Finance Manager vs CFO: Ai Là Người Nắm Quyền Kiểm Soát Tài Chính Doanh Nghiệp?
Finance Manager và CFO – hai vị trí quan trọng trong bộ máy tài chính doanh nghiệp, nhưng ai mới thực sự nắm quyền kiểm soát? Đây là thắc mắc phổ biến không chỉ của những người đang tìm hiểu về ngành tài chính mà còn của nhiều nhân sự trong doanh nghiệp. Việc hiểu rõ sự khác biệt về vai trò và quyền hạn của Finance Manager và CFO không chỉ giúp xác định thứ bậc trong cấu trúc tổ chức mà còn mang lại góc nhìn rõ ràng hơn cho lộ trình sự nghiệp. Hãy cùng SAPP Academy khám phá chi tiết qua bài viết dưới đây!
Nhắc lại khái niệm Finance Manager và CFO
Finance Manager là gì?
Finance Manager là vị trí quản lý cấp trung trong doanh nghiệp chịu trách nhiệm giám sát và quản lý các hoạt động tài chính trong ngắn hạn và trung hạn. Với vai trò của mình, Finance Manager thường làm việc trực tiếp với lãnh đạo các phòng ban, CFO và ban giám đốc.
CFO là gì?
CFO (Chief Financial Officer) là vị trí điều hành tài chính cao nhất trong doanh nghiệp, thường là thành viên của ban điều hành hoặc ban lãnh đạo công ty. Vai trò của vị trí này tập trung vào việc xây dựng chiến lược tài chính trong dài hạn cho doanh nghiệp.
Do tính chất vị trí cấp cao, CFO thường làm việc mật thiết với CEO và ban lãnh đạo của công ty để đảm bảo kế hoạch và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phù hợp với các định hướng được đưa ra.
So sánh giữa hai vị trí Finance Manager và CFO
Vai trò, nhiệm vụ chính của vị trí Finance Manager và CFO
Đều là vị trí quản lý tài chính trong doanh nghiệp, chắc chắn giữa Finance Manager vs CFO vẫn sẽ có sự chồng chéo trong trách nhiệm và vai trò khi thực thi nhiệm vụ quản lý tài chính. Tuy nhiên, phần lớn vai trò và chức năng sẽ được phân chia rõ ràng và cụ thể. Dưới đây là bảng so sánh giữa hai vị trí Finance Manager và CFO.
Tiêu chí | CFO | Finance Manager |
Cấp bậc | Cấp lãnh đạo cao nhất trong bộ phận Tài chính, báo cáo lên CEO và ban điều hành | Quản lý cấp trung, báo cáo lên CFO hoặc các lãnh đạo cấp cao khác |
Vai trò | Xây dựng chiến lược tài chính dài hạn, đảm bảo sức khỏe tài chính cho doanh nghiệp. | Quản lý hoạt động tài chính mang tính chất ngắn hạn và trung hạn. |
Nhiệm vụ chính | Tập trung vào các hoạt động mang tính chiến lược của doanh nghiệp:
– Hoạch định chiến lược tài chính dài hạn, đảm bảo sức khỏe tài chính và tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp – Quản lý rủi ro, tìm kiếm cơ hội đầu tư, huy động vốn và tăng trưởng doanh nghiệp. – Tham gia phát triển mối quan hệ với các đối tác, nhà cung cấp,… |
Tập trung vào các hoạt động liên quan đến giao dịch của doanh nghiệp:
– Quản lý dòng tiền và nguồn vốn. – Phân bổ lợi nhuận hoặc thặng dư. – Kiểm soát chi phí, ngân sách và quản lý tài chính hoạt động. |
Quyết định | Các quyết định cấp cao, mang tính chiến lược và ảnh hưởng lớn tới tổ chức | Các quyết định mang tính hoạt động như quản lý tiền mặt, kiểm soát chi tiêu |
Như vậy, có thể thấy công việc của quản lý cấp trung như Finance Manager sẽ tập trung vào việc quản lý và kiểm soát dòng tiền, ngân sách, nguồn vốn, phân bổ lợi nhuận và kiểm soát chi phí trong ngắn hạn và trung hạn. Trong khi đó, quản lý cấp cao như CFO sẽ tập trung vào chiến lược tài chính tổng thể với tầm nhìn dài hạn.
Yêu cầu kỹ năng, năng lực
Finance Manager và CFO đều là các vị trí quản lý quan trọng trong doanh nghiệp, đòi hỏi sự kết hợp giữa kỹ năng chuyên môn vững vàng và năng lực quản lý toàn diện. Cả hai vị trí đều yêu cầu khả năng phân tích tài chính, tư duy chiến lược, và kỹ năng lãnh đạo để phối hợp hiệu quả với các phòng ban, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan trong và ngoài tổ chức.
Các yêu cầu về năng lực chuyên môn đối với Finance Manager và CFO
Do đều là các vị trí cấp quản lý trong lĩnh vực tài chính, Finance Manager và CFO đều cần trang bị cho mình những kỹ năng, năng lực chuyên môn liên quan đến:
- Kỹ năng phân tích tài chính:
- Phân tích báo cáo tài chính, tính toán các chỉ số tài chính quan trọng
- Lập và phân tích các mô hình tài chính và dự báo
- Hiểu sâu về các nguyên tắc kế toán và quản trị tài chính
- Tư duy quản trị:
- Hiểu sâu về ngành nghề và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp
- Nhận diện và đánh giá các rủi ro, cơ hội kinh doanh
- Liên hệ phân tích với chiến lược và mục tiêu kinh doanh
- Kỹ năng kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro:
- Kiểm soát sát sao tính minh bạch của các báo cáo, quy trình
- Quản lý rủi ro và đưa ra các cảnh báo sớm cho doanh nghiệp
- Kỹ năng công nghệ:
- Khai thác, xử lý, làm sạch, phân tích và quản trị dữ liệu
- Tự động hóa
- ERP, thích ứng với các công nghệ cập nhật
Tuy nhiên, do tính chất công việc không chỉ chỉ dừng lại ở nghiệp vụ tài chính đơn thuần, mà còn hướng đến các quyết định mang tầm chiến lược, định hướng cho tổ chức, CFO sẽ cần trang bị thêm các năng lực nghiệp vụ nâng cao bao gồm:
- Khả năng lập kế hoạch, chiến lược: Xây dựng chiến lược dài hạn cho tổ chức
- Định giá và đầu tư: Quản lý hoạt động đầu tư, định giá doanh nghiệp và xây dựng chiến lược M&A (Mergers & Acquisitions)
- Huy động vốn: Lập kế hoạch và triển khai huy động vốn từ ngân hàng, quỹ đầu tư, cổ đông
Các yêu cầu về kỹ năng mềm
Để đảm nhiệm được các vị trí cấp quản lý nói chung và quản lý trong bộ phận tài chính nói riêng, nhân sự sẽ cần trang bị cho mình các kỹ năng mềm bao gồm:
- Kỹ năng giao tiếp và trình bày: Trình bày rõ ràng, logic và thuyết phục các phân tích và đề xuất, giao tiếp hiệu quả với các bên liên quan khác nhau, khả năng viết báo cáo và tài liệu phân tích chuyên nghiệp;
- Kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề: Phân tích vấn đề một cách toàn diện và có tư duy phản biện, đưa ra giải pháp sáng tạo và các khuyến nghị hợp lý, khả năng trao đổi và giao tiếp hiệu quả;
- Kỹ năng lãnh đạo và quản lý: Quản lý đội nhóm và làm việc liên phòng ban, chỉ đạo và phát triển nhân viên, ảnh hưởng và thuyết phục các đối tác kinh doanh
- …
Các yêu cầu về bằng cấp chuyên môn
Không có yêu cầu nhất định bắt buộc phải sở hữu bằng cấp chuyên môn nào để có thể đảm nhiệm hai vị trí này. Tuy nhiên, do nhu cầu từ công việc, các kiến thức, kỹ năng cần được liên tục cập nhật và bổ sung, các vị trí cấp quản lý trong lĩnh vực tài chính rất cần theo đuổi các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế trong lĩnh vực Kế toán Quản trị – Tài chính như CMA Hoa Kỳ.
CMA Hoa Kỳ cung cấp một nền tảng vững chắc từ các kỹ năng chuyên môn như Lập chiến lược, Kế hoạch, Đánh giá hiệu suất, Báo cáo và kiểm soát, Nhạy bén trong kinh doanh và vận hành, Phân tích dữ liệu và Công nghệ,… đến các kỹ năng mềm như khả năng lãnh đạo.
Hoàn thiện CMA Hoa Kỳ, nhân sự được minh chứng cho năng lực toàn diện có thể đảm nhiệm được các vị trí quản lý. Đặc biệt, hằng năm, tổ chức IMA vẫn liên tục tổ chức các hội thảo cập nhật các kiến thức và xu hướng mới cho hội viên để đáp ứng các nhu cầu của thị trường.
Vị trí của CFO và Finance Manager trong cấu trúc doanh nghiệp
Như đã đề cập bên trên, CFO là vị trí quản lý cao nhất trong bộ phận tài chính, Finance Manager có nhiệm vụ báo cáo trực tiếp lên CFO hoặc Finance Director tùy vào cấu trúc doanh nghiệp. Dưới đây là cấu trúc bộ phận tài chính trong một doanh nghiệp mà bạn có thể tham khảo:
Doanh nghiệp có cần cả Finance Manager và CFO trong doanh nghiệp?
Câu trả lời là không! Tùy vào quy mô, cơ cấu và nhu cầu của doanh nghiệp, ban lãnh đạo có thể quyết định xem doanh nghiệp có cần cả hai vị trí Finance Manager và CFO hay không.
Các doanh nghiệp lớn và tập đoàn thường sẽ cần cả CFO và Finance Manager khi CFO không thể giám sát toàn bộ chi tiết tài chính hàng do tổ chức có độ phức tạp cao, nhiều bộ phận, dự án. Lúc này, vai trò của CFO và Finance Manager sẽ được phân tách rõ ràng giữa việc tập trung vào chiến lược dài hạn và quản lý các hoạt động tài chính thường nhật. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng cần tối ưu hóa chiến lược tài chính dài hạn song song với tăng trưởng cũng có thể tách rời hai vị trí để đảm bảo hoạt động tài chính vận hành hiệu quả.
Nếu doanh nghiệp hiện tại của bạn vừa thành lập hoặc không có nhiều giao dịch phức tạp, một CFO có thể kiêm nhiệm xử lý cả chiến lược và các hoạt động tài chính để tiết kiệm chi phí.
Mức lương và đãi ngộ cho 2 vị trí này
Mức lương Finance Manager
Theo thống kê từ VietnamSalary, mức lương cho vị trí Finance Manager trung bình đạt 51.7 triệu/tháng, mức lương trung bình cũng có sự thay đổi lớn theo số năm kinh nghiệm và có thể đạt mốc 138 triệu/tháng.
Mức lương cho vị CFO
SalaryExpert hiện đang công bố thống kê mức lương trung bình cho vị trí CFO ở mức 1.197.755.513 VND/năm, chưa kể các khoản thưởng. Con số này tương đương với mức gần 100 triệu/tháng.
Finance Manager cần gì ở CFO và ngược lại
Sự phối hợp giữa Finance Manager và CFO là chìa khóa để đảm bảo hoạt động tài chính hiệu quả và bền vững cho doanh nghiệp.
Finance Manager sẽ cần CFO:
- Đưa ra tầm nhìn và định hướng chiến lược rõ ràng để Finance Manager có thể triển khai các quyết định phù hợp;
- Định rõ các tiêu chuẩn về quy trình, báo cáo để Finance Manager có thể thực hiện được nhất quán
- Finance Manager sẽ cần được CFO trao quyền để chủ động xử lý các tác vụ tài chính hàng ngày
Về phía CFO sẽ cần Finance Manager:
- Vận hành hiệu quả, đảm bảo các quy trình, nghiệp vụ tài chính được thực hiện chính xác;
- Các báo cáo tài chính chi tiết, đáng tin cậy có thể sử dụng trong việc phân tích và ra quyết định chiến lược;
- Hỗ trợ thực thi chiến lược, triển khai các chiến lược được đưa ra, giám sát và báo cáo kết quả kịp thời;
- Chủ động phân tích dữ liệu, nhận diện rủi ro và đề xuất giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả tài chính
Mặc dù, có thể thấy Finance Manager và CFO đảm nhận những vai trò và nhiệm vụ khác nhau, cả hai vị trí đều đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành tài chính doanh nghiệp. Thay vì tách biệt hoàn toàn, hai vị trí này cần đồng hành và hỗ trợ lẫn nhau để tạo nên một hệ thống tài chính vững mạnh, đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững. Hiểu rõ và phối hợp chặt chẽ giữa hai vị trí này chính là chìa khóa để tổ chức đạt được các mục tiêu chiến lược trong dài hạn.
Hy vọng rằng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vị trí CFO và Finance Manager, từ đó định hướng sự nghiệp cho bản thân hoặc xây dựng cấu trúc bộ phận Tài chính phù hợp cho doanh nghiệp.