ACCA20/06/2024

Khám Phá 07 Phần Kiến Thức Trọng Tâm Trong Chương Trình Học ACCA

ACCA được coi là chứng chỉ toàn diện cho nhân sự ngành Kế – Kiểm – Tài chính. 07 phần kiến thức trọng tâm trong 15 môn học trong ACCA là gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết sau!

1. Tổng quan về chứng chỉ ACCA

Hệ thống các môn học ACCA  và các bằng cấp/chứng chỉ có thể chuyển đổi 

ACCA được biết đến là một chứng chỉ toàn diện, cung cấp kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về kế toán, kiểm toán, tài chính, quản trị doanh nghiệp, quản trị chiến lược, luật kinh doanh,… Vì thế hoàn thành ACCA sẽ đem đến cho người học cơ hội nghề nghiệp rộng mở ở nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh đó với nền tảng kiến thức từ cấp độ thực thi đến tư duy chiến lược, nhân sự sở hữu chứng chỉ này hoàn toàn có thể hướng đến các vị trí quản lý cấp cao như: Giám đốc Điều hành (CEO), Giám đốc Tài chính (CFO),…

Chương trình ACCA với 15 môn học cung cấp cho người học 7 mảng kiến thức chính sau đây:

  • Quản trị kinh doanh
  • Báo cáo tài chính
  • Pháp luật
  • Quản trị hiệu quả hoạt động trong doanh nghiệp
  • Thuế
  • Kiểm toán và các dịch vụ đảm bảo
  • Quản trị tài chính

2. 07 phần kiến thức trọng tâm trong ACCA

2.1. Quản trị kinh doanh

Nếu mục tiêu của bạn là vị trí cấp cao thì quản trị kinh doanh là một trong những kỹ năng không thể thiếu. Nhiệm vụ của một nhà quản lý là phân tích môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, xác định rõ tầm nhìn tương lai, từ đó đưa ra các chiến lược cho hiện tại và kiểm soát hiệu quả thực thi của chiến lược đã chọn. Để thăng tiến lên vị trí quản lý, yêu cầu đặt ra với nhân sự là phải am hiểu về cách tổ chức hoạt động cùng tư duy chiến lược và kỹ năng quản lý thành thạo.

Trong chương trình ACCA, BT và SBL là hai môn học cung cấp kiến thức nền tảng và phát triển tư duy tầm chiến lược liên quan đến quản trị kinh doanh.

Business and Technology (BT ACCA)

Môn học BT ACCA cung cấp kiến thức về các loại hình kinh doanh hiện có, cũng như quyền hạn và trách nhiệm mà doanh nghiệp đối với các bên liên quan như nhà đầu tư, khách hàng, chính phủ, …. Tại đây, ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như: chính trị, kinh tế, xã hội,… lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng sẽ được xem xét.

Tiếp đó, môn học đi sâu vào cấu trúc và chức năng của doanh nghiệp, tập trung vào văn hóa, quản trị doanh nghiệp và tính bền vững. Trong đó, người học sẽ hiểu rõ vai trò cụ thể của kế toán, đặc biệt trong báo cáo tài chính và kiểm soát nội bộ.

Môn BT cũng sẽ giới thiệu yếu tố công nghệ cũng như các vấn đề then chốt về lãnh đạo, quản lý và con người như giao tiếp hiệu quả, động viên, đào tạo và đánh giá hiệu suất nhân viên.

Strategic Business Leader (SBL ACCA)

Môn SBL yêu cầu học viên thể hiện rất nhiều kỹ năng chuyên nghiệp thông qua việc lãnh đạo, tư vấn hoặc hỗ trợ quản lý cấp cao trong việc chỉ đạo doanh nghiệp.

Môn học này sẽ dẫn dắt người học theo 5 giai đoạn chính:

  • Hiểu về Doanh nghiệp bao gồm Lãnh đạo, hệ thống quản trị doanh nghiệp, các bên liên quan ảnh hưởng tới doanh nghiệp;
  • Biết cách Phân tích yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp để tìm ra các điểm mạnh, điểm yếu, thử thách, cơ hội mà doanh nghiệp có – từ đó xác định được chiến lược phù hợp;
  • Tiếp cận về quản trị rủi ro, xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với mỗi chiến lược được chọn;
  • Đồng thời, đánh giá về các yếu tố hỗ trợ sự thành công của chiến lược (công nghệ, thương mại điện tử, v.v…);
  • Cuối cùng, Học cách Thực hiện chiến lược đã chọn.

2.2. Báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính (Financial statements) cung cấp các thông tin kinh tế được kế toán viên tổng hợp và trình bày theo dạng bảng biểu với mục đích cung cấp các chỉ số tài chính. Báo cáo tài chính nói lên khả năng sinh lời cũng như thực trạng của doanh nghiệp. Do vậy, việc am hiểu về báo cáo tài chính sẽ là một trong những kỹ năng rất cần thiết nếu bạn mong muốn theo đuổi lĩnh vực Kế toán – Kiểm toán – Tài chính.

Vậy tại sao doanh nghiệp nào cũng cần phải có báo cáo tài chính? Đơn giản vì báo cáo tài chính cung cấp thông tin quan trọng về hoạt động và tình hình tài chính của một doanh nghiệp, tổ chức. Các nhà đầu tư cũng sẽ dựa vào đó để đánh giá hiệu suất tài chính của một công ty trong quá khứ và hiện tại. Nhờ đó đưa ra những phán đoán về khả năng sinh lời và sự ổn định của công ty trong tương lai.

Chương trình ACCA được xây dựng giúp người học có thể hình thành được tư duy từ cấp độ thực thi đến chiến lược. Đối với những kiến thức liên quan tới báo cáo tài chính, người học sẽ được trang bị kiến thức từ cơ bản đến nâng cao với ba môn học FA – FR – SBR.

Trục dọc thể hiện mối quan hệ giữa ba môn FA, FR và SBR ACCA

Thông thường, FA sẽ là môn học đầu tiên để xây dựng nền tảng vững chắc về kế toán tài chính, đóng vai trò quan trọng là cơ sở cho các môn học nâng cao như FR và SBR trong chương trình học ACCA.

FR sẽ là môn tiếp theo giúp người học hiểu biết sâu hơn về báo cáo tài chính. Cuối cùng, SBR cung cấp các kiến thức đã được học từ FA, FR ở mức độ cao hơn, bao hàm và tích hợp thêm các yếu tố về đạo đức và chuyên nghiệp trong phân tích thông tin tài chính.

Financial Accounting (FA ACCA)

Financial Accounting được rất nhiều học viên lựa chọn là môn học nhập môn khi theo đuổi chứng chỉ ACCA. FA tập trung vào các nguyên tắc cơ bản của kế toán tài chính, bao gồm những công việc để chuẩn bị các báo cáo tài chính theo Tiêu chuẩn Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) như: báo cáo lãi lỗ, bảng cân đối kế toán và báo cáo dòng tiền. Môn học này sẽ là bước đệm quan trọng cho bất kỳ ai theo đuổi sự nghiệp lĩnh vực kế toán và tài chính.

Financial Reporting (FR ACCA)

Financial Reporting là môn học ở cấp độ Kỹ năng Ứng dụng (Applied Skills) trong chương trình ACCA và thường được học sau FA. FR dựa trên những kiến thức đạt được từ môn FA và sẽ tập trung vào các nguyên tắc, tiêu chuẩn và thực hành được sử dụng trong việc chuẩn bị và trình bày báo cáo tài chính. Môn học này trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để hiểu, diễn giải và lập ra báo cáo tài chính tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán tài chính quốc tế (IFRS). FR là môn học rất cần thiết đối với kế toán viên, chuyên gia tài chính và kiểm toán viên phụ trách làm việc với thông tin tài chính và cần truyền đạt thông tin một cách hiệu quả đến các bên liên quan.

Strategic Business Reporting (SBR ACCA)

Strategic Business Reporting là môn học ở mức độ chuyên nghiệp và thường được học sau cả FA và FR. SBR quan tâm đến các khía cạnh rộng lớn của báo cáo tài chính, bao gồm các yếu tố về đạo đức và chuyên nghiệp, môn học bao phủ các vấn đề báo cáo tài chính nâng cao hơn. SBR đi xa hơn những kiến thức cơ bản về báo cáo tài chính và đi sâu vào các khía cạnh chiến lược của việc diễn giải và truyền đạt thông tin tài chính. Môn học trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để hiểu báo cáo tài chính, truyền đạt một cách hiệu quả đến các bên liên quan đối với quyết định chiến lược.

Nội dung kiến thức của ACCA được xây dựng dựa trên chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS. Trong khi đó, phần lớn các trường đại học hiện nay vẫn đào tạo theo chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS. Nói về ứng dụng của hai chuẩn mực này, Nguyễn Quang Anh – Học viên SAPP Academy, Senior Audit tại EY Việt Nam chia sẻ: “Hiện tại nhiều khách hàng là doanh nghiệp lớn đang dần chuyển từ VAS sang áp dụng IFRS”. Vì thế, học ACCA sẽ là một điểm cộng giúp bạn nhanh chóng “bắt nhịp” với xu hướng này khi làm việc thực tế.

2.3. Pháp luật

Bất cứ doanh nghiệp nào khi hoạt động đều cần quan tâm đến các vấn đề liên quan đến luật pháp. Nắm rõ quy định, chính sách không chỉ đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ pháp lý mà còn là lợi thế trong quá trình giải quyết các tranh chấp. Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập toàn cầu mạnh mẽ, hiểu biết về luật kinh doanh quốc tế sẽ là điểm cộng cho các nhân sự muốn làm việc trong các công ty nước ngoài.

Corporate & Business Law (LW)

Trong chương trình ACCA, môn LW ACCA đi sâu vào luật quốc tế liên quan đến cách vận hành và các vấn đề pháp lý mà một doanh nghiệp có thể gặp phải. Một số nội dung học viên sẽ được tìm hiểu trong môn học này:

  • Các thành phần cơ bản của hệ thống pháp luật (Essential elements of legal systems)
  • Giao dịch kinh doanh quốc tế (International business transactions)
  • Sự hình thành và thành lập các tổ chức kinh doanh (The formation and constitution of business organisations)
  • Quản lý, điều hành và các quy định của công ty (Management, administration and the regulation of companies)
  • Luật phá sản (Insolvency law)
  • Hành vi gian lận và phạm pháp của doanh nghiệp (Corporate fraudulent and criminal behaviour)

2.4. Quản trị hiệu quả hoạt động trong doanh nghiệp

Đối với các hoạt động trong doanh nghiệp, việc đặt ra mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả hoạt động đó là hai nhiệm vụ vô cùng cần thiết. Đây cũng là yêu cầu thường thấy trong khung năng lực đối với các vị trí quản lý như trưởng bộ phận hay giám đốc.

Quản trị hiệu quả hoạt động trong doanh nghiệp trong ACCA được xây dựng trong các môn MA, PM, APM. Mục tiêu của mảng kiến thức này là giúp học viên lập kế hoạch chính xác, đưa ra quyết định đúng đắn, kiểm soát ngân sách chặt chẽ và đánh giá hiệu quả hoạt động công bằng.

Mối liên kết giữa các môn này như sau:

Management Accounting (MA ACCA)

Môn học MA tập trung vào kiến thức nền tảng trong kế toán quản trị, được sử dụng để hỗ trợ cho quá trình ra quyết định và kiểm soát các hoạt động doanh nghiệp. Bao gồm:

  • Các loại chi phí trong doanh nghiệp,
  • Các phương pháp kế toán chi phí – cách thức xác định chi phí trên một đơn vị sản phẩm,
  • Lập ngân sách và đánh giá hiệu quả ngân sách – phân tích sự tăng giảm, biến động của các chỉ số liên quan đến hoạt động kinh doanh. Ví dụ Tại sao chi phí nguyên vật liệu lại lớn hơn so với số liệu được lập trên ngân sách ban đầu?
  • Tổng quan về các phương pháp đánh giá hiệu quả hoạt động được áp dụng trong doanh nghiệp.

Performance Management (PM ACCA)

Performance Management được đánh giá là môn học mang tính thực tiễn cao, trang bị cho học viên tư duy quản trị và vận dụng các kỹ thuật để quản lý các hoạt động của doanh nghiệp.

PM ACCA giúp học viên phát triển kiến thức dựa trên nền tảng từ môn MA với mục tiêu trả lời câu hỏi: “Làm sao để quản lý hoạt động của doanh nghiệp?” Để trả lời câu hỏi này, môn học đi vào 4 chủ đề chính như sau:

  • Kỹ thuật kế toán quản trị và kế toán chi phí (Specialist cost and accounting techniques) – đưa ra các phương pháp tính chi phí trên một đơn vị sản phẩm chính xác và tiên tiến;
  • Kỹ thuật ra quyết định (Decision making techniques) – đặt người học vào tình huống thực tế trong doanh nghiệp như ra quyết định trong tình trạng thiếu hụt nguồn lực hay trong môi trường có tính rủi ro cao;
  • Lập ngân sách và kiểm soát (Budgeting and control) – giới thiệu các phương pháp giúp tối ưu hóa quá trình kiểm soát ngân sách và cải thiện hoạt động;
  • Đo lường quản lý hiệu quả hoạt động và kiểm soát (Performance management and control) – đem tới những cách thức đo lường hướng tới sự thành công dài hạn của doanh nghiệp.

Advanced Performance Management (APM ACCA)

Là môn học nối tiếp của PM, APM ACCA cung cấp nội dung chuyên sâu về các phương thức, mô hình quản trị hiệu quả nhằm lên kế hoạch và kiểm soát hoạt động kinh doanh tốt hơn. Tại đây, người học sẽ được trang bị thêm kiến thức về việc xác định lương, thưởng, phúc lợi cho nhân viên và người quản lý với mục tiêu khuyến khích họ cùng cố gắng đạt tới mục tiêu của doanh nghiệp. Thêm vào đó, APM cũng mở ra rất nhiều mô hình quản trị hiệu quả hoạt động khác nhau, nhằm mục tiêu trang bị cho người học một góc nhìn rộng và sâu sắc ở quy mô chiến lược.

APM không chỉ yêu cầu người học có khả năng vận dụng kiến thức mà còn cần có tư duy phản biện nhằm xác định và đưa ra lời khuyên về mô hình, phương thức quản trị phù hợp nhất trong một bối cảnh cụ thể.

2.5. Thuế

Đóng thuế đầy đủ là nghĩa vụ của tất cả các doanh nghiệp. Do vậy những cá nhân hành nghề thuế cần nắm vững kiến thức và kỹ năng liên quan tới nghiệp vụ để đảm bảo doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật. Lấy thuế là trọng tâm, chương trình ACCA đã xây dựng hai môn học TX và ATX.

Taxation (TX ACCA)

Trong chương trình ACCA, Taxation là môn học về Thuế ở cấp độ Kỹ năng ứng dụng (Applied Skills). Môn TX-VNM (Thuế Việt Nam) đề cập tới 5 nội dung chính, bao gồm: Hệ thống quản lý Thuế Việt Nam, Thuế giá trị gia tăng (VAT), Thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT), Thuế thu nhập cá nhân (PIT), Thuế nhà thầu (FCT).

Taxation là một trong những môn học vô cùng đặc biệt trong hệ thống kiến thức ACCA. Mỗi quốc gia thường ban hành và áp dụng các luật thuế khác nhau. Do vậy, chương trình học TX ACCA sẽ có sự thay đổi tương ứng với mỗi quốc gia.

Bạn có thể vận dụng kiến thức từ môn học này một cách chính xác và linh hoạt vào công việc thực tế có sử dụng đến kiến thức về thuế Việt Nam. Ví dụ như: Tư vấn thuế, kế toán thuế trong doanh nghiệp, kiểm toán thuế…

Advanced Taxation (ATX)

Môn Advanced Taxation tập trung vào các kiến thức và kỹ năng liên quan đến thuế, chiến lược thuế như các phương pháp quản lý thuế và giảm thuế, và cách giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến thuế.

Advanced Taxation là môn học nâng cao của môn Taxation thuộc cấp độ chuyên môn chiến lược (Strategic Professional). Môn học này tập trung vào các nội dung liên quan tới đạo đức và kỹ năng ứng dụng chuyên nghiệp về thuế, quản lý thuế ở các tình huống cụ thể dưới góc độ chiến lược.

Môn học này phù hợp với các nhà lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực thuế như: Giám đốc bộ phận tư vấn thuế, Người hành nghề tư vấn thuế chuyên nghiệp, Các nhà quản lý và xây dựng chính sách thuế,…

2.6. Kiểm toán

Báo cáo tài chính là căn cứ quan trọng để các nhà đầu tư và nhà quản trị doanh nghiệp đưa ra các quyết định đầu tư và định hướng chiến lược. Tuy nhiên, trước khi công bố rộng rãi, báo cáo tài chính cần được kiểm toán. Kiểm toán là một hoạt động không thể thiếu đối với nhiều doanh nghiệp, nhằm đảm bảo tính trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu của báo cáo tài chính.

Với vai trò quan trọng như trên, nhân sự muốn làm việc trong lĩnh vực kiểm toán cần có nền tảng vững chắc về quy trình, thủ tục kiểm toán, rủi ro có thể xảy ra,… Hai môn học AA và AAA ACCA sẽ đồng hành cùng bạn trên sự nghiệp của một kiểm toán viên.

Audit and Assurance (AA ACCA)

Môn học Audit and Assurance tổng hợp kiến thức nền tảng trong lĩnh vực kiểm toán và kiểm tra tài chính, nhằm đảm bảo tính trung thực và đáng tin cậy của báo cáo tài chính. Môn học bao gồm việc xác định, đánh giá các rủi ro và sai sót khiến số liệu trên báo cáo tài chính có khả năng sai phạm, thực hiện các thủ tục kiểm tra để từ đó đưa ra ý kiến kiểm toán. Cụ thể, học viên sẽ được tìm hiểu về:

  • Các quy định và nguyên tắc kiểm toán (Audit framework and regulation)
  • Lên kế hoạch và đánh giá rủi ro (Planning and risk assessment)
  • Kiểm soát nội bộ (Internal control)
  • Bằng chứng kiểm toán (Audit evidence)
  • Soát xét (Review)
  • Báo cáo (Reporting)

Sau khi hoàn thành, học viên sẽ được hình thành góc nhìn tổng quan về bản chất, mục đích kiểm toán, quy trình kiểm toán từ lập kế hoạch đến hoàn thành báo cáo. Đây sẽ là lợi thế giúp nhân sự nhanh chóng “bắt nhịp” khi làm việc thực tế.

Advanced Audit and Assurance (AAA ACCA)

Kiến thức cơ bản dành cho nhân sự kiểm toán được đề cập đến trong môn AA là nền tảng để học viên chinh phục môn AAA ACCA (Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm nâng cao). Môn học này tập trung vào kiểm toán và kiểm tra tài chính ở mức độ cao hơn, đồng thời bao gồm nhiều khía cạnh quản lý rủi ro và quản lý kiểm toán.

Một số chủ đề có trong môn AAA bao gồm:

  • Regulatory Environment: Khung pháp lý quốc tế, các quy định luật pháp về dịch vụ kiểm toán và đảm bảo và hành động chống rửa tiền;
  • Professional and Ethical Considerations: Nguyên tắc chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp đối với một chuyên gia kiểm toán;
  • Quality Management: Kỹ năng lãnh đạo và quản lý dự án, tài chính, nhân sự trong quá trình kiểm toán;
  • Planning and Conducting Audit of Historical Financial Information: Các phương pháp lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán các thông tin tài chính;
  • Completion, review, and reporting: Các bước kiểm tra cuối cùng để hoàn thành cuộc kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán;
  • Current Issues and Development: Các quy định và tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực kiểm toán, ảnh hưởng của những thay đổi trong kinh tế, chính trị và công nghệ đến lĩnh vực kiểm toán và dịch vụ đảm bảo.

Với tư duy chiến lược và kiến thức chuyên sâu được xây dựng qua các chủ đề trên, AAA hướng tới giúp học viên không chỉ dừng lại ở xác định, giải thích, mô tả vấn đề mà còn có thêm kỹ năng đánh giá và ra quyết định. Chẳng hạn trước yêu cầu xem xét có nên chấp nhận ý kiến kiểm toán hay không, học viên phải đưa ra quan điểm và bảo vệ quan điểm bằng lập luận thuyết phục.

Bên cạnh đó, mỗi khách hàng, với những đặc điểm và nhu cầu khác biệt, yêu cầu phải có thủ tục kiểm toán riêng. Khi đó các nguyên tắc của việc lập kế hoạch chuyên sâu được đề cập trong AAA đem đến cho học viên khả năng vận dụng linh hoạt để lập thủ tục kiểm toán cho từng trường hợp.

2.7. Quản trị tài chính

Để giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả và tối đa hóa lợi nhuận, quản trị tài chính đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu không thông thạo kỹ năng xử lý và quản trị dòng tiền, nhân sự sẽ khó có thể tiến xa trong mảng kế toán, tài chính. Chương trình ACCA với 2 môn học FM và AFM tập trung vào các kiến thức trên.

Financial Management (FM ACCA)

Muốn quản trị dòng tiền, trước hết nhân sự cần nắm bắt được thực trạng tài chính của doanh nghiệp.

Trong các môn học thuộc cấp độ Applied Skills, FM giúp hình thành góc nhìn tổng quan về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Các chủ đề trong FM sẽ bao gồm:

  • Chức năng quản trị tài chính (Financial management function);
  • Môi trường quản trị tài chính (Financial management environment);
  • Quản trị vốn lưu động (Working capital management);
  • Thẩm định đầu tư (Investment appraisal);
  • Tài chính kinh doanh (Business finance);
  • Định giá kinh doanh (Business valuations);
  • Quản trị rủi ro (Risk management).

Mục tiêu của môn học này là cung cấp kiến thức và những kỹ năng cần thiết cùng khả năng đưa ra quyết định liên quan đến chính sách đầu tư, tài chính và cổ phiếu cho một nhà quản lý tài chính.

Advanced Financial Management (AFM ACCA)

Môn AFM ACCA là môn học nâng cao từ Financial Management. Cấu trúc hai học phần này khá tương tự, tuy nhiên AFM sẽ giúp học viên có kiến ​​thức chuyên sâu hơn, kỹ năng phân tích tốt hơn và có khả năng đưa ra phán đoán chuyên môn tốt hơn so với FM ACCA.

Chẳng hạn trong môn FM ACCA, đề bài thường sẽ nêu rõ yêu cầu tính toán một nghiệp vụ như trái phiếu. Tuy nhiên đối với AFM, dựa trên tình huống được đưa ra, người học cần tự phán đoán yếu tố cần làm rõ trước khi đi vào các bước tính toán kỹ thuật. Điều này nhằm hướng tới giúp nhân sự phát triển tư duy chiến lược và các phẩm chất, kỹ năng cần thiết cho các vị trí quản lý, lãnh đạo.

Như vậy, không giới hạn ở kế toán hay kiểm toán, ACCA hướng tới cung cấp nền tảng kiến thức và kỹ năng toàn diện trong nhiều lĩnh vực từ cấp độ thực thi đến tư duy chiến lược. Sở hữu một chứng chỉ quốc tế uy tín sẽ là “đòn bẩy” vững chắc, nâng tầm năng lực cho bất kỳ nhân sự nào khát khao chinh phục đỉnh cao sự nghiệp.

Nhận tư vấn xây dựng lộ trình học ACCA tại đây!

Xem thêm: 

Chia sẻ
Chia sẻ
Sao chép
Bài viết liên quan
Giới Thiệu Tổng Quan Về PwC Global Và PwC Việt Nam

Một trong những mảnh ghép vô cùng quan trọng trong bộ tứ BIG4 không thể...

Phân bổ chi phí trả trước (TK 242) và những điều cần biết

Chi phí trả trước là một phần chi phí đã phát sinh mà doanh nghiệp...

#Môi Trường Làm Việc Của Kế Toán – Những Việc Làm Hàng Ngày

Môi trường làm việc của kế toán cần sự hỗ trợ của công nghệ hiện...

#Những Quy Định Về Quyết Toán Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp

Tìm hiểu về các quy định quan trọng về quyết toán thuế thu nhập doanh...

Tổng Hợp Tài Liệu Luyện Thi BIG4 Về Kiểm Toán

Phần test kiến thức kiểm toán vẫn được đánh giá là khó trong các đề...

Học ACCA Chuyển Đổi Sang CPA Việt Nam Như Thế Nào?

Cách để chuyển đổi từ ACCA sang CPA Việt Nam dễ hay khó? Cách chuyển...

APM là gì? Những vị trí nào trong doanh nghiệp nên học môn này

Trong bối cảnh kinh doanh ngày càng cạnh tranh, việc quản trị hiệu suất doanh...

Kế Toán Viên Nên Học Chứng Chỉ ACCA Hay Văn Bằng Thạc Sĩ Kế Toán Việt Nam?

Nếu đang làm việc trong lĩnh vực Kế - Kiểm - Tài chính, chắc hẳn...