# Hướng Dẫn Lập Báo Cáo Tài Chính Hợp Nhất
Báo cáo tài chính hợp nhất là một loại báo cáo cung cấp thông tin toàn diện cho các cổ đông của công ty mẹ, tập trung vào việc hiển thị tổng quan về cả quy trình và hoạt động của toàn bộ tập đoàn. Điều này đòi hỏi sự chính xác và trung thực trong quá trình lập báo cáo. Trong bài viết dưới đây, SAPP Academy sẽ giới thiệu cách lập báo cáo tài chính hợp nhất, khái niệm, nguyên tắc và thời hạn nộp báo cáo.
1. Báo cáo tài chính hợp nhất là gì?
Báo cáo tài chính hợp nhất là một hệ thống bảng biểu và mô tả thông tin chi tiết về tình hình tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp. Được tạo ra để tổng hợp thông tin từ các báo cáo riêng lẻ của công ty mẹ và công ty con, báo cáo tài chính hợp nhất cung cấp cái nhìn toàn diện về tình hình tài sản, vốn chủ sở hữu, công nợ phải trả và tình hình kinh doanh trong kỳ hoạt động.
Quy trình lập báo cáo tài chính hợp nhất dựa trên cơ sở hợp nhất của các báo cáo riêng lẻ từ cả công ty mẹ và công ty con, theo các quy định sau đây:
- Tập đoàn bao gồm công ty mẹ và một hoặc nhiều công ty con. Công ty mẹ là doanh nghiệp kiểm soát và quản lý công ty con;
- Công ty con là doanh nghiệp chịu sự kiểm soát và quản lý của một doanh nghiệp khác, được gọi là công ty mẹ;
- Để lập báo cáo tài chính hợp nhất, đối tượng cần bao gồm tất cả các công ty mẹ nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết ở công ty con, có thể là sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp qua một công ty con khác;
- Tất cả các tổng công ty nhà nước, hoạt động theo mô hình có công ty con, cũng phải tuân theo quy định của pháp luật về kế toán, bắt buộc lập và nộp báo cáo tài chính hợp nhất.
Mục đích chính của việc lập báo cáo tài chính hợp nhất là tạo ra một bức tranh tổng thể và chi tiết về tình hình tài sản, nguồn vốn và nợ phải trả của tập đoàn hoặc doanh nghiệp tại thời điểm kết thúc một năm tài chính. Báo cáo này không chỉ phản ánh kết quả của các hoạt động kinh doanh và dòng tiền lưu chuyển trong năm, mà còn cung cấp thông tin kinh tế và tài chính quan trọng để đánh giá tình hình kinh doanh và khả năng tạo ra tiền của tập đoàn.
Ngoài ra, Báo cáo tài chính hợp nhất là một công cụ quan trọng để dự đoán tình hình tài chính trong tương lai, giúp doanh nghiệp thực hiện các quyết định quản lý và điều hành hiệu quả. Thông qua việc đánh giá kết quả tài chính của năm vừa qua, báo cáo này hỗ trợ trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh và đưa ra quyết định về đầu tư cho những giai đoạn tiếp theo.
Xem thêm: # Hướng Dẫn Làm Báo Cáo Tài Chính Nội Bộ Cho Doanh Nghiệp
2. Thời hạn nộp và công khai báo cáo hợp tài chính hợp nhất
Theo Điều 6 Thông tư 202/2014/TT-BTC quy định về thời hạn nộp và công khai Báo cáo tài chính hợp nhất cụ thể như sau:
Thời hạn nộp và công khai Báo cáo tài chính hợp nhất
1. Báo cáo tài chính hợp nhất năm phải nộp cho chủ sở hữu và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm và được công khai trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Công ty mẹ là đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán phải nộp Báo cáo tài chính hợp nhất năm và công khai theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
2. Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ phải nộp cho các chủ sở hữu và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán. Công ty mẹ là đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán phải nộp và công khai Báo cáo tài chính giữa niên độ theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Như vậy, đối với Báo cáo tài chính năm phải nộp cho chủ sở hữu và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm và được công khai trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
Còn đối với Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ phải nộp cho các chủ sở hữu và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán.
Nguồn tham khảo: Thư viện pháp luật
3. Cách lập báo cáo tài chính hợp nhất
Bước 1: Thu thập thông tin và báo cáo tài chính riêng của từng đơn vị, sau đó thực hiện tổng hợp và điều chỉnh các chỉ tiêu tương ứng để đảm bảo tính chính xác và toàn vẹn của thông tin.
Bước 2: Thực hiện các bút toán điều chỉnh hợp nhất với các loại sau:
- Loại 1: Điều chỉnh chênh lệch giữa giá trị hợp lý (FV) và giá trị ghi sổ (GTGS) tài sản thuần của công ty con.
- Loại 2: Loại trừ các giá trị đầu tư của công ty mẹ trong từng công ty con, đồng thời ghi nhận lợi thế thương mại và quyền lợi không kiểm soát (NCI) tại thời điểm hợp nhất.
- Loại 3: Phân bổ lợi thế thương mại nếu có.
- Loại 4: Loại trừ toàn bộ các giao dịch nội bộ trong tập đoàn.
- Loại 5: Xác định lợi ích của cổ đông kiểm soát (NCI) tại thời điểm cuối kỳ.
Lưu ý: Ngoài các điều chỉnh nêu trên, cần thực hiện các bút toán để ghi nhận sự điều chỉnh đã thực hiện trong kỳ trước, nhằm đảm bảo tính tích lũy của các chỉ tiêu trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất. Các điều chỉnh từ kỳ trước, như doanh thu và chi phí, sẽ được chuyển qua Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ để phản ánh ảnh hưởng cuối cùng từ quyết định kế toán.
Bước 3: Lập bảng tổng hợp bút toán điều chỉnh và bảng tổng hợp về các chỉ tiêu hợp nhất.
Bước 4: Từ các dữ liệu được chuẩn bị ở bước trước, lập báo cáo tài chính hợp nhất để cung cấp một cái nhìn tổng thể và chi tiết về tình hình tài chính của tập đoàn hoặc doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm tài chính.
4. Nguyên tắc lập báo cáo tài chính hợp nhất
Theo Điều 10 Thông tư 202/2014/TT-BTC Nguyên tắc chung khi lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất
1. Công ty mẹ khi lập Báo cáo tài chính hợp nhất phải hợp nhất Báo cáo tài chính riêng của mình và của tất cả các công ty con ở trong nước và ngoài nước do công ty mẹ kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, trừ các trường hợp:
a) Quyền kiểm soát của công ty mẹ chỉ là tạm thời vì công ty con này chỉ được mua và nắm giữ cho mục đích bán lại trong thời gian không quá 12 tháng.
– Quyền kiểm soát tạm thời phải được xác định ngay tại thời điểm mua công ty con và khoản đầu tư có quyền kiểm soát tạm thời không được trình bày là khoản đầu tư vào công ty con mà phải phân loại là đầu tư ngắn hạn nắm giữ vì mục đích kinh doanh.
– Nếu tại thời điểm mua, công ty mẹ đã phân loại khoản đầu tư là công ty con, sau đó công ty mẹ dự kiến thoái vốn trong thời gian dưới 12 tháng hoặc công ty con dự kiến phá sản, giải thể, chia tách, sáp nhập, chấm dứt hoạt động trong thời gian dưới 12 tháng thì không được coi quyền kiểm soát là tạm thời.
b) Hoạt động của công ty con bị hạn chế trong thời gian trên 12 tháng và điều này ảnh hưởng đáng kể tới khả năng chuyển vốn cho công ty mẹ.
2. Công ty mẹ không được loại trừ khỏi Báo cáo tài chính hợp nhất đối với:
a) Công ty con có hoạt động kinh doanh khác biệt với hoạt động của công ty mẹ và công ty con khác trong tập đoàn;
b) Công ty con là Quỹ tín thác, Quỹ tương hỗ, Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các doanh nghiệp tương tự.
3. Báo cáo tài chính hợp nhất được lập và trình bày theo các nguyên tắc kế toán như Báo cáo tài chính của doanh nghiệp độc lập theo quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam “Trình bày báo cáo tài chính” và quy định của các Chuẩn mực kế toán khác có liên quan.
4. Báo cáo tài chính hợp nhất được lập trên cơ sở áp dụng chính sách kế toán thống nhất cho các giao dịch và sự kiện cùng loại trong những hoàn cảnh tương tự trong toàn Tập đoàn.
a) Trường hợp công ty con sử dụng các chính sách kế toán khác với chính sách kế toán áp dụng thống nhất trong tập đoàn thì Báo cáo tài chính được sử dụng để hợp nhất phải được điều chỉnh lại theo chính sách chung của tập đoàn. Công ty mẹ có trách nhiệm hướng dẫn công ty con thực hiện việc điều chỉnh lại Báo cáo tài chính dựa trên bản chất của các giao dịch và sự kiện.
Ví dụ: Sử dụng chính sách kế toán thống nhất:
– Công ty con ở nước ngoài áp dụng mô hình đánh giá lại đối với TSCĐ, công ty mẹ ở Việt Nam áp dụng mô hình giá gốc. Trước khi hợp nhất Báo cáo tài chính, tập đoàn phải chuyển đổi báo cáo tài chính của công ty con theo mô hình giá gốc;
– Công ty mẹ tại Việt Nam áp dụng phương pháp vốn hóa lãi vay đối với việc xây dựng tài sản dở dang, công ty con ở nước ngoài ghi nhận chi phí lãi vay đối với tài sản dở dang vào chi phí trong kỳ. Trước khi hợp nhất Báo cáo tài chính, tập đoàn phải chuyển đổi Báo cáo tài chính của công ty con theo phương pháp vốn hóa lãi vay đối với tài sản dở dang.
b) Trường hợp công ty con không thể sử dụng cùng một chính sách kế toán với chính sách chung của tập đoàn thì trong Bản thuyết minh Báo cáo tài chính hợp nhất phải trình bày rõ về các khoản mục đã được ghi nhận và trình bày theo các chính sách kế toán khác nhau và phải thuyết minh rõ các chính sách kế toán khác đó.
5. Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và Báo cáo tài chính của công ty con sử dụng để hợp nhất phải được lập cho cùng một kỳ kế toán.
Nếu ngày kết thúc kỳ kế toán là khác nhau, công ty con phải lập thêm một bộ Báo cáo tài chính cho mục đích hợp nhất có kỳ kế toán trùng với kỳ kế toán của công ty mẹ. Nếu điều này không thể thực hiện được, các Báo cáo tài chính được lập vào thời điểm khác nhau có thể được sử dụng với điều kiện là thời gian chênh lệch đó không vượt quá 3 tháng. Trong trường hợp này, Báo cáo tài chính sử dụng để hợp nhất phải được điều chỉnh cho ảnh hưởng của những giao dịch và sự kiện quan trọng xảy ra giữa ngày kết thúc kỳ kế toán của công ty con và ngày kết thúc kỳ kế toán của tập đoàn. Độ dài của kỳ báo cáo và sự khác nhau về thời điểm lập Báo cáo tài chính phải được thống nhất qua các kỳ.
6. Kết quả hoạt động kinh doanh của công ty con phải được đưa vào Báo cáo tài chính hợp nhất kể từ ngày công ty mẹ nắm quyền kiểm soát công ty con và chấm dứt vào ngày công ty mẹ thực sự chấm dứt quyền kiểm soát công ty con. Khoản đầu tư vào doanh nghiệp phải hạch toán theo Chuẩn mực kế toán “Công cụ tài chính” kể từ khi doanh nghiệp đó không còn là công ty con và cũng không trở thành công ty liên doanh, liên kết.
7. Phần sở hữu của công ty mẹ và cổ đông không kiểm soát trong tài sản thuần có thể xác định được của công ty con tại ngày mua phải được trình bày theo giá trị hợp lý, cụ thể:
a) Tài sản thuần của công ty con tại ngày mua được ghi nhận trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất theo giá trị hợp lý. Nếu công ty mẹ không sở hữu 100% công ty con thì phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ và giá trị hợp lý phải phân bổ cho cả cổ đông mẹ và cổ đông không kiểm soát.
b) Sau ngày mua, nếu các tài sản của công ty con tại ngày mua (có giá trị hợp lý khác biệt so với giá trị ghi sổ) được khấu hao, thanh lý hoặc bán thì phần chênh lệch giữa giá trị hợp lý và giá trị ghi sổ được coi là đã thực hiện và phải điều chỉnh vào:
– Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tương ứng với phần sở hữu của cổ đông mẹ;
– Lợi ích cổ đông không kiểm soát tương ứng với phần sở hữu của cổ đông không kiểm soát.
8. Nếu có chênh lệch giữa giá trị hợp lý và giá trị ghi sổ của tài sản thuần của công ty con tại ngày mua, công ty mẹ phải ghi nhận thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh từ giao dịch hợp nhất kinh doanh.
9. Lợi thế thương mại hoặc lãi từ giao dịch mua rẻ được xác định là chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư và giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được của công ty con tại ngày mua do công ty mẹ nắm giữ (thời điểm công ty mẹ nắm giữ quyền kiểm soát công ty con).
a) Thời gian phân bổ lợi thế thương mại không quá 10 năm, bắt đầu kể từ ngày công ty mẹ kiểm soát công ty con theo nguyên tắc: Việc phân bổ phải thực hiện dần đều qua các năm. Định kỳ công ty mẹ phải đánh giá tổn thất lợi thế thương mại tại công ty con, nếu có bằng chứng cho thấy số lợi thế thương mại bị tổn thất lớn hơn số phân bổ hàng năm thì phân bổ theo số lợi thế thương mại bị tổn thất ngay trong kỳ phát sinh. Một số bằng chứng về việc lợi thế thương mại bị tổn thất như:
– Sau ngày kiểm soát công ty con, nếu giá phí khoản đầu tư thêm nhỏ hơn phần sở hữu của công ty mẹ trong giá trị ghi sổ của tài sản thuần của công ty con được mua thêm;
– Giá trị thị trường của công ty con bị giảm (ví dụ giá trị thị trường cổ phiếu công ty con bị giảm đáng kể do công ty con liên tục làm ăn thua lỗ);
– Hạng sắp xếp tín nhiệm bị giảm trong thời gian dài; Công ty con lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, tạm ngừng hoạt động hoặc có nguy cơ giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động;
– Các chỉ tiêu về tài chính bị suy giảm một cách nghiêm trọng và có hệ thống…
Ví dụ: Giả sử lợi thế thương mại phát sinh là 10 tỉ đồng được phân bổ 10 năm (mỗi năm 1 tỉ đồng). Sau khi phân bổ 3 năm (3 tỉ đồng), nếu có bằng chứng cho thấy lợi thế thương mại đã tổn thất hết thì năm thứ 4 số lợi thế thương mại được phân bổ là 7 tỉ đồng.
b) Trong giao dịch hợp nhất kinh doanh qua nhiều giai đoạn, khi xác định lợi thế thương mại hoặc lãi từ giao dịch mua giá rẻ (lợi thế thương mại âm), giá phí khoản đầu tư vào công ty con được tính là tổng của giá phí khoản đầu tư tại ngày đạt được quyền kiểm soát công ty con cộng với giá phí khoản đầu tư của những lần trao đổi trước đã được đánh giá lại theo giá trị hợp lý tại ngày công ty mẹ kiểm soát công ty con.
10. Nếu sau khi đã kiểm soát công ty con, nếu công ty mẹ tiếp tục đầu tư vào công ty con để tăng tỷ lệ lợi ích nắm giữ, phần chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư thêm và giá trị ghi sổ của tài sản thuần của công ty con mua thêm phải được ghi nhận trực tiếp vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và được coi là các giao dịch vốn chủ sở hữu (không ghi nhận như lợi thế thương mại hoặc lãi từ giao dịch mua giá rẻ). Trong trường hợp này, công ty mẹ không thực hiện việc ghi nhận tài sản thuần của công ty con theo giá trị hợp lý như tại thời điểm kiểm soát công ty con.
11. Các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất được lập bằng cách cộng từng chỉ tiêu thuộc Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn sau đó thực hiện điều chỉnh cho các nội dung sau:
a) Giá trị ghi sổ khoản đầu tư của công ty mẹ trong từng công ty con và phần vốn của công ty mẹ trong vốn chủ sở hữu của công ty con phải được loại trừ toàn bộ đồng thời ghi nhận lợi thế thương mại hoặc lãi từ giao dịch mua giá rẻ (nếu có);
b) Phân bổ lợi thế thương mại;
c) Lợi ích cổ đông không kiểm soát được trình bày trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất thành một chỉ tiêu riêng thuộc phần vốn chủ sở hữu. Phần sở hữu của cổ đông không kiểm soát trong Báo cáo kết quả kinh doanh của tập đoàn cũng phải được trình bày thành chỉ tiêu riêng biệt trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất;
d) Số dư các khoản mục phải thu, phải trả, cho vay… giữa các đơn vị trong cùng tập đoàn phải được loại trừ hoàn toàn;
đ) Các khoản doanh thu, thu nhập, chi phí phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn phải được loại trừ toàn bộ;
e) Các khoản lãi chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn đang nằm trong giá trị tài sản (như hàng tồn kho, tài sản cố định…) phải được loại trừ hoàn toàn. Các khoản lỗ chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch nội bộ đang phản ánh trong giá trị tài sản (hàng tồn kho, tài sản cố định…) cũng phải được loại bỏ trừ khi chi phí gây ra khoản lỗ đó không thể thu hồi được.
12. Số chênh lệch giữa số thu từ việc thoái vốn tại công ty con và giá trị phần tài sản thuần của công ty con bị thoái vốn cộng với (+) giá trị phần lợi thế thương mại chưa phân bổ hết được ghi nhận ngay trong kỳ phát sinh theo nguyên tắc:
– Nếu giao dịch thoái vốn không làm công ty mẹ mất quyền kiểm soát đối với công ty con, toàn bộ chênh lệch nêu trên được ghi nhận vào chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất.
– Nếu giao dịch thoái vốn dẫn đến việc công ty mẹ mất quyền kiểm soát đối với công ty con, toàn bộ chênh lệch nêu trên được ghi nhận vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất. Khoản đầu tư vào công ty con sẽ được hạch toán như một khoản đầu tư tài chính thông thường hoặc kế toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu kể từ khi công ty mẹ không còn nắm quyền kiểm soát công ty con.
13. Sau khi thực hiện tất cả các bút toán điều chỉnh, phần chênh lệch phát sinh do việc điều chỉnh các chỉ tiêu thuộc Báo cáo kết quả kinh doanh phải được kết chuyển vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
14. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được lập căn cứ vào Bảng cân đối kế toán hợp nhất, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty mẹ và các công ty con theo nguyên tắc:
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất chỉ trình bày luồng tiền giữa tập đoàn với các đơn vị bên ngoài tập đoàn, bao gồm cả luồng tiền phát sinh từ các giao dịch với các công ty liên doanh, liên kết và cổ đông không kiểm soát của tập đoàn và được trình bày trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất theo 3 loại hoạt động: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Toàn bộ các luồng tiền phát sinh từ các giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con trong nội bộ tập đoàn phải được loại trừ hoàn toàn trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất.
15. Trường hợp công ty mẹ có các công ty con lập Báo cáo tài chính bằng đồng tiền khác với đồng tiền báo cáo của công ty mẹ, trước khi hợp nhất Báo cáo tài chính, công ty mẹ phải chuyển đổi toàn bộ Báo cáo tài chính của các công ty con sang đồng tiền báo cáo của công ty mẹ theo quy định tại Chương VI Thông tư này.
16. Bản thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất được lập để giải thích thêm các thông tin về tài chính và phi tài chính, được căn cứ vào Bảng cân đối kế toán hợp nhất, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất và các tài liệu có liên quan trong quá trình hợp nhất Báo cáo tài chính.
Nguồn tham khảo: Thư viện pháp luật
Khóa học CMA Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực lập báo cáo tài chính hợp nhất. Học viên tham gia khóa học thường có hiểu biết sâu rộng về quản lý chi phí như chi phí sản xuất, chi phí sản phẩm và cách thức quản lý chi phí tổ chức, họ có thể đưa ra những quyết định chiến lược và đóng góp vào việc đánh giá hiệu suất tài chính của tổ chức. CMA Hoa Kỳ giúp cung cấp các công cụ và kỹ năng cần thiết mang đến hiệu quả trong việc lập báo cáo tài chính hợp nhất, đồng thời hỗ trợ việc đưa ra những quyết định chiến lược.
Kết luận
Hy vọng thông qua bài viết hướng dẫn lập báo cáo tài chính hợp nhất, bạn đã nắm được các thông tin về thời hạn nộp, nguyên tắc lập báo cáo.