ACCA20/06/2024

Kiểm Toán Có Gì Hay? Hành Trình “Từ BIG4 Tới BIG CORP” Của Chuyên Gia 15 Năm Kinh Nghiệm

Chị Hồ Thị Phương Khanh là một giảng viên được rất nhiều học viên tại SAPP yêu thích và tin tưởng. Ở chị Khanh luôn toát lên sự nhiệt huyết, đam mê với nghề Kiểm toán dù chị đã gắn bó với công việc này trong hơn 15 năm. Sau thời gian dài gắn bó với BIG4, chị Khanh hiện đang công tác tại SABECO, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bia – rượu – nước giải khát tại Việt Nam với vị trí Kiểm toán nội bộ. Vậy, nghề Kiểm toán có gì hấp dẫn theo góc nhìn của một chuyên gia? Cùng SAPP khám phá trong bài viết sau đây!

Cơ duyên nào đưa chị tới với nghề Kiểm toán? Ở thời của chị, Kế toán là một nghề rất “hot” vì tính ổn định cao còn Kiểm toán lại chưa phổ biến. Vì sao chị lại lựa chọn một hướng đi khác với số đông?

Chị biết tới BIG4 cũng như kiểm toán qua một sự kiện mà BIG4 tổ chức với các trường đại học để quảng bá cho kỳ tuyển dụng. Khi ấy, chị vô cùng ấn tượng với sự chuyên nghiệp của họ. Thêm vào đó, chị thấy công việc rất phù hợp với năng lực của mình vì chị là người thích làm việc với các con số. Đó là những lý do khiến chị ứng tuyển vào làm intern cho BIG4 và gắn bó với nghề kiểm toán từ đó tới nay. 

Vào thời điểm chị chọn chuyên ngành đại học, Kế toán rất phổ biến ở Việt Nam nhưng Kiểm toán thì chưa. Công việc của Kế toán có tính lặp đi lặp lại ngày qua ngày, sự tiếp xúc với người xung quanh sẽ tương đối hạn chế. Ngược lại, làm Kiểm toán, đặc biệt nếu làm ở BIG4 thì sẽ vô cùng đa dạng. Em sẽ phải đi nhiều và tiếp xúc với rất nhiều khách hàng khác nhau nên sẽ học được nhiều hơn và thấy rõ được sự tiến bộ qua từng level. Kế toán thì đã tương đối bão hoà nhưng Kiểm toán là ngành mới ở thời điểm đó nên có tiềm năng phát triển cao hơn trong tương lai.

Chị đã gắn bó với BIG4 trong một khoảng thời gian rất dài. Trong thời gian ấy, BIG4 đã mang lại cho chị những giá trị gì?

Chị cảm thấy BIG4 mang lại rất nhiều giá trị, nhưng đi kèm với đó cũng là rất nhiều đánh đổi. Ai cũng biết nghề Kiểm toán rất cực, đặc biệt là vào mùa bận. Tất cả các khách hàng đều có chung một deadline là 31/3 và bằng mọi giá mình phải hoàn thành được deadline đó dù là phải thức trắng đêm làm việc. Tuy nhiên, chính khoảng thời gian ấy sẽ giúp em tiến bộ một cách vượt bậc.

Em sẽ thấy rất rõ sự tiến bộ của mình theo từng cấp bậc. Ở BIG4, công việc sẽ được phân bổ rõ ràng theo năng lực. Ví dụ như Intern chưa có kinh nghiệm thực tế sẽ bắt đầu với các công việc như phụ cách anh chị Associate kiểm tra chứng từ, test hồ sơ. Associate sẽ được phân bổ các phần hành đơn giản như phần hành tiền, chi phí… để luyện tập đánh giá rủi ro. Sau khi làm 1 năm ở vị trí Associate sẽ được làm các phần hành khó hơn như: hàng tồn kho, giá thành, giá vốn, tiền lương… Mình sẽ tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm qua từng năm, hiểu được rủi ro ở từng phần hành thường ở đâu và mình cần làm gì để xác định được rủi ro đó một cách chính xác.

Sau khoảng thời gian dài gắn bó với BIG4, chị đã chuyển sang SABECO với vị trí Kiểm toán nội bộ. Chị thấy công việc của Kiểm toán độc lập và Kiểm toán nội bộ có gì khác nhau?

Kiểm toán nội bộ và Kiểm toán độc lập đều có chung mindset của Kiểm toán. Nếu Kiểm toán độc lập chỉ tập trung vào Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, kiểm tra xem liệu báo cáo tài chính đã trung thực và hợp lý hay chưa thì Kiểm toán nội bộ sẽ chú trọng hơn vào hoạt động của doanh nghiệp, Báo cáo tài chính chỉ là một phần nhỏ. Kiểm toán độc lập sẽ tập trung kiểm tra tính tuân thủ, tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ. Họ cần đánh giá xem hệ thống kiểm soát nội bộ đã hạn chế được tối đa rủi ro chưa, nếu rủi ro xảy ra thì cần khắc phục như thế nào. Phạm vi công việc của Kiểm toán nội bộ sẽ rộng hơn so với Kiểm toán độc lập.

Trong doanh nghiệp, Kiểm toán nội bộ là một bộ phận khá tách biệt. Các phòng ban khác có thể sẽ tránh né, e dè và thậm chí không hợp tác với Kiểm toán nội bộ. Chị thường làm gì để xử lý tình huống này?

Tại Việt Nam, Kiểm toán nội bộ chỉ đang ở giai đoạn sơ khởi. Trước đây, các doanh nghiệp chưa chú trọng đến Kiểm toán nội bộ, chỉ có ban kiểm soát nhưng cũng không được đánh giá cao. Trong những năm gần đây, vì có rất nhiều rủi ro với báo cáo tài chính nên các doanh nghiệp mới bắt đầu chú trọng vào hoạt động kiểm toán nội bộ, đặc biệt là ở các công ty niêm yết. 

Khi chưa hiểu rõ công việc của Kiểm toán nội bộ thì các phòng ban khác coi Kiểm toán nội bộ như là công an đến thanh tra, nảy sinh tâm lý sợ sệt vì bị bắt bớ và không phối hợp. Tuy nhiên, kiểm toán viên nội bộ cần làm tư tưởng cho các phòng ban khác về vai trò của kiểm toán nội bộ. Họ cần hiểu được kiểm toán viên không tới để soi mói, moi móc những sai sót để làm ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của họ. Kiểm toán nội bộ chỉ là người hỗ trợ các phòng ban khác phòng tránh rủi ro để phát triển tốt hơn. Khi đã nhận thức đúng về vai trò thì họ sẽ dễ dàng hợp tác và phối hợp với mình hơn.

Có người cho rằng làm Kiểm toán độc lập vất vả quá thì chuyển sang làm Kiểm toán nội bộ cho “nhàn”. Chị nghĩ sao về quan điểm này?

Theo chị thì quan điểm này chưa chính xác. Vì về bản chất hai công việc này có chung một cách tiếp cận và quy trình làm việc. Nếu các bạn cảm thấy Kiểm toán độc lập vất vả và khó khăn quá thì khả năng cao là bạn cũng không phù hợp với Kiểm toán nội bộ đâu. Để định hướng thì các bạn cứ thử làm việc tại một công ty kiểm toán độc lập như BIG4 để trải nghiệm xem mình có hợp làm kiểm toán viên không, nếu không có thể chuyển sang kế toán hoặc tài chính.

Nhiều người sợ làm Kiểm toán độc lập vì phải đi công tác nhiều, còn Kiểm toán nội bộ thì chỉ ở một chỗ. Thực ra, làm Kiểm toán nội bộ cũng phải đi tỉnh chứ không phải chỉ có Kiểm toán độc lập mới phải đi, đặc biệt là nếu công ty có nhiều nhà máy, nhiều công ty con. 

Kiểm toán độc lập sẽ có đặc thù về mùa bận. Bù lại, các thời gian còn lại trong năm sẽ “dễ thở” hơn. Mình có thể tranh thủ khoảng thời gian đó để cân bằng lại cuộc sống. Ngược lại, Kiểm toán nội bộ thì công việc trải dài trong năm, deadline sẽ giãn ra chứ không dồn vào một thời điểm nên sẽ thoải mái hơn về mặt thời gian.

Có người cho rằng Kiểm toán là công việc phù hợp hơn với nam giới vì yêu cầu cao về mặt sức khỏe, chị nghĩ sao về điều này? Liệu có phải phụ nữ sẽ gặp nhiều bất lợi hơn trong việc theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực Kiểm toán hay không?

Vào mùa bận, Kiểm toán độc lập cần chấp nhận việc sẽ phải đi công tác liên miên và gần như không có thời gian cho gia đình, bạn bè. Với các bạn nữ đã kết hôn thì đúng là sẽ khó tập trung cho gia đình trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, chị nghĩ đây không phải là trở ngại quá lớn. Như bản thân chị, chị sẽ thẳng thắn chia sẻ khó khăn của mình và yêu cầu sự trợ giúp từ gia đình trong mùa bận. Sau mùa bận mình có thể bù đắp cho họ sau. 

Thực ra chủ yếu chị nghĩ vẫn phụ thuộc vào tính người. Cần xác định xem bản thân có phải người thích đi lại và có sự hỗ trợ từ phía gia đình hay không, chứ bản thân nghề Kiểm toán không phân biệt nam nữ. Vì nếu như bạn là nam nhưng lại không thích đi công tác thì cũng không hợp làm nghề này. Bản thân chị là nữ nhưng làm nghề này mười mấy năm rồi lại thấy bình thường, không có trở ngại gì.

Điều gì khiến chị gắn bó với nghề Kiểm toán lâu tới vậy?

Chị thích làm việc với con người. Kiểm toán độc lập cho phép chị được đi nhiều nơi, tương tác với nhiều khách hàng. Kiểm toán nội bộ thì sẽ được làm việc với tất cả các phòng ban trong công ty. Điều này cho chị cơ hội hiểu sâu hơn về các phòng ban, các lĩnh vực đa dạng, đồng thời mở rộng mối quan hệ với nhiều con người thú vị. Chị cảm thấy bản thân học hỏi được nhiều và có thêm nhiều trải nghiệm mới từ công việc này.

Vì sao chị lựa chọn học chứng chỉ ACCA? Chứng chỉ này mang lại cho chị những giá trị gì đối với công việc Kiểm toán?

Trong lĩnh vực Kế toán Kiểm toán Tài chính thì ACCA là một chứng chỉ “hot” và uy tín. Chị bắt đầu học ACCA năm chị là Associate 2. Hồi đó, phải đủ 2 năm kinh nghiệm thì mới có thể học ACCA chứ không thể học khi còn là sinh viên. Ngay khi đủ điều kiện là chị đăng ký học ACCA luôn. Bây giờ thì các bạn sinh viên đã có thể học ACCA được rồi, chị thấy đây là một lợi thế.

Khi làm trong lĩnh vực chuyên nghiệp như Kế toán – Kiểm toán – Tài chính thì việc có một bằng cấp quốc tế là vô cùng cần thiết. Mình cần có đủ kiến thức để tư vấn cho các khách hàng của mình, cũng là những người vô cùng giàu kinh nghiệm. Nhiều người cho rằng ACCA thiên về Kế toán – Tài chính hơn là Kiểm toán. Đúng là chỉ có môn AA/F8 và AAA là trực tiếp học về Kiểm toán, nhưng các môn học đều có sự liên kết với nhau và giúp phát triển kỹ năng phân tích số liệu. Ví dụ như môn FR/F7 học về Báo cáo tài chính và các chuẩn mực Kế toán quốc tế sẽ rất quan trọng khi kiểm toán các đơn vị áp dụng IFRS. Kiểm toán thì cũng cần biết về Thuế (TX/F6). Các môn về Tài chính, Quản trị (MA/F2, PM/F5, FM/F9) sẽ hỗ trợ kiểm toán viên trong việc phân tích các rủi ro trên Báo cáo tài chính. 

Lời khuyên của chị là hãy cố gắng lấy được chứng chỉ. Vì ACCA sẽ giúp bạn chứng minh được bản thân có đầy đủ năng lực cốt lõi của người làm Kế toán – Kiểm toán – Tài chính và có nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong lĩnh vực này.

THAM KHẢO KHOÁ HỌC ACCA: TẠI ĐÂY

Vì sao lại lựa chọn giảng dạy tại SAPP bên cạnh công việc chính vốn đã rất bận rộn?

Chị rất thích làm việc với con người. Khi đi dạy, chị được kết nối và mở rộng mối quan hệ với các bạn trẻ. Giảng dạy cũng là một cách rất tốt để chị rèn luyện kiến thức và mở rộng kỹ năng làm nghề của bản thân. Vì khi giảng cho các bạn, chị luôn phải cập nhật những kiến thức liên tục, ví dụ như mỗi thông tư nghị định mới được ban hành. 

SAPP là một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp, được nhiều học viên tin tưởng lựa chọn. SAPP sở hữu một đội ngũ Nghiên cứu và Phát triển chương trình đào tạo chuyên nghiệp, khác biệt với các đơn vị khác. Bản thân chị cũng học được nhiều kinh nghiệm về thiết kế bài giảng từ các bạn. Vậy nên, chị rất hài lòng với công việc giảng dạy tại SAPP.

Thông qua việc giảng dạy, chị muốn truyền lại kinh nghiệm và kiến thức của một người đi trước để các bạn có thể rút kinh nghiệm cho bản thân và sau này có thể làm tốt hơn cả chị. Đồng thời, chị mong muốn có thể truyền tải đam mê tới các bạn, để các bạn có thêm động lực theo đuổi nghề nghiệp cũng như hoàn thành chứng chỉ ACCA. Học ACCA không dễ, nhưng đổi lại là những cơ hội tốt để phát triển sự nghiệp sau này. 

THAM KHẢO KHOÁ HỌC ACCA: TẠI ĐÂY

Đọc thêm:

Chia sẻ
Chia sẻ
Sao chép
Bài viết liên quan
100% Pass Rate Của SAPP Hồ Chí Minh Cao Vượt Trội Toàn Cầu Trong Kỳ Thi ACCA Tháng 6 Năm 2022

Cùng xem chi tiết Pass Rate của học viên SAPP Hồ Chí Minh tại đây...

​​​​​​​[Chia Sẻ] Kinh Nghiệm Tự Học ACCA Hiệu Quả Nhất

Tự học ACCA như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất và có...

Từ Kiểm Toán Tới Business Analysis, Data Analysis: Lợi Thế Không Lo Thất Thế

Theo chia sẻ của anh Phạm Công Tân, Head of Business Intelligence của Cốc Cốc,...

Khóa học Financial Management (FM/F9) ACCA – Quản trị tài chính

Môn học ACCA FM/F9– Financial Management (Quản Trị Tài Chính) giúp bạn phát triển kiến...

#1 So Sánh Chứng Chỉ ACCA Và CPA Chi Tiết Cụ Thể Cho Từng Đối Tượng

Tổng hợp so sánh chứng chỉ ACCA và CPA chi tiết cụ thể đối với...

Active Learning Là Gì? Khám Phá Cách SAPP Áp Dụng Phương Pháp Này Trong Khóa Học ACCA

Không còn chỉ là “thầy giảng - trò nghe”, phương pháp giáo dục Active Learning...

Review Chi Tiết Kinh Nghiệm Thi Tuyển KPMG Kỳ Internship 2017

KPMG là một mạng lưới toàn cầu bao gồm các công ty thành viên chuyên...

#1 Hướng Dẫn Ôn Thi ACCA & Phương Pháp Học Hiệu Quả Nhất

Nhiều học viên đang loay hoay và băn khoăn không biết có nên tự học...