ACCA20/06/2024

Thủ Tục Kiểm Toán Phần Hành Chi Phí Trả Trước – Những Mùa Tết Hối Hả

“Tôi still young, tôi want party”! Kiểm toán có hai mùa, không phải “bận” và “rảnh” mà là “bận”“rất bận”. Những job gần Tết hẳn cũng mang những dư vị rất đặc biệt. Đó không phải là đi thả cá hay xem chương trình Táo Quân, đó là màn hình máy tính không tắt với những con số và báo cáo liên tục.

1. Trải Nghiệm Nghề Kiểm Toán Tại PwC

Tôi vốn là dân Ngoại Thương, học Kinh tế Đối ngoại và đi làm Kiểm toán, và tôi vẫn thường chia sẻ cho các em sinh viên trường mình về nghề nghiệp mà chúng tôi đã lỡ chọn bằng trái tim nhiều hơn là lý trí. Với một đứa mà vốn không có bằng cấp gì về kế toán kiểm toán thì chọn nghề này hẳn là đánh cược cả trái tim còn gì nữa! Sau này đi làm tôi lại thấy tim mình có khi càng ngày càng to ra thật vì những trải nghiệm nhiều khi thật cay đắng.

Không giống như những gì chúng tôi được vẽ hoặc tự vẽ ra cho mình khi còn là sinh viên về một nghề nghiệp mà chỉ cần gọi tên cũng thấy sự chảnh cún của nó – Kiểm toán. Cũng có thể lúc đó các anh chị đi trước chúng tôi đã đề cập đến những mảng tối của nghề nghiệp này rồi nhưng chúng tôi đâu có cho vào tai đâu, vì bạn biết đấy “tình yêu” vốn là thứ “mù quáng” khiến bạn chỉ để ý những cái đẹp của họ thôi, mà kể cả có xấu bạn cũng tự ngụy biện đó là sự đánh đổi đáng phải có trong cuộc sống này.

Các em ấy hay hỏi tôi: “Anh kể cho em trải nghiệm về mùa bận và mùa rảnh ở PwC đi?”

Tôi bình tĩnh rồi trêu các em: “Câu hỏi em sai rồi, bọn anh chỉ có mùa bận và mùa rất bận thôi!”. Chúng tôi phá lên cười rồi tiếp tục câu chuyện về nghề nghiệp này trong vòng suốt ba tiếng đồng hồ không nghỉ.

2. Kiểm Toán Phần Hành Chi Phí Trả Trước – Mùa Tết Bận Rộn

Hiếm có nghề nào mà lại ngược đời như nghề của chúng tôi mà cái ngược đời oái oăm nhất là lúc người ta về với gia đình để ăn tết, để đoàn viên thì chúng tôi lại lao vào công việc như một con thoi. Tôi trải qua cũng đã bốn mùa bận và cả bốn mùa tôi đều trải nghiệm một hương vị rất khác của Tết. Nhưng để chọn ra một trải nghiệm không thể nào quên thì có lẽ là mùa bận thứ hai trong đời làm kiểm toán tại “Pi”.

Hôm đó là 27 tết âm, bình thường nếu còn là sinh viên chúng tôi chắc được nghỉ gần 1 tuần để về nhà ăn ông Công ông Táo với bố mẹ. Nhưng từ ngày đi làm tôi đã quên mất cách thả cá chép, quên mất xem hài vào 21h00 đêm 23 tết mà thay vào đó là màn hình máy tính không tắt, là những con số và báo cáo liên tục nhảy số. Sáng hôm đó tôi vẫn phải sang một khách hàng nhỏ cùng một em Intern để chốt số trước khi về Tết. Khách hàng nằm trên Hồ Tây nên chúng tôi có cơ hội chứng kiến sự nhộn nhịp của phiên chợ Tết cuối năm mà hiếm chỗ nào trong Hà Nội này có thể sánh bằng. Từng dòng người xô đẩy mua bán, xe cộ thì tắc chật đường, hoa đào, hoa cúc, hoa lan bầy la liệt ra cả đường nơi chúng tôi đi qua. Lúc đó tôi rất muốn bỏ chiếc máy tính lại trên Taxi để về với gia đình chở mẹ đi mua đào, cùng bố đào cây quất sau vườn cho vào nhà, cùng ông thịt gà cúng gia tiên. Nhưng lúc đó quả thật không còn cách nào khác là tôi vẫn phải đến khách hàng cùng sự háo hức của em Intern cho những job đầu tiên trong đời. Khách hàng chỉ đợi chúng tôi đến làm nhanh để họ về tết còn tôi thì thấy đã nản lắm rồi vì sau khi chốt số có khi tôi lại ngồi cả tết để làm báo cáo chứ có phải chốt xong là xong đâu. Tôi đến khách hàng với tâm lý nặng trịch, thực sự là “Tôi still young, tôi want party”.

3. Các Thủ Tục Trong Phần Hành Chi Phí Trả Trước

Đến khách hàng xong hai anh em bắt đầu ngồi lọc số, khách hàng cũng nhỏ nên anh em chia nhau mà làm chắc chỉ 2 ngày là xong. Đây là lần đầu tiên tôi được dắt một em Intern đi để “sai bảo” nên có phần “feeling tự hào”. Tôi ngồi với em cả buổi để “coaching” vì dù sao em cũng là mầm non, là tương lai của Công ty không thể để em nát như tôi được. Thực ra cũng có thể tôi hơi cẩn thận trong giáo dục nên tôi “coach” em khá kỹ ngay cả đó chỉ là một phần rất nhỏ như chi phí trả trước. Tôi dậy em từ cách lọc sổ để lấy 142 và 242 ra (tài khoản chi phí trả trước), tôi dậy em cả cách hạch toán của các đầu chi phí trả trước theo kiểu Việt Nam và cả theo kiểu mà tôi học mót được ở môn F3. Sau đó là hàng loạt các thủ tục kiểm toán em cần phải làm để đảm bảo được rủi ro của phần này. Tôi tự thấy mình khá chuyên nghiệp trong giảng dạy. Hồi bé tôi từng ước mơ làm giảng viên đại học có khác. Đang trong cơn hứng khởi tôi cầm luôn bút của khách hàng viết lên bảng như để thỏa mãn sự “chuyên nghiệp” nửa vời.

  • Thủ tục đối chiếu: em phải đảm bảo được số dư đầu kỳ bằng cách so sánh với báo cáo phát hành kỳ trước, em cũng phải đảm bảo được số liệu kế toán đưa cho là đúng bằng cách đối chiếu giữa Sổ cái (General ledger) với Bảng cân đối thử (Trial balance), rồi thì đối chiếu giữa sổ cái với cả Sổ phụ (Sub ledger). Nói chung cứ thấy số là đem đi đối chiếu xem nó có đúng không nhé.
  • Thủ tục kiểm tra chi phí tăng lên trong kỳ: em lọc bên nợ của 142 và 242 ra xem có cái nào trọng yếu (giá trị to một chút) rồi sau đó em xem vào hồ sơ mua nó bao gồm hợp đồng, biên bản bàn giao, hóa đơn xem nó ghi nhận đúng hay sai.
  • Thủ tục tính toán lại phân bổ trong kỳ: em dùng bảng theo dõi các khoản chi phí trả trước rồi hỏi cách họ tính sau đó tính lại xem họ có tính sai không. Chốc nữa làm anh chỉ hàm cho, kỳ diệu cực! À sau đó nhớ phải đối chiếu với cả bên nợ của các tài khoản chi phí vì thương người ta hay ghi Nợ 641/642 và Có 142/242 mà.
  • Thủ tục rà soát các khoản tăng khác và giảm khác trong kỳ: Tăng khác thường là từ tài sản chuyển sang, năm nay có thông tư 45 là mới nên anh nghĩ họ chuyển nhiều tài sản đấy. Phần này thôi để anh làm và đảm bảo bên tài sản rồi đối chiếu với em sau cũng được. Còn giảm trong kỳ thì thường là thanh lý, em xem họ có biên bản thanh lý không, em cố gắng ghi lại hết cho anh những thông tin của những khoản thanh lý trong năm nay.

Mới vào nghề nên nó hứng thú lắm về những gì tôi dậy. Mà kể cũng kỳ lạ, dậy xong cái tôi thấy tâm trạng mình lại bình thường, hẳn là làm người có ích rất vui. Thằng bé nhìn và suy ngẫm một hồi lâu bất chợt hỏi lại “em thấy phần này cũng hay đấy chứ?”

Tôi chợt nghĩ: “Mới vào nghề thằng nào chẳng hay!”

“Sao mà hay?” – Tôi vẫn cố chèn thêm một câu hỏi cho có lệ.

“Nó không quá khó mà kiểu em thấy cứ mỗi phần hành em được học cả một cái mới, triết lý mới lắm.” – Nó vừa cười vừa nói.

“Ờ, mơ mộng như  chú là vỡ mộng nhanh lắm đấy!”

“Ui kệ thôi anh, cứ mơ mộng đi rồi sau này phân bổ dần. Lúc đầu mơ nhiều rồi mỗi năm phân bổ ra 1 ít mà dùng chứ không mơ không mộng sau này lại chả có gì mà dùng thì đi làm sao được với nghề lâu dài”

“Uầy kinh! Xem nhá!”

Nhưng kể ra suy nghĩ được như nó cũng đúng, chẳng phải những mơ mộng, kinh nghiệm của tôi ở thời điểm hiện tại đang được mua với những cái giá xứng đáng bằng nỗ lực, bằng thời gian, đôi khi cả là nỗi buồn và sự tủi thân khi tết đến xuân về để tôi tích lũy lại sau này phân bổ dần hay sao. Tôi tự nhiên nhớ lại một câu nói tôi vô cùng yêu thích “the HARDER you try, the LUCKIER you get” rồi tiếp tục công cuộc đánh cược với trái tim của mình qua những mùa Tết. Vâng, Tết đã về …

>>> Xem thêm:

Chia sẻ
Chia sẻ
Sao chép
Bài viết liên quan
# Kế Toán Vốn Bằng Tiền Là Gì? Các Nghiệp Vụ Cần Nắm

Kế toán vốn bằng tiền là việc ghi nhận, phân loại và báo cáo về...

Kinh Nghiệm Học & Thi F8 ACCA Từ Giảng Viên SAPP

Với vai trò là giảng viên tại SAPP Academy, chị Đồng Thị Thủy đã dành...

Làm Gì Để Tự Tin Bước Vào Kỳ Tuyển Dụng Fresh Của BIG4?

BIG4 được các tạp chí kinh tế tài chính hàng đầu thế giới đánh giá...

“Cái Hay Của Thuế Chính Là Sự Linh Hoạt” – Chia Sẻ Về Nghề Thuế Từ Chuyên Gia Trên 10 Năm Kinh Nghiệm

Ví Thuế như một vũ trụ vì Thuế rộng bao la và ẩn chứa nhiều...

#Nguyên Tắc Khấu Trừ Thuế GTGT Theo Quy Định

Khám phá các nguyên tắc quan trọng về khấu trừ thuế GTGT theo quy định...

Học ACCA Thì Làm Gì Trong Lĩnh Vực Kế – Kiểm – Tài Chính?

Sức nóng đến từ BIG4 luôn thu hút rất nhiều bạn trẻ trong lĩnh vực...

Tổng Hợp Tài Liệu Học ACCA

ACCA luôn là 1 trong những bằng cấp đáng được theo đuổi nhất trên toàn thế...

Cash Ratio là gì? Công thức tính tỷ lệ thanh toán tiền mặt

Cash Ratio là một trong ba phương pháp phổ biến để đánh giá tính thanh...