CFA07/02/2025

Alternative Investments CFA: Đa dạng hóa loại hình đầu tư

Alternative Investments CFA chiếm tỷ trọng từ 5 – 8% trong kỳ thi CFA Level I, xoay quanh đa dạng hóa loại hình đầu tư. Với tỷ trọng không cao, liệu có cần mất nhiều thời gian ôn tập? Cùng SAPP trả lời câu hỏi này. 

1. Yêu cầu kỹ năng đầu vào của học viên với Alternative Investments CFA

1.1. Yêu cầu về kiến thức nền tảng

Alternative Investments là môn học tập trung vào các hình thức đầu tư thay thế, bao gồm bất động sản, vốn cổ phần tư nhân và hàng hóa. Đầu tư thay thế đề cập đến những tài sản tài chính không thuộc các loại hình truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu hoặc tiền mặt.

Những tài sản này thường được các nhà đầu tư tổ chức hoặc cá nhân có giá trị tài sản ròng cao sở hữu, bởi chúng đòi hỏi sự am hiểu sâu rộng, khả năng quản lý rủi ro cao và thường không chịu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý.

Trong môn học, bất động sản và vốn cổ phần tư nhân được xem là những nội dung trọng tâm, xuyên suốt quá trình nghiên cứu và ứng dụng.

Kiến thức nền tảng của Alternative Investments CFA

Để học và hiểu sâu về môn học Alternative Investments trong chương trình CFA, người học cần có một số kiến thức nền quan trọng liên quan đến các khía cạnh toán tài chính, kinh tế học, và phân tích báo cáo tài chính: 

1.1.1. Toán tài chính và định giá

1. Giá trị thời gian của tiền (TVM – Time Value of Money)

Khái niệm giá trị thời gian của tiền là nền tảng quan trọng trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt khi áp dụng vào định giá các tài sản thay thế. Người học cần hiểu cách tính toán giá trị hiện tại (Present Value – PV) giá trị tương lai (Future Value – FV) để đo lường giá trị thực tế của dòng tiền qua thời gian.

Điều này đặc biệt hữu ích trong các tình huống đầu tư như: Bất động sản, Quỹ PE (Private Equity), Sản phẩm phái sinh. TVM cũng được sử dụng để định giá các tài sản không thanh khoản, nơi rủi ro cao hơn đòi hỏi mức chiết khấu phù hợp để phản ánh tính không chắc chắn của dòng tiền trong tương lai.

Kiến thức cơ bản về TVM

2. Phân tích rủi ro và lợi suất (Risk and Return)

Nhằm đánh giá hiệu quả đầu tư vào các quỹ đầu cơ (Hedge Funds) hay danh mục đầu tư thay thế. Người học cần nắm rõ các khái niệm:

    • Expected Return (Lợi suất kỳ vọng từ khoản đầu tư dựa trên xác suất xảy ra của các kết quả khác nhau)
    • Standard Deviation (Đo lường mức độ biến động của lợi suất, từ đó phản ánh rủi ro tổng thể của tài sản)
    • Sharpe Ratio (Đo lường hiệu suất đầu tư so với mức độ rủi ro đã chấp nhận, tập trung vào rủi ro tổng thể)
    • Sortino Ratio (Đánh giá hiệu suất đầu tư dựa trên mức rủi ro giảm giá, phù hợp hơn khi phân tích các quỹ đầu cơ hoặc tài sản có phân phối lợi suất không đối xứng)

3. Phân tán và tương quan (Diversification and Correlation)

Đa dạng hóa danh mục (diversification) và sự tương quan giữa các loại tài sản là chiến lược quan trọng để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào tài sản thay thế.

  • Đa dạng hóa bằng cách thêm các tài sản thay thế như bất động sản, hàng hóa, hoặc quỹ đầu cơ vào danh mục giúp giảm thiểu tác động của rủi ro phi hệ thống.
  • Các tài sản thay thế thường có mối tương quan thấp với tài sản truyền thống như cổ phiếu và trái phiếu, điều này làm giảm sự biến động tổng thể của danh mục đầu tư.

1.1.2. Kiến thức về kinh tế học

Kiến thức về Kinh tế học

Cung và cầu trong thị trường hàng hóa (Commodities) Chu kỳ kinh tế và đầu tư bất động sản (Real Estate)
Hiểu rõ mối quan hệ cung cầu là yếu tố cốt lõi để phân tích và định giá các loại hàng hóa như dầu, kim loại quý và các sản phẩm nông nghiệp.

  • Sự biến động trong cung cầu có thể xuất phát từ thay đổi sản lượng khai thác, biến động địa chính trị, hoặc thiên tai, ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá cả trên thị trường.
  • Ngoài ra, lạm phát và chính sách tiền tệ cũng có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh giá trị của tài sản thực như vàng và dầu mỏ, thường được coi là “hàng rào” bảo vệ trước rủi ro lạm phát.
Chu kỳ kinh tế tác động lớn đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến giá trị tài sản, tỷ suất sinh lời, và mức độ hấp dẫn đầu tư.

  • Trong giai đoạn tăng trưởng, nhu cầu bất động sản tăng, dẫn đến giá và lợi nhuận cao hơn.
  • Ngược lại, giai đoạn suy thoái thường kéo theo sự sụt giảm về giá trị và hiệu suất của các tài sản bất động sản.

Việc hiểu rõ chu kỳ này giúp nhà đầu tư dự đoán và tối ưu hóa danh mục đầu tư.

1.1.3. Phân tích báo cáo tài chính

Hiểu và phân tích dòng tiền (Cash Flow Analysis) là kỹ năng thiết yếu khi đầu tư vào tài sản thay thế, đặc biệt là tài sản thực (Real Assets) và quỹ đầu cơ (Hedge Funds).

  • Điều này bao gồm việc đánh giá các nguồn thu nhập, chi phí, và dòng tiền ròng từ các khoản đầu tư, từ đó xác định mức độ sinh lời và tính bền vững của các dòng tiền này.
  • Đối với tài sản thực như bất động sản, dòng tiền từ thuê hoặc bán tài sản sẽ được xem xét kỹ lưỡng, trong khi quỹ đầu cơ yêu cầu phân tích dòng tiền từ các chiến lược đầu tư phức tạp hơn.

Nắm vững cách tính toán IRR (Internal Rate of Return) là một phần quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả đầu tư thay thế.

  • IRR cho biết tỷ suất sinh lời kỳ vọng của một khoản đầu tư, giúp so sánh và lựa chọn giữa các cơ hội đầu tư khác nhau.
  • Đối với tài sản thay thế như vốn cổ phần tư nhân (Private Equity) hoặc dự án bất động sản, IRR thường được sử dụng để xác định giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai, hỗ trợ nhà đầu tư đưa ra quyết định tối ưu.

1.2. Yêu cầu tiếng Anh chuyên ngành

Chứng chỉ CFA là một kỳ thi theo tiêu chuẩn Quốc tế, yêu cầu học viên không chỉ am hiểu các kiến thức tài chính chuyên sâu mà còn phải có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo. Môn học Alternative Investments yêu cầu học viên nắm vững một loạt các thuật ngữ tài chính chuyên ngành.

Đây là những từ ngữ đặc thù trong lĩnh vực đầu tư thay thế mà bạn sẽ gặp phải trong các báo cáo tài chính, bài thi và các tài liệu học thuật. Một số thuật ngữ phổ biến bao gồm:

tiếng Anh chuyên ngành Alternative Investments CFA

Đọc và hiểu các báo cáo tài chính cũng là một kỹ năng quan trọng đối với học viên CFA, đặc biệt là khi phân tích tỷ suất lợi nhuận và các chiến lược đầu tư của các quỹ như Private Equity (PE), Hedge Funds, và REITs.

Để làm được điều này, học viên cần làm quen với các báo cáo tài chính của các quỹ này, bao gồm các chỉ số hiệu suất, báo cáo dòng tiền, và các thông tin chi tiết về danh mục đầu tư. Việc phân tích tỷ suất lợi nhuận như IRR (Internal Rate of Return), và các chiến lược đầu tư sẽ giúp hiểu rõ hơn về cách các quỹ vận hành và đánh giá cơ hội đầu tư.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận các tài liệu học thuật và báo cáo từ các nguồn uy tín sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình nghiên cứu. Một số trang web chuyên cung cấp các bài viết, blog, và báo cáo về Alternative Investments trên thị trường quốc tế bao gồm:

Từng tiếp xúc và nghiên cứu các tài liệu từ những nguồn này sẽ giúp học viên trang bị kiến thức vững vàng và cập nhật những xu hướng mới nhất trong lĩnh vực Alternative Investments, phục vụ hiệu quả cho việc học và thi CFA.

2. Tỷ trọng của môn Alternative Investment trong đề thi CFA

Nhìn chung tỷ trọng môn Đầu tư thay thế là như nhau ở 3 Level và có tỷ trọng tương đối nhỏ ở cả 3 cấp độ trong bài thi. 

Level Tỷ trọng Số lượng câu hỏi Số lượng công thức
Level 1 7 – 10% 13 – 18 Gần 15
Level 2 5 – 10% 4 – 8 Khoảng 20
Level 3 5 – 10% 8 – 13 Khoảng 5

3. Tổng quan môn học Alternative Investment

3.1. Alternative Investments CFA Level 1

Đây là môn học cung cấp góc nhìn tổng quát về loại hình công cụ đầu tư thay thế, tìm hiểu về bất động sản, vốn cổ phần tư nhân, hàng hóa. Hầu hết các tài sản đầu tư thay thế đều được nắm giữ bởi các nhà đầu tư tổ chức hoặc các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao, chủ yếu do có nhiều tính chất phức tạp và độ rủi ro cao.

Nội dung môn học Alternative Investments

3.1.1. Alternative Investment Features, Methods, and Structures

Học phần đầu tiên trong môn học Alternative Investments ở CFA Level 1 yêu cầu học viên phải hiểu các đặc điểm tổng quan của các công cụ đầu tư thay thế và lợi ích khi đầu tư vào các công cụ này, cũng như các phương pháp đầu tư đúng đắn. 

  • Mô tả các đặc điểm và loại hình đầu tư thay thế

Đầu tư thay thế (Alternative investments) bao gồm những tài sản hoặc phương thức đầu tư không thuộc các loại đầu tư truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, và tiền mặt. Các loại tài sản thay thế này có thể bao gồm:

    • Bất động sản (Real Estate)
    • Quỹ đầu cơ (Hedge Funds)
    • Vốn cổ phần tư nhân (Private Equity)
    • Hàng hóa (Commodities)
    • Cơ sở hạ tầng (Infrastructure)

Mỗi loại đầu tư thay thế này đều có những đặc điểm riêng biệt về rủi ro, tính thanh khoản, và cơ hội sinh lời, vì vậy học viên sẽ được học cách hiểu rõ sự khác biệt giữa chúng để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.

  • So sánh các phương pháp đầu tư

So sánh các phương pháp đầu tư

Học viên được hướng dẫn so sánh 3 phương pháp đầu tư chính:

    • Đầu tư trực tiếp (Direct Investment): Đây là phương pháp đầu tư mà nhà đầu tư tự đầu tư vào tài sản thay thế mà không qua trung gian.
    • Đầu tư chung (Co-investment): Phương pháp này cho phép nhà đầu tư tham gia cùng với các nhà đầu tư khác, như quỹ đầu tư hoặc công ty quản lý tài sản, để đầu tư vào một dự án hoặc tài sản cụ thể.
    • Đầu tư qua quỹ (Fund Investment): Đây là phương pháp phổ biến trong các khoản đầu tư thay thế, trong đó nhà đầu tư góp vốn vào một quỹ do các nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp điều hành.

Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, tùy vào mục tiêu và chiến lược của nhà đầu tư.

  • Mô tả quyền sở hữu đầu tư và các cấu trúc bồi thường trong đầu tư thay thế

Trong đầu tư thay thế, quyền sở hữu có thể phân chia giữa các nhà đầu tư. Một số mô hình quyền sở hữu phổ biến bao gồm sở hữu trực tiếp tài sản, quyền sở hữu qua cổ phiếu, hoặc quyền sở hữu thông qua các quỹ đầu tư. Các cấu trúc bồi thường trong đầu tư thay thế thường liên quan đến phí quản lý, phí hiệu suất và phần chia lợi nhuận. 

Alternative Investments Methods, Features, and Structures

Xem thêm: [Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 1: Alternative Investment Features, Methods And Structures

3.1.2. Hedge Funds

Hedge Funds – Quỹ phòng hộ hay quỹ đầu cơ – thường đầu tư vào các sản phẩm phức tạp và được quản lý linh hoạt, bao gồm một hoặc nhiều lớp tài sản. Các quỹ này thường sử dụng đòn bẩy, kết hợp vị thế mua và bán, cũng như các công cụ phái sinh để tối ưu hóa chiến lược đầu tư.

Mục tiêu chính của quỹ là tạo ra lợi nhuận cao, có thể ở mức lợi nhuận tuyệt đối hoặc được điều chỉnh theo rủi ro, nhằm giảm thiểu biến động tổng thể của danh mục đầu tư.

Học phần Hedge Funds

Học phần Hedge Funds trong môn Alternative Investment của Level 1 cung cấp kiến thức về các đặc điểm đầu tư của quỹ đầu cơ (hedge funds) và so sánh chúng với các loại tài sản khác. Nội dung học còn bao gồm mô tả các chiến lược đầu tư chính như sau:

  • Chiến lược phòng vệ chứng khoán vốn cổ phần, chiến lược mua bán dựa trên sự kiện – Event driven strategies
  • Chiến lược giá trị tương đối – Relative value strategies
  • Chiến lược cơ hội – Opportunistic strategies

Ngoài ra, học phần còn giúp học viên phân tích các yếu tố rủi ro, tiềm năng lợi nhuận, và khả năng đa dạng hóa của quỹ phòng ngừa rủi ro trong danh mục đầu tư.

Xem thêm: [Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 6: Hedge Funds

3.1.3. Investments in Private Capital: Equity and Debt

Quỹ đầu tư tư nhân (Investments In Private Capital) tập trung vào việc đầu tư vào các công ty tư nhân, các tổ chức không thuộc diện công ty đại chúng. Mục tiêu của quỹ là hỗ trợ các doanh nghiệp này phát triển bằng cách cung cấp vốn cho các hoạt động kinh doanh, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, hoặc mua lại các công ty khác.

Quỹ có thể lựa chọn đầu tư vào vốn cổ phần để trở thành một phần chủ sở hữu của công ty hoặc đầu tư vào vốn vay để nhận được lãi suất từ khoản vay. Môn học này cũng sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản và toàn diện về hai hình thức đầu tư phổ biến trong thị trường tư nhân là vốn chủ sở hữu và vốn nợ.

Bạn sẽ được tìm hiểu về các đặc điểm riêng biệt, cơ hội đầu tư và rủi ro tiềm ẩn của từng hình thức, đồng thời khám phá những lợi ích đa dạng hóa mà việc kết hợp cả hai hình thức này mang lại cho danh mục đầu tư.

Xem thêm: [Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 3: Investments In Private Capital: Equity And Debt

3.1.4. Real Estate and Infrastructure

Module 4 của chương trình CFA Level I về Đầu tư Thay thế (Alternative Investments) tập trung vào các loại tài sản không truyền thống, đặc biệt là bất động sản và cơ sở hạ tầng (Real Estate and Infrastructure). 

Đầu tư bất động sản (Real Estate) được chia thành hai hình thức: đầu tư trực tiếp với quyền sở hữu và quản lý tài sản, hoặc đầu tư gián tiếp thông qua các phương tiện tài chính như:

  • Chứng khoán bảo đảm bằng tài sản thế chấp
  • Quỹ đầu tư bất động sản (REITs)

Các hình thức này không chỉ mang lại lợi ích về thuế mà còn tăng cường khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Ngoài bất động sản, học phần còn nhấn mạnh đến vai trò ngày càng quan trọng của đầu tư cơ sở hạ tầng (Infrastructure), một lĩnh vực thường được tài trợ thông qua quan hệ đối tác công tư. Cơ sở hạ tầng bao gồm các khoản đầu tư với những lợi ích độc đáo như dòng tiền ổn định và tương quan thấp với các tài sản truyền thống.

  • Greenfield (các dự án mới xây dựng từ đầu)
  • Brownfield (các dự án đã hoàn thành và đang hoạt động)

Học phần cũng phác thảo các chiến lược và công cụ đầu tư thay thế, từ đó giúp học viên hiểu sâu hơn về đặc điểm, rủi ro, và lợi ích của từng loại tài sản, hỗ trợ xây dựng danh mục đầu tư hiệu quả hơn thông qua việc kết hợp các khoản đầu tư thay thế.

Xem thêm: [Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 4: Real Estate And Infrastructure

3.1.5. Natural Resources

Học phần thứ 5 trong môn Alternative Investments CFA Level I xoay quanh đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên (Natural Resources). Nó giải thích các đặc điểm quan trọng khi đầu tư vào các loại tài sản như đất thô, đất rừng và đất nông nghiệp, với trọng tâm là việc xác định giá trị tài sản dựa vào vị trí địa lý và chất lượng tài nguyên. Những yếu tố này có ảnh hưởng lớn đến tiềm năng sinh lời và mức độ ổn định của các khoản đầu tư này.

Bên cạnh đó, module cũng đi sâu vào đặc điểm của hàng hóa, phân biệt giữa:

  • Hàng hóa mềm (như nông sản)
  • Hàng hóa cứng (như kim loại quý và năng lượng)

Các phương pháp đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên cũng được đề cập, bao gồm việc sử dụng hợp đồng tương lai để bảo vệ giá trị và tối ưu hóa lợi nhuận. Cuối cùng, bài học phân tích các rủi ro và lợi nhuận liên quan đến đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên, lưu ý rằng đây là loại hình đầu tư có rủi ro cao hơn so với cổ phiếu và trái phiếu.

Học phần cũng giải quyết sự quan trọng ngày càng tăng của các tiêu chuẩn CFA ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trong việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư bền vững, giúp các nhà đầu tư cân nhắc các yếu tố này khi ra quyết định đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên.

Xem thêm: [Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 5: Natural resources

3.1.6. Alternative Investment Performance and Returns

Alternative Investment Performance and Returns là học phần thứ 6 trong môn học Alternative Investments CFA Level I, chuyên sâu về việc đo lường hiệu suất của các khoản đầu tư thay thế. Học phần này giải thích các đặc điểm độc đáo của các khoản đầu tư thay thế. 

Một ví dụ điển hình là hiệu ứng đường cong J (J-curve), mô tả xu hướng lợi nhuận tăng dần trong suốt chu kỳ đầu tư, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi chi phí và các khoản phí đầu tư có thể làm giảm lợi nhuận tạm thời.

J Curve

Hai chỉ số quan trọng thường được sử dụng để đo lường hiệu quả hoạt động của các công cụ đầu tư thay thế là:

  • IRR (Internal Rate of Return: Tỷ suất hoàn vốn nội bộ): IRR là lãi suất chiết khấu mà tại đó giá trị hiện tại (PV) của dòng tiền vào bằng với PV của dòng tiền ra. Chỉ số này được đánh giá cao vì phản ánh giá trị thời gian của dòng tiền, với ý nghĩa IRR càng cao thì hiệu quả đầu tư càng tốt.
  • MOIC (Multiple on Invested Capital): MOIC có ưu điểm là đơn giản và thường được sử dụng bởi các quỹ đầu tư tư nhân và nhà đầu tư bất động sản. MOIC không tính đến giá trị thời gian của dòng tiền, khiến nó kém hiệu quả hơn trong việc đánh giá các dự án dài hạn.

Xem thêm: [Tóm tắt kiến thức quan trọng] Module 2: Alternative Investment Performance And Returns

3.1.7. Introduction to Digital Assets

Module 7 trong chương trình CFA Level I trong phạm vị môn học Alternative Investments là giới thiệu về tài sản kỹ thuật số – Introduction to Digital Assets. Module cung cấp kiến thức cơ bản về công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger Technology – DLT), tài sản kỹ thuật số và các phương thức đầu tư liên quan. 

Công nghệ sổ cái phân tán được tạo ra nhằm giải quyết các hạn chế của sổ cái tập trung như thiếu minh bạch và dễ bị xâm nhập. DLT cho phép các giao dịch được ghi nhận và lưu trữ trên mạng lưới phân tán, đảm bảo tính minh bạch, an toàn, và giảm độ trễ.

  • Blockchain là một dạng sổ cái phân tán, ghi nhận các giao dịch trong các khối liên kết theo cơ chế đồng thuận như Proof of Work và Proof of Stake.
  • Các ứng dụng nổi bật của DLT bao gồm hợp đồng thông minh (smart contracts) và mạng lưới công nghệ phân tán (permissioned và permissionless networks)

Digital Assets là tài sản được lưu trữ và giao dịch dưới dạng điện tử, bao gồm:

  • Cryptocurrencies (Bitcoin, Ethereum, stablecoins, memecoins, và CBDCs – Central bank digital currencies)
  • Tokens (NFTs – Non-fungible tokens, utility tokens, security tokens, governance tokens)

Cryptocurrencies được thiết kế như phương tiện trao đổi trên mạng phi tập trung, trong khi tokens phục vụ các mục đích cụ thể như thanh toán, quản trị, hoặc đại diện quyền sở hữu.

Digital Assets trong môn học Alternative Investments CFA

So với tài sản tài chính truyền thống, tài sản kỹ thuật số có tính phi tập trung cao, nhưng giá trị nội tại thường không rõ ràng và chịu ít sự quản lý pháp lý.

Các phương thức đầu tư vào tài sản kỹ thuật số gồm:

  • Đầu tư trực tiếp thông qua ví điện tử
  • Đầu tư gián tiếp qua các sản phẩm như quỹ tín thác, hợp đồng tương lai, và cổ phiếu tiền điện tử

Ngoài ra, DeFi (tài chính phi tập trung) tận dụng công nghệ blockchain để xây dựng một nền tài chính mở, không phụ thuộc vào tổ chức trung gian, cho phép người dùng tự kiểm soát tài sản.

Các công cụ như token được hỗ trợ bằng tài sản giúp ghi nhận quyền sở hữu và cải thiện tính minh bạch trong giao dịch. Module này nhấn mạnh tiềm năng và những thách thức trong việc ứng dụng công nghệ và đầu tư vào tài sản kỹ thuật số trong bối cảnh hiện đại.

3.2. Alternative Investments CFA Level 2

Trong môn Alternative Investments CFA level 2, học viên sẽ đi sâu vào mô hình định giá các công cụ đầu tư phi truyền thống. Cụ thể, sẽ nghiên cứu các phương pháp định giá chuyên sâu, phù hợp với từng loại tài sản phi truyền thống, như bất động sản, hàng hóa, quỹ đầu tư tư nhân, quỹ phòng hộ, và tài sản hạ tầng.

Nội dung môn học Alternative Investments Level 2

3.2.1. Introduction to Commodities and Commodity Derivatives

Mở đầu cho môn học Alternative Investments của chương trình CFA Level 2 giới thiệu về hàng hóa và các công cụ phái sinh dựa trên hàng hóa (Introduction to Commodities and Commodities Derivative).

Học phần cung cấp cái nhìn toàn diện về hàng hóa và các công cụ phái sinh dựa trên hàng hóa, giúp nhà đầu tư hiểu rõ đặc tính, cơ hội và rủi ro liên quan đến loại tài sản này.

Hàng hóa là loại tài sản khác biệt so với cổ phiếu và trái phiếu, khi giá trị của chúng dựa trên công dụng trong tiêu dùng hoặc sản xuất. 

Hàng hóa được giao dịch trên thị trường giao ngay (spot market) hoặc thông qua hợp đồng tương lai và kỳ hạn (futures and forward contracts), nơi giá cả phản ánh cung cầu hiện tại hoặc được xác định cho giao dịch trong tương lai. 

Hàng hóa được phân chia thành các nhóm ngành chính:

  • Năng lượng (energy)
  • Lương thực (grains)
  • Kim loại nặng (industrial/base metals)
  • Động vật chăn nuôi (livestock)
  • Kim loại quý (precious metals)
  • Nông sản hàng hóa (softs/cash crops)

Mỗi ngành có các yếu tố cung cầu đặc thù như thời tiết, công nghệ, chính sách kinh tế, hoặc biến động địa chính trị.

Phân loại hàng hóa trong Alternative Investments

Vòng đời ngành hàng hóa phản ánh những thay đổi trong lưu trữ, thời tiết và sự kiện chính trị – kinh tế, tác động đến giá cả và độ co giãn cung cầu.

Các thành phần tham gia thị trường hàng hóa bao gồm người phòng vệ (hedgers), nhà giao dịch, sàn giao dịch, nhà phân tích, và cơ quan quản lý.

Thị trường hàng hóa có thể tồn tại trong trạng thái contango (giá tương lai cao hơn giá giao ngay) hoặc backwardation (giá tương lai thấp hơn giá giao ngay), ảnh hưởng đến các chiến lược đầu tư.

Lợi suất từ hợp đồng tương lai hàng hóa bao gồm ba thành phần chính:

  • Lợi suất giá (price return)
  • Lợi suất quay vòng (roll return)
  • Lợi suất tài sản thế chấp (collateral return)

Ngoài ra, hợp đồng hoán đổi hàng hóa (commodity swap) là công cụ phái sinh quan trọng giúp nhà đầu tư gia tăng hoặc giảm thiểu rủi ro, với nhiều loại như hoán đổi lợi suất tổng, lợi suất vượt mức, và hoán đổi cơ sở.

Có thể bạn quan tâm: Chinh phục Quantitative Methods CFA – môn học về phương pháp định lượng

3.2.2. Overview of Types of Real Estate Investment

Đầu tư bất động sản – Real Estate Investment, mang lại nhiều lợi ích như thu nhập ổn định dài hạn, bảo vệ khỏi lạm phát, tương quan thấp với cổ phiếu và trái phiếu, giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, đặc biệt phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn không yêu cầu cao về thanh khoản.

Học phần cung cấp một cái nhìn khái quát về các loại hình đầu tư bất động sản. Các loại hình bất động sản được phân loại theo dạng:

  • Tài sản (cư trú và không cư trú)
  • Vị thế đầu tư (đầu tư cổ phần và vốn nợ)
  • Công cụ đầu tư (niêm yết và tư nhân)

Bất động sản là loại tài sản đặc thù, giá trị lớn, chi phí giao dịch cao, thanh khoản thấp, yêu cầu quản lý phức tạp và khó định giá, đi kèm với các rủi ro từ cung cầu, định giá và vận hành. Tuy nhiên, nó có vai trò quan trọng trong danh mục đầu tư, góp phần tạo thu nhập, bảo vệ khỏi lạm phát và mang lại lợi ích thuế.

Các loại hình bất động sản

Cầu bất động sản chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô, thu nhập, nhu cầu nhà ở và môi trường kinh doanh, trong khi chu kỳ kinh doanh bất động sản luân phiên giữa dư cung và hụt cung. Đối với bất động sản thương mại, có hai loại chính là cư trú (nhà ở cho thuê) và không cư trú (bất động sản phục vụ sản xuất, kinh doanh), trong đó mỗi loại có đặc điểm riêng liên quan đến quản lý, vận hành và mức độ rủi ro.

Quá trình thẩm định bất động sản là bước quan trọng nhằm xác định các rủi ro và giá trị thực của tài sản.

  • Thẩm định bao gồm đánh giá thị trường, nhu cầu cho thuê, chi phí thuê lại, hồ sơ tài chính, thực địa và tuân thủ pháp lý.
  • Việc này giúp nhà đầu tư nhận diện các rủi ro tiềm ẩn, đảm bảo tính minh bạch và phù hợp với quy định pháp luật. 

Ngoài ra, học phần cũng cung cấp thông tin về các chỉ số đầu tư bất động sản, bao gồm chỉ số thẩm định và chỉ số giao dịch. Các chỉ số này thường có độ trễ trong định giá, khiến chúng phản ánh chậm biến động thị trường và có thể đánh giá quá cao lợi ích của bất động sản trong danh mục đầu tư. 

3.2.3. Investment in Real Estate through Publicly Traded Securities

Trong chương trình CFA Level 2, học phần thứ ba của môn Alternative Investment CFA Level 2 tập trung vào việc đầu tư bất động sản thông qua các loại chứng khoán bất động sản niêm yếtInvestment in Real Estate through Publicly Traded Securities.

Publicly Traded Real Estate Securities – Chứng khoán bất động sản niêm yết (REITs, REOC, MBS) cung cấp cách tiếp cận gián tiếp vào tài sản bất động sản với yêu cầu vốn thấp hơn so với đầu tư trực tiếp.

  • Real estate investment trusts – REITs, phải đáp ứng nhiều điều kiện pháp lý, như phân bổ 90-100% thu nhập chịu thuế, để hưởng ưu đãi thuế.
  • Real estate operating companies – REOCs không được miễn thuế nhưng có tính linh hoạt cao hơn và tiềm năng tăng trưởng lớn.
  • Mortgage-backed securities (MBS) liên quan đến việc thu nhập từ danh mục cho vay thế chấp bất động sản.

Chứng khoán BDS niêm yết

Định giá chứng khoán bất động sản niêm yết chủ yếu dựa vào giá trị tài sản ròng trên cổ phiếu (NAVPS), Dòng tiền từ hoạt động (FFO), Dòng tiền điều chỉnh từ hoạt động (AFFO), và các phương pháp chiết khấu dòng tiền.

  • NAVPS là công cụ quan trọng để so sánh giá cổ phiếu với giá trị thực, nhưng cũng cần kết hợp nhiều phương pháp khác để đảm bảo độ chính xác.
  • FFO và AFFO đo lường hiệu suất hoạt động và khả năng chi trả cổ tức của REITs, với AFFO phản ánh tốt hơn thu nhập kinh tế thực tế.

Đầu tư vào bất động sản niêm yết có tính thanh khoản, minh bạch cao và chi phí thấp, phù hợp với nhà đầu tư ở mọi quy mô. Tuy nhiên, chúng cũng có những nhược điểm như biến động cao và tương quan lớn với thị trường cổ phiếu.

So với bất động sản tư nhân, các lợi ích từ REITs nằm ở khả năng quản lý chuyên nghiệp và sự đa dạng hóa danh mục, nhưng bị giới hạn bởi cấu trúc pháp lý và sự phụ thuộc vào quản lý doanh nghiệp.

3.2.4. Hedge Funds Strategy

Module 4 của môn Alternative Investments trong chương trình CFA Level 2 giới thiệu các chiến lược quỹ phòng hộ (Hedge Fund Strategies), đặc biệt là các đặc điểm và phân loại chiến lược của quỹ phòng hộ. 

Hedge Funds có những đặc điểm nổi bật như:

  • Ít ràng buộc về pháp lý
  • Linh hoạt trong các hoạt động đầu tư
  • Khả năng tiếp cận nhiều loại tài sản ngoài các công cụ truyền thống
  • Sẵn sàng thực hiện các chiến lược liều lĩnh

Chúng cũng sử dụng đòn bẩy để tối ưu hóa lợi nhuận và có tính thanh khoản hạn chế để duy trì các vị thế. Tuy nhiên, phí đầu tư của quỹ phòng hộ khá cao, bao gồm chi phí quản lý và hoa hồng.

Chiến lược phân loại quỹ phòng hộ

Các chiến lược quỹ phòng hộ có thể được phân loại theo các tiêu chí sau:

  • Chiến lược liên quan đến vốn chủ sở hữu (Equity): Tập trung vào thị trường vốn cổ phần, trong đó rủi ro chính liên quan đến sự biến động của giá cổ phiếu và các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
  • Chiến lược liên quan đến sự kiện (Event): Tập trung vào các sự kiện của doanh nghiệp, như mua bán sáp nhập hoặc các tình huống có thể dẫn đến sự thay đổi lớn về giá trị của công ty hoặc chứng khoán của công ty đó. Rủi ro chính là sự bất lợi từ các sự kiện này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến công ty hoặc tài sản của công ty.
  • Chiến lược giá trị tương đối (Relative value): Tìm kiếm cơ hội đầu tư bằng cách so sánh giá trị giữa hai hoặc nhiều chứng khoán. Các rủi ro chủ yếu trong chiến lược này bao gồm rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản.
  • Chiến lược cơ hội (Opportunistic): Tìm kiếm cơ hội đầu tư giữa các cơ hội ở nhiều thị trường khác nhau, với rủi ro liên quan đến các tài sản mà quỹ đầu tư vào.
  • Chiến lược chuyên biệt (Specialist): Tập trung vào các thị trường đặc thù hoặc thị trường ngách, yêu cầu kỹ năng đầu tư chuyên biệt hoặc kiến thức sâu rộng về lĩnh vực đó. Rủi ro trong chiến lược này thường đặc thù và có thể cao hơn.
  • Chiến lược nhiều nhà quản lý (Multi-manager): Xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng với nhiều chiến lược khác nhau, được quản lý bởi nhiều nhà quản lý khác nhau. Mục tiêu là giảm thiểu rủi ro và tận dụng sự đa dạng trong quản lý chiến lược.

Học phần Hedge Fund Strategies sẽ chỉ rõ cho bạn về đặc điểm, thực hiện chiến lược và vai trò trong danh mục đầu tư của các chiến lược quỹ đầu tư. Mỗi loại chiến lược đều có các rủi ro và cơ hội riêng, phản ánh mục tiêu đầu tư của các quỹ phòng hộ.

Có thể bạn quan tâm: CFA Ethics – Nguyên tắc đạo đức của một chuyên gia Tài chính

3.3. Alternative Investments CFA Level 3

3.3.1. Hedge Funds Strategy

Học phần Hedge funds trong phạm vi Level 3 CFA có cấu trúc và nội dung gần như đồng nhất với Level 2, chủ yếu củng cố và mở rộng các kiến thức đã được giới thiệu.

Ưu điểm

  • Quỹ phòng hộ (hedge funds) là một loại hình đầu tư với tính linh hoạt cao và ít ràng buộc pháp lý hơn so với các phương tiện đầu tư truyền thống.
  • Quỹ có khả năng tiếp cận đa dạng các công cụ đầu tư, bao gồm cả các tài sản ngoài nhóm truyền thống, và thường xuyên sử dụng đòn bẩy để tối ưu hóa lợi nhuận.

Hạn chế

  • Tuy nhiên, phong cách đầu tư của quỹ phòng hộ thường mang tính liều lĩnh, áp dụng các chiến lược rủi ro cao như bán khống hoặc giao dịch phái sinh.
  • Đồng thời, quỹ cũng đối mặt với những hạn chế về tính thanh khoản, tạo điều kiện cho các nhà quản lý duy trì vị thế lâu dài nhưng yêu cầu nhà đầu tư phải chịu chi phí đầu tư cao, bao gồm phí quản lý và hoa hồng.

Các chiến lược quỹ phòng hộ được phân loại thành nhiều nhóm chính:

Nhóm chiến lược Nội dung 
Nhóm chiến lược liên quan đến vốn chủ sở hữu Tập trung vào cổ phiếu, bao gồm các chiến lược như mua bán cổ phiếu hoặc trung lập thị trường, với rủi ro chính từ biến động của thị trường vốn cổ phần.
Nhóm chiến lược liên quan đến sự kiện Khai thác các cơ hội từ sáp nhập, mua bán hoặc tái cấu trúc doanh nghiệp, nhưng chịu rủi ro từ các yếu tố không lường trước ảnh hưởng đến công ty.
Chiến lược chuyên biệt Khai thác các thị trường ngách, yêu cầu kỹ năng và kiến thức đầu tư đặc thù
Chiến lược nhiều nhà quản lý Kết hợp nhiều chiến lược khác nhau trong danh mục đầu tư, chẳng hạn như quỹ đa chiến lược hoặc quỹ trong quỹ.
Các nhóm chiến lược khác Giá trị tương đối, tập trung vào việc tận dụng chênh lệch giá giữa các chứng khoán, và cơ hội, tìm kiếm các cơ hội đầu tư đa thị trường như vĩ mô toàn cầu hoặc hợp đồng tương lai.

Mỗi chiến lược đều mang những rủi ro riêng, đòi hỏi kỹ năng quản lý và kiến thức chuyên sâu để tối ưu hóa danh mục đầu tư.

3.3.2. Asset Allocation to Alternative Investments

Asset allocation – Phân bổ tài sản là một phần cốt lõi trong quản lý đầu tư thay thế, yêu cầu sự quản trị hiệu quả để đảm bảo các quyết định được đưa ra bởi những người có năng lực và đủ thẩm quyền.

Quá trình này bao gồm:

  • Xác định mục tiêu đầu tư dài hạn và ngắn hạn
  • Phân bổ quyền và trách nhiệm giữa các đơn vị quản lý
  • Xây dựng phân bổ tài sản chiến lược
  • Thiết lập hệ thống giám sát tiến độ đạt được mục tiêu

Bảng cân đối kinh tế không chỉ bao gồm tài sản và nợ tài chính mà còn tính đến các yếu tố phi tài chính, giúp lựa chọn phân bổ tài sản tối ưu.

Cách tiếp cận phân bổ tài sản

Cách tiếp cận phân bổ tài sản có thể được phân thành 3 loại chính:

  • Tập trung vào tài sản (asset-only)
  • Định hướng theo nợ (liability-relative)
  • Dựa trên mục tiêu (goals-based)

Cách tiếp cận asset-only tập trung quản lý rủi ro tài sản, liability-relative tập trung vào khả năng đáp ứng các khoản nợ, trong khi goals-based ưu tiên đạt được mục tiêu tài chính cụ thể.

Các nhóm tài sản được sử dụng như đơn vị phân tích chính, yêu cầu tính đồng nhất, loại trừ lẫn nhau, và đa dạng hóa. Các yếu tố rủi ro, thường liên quan đến rủi ro hệ thống, mang lại lợi nhuận kỳ vọng cao nhưng đòi hỏi phương pháp phân tích phức tạp để xác định.

Có thể bạn quan tâm: Economics CFA có khó không? Điểm qua kiến thức 3 level

4. Những kỹ năng sẽ đạt được từ Alternative Investments CFA 

Sau khóa học, học viên sẽ nắm vững:

Kỹ năng  Kiến thức đạt được
Kỹ năng phân tích chiến lược đầu tư của quỹ phòng hộ Bao gồm việc đánh giá các chiến lược phổ biến như:

  • Long/short equity (mua cổ phiếu tiềm năng và bán khống cổ phiếu kém hiệu quả)
  • Arbitrage (tìm kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch giá giữa các thị trường)
  • Global macro (dựa trên dự đoán biến động kinh tế toàn cầu).

Ngoài ra, học viên sẽ được tìm hiểu và phân tích các chiến lược khác, qua đó hiểu rõ cách chúng đóng góp vào lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro trong danh mục đầu tư.

Kỹ năng quản lý yếu tố rủi ro và lợi nhuận Nhận diện các yếu tố rủi ro cụ thể của các tài sản phi truyền thống, như rủi ro thanh khoản, rủi ro pháp lý, hoặc rủi ro thị trường.

Học viên sẽ học cách cân nhắc lợi nhuận kỳ vọng và rủi ro liên quan để đưa ra các quyết định đầu tư tối ưu, đảm bảo hiệu quả dài hạn cho danh mục đầu tư.

Kỹ năng ra quyết định phân bổ tài sản Khả năng phân tích và đánh giá các ràng buộc như thanh khoản, quy định pháp lý, và sở thích của nhà đầu tư.

Từ đó, học viên có thể tối ưu hóa việc phân bổ tài sản vào các công cụ đầu tư phi truyền thống, nhằm tối đa hóa giá trị và hiệu quả hoạt động của danh mục đầu tư.

Đánh giá vai trò của các khoản đầu tư phi truyền thống Biết cách áp dụng các kiến thức định lượng và định tính để đưa ra các quyết định đầu tư chiến lược và hiệu quả.

Bao gồm sử dụng các phương pháp định giá, phân tích rủi ro-lợi nhuận, và các công cụ phân bổ tài sản để xây dựng danh mục đầu tư phù hợp với mục tiêu của nhà đầu tư hoặc tổ chức.

Những kiến thức, kỹ năng này góp phần hỗ trợ học viên trong việc quản lý tài sản cá nhân hoặc chuyên nghiệp, đồng thời cung cấp nền tảng để làm việc tại các công ty quản lý quỹ, tổ chức tài chính, hoặc các vị trí tư vấn đầu tư chuyên sâu.

Kỹ năng đạt được từ Alternative Investments CFA

5. Một vài kinh nghiệm học tập, ôn luyện thi môn học Alternative Investments

Để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi môn học Alternative Investments, việc có một chiến lược học tập và ôn luyện hợp lý là vô cùng quan trọng.

Dưới đây là một vài kinh nghiệm hữu ích được rút ra từ các học viên tại SAPP, hy vọng sẽ giúp bạn tiếp cận và nắm vững các kiến thức trong môn học này, từ việc hiểu rõ các khái niệm cơ bản đến việc áp dụng chúng vào các bài thi.

5.1. Hiểu rõ cấu trúc, tỷ trọng môn học và phân bổ thời gian ôn tập hợp lý

Môn Alternative Investments (Đầu tư tài sản thay thế) trong kỳ thi CFA Level I chiếm tỷ trọng từ 5 – 8% tổng số điểm, một tỷ lệ khá nhỏ so với các môn học khác. Tuy nhiên, đây là một phần quan trọng giúp bạn củng cố kiến thức và gia tăng điểm số nếu được ôn luyện kỹ lưỡng.

Nội dung của môn học này bao gồm các loại tài sản thay thế đặc trưng, chẳng hạn như bất động sản, quỹ đầu tư tư nhân, hàng hóa, và quỹ phòng hộ, mỗi loại đều có những đặc điểm và phương pháp định giá riêng biệt.

Với tỷ trọng 5 – 8%, bạn chỉ cần dành khoảng 5 – 8% tổng thời gian ôn tập cho môn học này, tương đương với khoảng 15-24 giờ học.

Kinh nghiệm 1 khi học Alternative Investments CFA

Do tính chất đặc thù của môn học, bạn không cần phải đầu tư quá nhiều thời gian như các môn học khác, nhưng vẫn cần chú trọng vào những phần trọng điểm.

Các chủ đề như định giá tài sản thay thế và những đặc điểm riêng biệt của từng loại tài sản là rất quan trọng. Nếu bạn có thể làm quen với các dạng câu hỏi thường gặp trong đề thi CFA Level I liên quan đến môn học này, bạn sẽ có thêm sự tự tin và khả năng giải quyết bài thi một cách hiệu quả.

5.2. Xác định các phương pháp học tập phù hợp

Việc lựa chọn phương pháp học tập phù hợp tùy thuộc vào thói quen và phong cách học của mỗi học viên. Các phương pháp này có thể được áp dụng vào mọi giai đoạn học, từ việc chuẩn bị trước bài giảng, tham gia lớp học, cho đến ôn tập sau buổi học. 

Kinh nghiệm 2 khi học Alternative Investments CFA

Dưới đây là những cách tiếp cận bài giảng mà học viên có thể tham khảo và áp dụng xuyên suốt quá trình học để đảm bảo giai đoạn học kiến thức hiệu quả, giúp nắm vững và áp dụng kiến thức một cách tốt nhất.

Thời điểm Phương pháp học
Trước buổi học
  • Tổng quan bài giảng: Nghiên cứu trước mục tiêu học tập (LOS), sườn nội dung bài giảng để có cái nhìn tổng quan về những gì cần học.
  • Thuật ngữ chuyên ngành: Nếu gặp khó khăn với tiếng Anh, chủ động tìm hiểu trước nghĩa tiếng Việt của các thuật ngữ trong bài (với học viên yếu tiếng Anh) và ghi chú trước vào slide bài giảng.
  • Chi tiết bài giảng: Xem qua nội dung bài học và ghi chú lại các phần muốn làm rõ hơn trong buổi học với giảng viên.
Trong buổi học
  • Ghi chú bài giảng: Ghi chú ngắn gọn cách hiểu của mình đối với mỗi phần kiến thức trong quá trình nghe giảng, để dễ dàng hệ thống lại sau này.
  • Thảo luận phân tích: Thảo luận và đặt câu hỏi tương tác với giảng viên về những phần cần làm rõ hoặc liên hệ thực tế (được xác định tại giai đoạn trước buổi học).
  • Xác định mức độ ưu tiên: Chủ động làm rõ với giảng viên về các điểm kiến thức trọng tâm, nền tảng cần nắm để phân bổ thời gian ôn tập hợp lý sau buổi học
Sau buổi học
  • Phân bổ thời gian: Phân bổ thời lượng ôn tập lý thuyết hợp lý, tập trung vào các phần kiến thức trọng tâm và nền tảng của mỗi phần kiến thức (được xác định tại giai đoạn trong buổi học). Đảm bảo bạn không bỏ sót các khái niệm quan trọng và nắm vững nội dung bài học.
  • Rà soát: Sử dụng checklist để kiểm tra nhanh và đảm bảo đã hiểu được các kiến thức đã học. Nếu phát hiện ra những phần kiến thức còn thiếu sót, hãy nghiên cứu lại ngay để không để những lỗ hổng kiến thức kéo dài.
  • Tổng hợp: Tạo mind map là một cách hiệu quả để tổng hợp lại những kiến thức đã học, giúp bạn liên kết các ý tưởng và khái niệm.
    • Việc này giúp bạn có cái nhìn tổng quan về môn học, đặc biệt khi khối lượng kiến thức trong chương trình CFA khá lớn.
    • Mind map sẽ giúp bạn dễ dàng nhớ lại các mối liên hệ giữa các phần kiến thức trong mỗi module.
  • Ghi nhớ:
    • Tạo flashcards cho các công thức và thuật ngữ quan trọng, sau đó ôn lại chúng thường xuyên để củng cố trí nhớ.
    • Bạn có thể sử dụng tính năng Flashcards trên Learning Ecosystem của Viện CFA để theo dõi và ôn tập hiệu quả hơn.
  • Luyện tập:
    • Hoàn thành bài tập từ các nguồn Curriculum, Question bank nhằm củng cố các kiến thức đã học, xác định sớm lỗ hổng kiến thức và ôn tập lại nếu cần.
    • Có thể sử dụng tính năng Practice (thay thế câu hỏi Curriculum) trên Learning Ecosystem để thuận tiện hơn trong quá trình theo dõi tiến độ làm bài tập.

6. Tạm kết

Tóm lại, môn học Alternative Investments CFA cung cấp những kiến thức quan trọng về các loại tài sản thay thế như bất động sản, quỹ đầu tư tư nhân, hàng hóa và quỹ phòng hộ. Đây là một phần thi không thể thiếu trong kỳ thi CFA Level I, mặc dù tỷ trọng không quá lớn, nhưng nếu nắm vững các khái niệm và phương pháp định giá, bạn sẽ dễ dàng đạt được điểm số cao.

Nếu bạn đang tìm kiếm một môi trường học tập chất lượng để nâng cao kiến thức và chuẩn bị cho kỳ thi CFA, hãy đăng ký học thử tại SAPP. Với chương trình giảng dạy chuyên sâu và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, SAPP sẽ giúp bạn vững vàng trên con đường chinh phục CFA. 

Liên hệ với SAPP qua Fanpage hoặc Website nếu cần bất cứ hỗ trợ nào nhé!

Chia sẻ
Chia sẻ
Sao chép
Bài viết liên quan
[Tìm hiểu] Chỉ số ROE là gì? Chỉ số ROE bao nhiêu là tốt?

Tỷ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu – ROE là thước đo khả...

3 Lý Do Khiến Chứng Chỉ CFA Giúp Sinh Viên Tài Chính Xin Việc Thành Công

Việc có công việc “xịn sò” sau khi tốt nghiệp luôn là áp lực lớn...

Vì sao các nhà đầu tư quay lưng với cổ phiếu Netflix?

Tại sao các nhà đầu tư quay lưng với cổ phiếu Netflix? Cùng tìm hiểu...

#1 Chứng Quyền Có Bảo Đảm Là Gì & Kiến Thức Cần Biết

 Chứng quyền có bảo đảm, tiếng anh là Covered warrant (CW) chính là loại chứng...

[Mới Nhất] Những Cập Nhật Chính Thức Trong Kỳ Thi CFA Từ Năm 2024

Viện CFA chính thức công bố một vài thay đổi đáng kể cho kỳ thi...

Lạm phát – Nhà đầu tư cần thận trọng

Lạm phát có thể gây nên nhiều ảnh hưởng tồi tệ đến toàn bộ hệ...

Bí quyết ôn thi CFA từ học viên đạt Top 10% CFA Level 1 trên thế giới 

“Kỳ thi CFA thực sự không dễ dàng, nhưng nhờ có chiến lược ôn thi...

CFA Level 1 – Từ A đến Z những thông tin bạn cần biết cho kỳ thi 2025

CFA Level 1 là khóa học đang được nhiều người quan tâm nhất trong khoá...