ACCA06/09/2024

Vị Trí Kế Toán Quản Trị Dưới Góc Nhìn Của Kế Toán Trưởng Kiêm PMO Pfizer GBS Dublin

Không chỉ dừng lại ở việc ghi chép và báo cáo tài chính, Kế toán Quản trị còn đóng vai trò chủ chốt trong việc hoạch định chiến lược, cung cấp thông tin hữu ích đến các phòng ban khác và quản lý hiệu quả ngân sách của doanh nghiệp. Hãy cùng khám phá những góc nhìn thú vị về công việc Kế toán Quản trị từ giảng viên SAPP Academy, chị Võ Thị Yến Trang, ACCA – Vietnam Chief Accountant cum PMO, Pfizer GBS Dublin (Cựu Finance Controller, Unilever Vietnam) trong bài viết dưới đây nhé!

1. Các đầu việc cụ thể của Kế toán Quản trị 

Dựa theo quan sát của chị, công việc của Kế toán Quản trị sẽ tập trung vào hai mảng chính: Báo cáo (Reporting)Hợp tác chiến lược cùng các phòng ban khác (Partnering).

Trước hết, công việc của Kế toán Quản trị trong mảng báo cáo khá tương đồng với FP&A (Financial Planning and Analysis – Phân tích tài chính và lập kế hoạch). Nhiệm vụ chính của các bạn là tạo ra các báo cáo chi tiết, cung cấp đầy đủ thông tin, dự báo các chỉ số kinh doanh và lập dự toán ngân sách. Những báo cáo này không chỉ phục vụ riêng cho bộ phận tài chính mà còn hỗ trợ tất cả các phòng ban khác trong công ty, chẳng hạn như phòng Sale trong việc quản lý vùng, quản lý khách hàng và xác định xu hướng của họ,…

Ngoài ra, Kế toán Quản trị còn đóng vai trò rất quan trọng như người đồng hành, người hợp tác (Partner) với các bộ phận khác như IT, Sales, Marketing,… “Người hợp tác” được hiểu là người sẽ lắng nghe ý kiến từ các phòng ban, phân tích chi phí từ bản kế hoạch, phỏng vấn thêm họ và điều chỉnh dự toán để đảm bảo con số đưa ra là chính xác và khả thi. Khi so sánh kết quả thực tế với ngân sách, Kế toán Quản trị tiến hành đánh giá và thảo luận thêm với các phòng ban để xác định nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt, từ đó tư vấn cho họ nên làm gì để cân đối ngân sách.

Bên cạnh đó, Kế toán Quản trị còn đóng vai trò giám sát (Monitoring), đảm bảo rằng mọi quyết định chi tiêu đều hợp lý với ngân sách tổng thể của doanh nghiệp. Điều này nghĩa là không phải phòng ban nào yêu cầu kinh phí sẽ đều được duyệt. Nhiệm vụ của Kế toán Quản trị là phải cân nhắc kỹ lưỡng các yêu cầu đó để duy trì sự ổn định tài chính.

2. Sức ảnh hưởng của công nghệ đến công việc của Kế toán Quản trị 

Kế toán Quản trị không đơn thuần là việc nắm giữ số liệu và báo cáo, mà còn phải chuyển đổi thành thông tin hữu ích cho các nhà quản trị và phòng ban khác, đảm bảo mọi quyết định đều dựa trên dữ liệu chính xác và có cơ sở vững chắc. Sự phát triển của các phần mềm kế toán đã mang lại nhiều cải tiến trong việc biến con số thành dữ liệu có ý nghĩa. 

Ví dụ như việc sử dụng hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) – hệ thống giúp hoạch định nguồn của doanh nghiệp để thiết lập giới hạn ngân sách và chi phí hợp lý. Những công nghệ này mang lại hiệu quả cao, nhưng chúng không thể thay thế hoàn toàn con người. Vẫn tồn tại những rủi ro nhất định, và cần có con người để vận hành và kiểm soát quá trình này.

Về việc ứng dụng AI trong ngành Kế toán – Tài chính, hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa áp dụng rộng rãi nên chị chưa khẳng định khả năng của AI trong lĩnh vực này. Một vài rào cản bao gồm sự khác biệt và chưa đồng bộ trong các chuẩn mực kế toán ở nước ta so với quốc tế.

Có thể nói, với vai trò là một Kế toán Quản trị, tư duy về công nghệ rất quan trọng. Chị cho rằng, công nghệ nên được xem là đối tác của mình, giúp giảm tải các công việc lặp đi lặp lại. Không chỉ vậy, nhà quản trị luôn mong muốn tìm kiếm những người cởi mở với công nghệ, biết đầu tư thời gian để nâng cao kiến thức chuyên môn. Từ đó, các bạn mới có thể đồng hành và phát triển lâu dài cùng doanh nghiệp.

Đăng ký tư vấn lộ trình học ACCA cá nhân hoá tại đây

3. Những kỹ năng mềm quan trọng mà một Kế toán Quản trị cần có 

Theo chị, có 2 kỹ năng cần thiết mà các bạn Kế toán Quản trị nên trau dồi:

Kỹ năng giao tiếp: Các bạn cần phải biết cách đưa ra những câu trả lời đơn giản, dễ hiểu để mọi người hiểu mình muốn truyền tải điều gì. Đôi lúc, việc sử dụng nhiều từ ngữ chuyên ngành Kế toán – Tài chính trong cách giải thích sẽ làm những phòng ban khác khó hiểu. Vì vậy, khả năng “phiên dịch” ngôn ngữ Kế toán – Tài chính để ai cũng có thể hiểu được là cần thiết. Sau đó cần đi thẳng vào vấn đề mà họ đang gặp phải, từ đó cung cấp giải pháp hoặc sự điều chỉnh để cải thiện tình hình.

Ví dụ: Khi vừa kết thúc một quý, các bạn sẽ ngồi lại với phòng Sales để so sánh chi phí thực tế (Actual costs) với chỉ tiêu (Target) đã đặt ra đang chênh lệch bao nhiêu, cần bao tuần nữa thì đạt chỉ tiêu, những chương trình nào đang chạy và có hiệu quả không… Từ đó sẽ tư vấn cho họ cần chạy thêm bao nhiêu chương trình nữa hay cần có sự điều chỉnh nào để đạt chỉ tiêu mong muốn.  

Trong một số trường hợp, mình cần nhấn mạnh hậu quả nếu các phòng ban đi chệch hướng so với dự toán và dự báo. Việc trình bày thẳng thắn về những ảnh hưởng trực tiếp đến họ (ngân sách, thưởng doanh thu,…) đảm bảo rằng họ nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ các kế hoạch tài chính.

Kỹ năng rà soát thông tin: Đây là kỹ năng đòi hỏi khả năng đặt ra hàng loạt câu hỏi chi tiết:

Giả sử: Khi một phòng ban gửi một bản kế hoạch được chuẩn bị sẵn, với ngân sách được phân bổ chi tiết theo từng hoạt động từ dưới lên (Bottom-up), nhiệm vụ của mình là phải kiểm tra kỹ lưỡng. Các bạn cần nhìn vào bản kế hoạch, đánh giá cách họ dự định chi tiêu cho từng mục, và đặt những câu hỏi như “Hoạt động này phục vụ cho mục tiêu gì?”, “Báo giá chi tiết ở đâu?”, nhằm đảm bảo các con số đưa ra là hợp lý.

Nếu nhận thấy mức độ vượt ngân sách từ 10% đến 25%, việc xem xét và phê duyệt ngân sách cần được thực hiện cẩn trọng. 

4. Mối liên kết giữa ACCA và Kế toán Quản trị

Chị cho rằng ACCA cung cấp một nền tảng kiến thức chuẩn theo mô hình quốc tế, giúp học viên có thể tự tin làm việc tại các công ty đa quốc gia nhờ hiểu về chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS. Đặc biệt, chương trình ACCA không chỉ trang bị kiến thức về Kế – Kiểm – Tài chính, mà còn cung cấp góc nhìn toàn diện về công nghệ: Từ cách xử lý big data, ứng dụng hệ thống ERP trong doanh nghiệp, đến việc hiểu về tiền ảo. Điều này giúp học viên cập nhật kiến thức một cách nhanh chóng với nguồn tài liệu chính thống và phù hợp với thực tiễn.

Lấy ví dụ về một môn học bổ trợ trực tiếp đến kiến thức, kỹ năng của Kế toán Quản trị: MA/F2. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức về cách ghi nhận và hạch toán sổ sách, thu thập dữ liệu trong quá khứ và thị trường, mà MA còn trang bị cho học viên khả năng nắm bắt thực trạng tài chính của doanh nghiệp. Môn học cũng nhấn mạnh vào yếu tố kiểm soát và quản trị rủi ro, giúp bảo vệ lợi nhuận và lợi ích của doanh nghiệp – một khía cạnh mà nhiều doanh nghiệp thường bỏ qua. 

Ngoài ra, khi học đến cấp độ Chuyên nghiệp (Professionals) trong ACCA, các bạn sẽ được trang bị tư duy chiến lược, kỹ năng lãnh đạo, và khả năng ra quyết định dựa trên phân tích chuyên sâu. Những kỹ năng này sẽ giúp các bạn trở thành một đối tác chiến lược trong doanh nghiệp, góp phần vào sự thành công bền vững của tổ chức.

Đăng ký tư vấn lộ trình học ACCA cá nhân hoá tại đây

5. Lộ trình thăng tiến lên vị trí Kế toán Quản trị 

Chị sẽ gợi ý 3 lộ trình mà các bạn có thể tham khảo: 

  • Lộ trình đầu tiên: Các bạn có thể xuất phát với việc tham gia các cuộc thi Management Trainee. Đây có thể xem là lộ trình lý tưởng nhất bởi bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nhiều phòng ban, đặc biệt là phòng Sales. Lợi ích của lộ trình này là bạn sẽ nhanh chóng tích lũy được kiến thức thực tiễn và kỹ năng giao tiếp, điều này rất cần thiết cho vai trò Kế toán Quản trị.
  • Lộ trình thứ hai: Các bạn có thể xuất phát với vị trí Thực tập sinh (Intern), hãy bắt đầu từ những nghiệp vụ đơn giản nhất như làm báo cáo dựa trên mẫu có sẵn, và tích lũy kinh nghiệm theo thời gian. Từ đó các bạn sẽ sở hữu nền tảng vững chắc để trước khi tự mình lập báo cáo tài chính – công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và độ chính xác cao. 
  • Lộ trình thứ ba: Các bạn có thể bắt đầu từ vị trí Kế toán Tài chính, học cách đọc các hợp đồng và đơn đặt hàng, qua đó hiểu rõ về quy trình thanh toán để báo cáo với các nhà quản trị. Việc này sẽ giúp bạn tích lũy thêm góc nhìn về quản trị và phát triển tư duy kinh doanh (Business sense). Khi đã đủ kiến thức và kỹ năng, bạn sẽ sẵn sàng để chuyển sang vị trí Kế toán Quản trị.

Xem thêm: Học ACCA Thì Làm Gì Trong Lĩnh Vực Kế – Kiểm – Tài chính?

6. Những lỗi phổ biến mà sinh viên/người đi làm nên tránh khi học và thực hành Kế toán Quản trị 

Chị thấy rằng một lỗi phổ biến đó là khi một Kế toán Quản trị tham gia vào việc lập các dự báo nhưng lại không hiểu sâu về kiến thức kế toán tài chính. Nếu không biết cách đọc các chi phí thực tế (Actual costs) từ hóa đơn hay các nguồn khác sẽ dẫn đến việc đưa ra những dự báo sai lệch. Do đó, các bạn Kế toán Quản trị cần có sự trao đổi thường xuyên với bộ phận Kế toán Tài chính để đảm bảo tính chính xác của dự báo. 

Ngoài ra, một lỗi khác mà mọi người dễ mắc phải là khi Kế toán Quản trị dễ bị “cuốn” theo các ý tưởng sáng tạo, bay bổng từ các phòng ban khác. Nếu bạn không vững vàng trong chuyên môn kế toán và thiếu đi tính thực tế, bạn sẽ không thể kiểm soát và điều chỉnh các quyết định tài chính một cách hiệu quả.

Đăng ký tư vấn lộ trình học ACCA cá nhân hoá tại đây

7. Lời khuyên cho sinh viên và những người mới bắt đầu muốn theo đuổi lĩnh vực Kế toán Quản trị 

Trước hết đối với những bạn mới ra trường. Chị thấy các bạn hay lầm tưởng rằng Kế toán Quản trị sẽ nắm vai trò là một người chủ trì (Leader) trong mọi cuộc họp. Tuy nhiên, sự thật là bạn cần phải lắng nghe thông tin từ phòng ban khác trước, phân tích thông tin và đưa ra sự điều chỉnh phù hợp. Nếu bạn không lắng nghe sự trình bày từ họ, rất có thể các mối quan hệ với những người khác sẽ “gãy”. Bởi các phòng ban khác sẽ ngại chia sẻ, luôn trong tâm thế “phòng thủ” và từ đó, bạn sẽ mất luồng thông tin quan trọng, ảnh hưởng đến dự toán, dự báo và kế hoạch tổng trong tương lai. 

Còn đối với những bạn đã làm lâu năm trong lĩnh vực Kế toán Tài chính mà muốn phát triển lên Kế toán Quản trị, lời khuyên của chị là bạn cần thay đổi tư duy. Từ vai trò của một người chuyên kiểm soát và giám sát, bạn giờ đây sẽ phải trở thành một đối tác (Partner) linh hoạt. Các bạn sẽ cần giao tiếp, trò chuyện thật nhiều với mọi người trong tổ chức: Thông tin đầu ra của phòng Kế toán sẽ là thông tin đầu vào của các phòng ban khác và ngược lại. Vì thế sự tương tác là vô cùng cần thiết. 

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là bạn phải thực sự yêu thích công việc này và thoải mái với vị trí Kế toán Quản trị. Hãy hiểu rằng, trong quá trình làm việc, sẽ có những cuộc tranh luận, nhưng mục tiêu chung của mọi người là đóng góp điều tốt nhất cho công ty và thể hiện quan điểm của phòng ban mình.

Những chia sẻ trên là góc nhìn của chị về công việc của một Kế toán Quản trị, dựa trên kinh nghiệm thực tế chị đã tích lũy được qua nhiều năm. Chúc các bạn luôn tự tin và thành công trên con đường sự nghiệp của mình!

Kết:

Những chia sẻ trên từ chị Yến Trang không chỉ cung cấp cái nhìn thực tế về công việc của một Kế toán Quản trị, mà còn mang đến những lời khuyên quý báu cho những ai đang ấp ủ ý định theo đuổi con đường này. Hy vọng rằng, qua những kinh nghiệm và kiến thức chị đã truyền đạt, các bạn sinh viên mới ra trường hay những người đang cân nhắc bước vào lĩnh vực Kế toán Quản trị sẽ có thêm định hướng rõ ràng và tự tin hơn trong hành trình sự nghiệp của mình.

Xem thêm: 

Chia sẻ
Chia sẻ
Sao chép
Bài viết liên quan
100% Tỷ Lệ Đỗ ACCA Vượt Trội Toàn Cầu, Khóa Học ACCA Online Với Video HD Có Gì?

Học ACCA Online với Video HD có hiệu quả không? Kết quả như thế nào?...

Cập Nhật Lệ Phí Thi Và Lịch Thi ACCA Kỳ Tháng 9 Năm 2024 [Mới Nhất]

Tổng hợp các thông tin về lệ phí và lịch thi tháng 9 năm 2024...

Học F3 ACCA – Phân Tích Dạng Bài Tài Sản Cố Định Hữu Hình – Phần 1

Tài sản cố định (Non-current assets) là tất cả những tài sản của doanh nghiệp...

#Cách Báo Cáo Thuế Cho Doanh Nghiệp Mới Thành Lập

Tìm hiểu các quy định và cách báo cáo thuế cho doanh nghiệp mới thành...

Cập Nhật Tài Liệu Pre-seen Kỳ Tháng 12/2023 Môn SBL ACCA

Từ tháng 9/2023, ACCA đã chính thức công bố những thay đổi trong đề thi...

16 Tuổi Làm Kế Toán Cho Công Ty Ở Mỹ Và Mục Tiêu Trở Thành ACCA Member Từ “Chiến Thần” Prize Winner AA/F8

Dù mới chỉ 16 tuổi, bạn Hồ Phúc An, hiện đang học tập và sinh...

Chứng Chỉ ACCA Là Gì? Tại Sao Sinh Viên 2K6 Nên Bắt Đầu Học ACCA Ngay Từ Năm Nhất?

Hiểu rõ các thông tin liên quan đến ACCA bao gồm khái niệm chứng chỉ...

[Hướng dẫn] Phương pháp báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ trực tiếp một khía cạnh quan trọng của quản...