CFA09/02/2025

Corporate Issuers CFA – Tìm hiểu về Tài chính doanh nghiệp

Corporate Issuers CFA thường được xem là một chủ đề khá dễ và có tỷ trọng từ 8-12% chương trình CFA. Môn học này sẽ yêu cầu bạn nhớ được những công thức và khái niệm quan trọng như NPV, IRR, TVM… Cùng chúng tôi tìm hiểu về môn học quan trọng này trong bài thi CFA. 

1. Yêu cầu kỹ năng đầu vào của học viên với môn học

1.1. Yêu cầu về kiến thức nền

Muốn thành công với môn Corporate Issuers, các ứng viên CFA cần trang bị cho mình một nền tảng vững chắc về toán tài chính, kinh tế học và phân tích báo cáo tài chính. Các kiến thức này đóng vai trò cốt lõi, giúp các ứng viên hiểu sâu hơn về các khái niệm, mô hình và công cụ phân tích được sử dụng trong lĩnh vực này.

1.1.1. Toán tài chính

Một trong những nền tảng quan trọng là hiểu về giá trị thời gian của tiền (Time Value of Money – TVM). Khái niệm này giúp bạn nhận thức rằng giá trị của tiền thay đổi theo thời gian, là cơ sở để định giá các công cụ tài chính như trái phiếu và cổ phiếu ưu đãi, cũng như để phân tích dòng tiền doanh nghiệp. Các ứng dụng phổ biến bao gồm việc tính toán giá trị hiện tại (PV), giá trị tương lai (FV), lãi suất nội bộ (IRR), và giá trị hiện tại thuần (NPV) của các dự án đầu tư.

Kiến thức về giá trị thời gian của tiền

Nội dung quan trọng tiếp theo trong nền tảng Toán tài chính, đó là bước đầu làm quen với chiết khấu dòng tiền (Discounted Cash Flow – DCF), công cụ chủ đạo trong việc định giá doanh nghiệp và đánh giá dự án đầu tư. Phương pháp này yêu cầu bạn biết cách tính toán chi phí vốn trung bình (WACC) và phân tích hiệu quả của các dự án dựa trên dòng tiền chiết khấu.

Rủi ro và tỷ suất sinh lời

Và cuối cùng, người học sẽ cần hiểu được về mối quan hệ giữa rủi ro và tỷ suất sinh lời (Risk and Return) là yếu tố then chốt trong các quyết định tài chính của doanh nghiệp.

  • Các khái niệm như tỷ suất sinh lời kỳ vọng (expected return), phương sai (variance), và độ lệch chuẩn (standard deviation) giúp đo lường và so sánh mức độ rủi ro của các khoản đầu tư.
  • Những yếu tố này hỗ trợ bạn trong việc đánh giá các dự án đầu tư, lựa chọn các phương án tài chính phù hợp, và xác định lợi nhuận kỳ vọng so với rủi ro chấp nhận được.

Kỹ năng sử dụng máy tính tài chính CFA BA II Plus hoặc BA II Plus Pro là không thể thiếu. Bạn cần thành thạo các chức năng cơ bản như tính toán giá trị thời gian của tiền (TVM), phân tích dòng tiền (CF – Cash flow), và tính IRR hoặc NPV cho các dòng tiền không đều.

Các chức năng này cũng hỗ trợ trong việc xử lý các bài toán liên quan đến chiết khấu, tích lũy lãi suất, và trả nợ vay – những chủ đề thường xuyên xuất hiện trong chương trình CFA.

Sử dụng máy tính trong môn Corporate Issuers

1.1.2. Kiến thức về kinh tế học

Kiến thức về kinh tế học giúp hiểu rõ môi trường hoạt động của doanh nghiệp và các yếu tố kinh tế vĩ mô tác động trực tiếp đến quyết định tài chính, từ chi phí vay vốn đến chiến lược đầu tư và quản lý rủi ro.

Trước tiên, học viên cần hiểu về lãi suất và cấu trúc kỳ hạn (Interest Rates and Yield Curve). Lãi suất ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vay vốn và quyết định tài trợ của doanh nghiệp, chẳng hạn như việc lựa chọn giữa huy động nợ (debt) hoặc vốn cổ phần (equity). Ngoài ra, việc phân biệt rõ giữa lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực sẽ giúp học viên đánh giá chính xác các dự án đầu tư dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát biến động.

Lãi suất và cấu trúc kỳ hạn

Bên cạnh đó, kiến thức về chu kỳ kinh tế (Business Cycles) là điều không thể thiếu. Các giai đoạn khác nhau trong chu kỳ kinh tế, như mở rộng hay suy thoái, ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiến lược tài chính của doanh nghiệp. Hiểu rõ cách doanh nghiệp điều chỉnh chính sách đầu tư và quản lý nguồn lực theo từng giai đoạn giúp học viên xây dựng được các chiến lược phù hợp với điều kiện thị trường.

Chu kỳ kinh doanh

Cuối cùng, hiểu biết về lạm phát và chính sách tiền tệ/tài khóa cũng đóng vai trò quan trọng. Lạm phát không chỉ tác động đến chi phí vốn mà còn ảnh hưởng đến giá trị của dòng tiền tương lai, đòi hỏi doanh nghiệp phải thận trọng trong việc lập kế hoạch đầu tư.

Chính sách tiền tệ và tài khóa, như lãi suất hay điều kiện tín dụng, còn quyết định khả năng tiếp cận vốn và chi phí huy động vốn của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định tài chính dài hạn.

1.1.3. Phân tích báo cáo tài chính

Phân tích báo cáo tài chính là nền tảng để đánh giá sức khỏe tài chính và chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp. Dựa trên các dữ liệu từ báo cáo tài chính, bạn có thể hiểu rõ hơn về khả năng tạo ra lợi nhuận, quản lý dòng tiền, và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính. Dưới đây là những yếu tố quan trọng cần nắm:

  • Phân tích dòng tiền (Cash Flow Analysis)

Doanh nghiệp cần dòng tiền để tài trợ các dự án, thanh toán cổ tức, và duy trì hoạt động hàng ngày. Phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ giúp bạn hiểu rõ cách doanh nghiệp tạo ra và sử dụng dòng tiền.

Các yếu tố lưu ý khi phân tích dòng tiền

Điều này bao gồm việc phân biệt giữa dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO), dòng tiền từ hoạt động đầu tư (CFI), và dòng tiền từ hoạt động tài trợ (CFF). Nắm bắt được mối liên hệ giữa các dòng tiền này là rất quan trọng để đánh giá tính thanh khoản, khả năng huy động vốn, và sức khỏe tài chính tổng thể của doanh nghiệp.

  • Cơ cấu vốn và đòn bẩy tài chính (Capital Structure and Leverage)

Hiểu rõ cơ cấu tài trợ của doanh nghiệp, bao gồm tỷ lệ giữa nợ vay và vốn chủ sở hữu, là chìa khóa để phân tích mức độ rủi ro và lợi nhuận. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) là một chỉ số quan trọng, giúp bạn đánh giá mức độ phụ thuộc của doanh nghiệp vào nợ vay.

Ngoài ra, việc sử dụng đòn bẩy tài chính có thể làm tăng lợi nhuận nhưng cũng đi kèm với rủi ro cao hơn. Phân tích kỹ lưỡng các yếu tố này giúp bạn đánh giá khả năng doanh nghiệp đáp ứng nghĩa vụ nợ và khả năng tận dụng vốn vay để tối ưu hóa lợi nhuận.

  • Tỷ số tài chính (Financial Ratios)

Tỷ số tài chính là công cụ quan trọng để phân tích hiệu quả hoạt động và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Các chỉ số như ROE (Return on Equity), ROA (Return on Assets), và EBITDA thường xuyên được sử dụng để đánh giá khả năng sinh lời.

Đồng thời, các tỷ lệ như tỷ lệ thanh khoản (liquidity ratios), khả năng thanh toán lãi vay (interest coverage ratio), và khả năng trả nợ (debt service coverage ratio) cung cấp thông tin quan trọng về khả năng doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định.

  • Phân tích lợi nhuận (Profitability Analysis)

Lợi nhuận là thước đo hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp. Hiểu rõ các chỉ số như biên lợi nhuận gộp (Gross Margin), biên EBITDA, và biên lợi nhuận ròng (Net Profit Margin) giúp bạn đánh giá khả năng kiểm soát chi phí, tạo ra giá trị gia tăng, và duy trì hiệu quả hoạt động.

Xem thêm: Economics CFA có khó không? Điểm qua kiến thức 3 level

1.2. Yêu cầu về Tiếng Anh

Tương tự như các môn học khác, để học tốt môn Corporate Issuers, bạn cần có khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành tài chính một cách thành thạo. Kỹ năng đọc hiểu đóng vai trò quan trọng trong việc nắm bắt nội dung môn học. Sinh viên cần có khả năng đọc và phân tích các tài liệu tài chính phức tạp như báo cáo tài chính, bài nghiên cứu, và các tài liệu chuyên ngành.

Những tài liệu này thường chứa các cấu trúc câu phức tạp và thuật ngữ kỹ thuật, đòi hỏi bạn không chỉ hiểu ý chính mà còn phải nắm được các mối liên hệ giữa các khái niệm và chi tiết hỗ trợ. Ngoài ra, tốc độ đọc nhanh và tư duy phản biện là cần thiết để xử lý lượng thông tin lớn trong thời gian ngắn.

  • Từ vựng chuyên ngành

Sinh viên cần nắm vững các thuật ngữ chuyên ngành thuộc các chủ đề chính của môn học.

Nhóm kiến thức  Từ vựng chuyên ngành
Cấu trúc vốn (Capital Structure) Bạn cần biết các thuật ngữ như:

  • Capital structure (cơ cấu vốn)
  • Debt financing (tài trợ bằng nợ)
  • Equity financing (tài trợ bằng vốn cổ phần)
  • Leverage (đòn bẩy tài chính)

Các khái niệm như: cost of debt (chi phí nợ), cost of equity (chi phí vốn cổ phần), và WACC (chi phí vốn bình quân gia quyền) cũng là nền tảng để hiểu chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp.

Ngân sách vốn (Capital Budgeting), Bạn cần hiểu rõ các thuật ngữ như:

  • Net present value (NPV) (giá trị hiện tại thuần)
  • Internal rate of return (IRR) (tỷ lệ hoàn vốn nội bộ)
  • Capital expenditure (CapEx) (chi tiêu vốn)

Các khái niệm khác như sunk cost (chi phí chìm), incremental cash flow (dòng tiền gia tăng), và opportunity cost (chi phí cơ hội) cũng thường xuyên xuất hiện trong phân tích tài chính.

Chính sách cổ tức (Dividend Policy) Đây cũng là một lĩnh vực quan trọng, với các thuật ngữ như

  • Dividend payout ratio (tỷ lệ chi trả cổ tức)
  • Dividend yield (tỷ suất cổ tức)
  • Share repurchase (mua lại cổ phiếu)

Hiểu rõ về ex-dividend date (ngày không hưởng quyền), record date (ngày chốt danh sách cổ đông), và payment date (ngày thanh toán) giúp bạn phân tích chính sách cổ tức của doanh nghiệp.

Quản trị doanh nghiệp (Corporate Governance) Những khái niệm sau sẽ giúp bạn hiểu rõ vai trò của quản trị trong việc tối ưu hóa giá trị cho cổ đông và các bên liên quan.

  • Board of directors (hội đồng quản trị)
  • Fiduciary duty (nghĩa vụ ủy thác)
  • Shareholder rights (quyền của cổ đông)
  • ESG (môi trường, xã hội, và quản trị)
  • Đọc tài liệu học thuật

Giáo trình chính thức của Viện CFA (CFA Program Curriculum) là tài liệu quan trọng nhất trong quá trình học bằng CFA. Nội dung giáo trình được thiết kế chi tiết, với các khái niệm tài chính doanh nghiệp từ cơ bản đến nâng cao, được trình bày dưới dạng học thuật nhưng vẫn đảm bảo tính thực tiễn.

Ngoài ra, giáo trình còn cung cấp lý thuyết đi kèm các ví dụ minh họa và bài tập thực hành, giúp bạn nắm vững các khái niệm như cấu trúc vốn, ngân sách vốn, và quản trị doanh nghiệp. Việc đọc kỹ giáo trình sẽ giúp bạn hiểu rõ cách thức các khái niệm tài chính doanh nghiệp liên quan đến các phần khác của chương trình CFA.

Principles of Corporate FinanceRichard Brealey, Stewart Myers, và Franklin Allen được coi là một tài liệu kinh điển về tài chính doanh nghiệp, cuốn sách này cung cấp nền tảng lý thuyết sâu rộng và các ứng dụng thực tế trong lĩnh vực quản trị tài chính.

Sách Principles of Corporate Finance

Các chương trong sách tập trung vào các chủ đề như giá trị thời gian của tiền, ngân sách vốn, chính sách cổ tức, và phân tích rủi ro. Ngoài ra, tài liệu này còn mở rộng kiến thức về quản trị doanh nghiệp và phân tích tài chính, giúp bạn hiểu rõ hơn cách các doanh nghiệp ra quyết định tài chính. 

Xem thêm: Tổng hợp bộ giáo trình CFA “gối đầu giường” cho người mới bắt đầu

2. Tỷ trọng của môn Corporate Issuers trong đề thi CFA

Môn Corporate Issuers có mặt ở hai cấp độ đầu tiên của chương trình CFA, cho thấy tầm quan trọng của việc hiểu về tài chính doanh nghiệp trong giai đoạn đầu của quá trình trở thành một nhà phân tích tài chính.

Mặc dù tỷ trọng của môn học không quá lớn so với các môn khác, nhưng số lượng câu hỏi và công thức lại khá nhiều, đặc biệt là ở Level 1. Điều này cho thấy mật độ kiến thức của môn học này là khá cao và đòi hỏi người học phải nắm vững các khái niệm và công thức một cách chắc chắn.

Level Tỷ trọng Số lượng câu hỏi Số lượng công thức
Level 1 6 – 9% khoảng 16 khoảng 40
Level 2 5 – 10% 4  đến 8 câu hoặc 1 đến 2 câu hỏi tình huống khoảng 40
Level 3 0 0 0

3. Tổng quan môn học Corporate Issuers

3.1. Trong phạm vi CFA Level 1

Môn học Corporate Issuers CFA cung cấp nền tảng quan trọng giúp người học phân tích và đánh giá hoạt động của doanh nghiệp. Nội dung môn học trong phạm vi CFA Level 1 tập trung vào ba khía cạnh chính.

  • Thứ nhất, người học sẽ hiểu rõ mô hình kinh doanh và các rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt, bao gồm rủi ro thị trường, vận hành, tài chính và pháp lý.
  • Thứ hai, môn học đi sâu vào phân tích cấu trúc sở hữu và bộ máy quản trị của doanh nghiệp, từ cơ cấu sở hữu (tập trung hoặc phân tán, sở hữu nhà nước hay tư nhân) đến vai trò và hiệu quả của các thành phần quản trị như Hội đồng quản trị, Ban điều hành và cơ chế kiểm soát nội bộ. 
  • Cuối cùng, học viên sẽ tìm hiểu cách doanh nghiệp đưa ra các quyết định huy động vốn, thông qua các kênh như phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc vay ngân hàng, cũng như cách sử dụng vốn một cách hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu tài chính. 

Thông qua môn học, người học không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn phát triển kỹ năng thực tiễn, hỗ trợ tốt cho các vai trò như nhà đầu tư, nhà phân tích tài chính hoặc nhà quản lý doanh nghiệp. Cùng đi vào chi tiết từng học phần Corporate Issuers CFA trong phạm vi level 1 ở nội dung dưới dây:

3.1.1. Organizational forms, corporate issuer features, and ownership

Các hình thức tổ chức doanh nghiệp
Các hình thức tổ chức doanh nghiệp

Học phần đầu tiên này chủ yếu cung cấp một cái nhìn tổng quan về các hình thức tổ chức doanh nghiệp, đặc điểm của các công ty phát hành cổ phiếu, và sự khác biệt giữa công ty công khai và tư nhân. Những kiến thức này giúp người học hiểu rõ hơn về cơ cấu tổ chức của các công ty và cách các hình thức này ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư, quản lý và tài chính của doanh nghiệp. 

Nội dung trong học phần này cụ thể như sau:

  • So sánh các hình thức tổ chức doanh nghiệp: Phần này giúp người học nhận diện sự khác biệt cơ bản giữa các mô hình tổ chức doanh nghiệp, như công ty cổ phần (public company), công ty trách nhiệm hữu hạn (corporation/limited companies), doanh nghiệp tư nhân, v.v., qua đó hiểu được các ưu điểm và nhược điểm của từng loại hình, cũng như cách lựa chọn mô hình phù hợp với mục tiêu kinh doanh.
  • Mô tả các đặc điểm của tổ chức phát hành cổ phiếu: Điều này liên quan đến việc hiểu các yếu tố như cơ cấu quản trị, trách nhiệm của các cổ đông, và các quy định pháp lý mà các công ty niêm yết phải tuân thủ khi phát hành cổ phiếu ra công chúng. 
  • So sánh công ty công khai và công ty tư nhân: Phần này giải thích sự khác biệt về các yếu tố như yêu cầu pháp lý, quy mô, và tính minh bạch của công ty công khai so với công ty tư nhân. Những sự khác biệt này ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư và mức độ rủi ro mà nhà đầu tư phải đối mặt.

3.1.2. Investor and other stakeholders

Investor and other stakeholders cung cấp một cái nhìn toàn diện về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các nhóm đối tượng có liên quan. Nó giúp người học hiểu rõ về các yêu cầu, động cơ và lợi ích của các bên liên quan khác nhau, từ đó có thể áp dụng các kiến thức này vào việc phân tích các quyết định đầu tư.

  • So sánh các yêu cầu tài chính và động cơ của chủ nợ và cổ đông:
    • Chủ nợ yêu cầu tài chính rõ ràng, đó là việc nhận lại vốn và lãi suất theo thỏa thuận, với động cơ chính là đảm bảo an toàn vốn và thu lợi nhuận ổn định từ việc cho vay. Chủ nợ có ưu tiên trong việc thu hồi nợ khi doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính.
    • Cổ đông (Shareholder) mong muốn nhận cổ tức và hưởng lợi từ việc tăng giá trị cổ phiếu. Họ có động cơ dài hạn hơn trong việc thúc đẩy sự phát triển và gia tăng giá trị công ty, đồng thời tham gia vào các quyết định quản lý doanh nghiệp.
  • Sự khác biệt cơ bản: Chủ nợ là người cho vay và có quyền ưu tiên thu hồi nợ trong khi cổ đông là chủ sở hữu, chia sẻ cả lợi nhuận và rủi ro.
  • Mô tả các nhóm cổ đông của một công ty và so sánh lợi ích
    • Các bên liên quan trong doanh nghiệp bao gồm các nhóm cá nhân hoặc tổ chức có quyền lợi trong hoạt động của doanh nghiệp. Căn cứ vào lý thuyết cổ đông, mối quan tâm chính của quản trị doanh nghiệp là lợi ích của cổ đông, với mục tiêu tối đa hóa giá trị vốn chủ sở hữu.
    • Ngược lại, theo lý thuyết các bên liên quan, quản trị doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến cổ đông mà còn phải quản lý xung đột lợi ích giữa các nhóm khác nhau như nhân viên, nhà cung cấp, nhà điều hành.

Các bên liên quan (stakeholders) gồm có: Hội đồng quản trị, Các giám đốc điều hành, cổ đông, chủ nợ, nhân viên, nhà cung cấp,….  Mỗi nhóm cổ đông có động cơ và lợi ích riêng biệt.

Lợi ích của nhóm Quản trị

Tuy mang theo động cơ và lợi ích riêng, nhưng tổng quát mục tiêu chung là phát triển bền vững của công ty. Sự khác biệt giữa các nhóm cổ đông sẽ ảnh hưởng đến quyết định và chiến lược công ty.

  • Mô tả các yếu tố ESG trong quyết định đầu tư

Các yếu tố ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) ngày càng trở nên quan trọng đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh cổ đông và chủ nợ chú trọng đến tác động môi trường và xã hội của các khoản đầu tư. Chính phủ cũng đang ngày càng thúc đẩy các chính sách nhằm bảo vệ môi trường và xã hội, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu ESG nghiêm ngặt hơn.

  • Các yếu tố môi trường – Environmental: bao gồm những vấn đề như biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và nước, hiệu suất năng lượng, và quản lý chất thải. Doanh nghiệp có thể đối mặt với các rủi ro vật chất từ những thay đổi này, cũng như rủi ro chuyển đổi từ các quy định môi trường nghiêm ngặt hơn. 
  • Đối với yếu tố xã hội – Social: doanh nghiệp cần quan tâm đến quyền lợi của khách hàng, bảo mật thông tin, sự hài lòng của khách hàng và các mối quan hệ với nhân viên và cộng đồng. Các biện pháp giảm thiểu rủi ro xã hội sẽ giúp tăng năng suất, giảm tỷ lệ nghỉ việc và tăng sự trung thành của khách hàng.
  • Yếu tố quản trị – Governance: bao gồm cấu trúc quản trị, sự độc lập của hội đồng quản trị, thù lao giám đốc điều hành, và các biện pháp kiểm tra tham nhũng. Một hệ thống quản trị tốt sẽ giúp đảm bảo doanh nghiệp hoạt động minh bạch, hợp pháp và vì lợi ích của cổ đông.

Xem thêm: Chứng nhận CFA ESG – Đón đầu xu thế đầu tư bền vững thế giới

3.1.3. Corporate governance: Conflicts, mechanisms, risks and benefit

Module này mô tả mối quan hệ giữa người ủy thác – người thừa hành và các xung đột có thể xảy ra giữa các bên liên quan. Đồng thời, nó cũng sẽ mô tả những rủi ro tiềm ẩn và phương pháp để xử lý những vấn đề này, cụ thể là:

  • Mô tả khái niệm quản trị doanh nghiệp và các cơ chế để quản trị mối quan hệ giữa các bên liên quan và cách giảm thiểu rủi ro liên quan
  • Mô tả những rủi ro tiềm ẩn của việc yếu kém trong quản trị doanh nghiệp và quản lý các bên liên quan; cũng như các lợi ích đến từ việc quản trị hiệu quả

3.1.4. Working capital and liquidity

Học phần thứ 4 nằm trong môn học Corporate Issuers CFA trong phạm vi chương trình CFA Level 1 là Working capital and liquidity. Module tập trung vào quản lý vốn lưu động (work capital) và tính thanh khoản (liquidity), bao gồm các nội dung quan trọng sau:

  • Giải thích chu kỳ chuyển đổi tiền mặt (Cash Conversion Cycle) và so sánh chu kỳ chuyển đổi tiền mặt của các nhà phát hành

Chu kỳ chuyển đổi tiền mặt đo lường thời gian trung bình mà một đồng tiền phải trải qua từ khi doanh nghiệp chi tiền để nhập nguyên liệu, hàng hóa, dịch vụ cho đến khi thu được tiền từ khách hàng.

Chu kỳ này bao gồm ba giai đoạn:

  1. Dự trữ hàng tồn kho
  2. Thời gian khách hàng trả tiền cho hàng hóa hoặc dịch vụ (công nợ phải thu)
  3. Thời gian công nợ phải trả cho nhà cung cấp.

CCC (Chu kỳ chuyển đổi tiền mặt)

Một chu kỳ chuyển đổi tiền mặt ngắn cho thấy doanh nghiệp có khả năng thu hồi vốn nhanh chóng, tức là quản lý vốn lưu động hiệu quả. Ngược lại, chu kỳ dài cho thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong quản lý các giai đoạn này, dẫn đến việc tiền mặt bị giữ lâu trong các khoản phải thu hoặc tồn kho.

  • Giải thích tính thanh khoản và so sánh các mức độ thanh khoản của các nhà phát hàn 

Tính thanh khoản phản ánh khả năng của doanh nghiệp trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn bằng tài sản có thể nhanh chóng chuyển đổi thành tiền mặt, chẳng hạn như tiền mặt, các khoản tương đương tiền hoặc các khoản đầu tư ngắn hạn.

Các chỉ số tài chính như tỷ lệ hiện tại (Current Ratio) và tỷ lệ nhanh (Quick Ratio) được sử dụng để đo lường mức độ thanh khoản của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có tính thanh khoản cao sẽ dễ dàng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn mà không gặp khó khăn.

  • Mô tả mục tiêu của các nhà phát hành và so sánh các phương pháp quản lý vốn lưu động và tính thanh khoản

Các doanh nghiệp cần duy trì một mức vốn lưu động hợp lý để đảm bảo hoạt động liên tục và tối ưu hóa lợi nhuận. Quản lý vốn lưu động tốt giúp doanh nghiệp không bị chôn vốn quá nhiều trong các khoản phải thu hay hàng tồn kho.

Các phương pháp như quản lý tồn kho, kiểm soát công nợ phải thu và quản lý công nợ phải trả giúp doanh nghiệp duy trì sự cân bằng giữa thanh khoản và hiệu quả sử dụng vốn.

3.1.5. Capital investment and capital allocation

Giới thiệu các loại hình đầu tư vốn

Module 5 trong chương trình CFA Level 1 về Capital Investment and Capital Allocation cung cấp những kiến thức quan trọng liên quan đến đầu tư và phân bổ vốn. 

  • Đầu tiên, giới thiệu về các loại hình đầu tư vốn.

Các dạng đầu tư vốn có thể bao gồm dự án mở rộng, dự án hỏa động liên tục, dự án của chính phủ và các dự án khác. Mỗi loại dự án đầu tư vốn mang đến những mục tiêu khác nhau như thay thế tài sản cũ, mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm mới hay bảo trì cơ sở hạ tầng hiện có. 

  • Thứ hai, phân tích quy trình phân bổ vốn, bao gồm việc đo lường giá trị hiện tại ròng (NPV), tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR), và lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC), cùng với việc làm rõ ưu điểm và hạn chế của từng phương pháp này trong việc phân bổ vốn.
    • NPV là phương pháp phổ biến đánh giá giá trị của dự án bằng cách xác định giá trị hiện tại của dòng tiền so với chi phí đầu tư ban đầu, giúp chỉ ra xem dự án có tạo ra giá trị gia tăng hay không.
    • IRR, tỷ lệ chiết khấu làm cho NPV bằng 0, giúp so sánh các dự án nhưng có thể gặp vấn đề khi dòng tiền không đồng nhất.
    • ROIC đo lường khả năng sinh lời của một dự án, nhưng không phản ánh đầy đủ tác động của dòng tiền theo thời gian như NPV. 

Phân tích quy trình phân bổ vốn

  • Thứ ba, trình bày các nguyên tắc cơ bản trong phân bổ vốn và chỉ ra những sai lầm phổ biến trong quá trình phân bổ vốn.

Các nguyên tắc cơ bản trong phân bổ vốn nhằm tối đa hóa giá trị công ty cho cổ đông, tuy nhiên, có những cạm bẫy như tính bảo thủ, sự thiên lệch trong đánh giá rủi ro hay áp lực ngắn hạn có thể dẫn đến quyết định đầu tư sai lầm. 

  • Cuối cùng, giới thiệu các quyền chọn thực tế liên quan đến các quyết định đầu tư vốn.
    • Quyền chọn thực tế là một yếu tố quan trọng trong đầu tư vốn, giúp các công ty có sự linh hoạt trong việc điều chỉnh các quyết định đầu tư dựa trên những thay đổi trong điều kiện thị trường.
    • Các quyền chọn thực tế bao gồm quyền chọn mở rộng, trì hoãn hoặc từ bỏ dự án, giúp công ty đánh giá chính xác hơn giá trị của các dự án trong môi trường không chắc chắn.

3.1.6. Capital structure

Capital Structure là học phần thứ 6 của môn Corporate Issuers trong chương trình CFA Level 1. Module hướng dẫn học viên các khái niệm và phương pháp quan trọng liên quan đến cấu trúc vốn của doanh nghiệp. 

Cơ cấu vốn và đòn bẩy tài chính

Đầu tiên, học viên sẽ học cách tính toán và diễn giải chi phí vốn bình quân gia quyền (WACC) của một công ty, đây là chỉ số quan trọng để đánh giá chi phí vốn tổng thể khi doanh nghiệp sử dụng các nguồn vốn khác nhau như nợ và vốn chủ sở hữu. Học viên cũng sẽ tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định về cấu trúc vốn của doanh nghiệp, như mức độ rủi ro tài chính, chi phí vốn và ảnh hưởng của việc sử dụng nợ. 

Một phần quan trọng trong module này là giải thích các định lý của Modigliani-Miller (MM) về cấu trúc vốn, giúp làm rõ mối quan hệ giữa giá trị doanh nghiệp và cấu trúc vốn trong một môi trường không có thuế và chi phí phá sản. Cuối cùng, module sẽ giới thiệu về cấu trúc vốn tối ưu và cấu trúc vốn mục tiêu, giải thích cách các doanh nghiệp tìm kiếm mức độ nợ tối ưu để tối đa hóa giá trị công ty và giảm thiểu chi phí sử dụng vốn.

Có thể bạn quan tâm: Fixed Income CFA – học cách đầu tư Trái phiếu hiệu quả

3.1.7. Business models

Học phần cuối cùng trong chương trình CFA Level 1 của môn học Corporate Issuers CFA là Business models (Các mô hình kinh doanh). Học phần cung cấp cái nhìn toàn diện về các mô hình kinh doanh và cách chúng ảnh hưởng đến chiến lược và khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

Mô hình kinh doanh

Các yếu tố quan trọng trong mô hình kinh doanh bao gồm việc xác định khách hàng mục tiêu, mô tả sản phẩm/dịch vụ, chọn kênh phân phối thích hợp và áp dụng chiến lược giá phù hợp. Các doanh nghiệp có thể chọn các mô hình định giá khác nhau như phân biệt giá, định giá động, hoặc định giá theo giá trị, tùy thuộc vào tính cạnh tranh của sản phẩm và thị trường. 

Mô hình kinh doanh có thể được phân loại thành mô hình truyền thống và mô hình mới nổi.

  • Mô hình truyền thống như bán hàng trực tiếp hoặc phân phối qua đại lý đã được sử dụng rộng rãi và tạo nền tảng cho nhiều doanh nghiệp hiện nay.
  • Mô hình mới nổi, bao gồm các phương thức như hợp đồng sản xuất, nhượng quyền hoặc cấp phép, cho phép doanh nghiệp mở rộng mà không cần kiểm soát hoàn toàn việc sản xuất hoặc phân phối.

Công nghệ kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới mô hình kinh doanh, giúp cải thiện hiệu quả tiếp cận khách hàng và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới. Việc hiểu rõ các mô hình kinh doanh và chuỗi giá trị của doanh nghiệp là yếu tố then chốt để đánh giá khả năng sinh lời và đưa ra quyết định đầu tư chính xác.

3.2. Trong phạm vi CFA Level 2

Ở phạm vi CFA Level 2, môn học Corporate Issuers CFA tập trung chuyên sâu hơn vào một số khía cạnh tài chính quan trọng của doanh nghiệp. Cụ thể, học viên sẽ đi sâu vào phân tích chính sách trả cổ tức, bao gồm cách doanh nghiệp lựa chọn phương thức trả cổ tức và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định này, như dòng tiền, nhu cầu đầu tư và kỳ vọng của cổ đông.

3.2.1. Analysis of dividends and share repurchases

Mở đầu môn học Corporate Issuers CFA trong phạm vi level 2 CFA là học phần “Analysis of dividends and share repurchases – Phân tích cổ tức và mua lại cổ phiếu“. Học phần này có phạm vi nội dung khá rộng, bao phủ nhiều khía cạnh khác nhau, vì vậy cần một khoảng thời gian đáng kể để học viên có thể tiếp thu và hiểu rõ các nội dung một cách đầy đủ.

Module sẽ giúp học viên hiểu rõ các tác động của các chính sách cổ tức khác nhau đối với tài sản của cổ đông và các tỷ số tài chính của công ty. Nội dung môn học bao gồm:

  • So sánh các lý thuyết về chính sách cổ tức và giải thích tác động của chúng đối với giá trị cổ phiếu
  • Phân tích các tín hiệu mà hành động khởi xướng, tăng, giảm hoặc bỏ qua cổ tức có thể truyền tải.
  • Chi phí đại lý và cách chúng ảnh hưởng đến chính sách cổ tức, cùng với các yếu tố thực tế ảnh hưởng đến chính sách này.

Tỷ số tài chính (Financial Ratio)

Bên cạnh đó, học viên sẽ được đào tạo về các hệ thống thuế và tác động của thuế suất hiệu quả đối với cổ tức và thu nhập doanh nghiệp, so sánh các loại cổ tức (ổn định và không đổi), phân tích xu hướng trong chính sách trả cổ tức của doanh nghiệp, và so sánh các phương pháp mua lại cổ phiếu.

Học phần này cũng sẽ giải thích sự lựa chọn giữa trả cổ tức tiền mặt và mua lại cổ phiếu, cùng với việc tính toán các tỷ số bao phủ cổ tức, dựa trên thu nhập ròng và dòng tiền tự do.

Có thể bạn quan tâm: Chinh phục Quantitative Methods CFA – môn học về phương pháp định lượng

3.2.2. Environmental, Social, and Governance considerations in investment analysis

Module 2 của môn Corporate Issuers CFA trong Level 2 có tên Environmental, Social, and Governance considerations in investment analysis. Học phần tập trung vào việc hiểu và áp dụng các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong phân tích đầu tư.

Trong phần này, chúng ta sẽ xem xét các cơ cấu sở hữu, từ sở hữu tập trung (Concentrated ownership) đến sở hữu phân tán (Dispersed ownership), và những xung đột lợi ích có thể xảy ra từ đó.

Ví dụ, khi quyền sở hữu phân tán nhưng quyền biểu quyết lại tập trung, cổ đông kiểm soát có thể ưu tiên lợi ích cá nhân, gây xung đột với cổ đông thiểu số.

Các yếu tố ESG có ý nghĩa trong việc đánh giá tác động lâu dài của một công ty, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định đầu tư.

  • Môi trường, xã hội và quản trị công ty đều có ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, từ việc quản trị doanh nghiệp tốt đến các vấn đề môi trường và xã hội
  • Các nhà phân tích cần sử dụng các phương pháp độc quyền, dữ liệu từ các nhà cung cấp dữ liệu ESG, hoặc thông tin từ các tổ chức ngành để xác định và đánh giá các yếu tố ESG.

Green Washing

Ngoài ra, khi phân tích chứng khoán, đặc biệt là chứng khoán nợ và chứng khoán vốn, nhà phân tích cần tích hợp các yếu tố ESG vào các mô hình định giá, dự báo tài chính, và điều chỉnh các báo cáo tài chính. Các vấn đề như “Green Washing” trong các trái phiếu xanh là một ví dụ điển hình cho việc thiếu sự minh bạch trong các dự án môi trường.

Cũng giống như vậy, ở cấp độ danh mục đầu tư, việc tích hợp các yếu tố ESG không chỉ giúp xây dựng chiến lược đầu tư bền vững mà còn góp phần quản trị rủi ro và tối ưu hóa danh mục.

3.2.3. Cost of capital: Advanced topics

Học phần “Cost of Capital: Advanced Topics” trong môn Corporate Issuers thuộc phạm vi Level 2 CFA cung cấp cho học viên kiến thức về các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí vốn thông qua hai cách tiếp cận từ trên xuống (Top-down) và từ dưới lên (Bottom-up). 

Phương pháp đầu tư top down bottom up

  • Bên cạnh đó, học viên sẽ học cách so sánh các phương pháp khác nhau để ước tính phần bù rủi ro vốn cổ phần và hiểu rõ các cách tiếp cận, bao gồm cả phương pháp dựa trên dữ liệu lịch sử (Historical approach) và dự báo tương lai, nhằm ước tính phí bảo hiểm rủi ro vốn chủ sở hữu. 
  • Chương trình còn đi sâu vào việc so sánh các phương pháp xác định lợi suất yêu cầu đối với vốn chủ sở hữu, cũng như cách tính toán chi phí nợ hoặc lợi suất yêu cầu cho các công ty đại chúng và tư nhân.
  • Cuối cùng, học viên sẽ được hướng dẫn phân tích và đánh giá cấu trúc vốn cũng như chi phí vốn của một công ty trong mối quan hệ so sánh với các đối thủ cùng ngành

3.2.4. Corporate Restructuring

Tái cấu trúc doanh nghiệp – Corporate Restructuring là module cuối cùng của môn Corporate Issuers CFA trong phạm vi level 2. Corporate Restructuring được thực hiện theo từng giai đoạn của vòng đời, tùy thuộc vào mục tiêu và tình hình kinh doanh. Các hoạt động tái cấu trúc được chia thành ba loại chính.

  • Thứ nhất là đầu tư (Investment), bao gồm các hành động nhằm mở rộng quy mô hoặc phạm vi hoạt động của doanh nghiệp.
  • Thứ hai là thoái vốn (Divestment), tức là thu hẹp quy mô hoặc loại bỏ những mảng kinh doanh không hiệu quả để tập trung vào các hoạt động cốt lõi.
  • Cuối cùng là tái cấu trúc (Restructuring), tập trung vào cải thiện cơ cấu chi phí và tài chính để tăng lợi nhuận, đẩy nhanh tăng trưởng và giảm rủi ro.

Động lực để doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc có thể đến từ nội tại hoặc bên ngoài.

Động lực  Yếu tố 
Động lực nội tại Bao gồm các yếu tố như nhu cầu tăng trưởng, khai thác cộng hưởng về chi phí hoặc doanh thu, cải thiện lợi nhuận trên vốn, hoặc đảm bảo nguồn lực.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể thực hiện tái cấu trúc để đáp ứng nhu cầu thanh khoản hoặc tận dụng cơ hội mua lại tài sản bị định giá thấp.

Yếu tố bên ngoài Giá cổ phiếu cao, chi phí vốn thấpcú sốc ngành thường thúc đẩy các quyết định tái cấu trúc.

Những yếu tố này phản ánh niềm tin của ban lãnh đạo và áp lực từ thị trường, khiến các hoạt động tái cấu trúc thường diễn ra theo chu kỳ kinh tế.

Có nhiều loại hình tái cấu trúc khác nhau, mỗi loại phục vụ mục tiêu riêng của doanh nghiệp.

Loại hình tái cấu trúc Phương pháp
Đầu tư Đây là hình thức phổ biến để mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các phương pháp bao gồm đầu tư vốn cổ phần (dưới 50% cổ phần, giữ tính độc lập giữa các bên), liên doanh (thành lập công ty mới với sự kiểm soát chung), và mua lại (giành quyền kiểm soát toàn bộ hoặc phần lớn tài sản của công ty mục tiêu).
Thoái vốn Loại hình này hường được thực hiện để tập trung nguồn lực hoặc cải thiện tình hình tài chính thông qua các phương pháp như bán (chuyển nhượng toàn bộ một mảng kinh doanh) hoặc spin-off (tách riêng một bộ phận thành công ty độc lập).

Tái cấu trúc còn bao gồm các hoạt động nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động và cơ cấu tài chính. Doanh nghiệp có thể áp dụng các phương pháp như tái cấu trúc chi phí (tăng hiệu quả thông qua outsourcing và offshoring) hoặc tái cấu trúc bảng cân đối (áp dụng chiến lược bán – cho thuê lại hoặc tái cấp vốn cổ tức). Đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, tái cấu trúc phá sản là giải pháp để giảm nợ và tiếp tục hoạt động dưới sự giám sát của tòa án.

4. Những kỹ năng sẽ đạt được từ môn học

Hiểu biết sâu sắc về môn học Corporate Issuers CFA là nền tảng quan trọng trong việc đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả. Nó cho phép nhà đầu tư nắm bắt rõ ràng các khía cạnh tài chính và chiến lược của doanh nghiệp, từ đó xây dựng những chiến lược đầu tư phù hợp và tối ưu hóa lợi ích.

  • Trước hết, kiến thức này giúp nhà đầu tư đánh giá chính xác giá trị của doanh nghiệp. Nhờ đó, họ có thể tránh các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp bị định giá sai, bảo đảm dòng vốn được sử dụng một cách hợp lý và mang lại giá trị cao nhất.
  • Bên cạnh đó, nó hỗ trợ nhà đầu tư nhận diện các cơ hội đầu tư hấp dẫn, bằng cách tìm kiếm các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và khả năng sinh lời cao. Đây là bước quan trọng để tận dụng các cơ hội trên thị trường và đạt được lợi thế cạnh tranh.
  • Cuối cùng, kiến thức môn Corporate Issuers giúp nhà đầu tư quản lý và giảm thiểu rủi ro đầu tư thông qua việc đánh giá cẩn thận các yếu tố rủi ro của từng doanh nghiệp.

5. Một vài kinh nghiệm học tập, ôn luyện thi môn học Corporate Issuers

5.1. Hiểu rõ cấu trúc, tỷ trọng môn học và phân bổ thời gian ôn tập hợp lý

Môn Corporate Issuers (Tài chính doanh nghiệp) chiếm 8-12% tỷ trọng trong kỳ thi CFA Level I. Nội dung môn học bao gồm các chủ đề quan trọng như cơ cấu vốn, ngân sách vốn, chính sách cổ tức, và quản trị doanh nghiệp.

Kinh nghiệm học môn Corporate Issuers CFA

  • Để đạt kết quả tốt, người học nên dành 8-12% tổng thời gian học tập, tương đương với khoảng 24-36 giờ học tập cho môn này.
  • Mặc dù môn Corporate Issuers không yêu cầu quá nhiều tính toán phức tạp, nhưng lại đòi hỏi bạn hiểu sâu các khái niệm cốt lõi và mối quan hệ giữa cơ cấu vốn, chính sách cổ tức, và quản trị doanh nghiệp.

Chiến lược ôn tập hiệu quả nên tập trung vào việc hiểu bản chất của các khái niệm thay vì chỉ ghi nhớ lý thuyết.

  • Nắm vững kiến thức sẽ giúp bạn dễ dàng kết nối các kiến thức áp dụng vào bối cảnh thực tế.
  • Bên cạnh đó, việc sử dụng tài liệu ôn tập, bài kiểm tra ngắn, và ngân hàng câu hỏi sẽ hỗ trợ bạn củng cố kiến thức, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn.

5.2. Xác định các phương pháp học tập phù hợp

Mỗi học viên đều có thói quen và phong cách học tập riêng, do đó việc lựa chọn phương pháp học phù hợp sẽ giúp tối ưu hóa khả năng tiếp thu và ghi nhớ kiến thức. Dưới đây là một số gợi ý để bạn có thể áp dụng trong quá trình chuẩn bị trước buổi học, trong buổi học và sau buổi học nhằm đạt hiệu quả cao nhất:

Thời điểm Phương pháp học
Trước buổi học
  • Tổng quan bài giảng: Xem qua mục tiêu học tập (LOS) và sườn nội dung của bài học để có cái nhìn toàn diện về kiến thức sẽ được truyền đạt.
  • Thuật ngữ chuyên ngành: Nếu tiếng Anh không phải thế mạnh của bạn, hãy chủ động tra cứu và ghi chú nghĩa tiếng Việt của các thuật ngữ quan trọng. Việc chuẩn bị này có thể thực hiện trực tiếp trên slide bài giảng để thuận tiện cho việc theo dõi.
  • Chi tiết bài giảng: Đọc trước nội dung bài học và ghi lại những phần bạn cảm thấy khó hiểu hoặc cần làm rõ hơn. Những ghi chú này sẽ giúp bạn dễ dàng trao đổi với giảng viên trong buổi học để nắm vững kiến thức hơn.
Trong buổi học
  • Ghi chú bài giảng: Hãy ghi chú ngắn gọn những điểm quan trọng và cách hiểu của bản thân đối với mỗi phần kiến thức được giảng dạy. Điều này giúp bạn không chỉ ghi nhớ thông tin mà còn làm rõ các khái niệm theo cách dễ hiểu và dễ tiếp thu nhất.
  • Thảo luận và phân tích: Tích cực đặt câu hỏi tương tác với giảng viên về những phần chưa rõ ràng hoặc cần làm rõ thêm, đặc biệt là các phần bạn đã xác định trong quá trình chuẩn bị trước buổi học. Điều này giúp củng cố kiến thức và tạo cơ hội để ứng dụng vào thực tế.
  • Xác định mức độ ưu tiên: Chủ động làm rõ với giảng viên những điểm kiến thức trọng tâm, những yếu tố nền tảng mà bạn cần nắm vững để có thể phân bổ thời gian ôn tập hợp lý sau buổi học. Việc này giúp bạn không bị quá tải và tập trung vào những khía cạnh quan trọng nhất.
Sau buổi học
  • Phân bổ thời gian: Thời gian ôn tập cần được phân bổ dựa trên mức độ trọng tâm của mỗi phần kiến thức, đặc biệt chú ý đến những phần có nền tảng quan trọng và phức tạp. Các phần kiến thức này có thể được xác định ngay trong buổi học để đảm bảo tập trung vào những chủ đề cần thiết.
  • Rà soát: sử dụng checklist để Rà soát lại kiến thức là một cách hiệu quả để kiểm tra nhanh xem học viên đã hiểu rõ các nội dung đã học chưa. Các điểm kiến thức quan trọng cần được liệt kê trong danh sách và nhanh chóng kiểm tra lại nếu có phần nào chưa rõ, giúp giảm thiểu việc quên sót các khái niệm cơ bản.
  • Tổng hợp:
    • Học viên có thể khái quát hóa lại các khái niệm và tạo mối liên kết giữa các điểm kiến thức trong từng module bài học bằng cách tạo mindmap. 
    • Đây là cách hiệu quả để hiểu sâu và có cái nhìn tổng quan, đặc biệt là khi chương trình CFA có khối lượng kiến thức rất lớn.
  • Ghi nhớ: học viên nên tạo flashcards cho các công thức và thuật ngữ chính.
    • Flashcards giúp học viên ôn lại và củng cố nhanh chóng các thông tin quan trọng. Việc ôn lại thường xuyên là cách tốt để ghi nhớ lâu dài.
    • Ngoài ra, học viên cũng có thể sử dụng tính năng Flashcards trên Learning Ecosystem của Viện CFA để cải thiện quá trình ôn tập.
  • Luyện tập: Để củng cố và kiểm tra mức độ hiểu bài, bạn có thể luyện tập thông qua các bài tập từ nguồn CurriculumQuestion bank.
    • Việc này giúp bạn củng cố lại các kiến thức đã học và nhanh chóng nhận diện các lỗ hổng kiến thức, từ đó ôn tập lại nếu cần thiết.
    • Để thuận tiện hơn trong việc theo dõi tiến độ, bạn có thể sử dụng tính năng Practice (thay thế câu hỏi Curriculum) trên Learning Ecosystem.

6. Các lĩnh vực trong ngành Đầu tư áp dụng Corporate Issuers CFA

Môn học Corporate Issuers CFA cung cấp kiến thức nền tảng về cấu trúc vốn, định giá doanh nghiệp, và chiến lược tài chính. Những kiến thức này được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau của ngành đầu tư, cụ thể:

Lĩnh vực  Ứng dụng 
Quản lý danh mục đầu tư (Portfolio Management)
  • Phân bổ vốn (Capital Allocation):
    • Đánh giá các công ty trong danh mục dựa trên cấu trúc vốn, chiến lược tăng trưởng và khả năng tạo dòng tiền.
  • Định giá cổ phiếu (Equity Valuation):
    • Sử dụng các mô hình định giá như DCF hoặc Multiples để xác định giá trị nội tại của cổ phiếu.
  • Phân tích rủi ro tài chính:
    • Đánh giá tác động của cấu trúc nợ và vốn chủ sở hữu lên mức độ rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng.

Lợi ích: Giúp nhà quản lý danh mục đầu tư đưa ra quyết định chọn hoặc loại bỏ tài sản một cách chính xác, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận.

Tài chính doanh nghiệp (Corporate Finance)
  • Hoạch định cấu trúc vốn (Capital Structure Planning):
    • Tối ưu hóa tỷ lệ nợ và vốn chủ sở hữu để giảm chi phí vốn.
  • Ra quyết định tài trợ (Financing Decisions):
    • Lựa chọn giữa phát hành cổ phiếu, trái phiếu, hoặc vay vốn dựa trên chi phí và tác động đến giá trị doanh nghiệp.
  • Chiến lược cổ tức (Dividend Policy):
    • Đánh giá tác động của chính sách cổ tức lên giá trị cổ phiếu và mối quan hệ với cổ đông.

Lợi ích: Hỗ trợ các CFO hoặc chuyên viên tài chính đưa ra chiến lược tối ưu hóa vốn và gia tăng giá trị doanh nghiệp.

Mua bán và sáp nhập (Mergers and Acquisitions – M&A)
  • Định giá doanh nghiệp (Valuation):
    • Phân tích giá trị doanh nghiệp mục tiêu và tính toán giá trị cộng hưởng (synergy) của thương vụ.
  • Tái cấu trúc tài chính (Financial Restructuring):
    • Thiết kế cấu trúc tài chính sau sáp nhập để phù hợp với chiến lược tăng trưởng mới.
  • Thẩm định pháp lý và quản trị (Due Diligence):
    • Đánh giá quản trị doanh nghiệp, khả năng sinh lời, và rủi ro pháp lý của công ty mục tiêu.

Lợi ích: Tối ưu hóa hiệu quả của các thương vụ M&A và giảm thiểu rủi ro từ quá trình sáp nhập.

Phân tích chứng khoán (Equity Research)
  • Phân tích tài chính (Financial Analysis):
    • Đánh giá báo cáo tài chính của doanh nghiệp để xác định khả năng sinh lời và rủi ro.
  • Dự báo hiệu quả tài chính (Forecasting):
    • Sử dụng các mô hình phân tích để dự đoán dòng tiền và lợi nhuận trong tương lai.
  • Đánh giá năng lực quản lý:
    • Phân tích chiến lược tài chính và quyết định của ban lãnh đạo để đưa ra khuyến nghị đầu tư.

Lợi ích: Giúp các nhà phân tích cung cấp khuyến nghị đầu tư chính xác và thuyết phục.

Quản lý rủi ro (Risk Management)
  • Đánh giá khả năng thanh toán (Liquidity Analysis):
    • Phân tích cấu trúc vốn và khả năng doanh nghiệp trả nợ trong điều kiện biến động.
  • Rủi ro tài trợ (Financing Risk):
    • Xác định rủi ro liên quan đến việc sử dụng nợ vay hoặc vốn cổ phần.
  • Phân tích độ nhạy (Sensitivity Analysis):
    • Đánh giá tác động của biến động lãi suất, dòng tiền, và cấu trúc vốn đến khả năng hoạt động của doanh nghiệp.

Lợi ích: Giúp các nhà quản lý rủi ro đưa ra chiến lược phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro tài chính.

Đầu tư cổ phần tư nhân (Private Equity)
  • Định giá doanh nghiệp chưa niêm yết:
    • Sử dụng mô hình định giá phù hợp để xác định giá trị nội tại của các công ty tư nhân.
  • Xây dựng chiến lược tăng trưởng:
    • Phân tích chiến lược sử dụng vốn để tối đa hóa giá trị đầu tư.
  • Chiến lược thoái vốn (Exit Strategy):
    • Lập kế hoạch bán cổ phần hoặc phát hành IPO dựa trên cấu trúc vốn và thị trường.

Lợi ích: Giúp các nhà đầu tư PE tối ưu hóa lợi nhuận từ các khoản đầu tư tư nhân.

Quản lý quỹ đầu tư (Asset Management)
  • Chiến lược đầu tư dài hạn:
    • Phân tích chiến lược tài chính của các công ty để lựa chọn tài sản phù hợp cho quỹ đầu tư.
  • Cân đối rủi ro và lợi nhuận:
    • Sử dụng các phân tích tài chính để xây dựng danh mục cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận.

Lợi ích: Đảm bảo hiệu quả hoạt động và sự bền vững của các quỹ đầu tư.

7. Tạm kết

Kiến thức từ môn Corporate Issuers có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực trong ngành tài chính đầu tư, từ quản lý danh mục đầu tư, tài chính doanh nghiệp, M&A, đến quản lý quỹ và phân tích rủi ro. Với mỗi lĩnh vực, người học CFA có thể khai thác các công cụ và phương pháp phân tích để đưa ra quyết định chiến lược và gia tăng giá trị đầu tư.

Liên hệ với SAPP qua Fanpage hoặc Website nếu cần bất cứ hỗ trợ nào nhé!

Chia sẻ
Chia sẻ
Sao chép
Bài viết liên quan
Top 5 trung tâm uy tín học CFA ở Đà Nẵng theo lộ trình cá nhân hóa

Những học viên sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng gặp phải nhiều trở...

Nên học CFA khi nào? – Sinh viên có nên học CFA?

“Nên học CFA khi nào? Khi còn là sinh viên, ngay sau khi tốt nghiệp,...

#1 Profitability ratios là gì? Định nghĩa và ví dụ | SAPP

Phân tích Profitability ratios (các chỉ số lợi nhuận) là 1 trong những cơ sở...

#1 Dòng Tiền Tự Do (FCF) Cho Doanh Nghiệp Là Gì? | SAPP

Khi các nhà đầu tư đánh giá sức khoẻ của một doanh nghiệp, để tránh...

Học CFA ở đâu TPHCM? Review chi tiết 6 trung tâm top đầu

Nên học CFA ở đâu TPHCM? Lựa chọn được một trung tâm đào tạo uy...

​​​​​​​Quy tắc 72 là gì? Công thức đầu tư đơn giản để đạt tự do tài chính

Bạn đã từng nghe đến Quy tắc 72 trong lĩnh vực đầu tư tài chính...

Đầu tư Online có an toàn không? Hạn chế rủi ro đầu tư Online

Trong thời đại số hóa, đầu tư online trở nên phổ biến và liệu có...

Top 5 Đại học đào tạo chuyên ngành chứng khoán tại Việt Nam

Khi quyết định theo đuổi chuyên ngành Chứng Khoán, chọn một trường chất lượng cao...