi chép – rất tiện cho việc tìm kiếm, hệ thống và sửa lỗi.
Nếu bạn là sinh viên năm nhất, năm hai hoặc chưa từng học kế toán, nên đọc trước giáo trình Nguyên lý kế toán (có thể tìm tài liệu online) để làm quen với các khái niệm cơ bản như tài sản, chi phí, doanh thu… trước khi học FA.
5. Một số “tips” tự học hiệu quả cho newbie!
5.1. Lưu ý khi làm Báo cáo tình hình tài chính hợp nhất
- Cung cấp tiêu đề chính xác cho báo cáo, ví dụ: “Báo cáo tình hình tài chính hợp nhất tại ngày (ngày kết thúc năm)”.
- Tài sản và nợ phải trả của công ty mẹ và công ty con được cộng gộp theo từng dòng.
- Khoản đầu tư vào công ty con (được thể hiện trong Báo cáo tình hình tài chính của công ty mẹ) được thay thế bằng một số liệu lợi thế thương mại. Khi cần thiết, trình bày rõ ràng các tính toán để xác định số liệu lợi thế thương mại.
- Số dư vốn cổ phần và thặng dư vốn cổ phần không được cộng gộp; chỉ sử dụng số dư liên quan đến công ty mẹ trong hợp nhất.
- Phần lợi nhuận thuộc về tập đoàn của công ty con được tính toán và cộng vào lợi nhuận giữ lại của tập đoàn. Khi cần thiết, trình bày rõ ràng các tính toán để xác định lợi nhuận giữ lại.
- Nếu có giao dịch nội bộ tập đoàn, cần điều chỉnh các khoản phải thu và phải trả bị loại trừ lẫn nhau.
- Bất kỳ khoản cổ tức nào mà công ty con trả cho công ty mẹ cần được điều chỉnh, vì ảnh hưởng ròng đến tập đoàn là bằng không.
- Điều chỉnh cho mọi khoản lợi nhuận chưa thực hiện từ việc bán hàng tồn kho giữa công ty mẹ và công ty con.
5.2. Lưu ý khi chuẩn bị Báo cáo Kết quả Kinh doanh cho Doanh nghiệp Tư nhân
- Đọc kỹ thông tin được cung cấp trong đề bài và xác định những gì cần đưa vào báo cáo kết quả kinh doanh. Hãy nhớ rằng không phải tất cả các mục trong bảng cân đối thử đều cần thiết.
- Xem xét bất kỳ ghi chú nào được cung cấp và quyết định những điều chỉnh hoặc tính toán nào là cần thiết, ví dụ như các khoản trả trước hoặc dồn tích.
- Các câu hỏi thi thuộc loại này thường yêu cầu tính toán khấu hao theo một phương pháp được chỉ định.
5.3. Lưu ý khi thực hiện timeline
Khi đã xây dựng được timeline học tập, điều quan trọng nhất là giữ cam kết và thực hiện một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra đúng như kế hoạch. Sẽ có những lúc bạn bận rộn, mất động lực hoặc cảm thấy không theo kịp tiến độ. Điều này hoàn toàn bình thường.
Thay vì bỏ dở, hãy chủ động điều chỉnh timeline, sắp xếp lại nội dung học và ưu tiên những phần còn yếu. Việc điều chỉnh không có nghĩa là thất bại, mà là cách bạn đảm bảo mình vẫn đang đi đúng hướng, với tốc độ phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Nếu bạn đang theo đúng tiến độ, hãy duy trì nhịp độ đó và thường xuyên tự đánh giá lại quá trình học. Dành thời gian tổng hợp lại kiến thức, làm lại các bài tập quan trọng và tiếp tục luyện mock exam để củng cố kỹ năng làm bài.
6. Kết luận
Tự học ACCA F3 là lựa chọn hoàn toàn khả thi nếu bạn có kế hoạch rõ ràng, sử dụng đúng tài liệu và duy trì kỷ luật học tập. Đây là một trong những môn nền tảng giúp bạn làm quen với cách học ACCA, đồng thời tạo tiền đề vững chắc để chinh phục các môn chuyên sâu hơn sau này.
Tuy nhiên, nếu bạn là người mới bắt đầu, chưa có nền tảng kế toán hoặc còn bối rối trong việc xây dựng lộ trình học, lựa chọn tài liệu, cách luyện đề,… thì việc tự học có thể gặp nhiều khó khăn và mất định hướng. Trong trường hợp này, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu bằng cách trải nghiệm buổi học thử miễn phí tại SAPP Academy để được hướng dẫn phương pháp học bài bản, lộ trình phù hợp và được hỗ trợ bởi đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm.
Đăng ký học thử ngay tại SAPP để bắt đầu hành trình chinh phục ACCA F3 một cách hiệu quả.